Lời Sống
Tháng Mười 2024
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai
muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44)
Đây là lần thứ ba trên cuộc hành trình lên
Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su chuẩn bị các môn đệ cho biến cố đau thương là cuộc
khổ nạn và cái chết của Người, nhưng chính những người gần gũi hơn cả lại tỏ ra
không hiểu gì.
Hơn thế, chính giữa các tông đồ lại xẩy ra một
cuộc tranh chấp: ông Gia-cô-bê và Gioan xin được giữ chỗ danh dự “trong vinh
quang của Người” (Mt 10,37), mười ông kia tỏ ra tức tối, cũng đòi như vậy và
nhóm môn đệ chia rẽ nhau.
Lúc đó Chúa Giê-su kiên nhẫn gọi tất cả các
ông lại và một lần nữa cho thấy sự mới lạ làm đảo lộn của lời Người loan báo:
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;
ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi
người”
Trong câu của Tin mừng Mác-cô này, có sự tăng
triển trong hình ảnh người đầy tớ-nô lệ. Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta từ một
thái độ sẵn sàng đơn giản trong một nhóm giới hạn và an hòa, đến thái độ hiến
mình hoàn toàn cho mọi người không trừ ai.
Một đề nghị hoàn toàn khác biệt và nghịch lại
ý niệm người ta có về quyền bính và cai trị, có lẽ lôi cuốn chính các tông đồ
và lây sang cả chúng ta.
Đây có phải là bí mật của lòng mến yêu Ki-tô
không?
“Một lời của Tin mừng không được chúng ta, những
tín hữu Ki-tô, nhấn mạnh nhiều: đó là phục vụ. Từ này xem ra cổ hủ, không xứng
với phẩm giá con người là cho đi và nhận được. Vậy mà đây là tất cả Tin mừng,
vì đó là lòng mến yêu. Và mến yêu nghĩa là phục vụ. Chúa Giê-su không đến để
sai khiến mà để phục vụ. […] Phục vụ, phục vụ lẫn nhau, là Ki-tô giáo và ai chỉ
thực thi điều này – và tất cả mọi người đều làm được – thì người đó đã làm tất
cả rồi; và đó không phải là tất cả cho chính mình, mà vì là đạo Ki-tô sống động,
nên nó làm bùng lên một đám cháy lớn” (Chiara Lubich, Servire, Nguyệt
san Citta Nuova số 12, 1973, p.13).
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;
ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi
người”
Gặp gỡ Chúa Giê-su nơi Lời của Người mở mắt
chúng ta, như anh mù Ba-ti-mê-ô trong những câu tiếp theo (Mc 10,46-52): cuộc gặp
gỡ giải phóng chúng ta khỏi sự tù túng của những chương trình của ta, làm cho
chúng ta chiêm ngắm được chính những chân trời của Thiên Chúa, chương trình “trời
mới đất mới của Người” (cf. 2 Phê-rô 3,13).
Người là Chúa, Người rửa chân, làm gương chống
lại thái độ cứng cỏi trong vai trò phục vụ mà thường những cộng đoàn dân sự, và
đôi khi những cộng đoàn tôn giáo của chúng ta dành cho những người yếu ớt trong
xã hội.
Việc phục vụ theo Ki-tô như vậy là bắt chước gương
của Chúa Giê-su, học nơi Người một kiểu hòa đồng mới: nên thân cận đến cùng với
mỗi người, trong bất kỳ điều kiện sống, xã hội hay văn hóa nào.
Như mục sư Giovanni Anziani thuộc giáo hội Mê-tô-đi
Van-đê đề xướng, “[…] khi chấp nhận đặt sự tín thác và hi vọng của chúng ta nơi
Chúa là người phục vụ mọi người, thì Lời Chúa đòi chúng ta hoạt động trong thế
giới của ta và giữa mọi sự mâu thuẫn của nó, như những người kiến tạo hòa bình
và công lý, như những người xây dựng những nhịp cầu hòa giải giữa các dân tộc”.
Ông Igino Giordani, nhà văn, nhà báo, nhà
chính trị và cha gia đình đã sống như vậy, trong giây phút lịch sử đánh dấu bởi
chế độ độc tài. Để nói lên kinh nghiệm của mình, ông đã viết: “Chính trị, theo
nghĩa Ki-tô xứng đáng nhất, là một đầy tớ và không được trở thành ông chủ:
không lạm dụng, cũng không bá chủ và cũng không giáo điều. Đây là chức năng và phẩm
giá của nó: đó là việc phục vụ xã hội, là bác ái trong hành động: hình thức bác
ái đầu tiên của quê hương” (P. Mazzola, Perle di Igino Giordani, Effata
Torino 2019, p.112).
Với chứng từ của cuộc sống, Chúa Giê-su đưa ra
một chọn lựa ý thức và tự do: đừng sống cho chính mình và cho những lợi lộc của
mình, mà “sống người khác”, với những tình cảm của họ, bằng cách nhận lấy những
gánh nặng cùa họ và chia sẻ niềm vui của họ.
Tất cả mọi người chúng ta đều có những trách
nhiệm lớn nhỏ và những khoảng quyền hành: trong lãnh vực chính trị và xã hội, và
cả trong gia đình, ở trường học, trong cộng đoàn đức tin. Chúng ta hãy dùng những
“chỗ danh dự” của mình để đặt mình phục vụ lợi ích chung, bằng cách xây dựng những
quan hệ công bằng và liên đới giữa con người.
Do Letizia Magri thực hiện cùng với ban Lời Sống