Lời Sống
Tháng Ba 2024
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới
tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Thánh vịnh 51, 12)
Câu Kinh thánh đưa ra cho
mùa Chay này nằm trong Thánh vịnh 51, câu 12, ở đây chúng ta tìm thấy lời kêu cầu
cảm động và khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi
mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”. Bản văn được biết đến với tên “Xin
thương xót”. Ở đây cái nhìn của tác giả bắt đầu từ việc khám phá ra những nơi ẩn
náu của tâm hồn con người để nhận ra những đường nét sâu xa nhất của tình trạng
hoàn toàn bất xứng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và, cùng lúc, khám phá ra
niềm khao khát khôn thỏa được hiệp thông hoàn toàn với Đấng ban mọi ơn lành và
lòng xót thương.
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”
Thánh vịnh lấy ý từ câu
chuyện nổi tiếng trong cuộc đời vua Đa-vít. Được Thiên Chúa kêu gọi chăm lo cho
dân Ít-ra-en và hướng dẫn dân trên bước đường vâng phục Giao ước với Thiên Chúa,
ông đã phản bội sứ mạng của mình: sau khi phạm tội ngoại tình với Bét-sa-bê,
ông còn ra lệnh giết chồng bà là U-ri-a, một vị tướng trong quân đội ngoài chiến
trận. Tiên tri Na-than đã tiết lộ mức độ nghiêm trọng nơi tội ác của vua và
giúp ông nhận tội. Đó là giây phút thú nhận tội mình và hòa giải với Thiên
Chúa.
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”
Tác giả thánh vịnh đặt
trên miệng vua những lời kêu cầu rất thống thiết, nhưng chúng trào ra từ sự ăn
năn sâu xa và từ niềm tin tưởng hoàn toàn nơi sự tha thứ của Thiên Chúa: “xin
xóa bỏ”, “xin rửa con”, “xin thanh tẩy con”. Đặc biệt trong câu trích dẫn trên,
tác giả dùng động từ “xin tạo ra” để cho thấy rằng sự giải phóng hoàn toàn khỏi
sự mỏng dòn của con người chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được. Đó chính là ý
thức rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta nên những thụ tạo mới với
“tâm hồn trong trắng”, bằng cách đổ đầy tinh thần làm sống động của Người, ban
cho chúng ta niềm vui đích thực và biến đổi tận gốc mối quan hệ của chúng ta với
Thiên Chúa (tinh thần chung thủy) và với những người khác, với thiên nhiên và
vũ trụ.
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”
Làm thế nào có thể đem thực
hành Lời Sống này? Bước đầu tiên là nhận biết mình là kẻ tội lỗi và cần được
Chúa tha thứ, trong thái độ tin tưởng hoàn toàn nơi Người.
Những sai lầm lặp đi lặp lại
có thể làm cho chúng ta nản lòng, chúng đóng kín ta vào chính mình. Lúc đó cần
phải để cho cánh cửa tâm hồn ta hé mở. Chị Chiara Lubich đã viết vào những năm
đầu thập niên 1940 cho một người cảm thấy không thể bước qua những nỗi khổ của
mình: “Cần phải để tâm hồn vươn lên trên mọi ý nghĩ. Và tin rằng Chúa Giê-su bị
lôi kéo đến với chúng ta qua việc khiêm tốn, tin tưởng và mến yêu giãi bày những
tội lỗi của ta. Về phía mình, chúng ta chỉ có và chỉ thực hiện những cái khốn
cùng. Còn Người, đối với chúng ta, Người chỉ có một phẩm chất: lòng xót thương.
Tâm hồn chúng ta chỉ có thể kết hiệp với Người bằng cách dâng lên Người như lễ
dâng duy nhất, không phải những nhân đức của chúng ta mà những tội lỗi của
mình! […] nếu Chúa Giê-su đã đến trần gian, nếu Người đã nên người phàm, nếu có
điều gì Người mong mỏi thì đó chỉ là nên Đấng cứu độ. Nên thầy thuốc! Người
không mong mỏi điều gì khác.” (C. Lubich, Thư 1943-1960)
“Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”
Sau đó khi đã được giải
thoát và tha thứ, và nhớ đến sự trợ giúp của những người anh em, bởi vì sức mạnh
của người Ki-tô đến từ cộng đoàn, chúng ta hãy bắt tay mến yêu cách cụ thể bất
kỳ người thân cận nào. “Điều Người đòi chúng ta là lòng thương yêu nhau, sự phục
vụ, thông cảm, tham dự vào những đau khổ, lo âu, niềm vui của những người anh
chị em; lòng yêu thương bao dung, tha thứ mọi sự, đặc biệt theo Đức Ki-tô” (C.
Lubich, Lời Sống tháng năm 2002). Sau cùng, Đức thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Sự
tha thứ của Thiên Chúa […] là dấu chỉ lớn nhất về lòng thương xót của Người. Món
quà mà mỗi người […] sau khi đã được tha thứ được mời gọi chia sẻ với mỗi người
anh chị em họ gặp. Tất cả mọi người Chúa đặt bên cạnh chúng ta, người trong gia
đình, bạn hữu, bạn đồng nghiệp, người trong giáo xứ… tất cả, như chúng ta, đều
cần đến lòng xót thương của Thiên Chúa. Được tha thứ là điều tốt đẹp, nhưng cả
bạn, nếu bạn muốn được tha thứ, thì hãy bắt đầu thứ tha. Hãy tha thứ! […] để
nên những chứng nhân cho sự tha thứ của Chúa, điều thanh tẩy tâm hồn và biến đổi
cuộc sống” (Tiếp kiến chung, 30.4.2016).
Do Augusto Parody Reyes cùng ban biên tập thực hiện.