Tiếp
Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Chính Những Người Cao Niên Có Nhiệm Vụ Trả Lại
Danh Dự Cho Đức Tin
Photo:
Vatican Media
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 04/05/2022
Sáng
thứ Tư, 04 tháng Năm năm 2022 đã có gần 15.000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi
đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng
trường thánh Phêrô.
Trước
khi bắt đầu lúc 9 giờ, Đức Thánh cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào
thăm các tín hữu. Vì đau đầu gối nên Đức Thánh cha ngồi trên xe và thỉnh thoảng
có những em bé được nhân viên an ninh bế lên để ngài chúc lành đặc biệt cho các
em.
Lên tới
lễ đài, Đức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người đã
nghe đọc đoạn 6, trích từ sách Macabê quyển thứ hai (2 Mc 6.18.23-25):
“Có một người tên là Elizar, một trong những kinh sư quan
trọng, tuy tuổi đã cao, nhưng trông rất đẹp lão, Ông bị ép phải há miệng ăn
thịt heo... Nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao,
và uy thế của bậc lão thành. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay
ông xuống âm phủ, vì ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng và e rằng có
nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elizar đã 90 tuổi rồi mà còn sống theo lề
lối dân ngoại. Rồi bởi vì tôi đã giả vờ và ham sống thêm ít lâu nữa, nên họ bị
lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.”
Bài giáo lý
Trong
bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già và
trình bày bài thứ tám này với tựa đề:
“Elizar, sống phù hợp với niềm tin, gia sản danh dự”.
Mở đầu
bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong
hành trình giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta gặp một nhân vật Kinh thánh có
tên là Elizar, sống vào thời kỳ bách hại do Vua Antioco Epifane. Hình ảnh của
cụ già để cho chúng ta một chứng tá đặc biệt về tương quan giữa lòng trung
thành của tuổi già và danh dự đức tin. Tôi muốn nói đặc biệt về danh dự đức
tin, không phải chỉ nói về sự nhất quán, về sự loan báo, về sức kháng cự của
đức tin. Danh dự đức tin thường bị sức ép theo thời kỳ, kể cả sức ép bạo lực,
do văn hóa của những kẻ thống trị, họ tìm cách hạ nhục đức tin bằng cách coi
niềm tin như một đồ cổ, một thứ mê tín lỗi thời, một sự ngoan cố không hợp
thời.
Trình
thuật Kinh thánh, mà chúng ta vừa nghe một đoạn trên đây, kể lại giai thoại
người Do thái bị nhà vua ra lệnh bắt ăn thịt đã cúng tế cho các thần minh. Khi
đến lượt Elisar, một cụ già rất được mọi người kính trọng, các quan chức của
nhà vua khuyên cụ hãy làm bộ, nghĩa là già vờ ăn thịt nhưng không ăn thực sự,
và như thế Elizar sẽ được tha mạng, và những quan chức đó nói, nhân danh tình
bạn ông đã chấp nhận cử chỉ cảm thương và quí mến của họ. Họ nhấn mạnh rằng dầu
sao việc ăn thịt như thế chỉ là một cử chỉ bé nhỏ, không đáng kể gì.
Câu trả
lời điềm tĩnh và cương quyết của Elizar, dựa trên một lý luận gây ấn tượng cho
chúng ta. Điểm cốt yếu là: làm ô nhục niềm tin trong tuổi già để sống thêm được
ít ngày, không thể so sánh với gia sản mà tuổi già phải để lại cho những người
trẻ, cho toàn thể các thế hệ tương lai. Một cụ già sống trong sự phù hợp với
đức tin trọn đời, và giờ đây thích ứng với việc giả vờ từ bỏ niềm tin ấy, thì
sẽ làm cho thế hệ trẻ nghĩ rằng toàn thể đức tin là một sự giả vờ, một bộ áo
bên ngoài có thể bỏ đi, và họ nghĩ rằng mình có thể bảo tồn niềm tin ấy trong
nội tâm. Nhưng cụ Elizar nói: không phải như vậy. Một thái độ như thế không tôn
vinh đức tin, kể cả trước mặt Chúa. Và hậu quả của sự tầm thường hóa này sẽ
thật là tai hại cho toàn thể giới trẻ.
Chính
tuổi già ở đây là nơi quyết định, không thể thay thế được về chứng tá này. Giả
sử một cụ già, do sự dễ bị tổn thương của mình, chấp nhận coi nhẹ việc thực
hành đức tin, thì sẽ làm cho người trẻ tin rằng đức tin không có tương quan
đích thực nào với đời sống. Ngay từ đầu, niềm tin ấy đối với người trẻ như một
toàn bộ những thái độ, mà khi cần, ta có thể giả bộ hoặc che đậy, vì không có
thái độ nào là quan trọng dường ấy đối với cuộc sống.
Thuyết
ngộ tri lạc giáo (gnosi eterodossa) thời xưa là một cạm bẫy rất nguy hiểm đối
với Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên. Nó lập luận thế này: niềm tin là một
linh đạo, chứ không phải là một đường lối thực hành; một sức mạnh tinh thần,
chứ không phải là một hình thức sống. Lòng trung thành và danh dự đức tin, theo
lạc thuyết này, chẳng liên hệ gì tới cách cư xử trong cuộc sống, các tổ chức
của cộng đoàn, những biểu tượng của thân xác. Sự quyến rũ của quan niệm như thế
rất mạnh, vì nó giải thích, theo cách thế của mình, một chân lý không thể chối
cãi: đó là đức tin không bao giờ có thể thu hẹp vào một mớ những qui luật về
lương thực hay là đường lối thực hành trong xã hội. Điều bất hạnh là sự cực đoan
của thuyết ngộ giáo về chân lý này làm tiêu tán thực chất của đức tin Kitô, một
niềm tin phải được sống thực. Nó cũng làm cho chứng tá Kitô trở nên trống rỗng,
chứng tá ấy chứng tỏ những dấu chỉ cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống cộng
đoàn và sống lại sự sa đọa của tâm trí qua những cử chỉ của thân xác.
Cám dỗ
của thuyết ngộ tri vẫn luôn thời sự. Trong nhiều xu hướng của xã hội và văn hóa
của chúng ta, việc thực hành đức tin bị coi là tiêu cực, nhiều khi dưới hình
thức chế nhạo về văn hóa, nhiều khi dưới sự âm thầm gạt ra ngoài lề. Việc thực
hành niềm tin bị coi là cái vẻ bề ngoài vô ích và thậm chí còn có hại nữa, như
một tàn tích cổ xưa, như một sự mê tín được che đậy. Tóm lại, đó là thứ đồ cổ.
Sức ép mà sự phê bình bừa bãi đối với những thế hệ trẻ thật là mạnh mẽ. Chắc
hẳn chúng ta biết việc thực hành đức tin có thể trở thành bề ngoài vô hồn.
Nhưng tự nó, việc thực hành ấy không phải như vậy. Có lẽ chính những người già
chúng ta có nhiệm vụ trả lại danh dự cho đức tin. Việc thực hành đức tin không
phải là biểu tượng sự yếu đuối của chúng ta, nhưng đúng hơn là một dấu chỉ sức
mạnh. Chúng ta không phải là những đứa trẻ con. Chúng ta không đùa giỡn khi
chúng ta được đặt trên con đường của Chúa!
Đức tin
đáng được tôn trọng và vinh dự: đức tin đã thay đổi cuộc sống, thanh tẩy tâm
trí của chúng ta, đã dạy chúng ta thờ lạy Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đó
là một phúc lành cho tất cả chúng ta! Chúng ta không thay đổi niềm tin để được
sống ít ngày yên hàn. Với tất cả lòng khiêm tốn và cương quyết, chúng ta hãy
chứng tỏ rằng trong tuổi già của chúng ta, việc tin tưởng không phải là chuyện
cũ kỹ, lỗi thời. Và Chúa Thánh Linh, đổi mới mọi sự, sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.
Chào thăm và kêu gọi
Bài
huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần
lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của ngài.
Đặc
biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha thân ái chào thăm các tín hữu và nói:
“Hôm qua, chúng ta đã cử hành lễ trọng kính Đức Mẹ là Nữ Vương Ba Lan. Tại đền
thánh Jasna Góra, anh chị em đã tưởng niệm Đức Hồng y Wyszynski, người đã dạy
anh chị em hãy tín thác nơi Mẹ Maria trong những lúc khó khăn nhất trong lịch
sử anh chị em. Noi gương của người, anh chị em hãy phó thác cho Đức Mẹ số phận
của tổ quốc anh chị em và hòa bình tại Âu châu.”
Bằng
tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm nhiều phái đoàn khác nhau và sau cùng
như thường lệ, Đức Thánh cha chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và
các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: “vào đầu tháng Năm này, tôi mời gọi
tất cả mọi người hãy kính mến Mẹ của Chúa Giêsu với lòng tín thác con thảo; Anh
chị em hãy nhìn Mẹ như Thầy dạy về đời sống cầu nguyện và đời sống tâm linh.”
Buổi
tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.