GIỚI THIỆU BỨC TRANH SƠN MÀI “GIÁNG SINH” TẠI NHÀ NGUYỆN ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

(TTCG Cập nhật: 09/09/2010 11:31:12)

1. Tác giả

Hoạ sĩ HOÀNG TÍCH CHÙ và NGUYỄN TIẾN CHUNG là hai hoạ sĩ nổi tiếng trong các thập niên 1960-1990 trong lãnh vực tranh sơn mài đã vẽ bức tranh này.

- Hoàng Tích Chù (1912-2003), giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội (1956-1969), phụ trách Viện Mỹ nghệ Hà Nội, tác giả nhiều bức tranh được trưng bày tại Viện Mỹ thuật Việt Nam, Viện Bảo tàng Matxcơva.

- Nguyễn Tiến Chung (1914-1976) cũng là giảng viên Trường Mỹ Thuật Việt Nam (1955-1964), được mệnh danh là hoạ sĩ của đồng quê Việt Nam. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

2. Lịch sử bức tranh  

Khoảng năm 1942-1943, hai họa sĩ đã cho ra đời bức tranh tuyệt tác này. Ông Nguyễn Đệ, chánh văn phòng của hoàng đế Bảo Đại đã tặng bức tranh cho Đại Chủng viện Xuân Bích tại Liễu Giai (Hà Nội) không rõ chính xác năm nào và trong dịp nào.

Bức tranh đã theo chân chủng viện Liễu Giai vào miền Nam năm 1954, xuống Vĩnh Long, lên Thị Nghè, ra Huế, vào Đà Nẵng. Từ năm 1994, khi đại chủng viện Huế tái hoạt động, bức tranh lại được trang trọng treo tại vị trí cũ là cung thánh của chủng viện. Năm 1958, bức tranh được đem đi triển lãm tại Paris (Pháp). Tính đến nay, bức tranh đã được ngót nghét 70 tuổi.

3. Kích thước  

Toàn bức tranh có chiều rộng 224 cm, chiều cao 146 cm, chiều dày 1,8 cm, gồm 3 tấm ghép lại: hai tấm nhỏ hai bên (67cm x 146cm) và tấm ở giữa (90cm x 146cm).

 4. Nét độc đáo và ý nghĩa của bức tranh

Từ công đồng Vatican II, người ta nói nhiều về “hội nhập văn hoá”, đem nét đẹp văn hoá của mỗi quốc gia vào lĩnh vực tôn giáo (thần học, phụng tự, mỹ thuật tôn giáo...). Ít ai ngờ điều đó đã được hai hoạ sĩ không phải là công giáo thể hiện trên bức tranh sơn mài này từ những năm 1942-1943.

Bức tranh diễn tả biến cố giáng sinh của Chúa Cứu Thế trong khung cảnh đất nước và con người Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc: từ lối phục sức (áo tứ thân, vấn tóc, khăn đóng áo dài, áo bà ba), thảo mộc (cây trúc, cây dọc mùng, cây bông sứ), súc vật (bò, trâu), đồi núi (đá vôi), nhạc cụ (sáo trúc, đàn tỳ bà), đến cách diễn tả thuần á đông như vầng hào quang trên đầu, đám mục đồng quỳ gối, cúi đầu, ở xa xa nói lên ý tứ “kính nhi viễn chi”; màu sắc trầm tối bao quanh đám dân hèn tương phản với màu vàng sáng rực, biểu tượng của vua chúa ở giữa bức tranh.   

Nét độc đáo còn nằm nơi ý nghĩa tôn giáo mà hai tác giả đã lồng vào bức tranh. Con Thiên Chúa làm người trong thân phận một trẻ thơ bé bỏng nghèo khó, nằm tênh hênh không vải che thân, như muốn chia xẻ đến tận cùng (= nên một) với con người đang ở trong lầm than khốn khổ của tội lỗi và sự chết. Mầu nhiệm Nhập Thể lồng trong bối cảnh văn hóa và nếp sống của người Việt Nam được đặt trước mắt mọi chủng sinh mỗi khi họ đến tôn thờ Chúa và tham dự cử hành phụng vụ trong ngôi nhà nguyện này, như một lời nhắn nhủ, một sự thúc đẩy họ đem đạo vào đời, hội nhập văn hóa và hiệp thông với những người Việt Nam đồng bào.

Ý tưởng về hội nhập và hiệp thông đã được cha Nguyễn Văn Thích, một linh mục đạo đức thông thái của Huế, cảm hứng từ một đoạn của thánh thi Verbum Supernum thành đôi câu đối chữ Nho tặng cho đại chủng viện và được treo ở hai bên của bức tranh sơn mài này :

“Hậu ngô chi sinh giáng thế cánh thành ngô thánh lữ,

Bão ngã dĩ đức tuẫn thân hoàn tác ngã thần lương”

(dịch nghĩa: Vì rộng lòng thương chúng tôi, Người đã sinh xuống thế mà trở nên bạn thánh đồng hành với chúng tôi; Để nuôi sống chúng tôi, Người đã hiến thân hy sinh mà làm nên lương thực cho chúng tôi).

Hai câu đối này vừa diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể (giáng thế) - Cứu Chuộc (tuẫn thân), vừa nói lên khía cạnh nổi bật của mầu nhiệm ấy nơi bí tích Thánh Thể (thần lương) với Nhà Tạm được đặt ở dưới bức tranh, ở trung tâm của cung thánh là bàn thờ và cây Thánh Giá. Tất cả nói lên sự kết hợp hài hòa không chia cắt của hai mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.

Sự hội nhập văn hoá còn được diễn tả qua hai biểu tượng rất Á Đông, đó là tấm kính vạn hoa (rosace) hình tròn biểu tượng TRỜI ở trên cao, và đế hình vuông ở phía dưới nhà tạm là biểu tượng ĐẤT. 

Trong khung cảnh cuộc hội thảo tôn vinh cha Léopold Cadière, một nhà thừa sai trí thức ngoại quốc đã khéo hội nhập và hiệp thông với nền văn hóa của người Việt, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý vị bức tranh sơn mài này như một sự góp phần vào nền văn hóa dân tộc.

Xin mời quý vị thưởng làm bức tranh. 

Đại Chủng viện Huế

8.9.2010

Lm. Nguyễn Hữu Long