01-5
Đức Thánh cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 01/05/2022
Trưa
Chúa nhật, ngày 01 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi
đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với khoảng 10.000 tín hữu tại Quảng trường
thánh Phêrô.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong
bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin
mừng Chúa nhật thứ III Mùa Phục sinh, thuật lại cuộc gặp gỡ lần thứ ba của Chúa
Giêsu với các môn đệ sau khi sống lại. Phêrô nhảy xuống nước bơi đến gần Chúa
và mẻ cá lạ lùng của các môn đệ.
Mở đầu
bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật
tốt đẹp!
Bài Tin
mừng trong Phụng vụ Chúa nhật hôm nay (Ga 21,1-19) thuật lại lần hiện ra thứ ba
của Chúa Giêsu Phục sinh với các tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra cạnh hồ
Galilea và đặc biệt có liên hệ đến Simon Phêrô. Tất cả bắt đầu với thánh nhân,
khi ông nói với các môn đệ khác: “Tôi đi đánh cá” (v.3). Không có gì là lạ vì
Simon Phêrô là một ngư phủ, nhưng đã bỏ nghề này từ khi khi bỏ lưới để theo
Chúa Giêsu, cũng tại bờ hồ này. Và giờ đây, trong lúc Chúa Phục sinh để cho mọi
người chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thiếu tín thác, nên đã đề nghị với những người
khác trở lại cuộc sống trước đây. Và những người khác chấp nhận: “Cả chúng tôi
cũng đi với anh”. Nhưng Tin mừng kể: “đêm hôm đó họ chẳng bắt được gì” (v.3).
Điều
này cũng có thể xảy ra với chúng ta, vì mệt mỏi, vì thất vọng, và có thể là vì
lười biếng, chúng ta quên Chúa và lơ là với những chọn lựa lớn chúng ta đã đưa
ra, để hài lòng với một cái gì khác. Ví dụ, ta không dành thời giờ để nói
chuyện với nhau trong gia đình, thích những giải trí riêng; chúng ta quên cầu
nguyện, để cho những nhu cầu của mình lôi kéo hết; chúng ta chểnh mảng việc bác
ái, viện cớ là có những điều cấp thiết hằng ngày. Nhưng khi làm như thế, chúng
ta lại thất vọng: với những lưới trống rỗng, như xảy ra với Phêrô.
Còn
Chúa Giêsu, Ngài làm gì? Chúa trở lại bờ hồ, nơi Ngài đã chọn Phêrô, Anrê và
Gioan. Ngài không khiển trách, nhưng dịu dàng gọi các môn đệ “Hỡi các con”
(v.5). Rồi Chúa mời gọi họ, giống như trước đây, hãy thả lưới lần nữa, với lòng
can đảm. Và một lần nữa các lưới đều đầy ắp đến độ không tưởng tượng được. Anh
chị em thân mến, trong cuộc sống, khi các lưới trống rỗng, đó không phải là lúc
than khóc, hay tìm cách tiêu khiển, trở lại những thú tiêu khiển trước đây. Đó
là lúc tái khởi hành với Chúa Giêsu, tìm lại can đảm để bắt đầu lại, tái ra
khơi với Chúa.
Phêrô
cần có một sự “khích động” ấy. Khi nghe Gioan kêu lên “Chúa đó!” (v.7), ông
nhào ngay xuống nước và bơi lại gần Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ thương mến, vì
tình yêu đi xa hơn những gì là hữu ích, tiện lợi và điều phải làm; tình yêu tạo
nên sự kinh ngạc, gợi ý cho những đà sáng tạo, nhưng không. Cũng vậy đối với
Gioan, môn đệ trẻ nhất, ông nhận ra Chúa, và Phêrô, người cao niên nhất, nhào
xuống nước để bơi đến gặp Chúa. Trong sự nhào xuống đó có tất cả đà tiến được
Phêrô, gọi là Simon, tìm lại được.
Đức
Thánh cha nói tiếp: “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta được mời gọi tìm
được một đà tiến mới, hãy nhảy vào trong sự thiện mà không sợ bị mất mát điều
gì, không tính toán thái quá, không chờ đợi người khác bắt đầu. Vì để đi gặp
Chúa Giêsu, cần sự dấn thân quyết liệt. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có khả năng
thực hiện một sự nhảy vọt về lòng quảng đại, hoặc tôi cầm hãm những đà tiến của
con tim và tôi khép kín trong thói quen, trong sợ hãi? Nhảy vào, nhào xuống.
Vào
cuối giai thoại này, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”
(vv.15.16). Chúa Phục sinh, ngày hôm nay, củng hỏi chúng ta như vậy: “Con có
yêu mến Thầy không?” Vì vào lễ Phục sinh, Chúa Giêsu cũng muốn tâm hồn chúng ta
sống lại; vì đức tin không phải là vấn đề biết, nhưng là yêu mến. Con có yêu
mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi bạn, là người đang có những lưới trống rỗng, và
sợ bắt đầu lại; Ngài hỏi bạn là người không có can đảm nhào xuống và đã mất đà
tiến. “Con có yêu mến Thầy không”, Chúa Giêsu hỏi. Từ đó Phêrô từ bỏ luôn việc
đánh cá và dấn thân hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và anh chị em, tới độ đã hiến
mạng sống tại nơi chúng ta đang đứng đây. Và chúng ta, chúng ta có muốn yêu mến
Chúa Giêsu hay không?
Và Đức
Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì Đức Mẹ, người đã sẵn sàng thưa “Xin vâng” với
Chúa, giúp chúng ta tìm lại được đà tiến làm điều thiện.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi
đọc kinh và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước
sáng thứ Bảy, ngày 30 tháng Tư vừa qua, tại nhà thờ Chính tòa Milano, bắc Ý cho
cha Mario Ceceri và chị Armida Barelli. Cha Ceceri là một cha xứ miền quê thuộc
giáo phận Milano, chăm chỉ làm việc mục vụ, giải tội và giáo dục giới trẻ. Còn
chị Armida Barelli, sáng lập ngành thanh nữ của Phong trào Công giáo tiến hành,
và đồng sáng lập Đại học Công giáo Thánh Tâm tại nước này.
Đức
Thánh cha nói thêm rằng: Hôm nay là đầu tháng kính Mẹ Thiên Chúa và ngài mời
gọi các tín hữu mỗi ngày hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình.
Đức
Thánh cha đặc biệt nhắc đến cuộc tử đạo của thành phố cảng Mariupol, thành phố
của Đức Mẹ và tái kêu gọi mở một hành lang nhân đạo để di tản các thường dân bị
kẹt tại đây, đồng thời tha thiết kêu gọi đối thoại để đạt tới hòa bình, thay vì
bằng võ khí.
Đức
Thánh cha không quên nói đến ngày lễ Lao Động và đặc biệt nhắc đến tình trạng
quá nhiều công nhân bị thiệt mạng trong lúc làm việc tại Ý này.
Đức
Thánh cha cũng nói rằng ngày 03 tháng Năm tới đây là Ngày Thế giới về tự do báo
chí trên thế giới. Năm ngoái, có ít nhất 40 ký giả đã bị thiệt mạng trong đang
thi hành công việc thông tin của mình.
Sau
cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, và các phái
đoàn hành hương từ Ý và các nước khác. Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa
nhật an lành, đồng thời không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.