"Lạy Cha, Lạy Cha, Sao Cha Bỏ
Con?"
Suy Ngắm Về Mầu-Nhiệm Thánh-Giá
Nội Dung Tóm Lược
Bài Giảng ngày 15/3/2000 của ÐTGM N.V. Thuận:
Anh Ðổ Tấn Hưng và LM Phan Văn Hiền Chuyển Ngữ
Vatican, ngày 15 tháng 3
năm 2000
Thánh Phaolô
viết:"Lần đầu tiên tôi phải tự bào chửa trước tòa, không ai ở bên cạnh
tôi. Mọi người đã bỏ rơi tôi. Nhưng Chúa đã ở với tôi và tăng sức mạnh cho tôi,
để rồi ngay trong hoàn-cảnh đó tôi có thể rao truyền sứ-điệp của Ngài."
Với những lời đó của Thánh Phaolồ, Ðức Tổng Giám-Mục Phanxicô Xaviê
Nguyễn-Văn-Thuận đã bắt đầu ngày thứ tư của tuần lễ tĩnh-huấn cho Ðức Thánh
Cha. Hôm nay, Ðức Tổng Giám-Mục đã suy ngắm Chúa Kitô trên Thập-Giá, lắng nghe
từ tận đáy lòng mình tiếng kêu của Chúa Kitô: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Chúa
bỏ con?" "Sự bỏ rơi mà Thánh Phaolồ đã cảm-nghiệm, chính tôi cũng đã
từng chứng-nghiệm suốt 13 năm giam cầm trong lao-tù. Nhiều khi tôi cảm thấy bị
bỏ rơi, nhất là trong đêm 01 tháng mười hai năm 1975, khi tôi bị còng chung với
một tù-nhân và cùng với các tù-nhân khác, chúng tôi được dẫn bộ từ trại giam
xuống chiếc tàu thủy sẽ đưa chúng tôi ra miền Bắc, cách giáo-phận của tôi
khoảng 1,700 cây số. Tôi cảm thấy thật đớn đau về phương-diện mục-vụ,
tuy-nhiên, tôi có thể quả-quyết rằng Cha trên trời đã không bỏ rơi tôi, và Ngài
đã cho tôi sức mạnh."
"Có thể tất cả chúng
ta, ở vào những cảnh-ngộ khác nhau, đã hay đang trải qua những giờ phút bị bỏ
rơi. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi khi chúng ta bị nhận chìm trong cô-đơn và cảm
giác thất-bại; khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của thân-phận làm người và
tội-lỗi chúng ta. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi khi những sự hiểu lầm và bất
trung khuynh-đảo những tương-giao huynh-đệ của chúng ta; khi chúng ta nghĩ rằng
mình đang ở trong trạng-thái hổn loạn và tuyệt-vọng không có lối thoát; và khi
chúng ta cảm nghiệm được những khổ đau của Giáo-Hội và của quảng-đại
quần-chúng."
"Ðó là những 'đêm
tối của tâm-hồn', vắn hay dài, đã làm tối sầm sự hiện-diện của Thiên-Chúa trong
ta. Tuy-nhiên, Chúa vẫn ở gần ta và đã cho cuộc đời ta một ý-nghĩa. Trong những
khoảnh khắc đó, cho dẫu niềm vui và sự yêu-thương đều xem như bị dập tắt, chính
những lúc đó là khi chúng ta có thể hiểu tỏ-tường "mầu-nhiệm
thập-giá."
"Các thánh cũng đã
trải qua những đêm dài tuyệt-vọng, khi mà các ngài cảm thấy bị mọi sự và mọi
người bỏ rơi. Tuy nhiên, là những người đã thực-sự lão-luyện về tình yêu của
Chúa, họ không bao giờ ngại-ngùng bước theo con đường thánh-giá cho đến cùng,
để mặc cho thánh-giá soi dẫn và tôi-luyện, cho dẫu phải trả giá bằng chính
sinh-mạng của mình. Ðó là lề-luật Phúc-Âm: 'Nếu hạt giống gieo xuống đất mà
không bị hủy-diệt thì còn lại trơ-trọi, nếu bị hủy-diệt thì sẽ sinh nhiều hoa
trái.' Ðó cũng chính là lề-luật của Chúa Giêsu: cái chết của Ngài là
trung-thực, nhưng sự sống sung-mãn tuôn tràn từ cái chết đó lại càng trung thực
hơn nữa."
"Trong thư gởi cho
Giáo-Ðoàn Philipphê, Thánh Phaolồ trình bày Ðức Kitô "bị tước bỏ
thiên-tính của Ngài, nhận lấy 'thân phận tôi đòi' để 'nên giống con người' hoàn
toàn. Ðó là hình ảnh của một Thiên-Chúa 'tự hủy-diệt', 'dốc bỏ' chính mình Ngài
để tự hiến mạng sống mình vô điều-kiện, cho đến độ chết trên thập-tự-giá để
gánh hết mọi tội lỗi của nhân loại, và cho đến độ mặc dầu là "Ðấng vô
tội', 'Ðấng công-chính" Ngài đến trong trần-gian như một phàm-nhân
tội-lỗi. Ðó là sự trao-đổi kỳ-diệu giữa Thiên-Chúa và con người, mà Thánh
Augustinô mô tả như là cuộc "trao đổi tình yêu" và Thánh Lêo Cả gọi
là "trao đổi cứu rổi."
"Ðức Kitô gánh lấy
tội-lỗi nhân-loại nặng nề đến độ từ trên thập giá Ngài phải kêu lên cùng Chúa
Cha: "Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?" Ngài đã bị con người
phản-bội, những người thân-thuộc của Ngài không còn ở với Ngài, và giờ đây
Thiên-Chúa mà Ngài gọi là 'Cha' ('Abba'), cũng lặng thinh. Ðức Chúa Con cảm thấy
sự trống vắng của Chúa Cha, Ngài mất hẳn niềm vui của sự hiện-diện Chúa Cha.
Niềm xác quyết tuyệt đối sẽ không bao giờ bị bỏ rơi một mình, luôn luôn được
Chúa Cha nghe đến, và luôn thực thi thánh ý Chúa Cha, đã khiến Ngài kêu lên lời
khẩn-khoản bi-thiết trên đây."
"Ðó là tình-cảnh bị
bỏ rơi thê thảm dễ nhận thấy nhất mà Chúa Giêsu đã kinh-nghiệm trong cuộc sống
như Thánh Gioan Thánh-Giá đã mô tả. Như vậy Ðức Kitô đã bị hủy-diệt và
hoàn-toàn trở thành số không. Và cũng như Thánh Gioan Thánh-Giá tiếp-tục giải-thích,
chính khi Ngài bị bức bách, Ngài đã hoàn tất kỳ-công tuyệt-diệu nhất đối với
tất cả những gì mà Ngài đã thực-hiện trong suốt cuộc đời trần-thế, đầy dẫy
những phép lạ dấu kỳ. Với cái chết, Ngài đã hòa-giải và nối kết Thiên-Chúa với
loài người. Ở trong tình yêu năng động diệu kỳ của Thiên-Chúa, mọi đau khổ của
chúng ta đều được thâu nhặt và chuyển biến, mọi khoảng trống đều được lấp bằng,
mọi tội-lỗi đều được cứu chuộc. Việc chúng ta bị bỏ rơi và khoảng cách giữa
chúng ta với Thiên-Chúa đã được khỏa lấp đến tràn-trề."