Đức Thánh Cha Tôn Phong Mười Vị Hiển Thánh

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 15/05/2022

https://www.youtube.com/watch?v=aTCl5CZKWAY&t=2s (144phut KTO)

Lúc gần 10 giờ sáng, Chúa nhật 15 tháng Năm năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, với nghi thức tôn phong mười vị chân phước lên bậc hiển thánh.

Đây là lễ phong thánh đầu tiên từ hơn hai năm rưỡi tại Quảng trường này, vì đại dịch. Lần chót, Đức Thánh cha chủ sự lễ phong thánh là ngày 13 tháng Mười năm 2019, để tôn phong năm vị hiển thánh, đứng đầu là Đức Hồng y John Henry Newman (1801-1890), người Anh.

Trên mặt tiền Đền thờ, có treo hình mười vị thánh mới trên năm tấm thảm hình lớn, gồm sáu nam và bốn nữ, thuộc năm quốc tịch: năm Ý, ba Pháp và hai vị còn lại người Hòa Lan và Ấn Độ. Xét về bậc sống, có năm linh mục, bốn nữ tu và một giáo dân. Ngoài hai vị tử đạo, bảy vị đều là các vị sáng lập dòng, và vị còn lại, cha Charles de Foucauld, tuy không lập dòng nhưng từ linh đạo của cha đã có mười ba dòng tu được thành lập.

Hiện diện trong buổi lễ, có hơn 80.000 tín hữu thập phương. Phía bên trái bàn thờ có những hàng ghế dành cho các phái đoàn chính phủ các nước. Đứng đầu là Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn hai mươi hồng y và hàng trăm giám mục, và ít nhất 600 linh mục. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có một đoàn tín hữu Việt Nam hành hương từ Pháp.

Cạnh bàn thờ, có đặt các mặt nhật đựng các thánh tích của mười vị thánh mới.

Nghi thức phong thánh

Nghi thức phong thánh diễn ra vào đầu thánh lễ. Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, mọi người hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, rồi Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước Đức Thánh cha, cùng với mười vị thỉnh nguyện viên của các án phong, và thưa rằng: “Hội thánh xin Đức Thánh cha ghi tên vào sổ bộ các thánh mười vị chân phước và để mọi Kitô hữu kêu cầu các ngài như những vị thánh”.

Sau khi xướng danh các vị, Đức Hồng y Semeraro lần lượt tóm tắt tiểu sử của mười vị.

Mười vị thánh

Đứng đầu danh sách là hai vị tử đạo, gồm cha Titus Brandsma, người Hòa Lan thuộc Dòng Cát Minh Nhặt Phép, bị Đức quốc xã sát hại năm 1942; tiếp đến là giáo dân Lazaro Devasahayam Pillai, người Ấn Độ, từ Ấn giáo trở lại Công giáo và bị sát hại năm 1752.

Cha Titus Brandsma (1881-1942) người Hòa Lan, nguyên là một giáo sư trong nhiều năm trời, và cũng làm tuyên úy cho hiệp hội các ký giả Công giáo. Dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng Hòa Lan, với tư cách là tuyên úy, cha viếng thăm tòa soạn của các báo, và khuyến khích chống lại chế độ gian ác. Cha bị mật vụ Đức quốc xã bắt hồi tháng Giêng năm 1942 và ngày 26 tháng Bảy sau đó, cha bị chích thuốc độc trong trại tập trung Dachau ở miền nam Đức. Lúc ấy cha được 61 tuổi. Cha được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 03 tháng Mười Một năm 1985.

* Vị tử đạo thứ hai là giáo dân Lazaro Devasahayam (1712-1752), sinh năm 1712 tại Ấn Độ và phục vụ trong Hoàng gia của Vương quốc Ấn giáo ở Travancore, ngày nay thuộc bang Kerala miền nam Ấn. Năm 1745, khi được 32 tuổi, ông trở lại Công giáo và nhận tên thánh là Lazaro và trong tiếng địa phương Devasahayam có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Cuộc trở lại của Lazaro Devasahayam gây bất mãn nơi các thủ lãnh tôn giáo địa phương. Họ vu khống ông về tội làm gián điệp, phản bội và sa thải ông. Ông bị cầm tù và bị bắn chết trong rừng ngày 14 tháng Giêng năm 1752, lúc mới 40 tuổi, bảy năm sau khi theo đạo. Lazaro được phong chân phước năm 2012, 300 năm sau khi sinh ra.

Tiếp đến là bốn linh mục hiển tu:

Cha César de Bus (1554-1607) sinh năm 1554 tại Cavaillon, tỉnh Vaucluse bên Pháp. Thoạt đầu, César sống theo tinh thần thế tục, trước khi quan tâm đến những người nghèo khổ nhất. Thụ phong linh mục năm 38 tuổi, cha César chuyên chăm loan báo Tin mừng ở miền quê, giáo huấn các trẻ em và những người mù chữ. Cha lập dòng Đạo lý đức tin, phổ biến những bài giáo lý hấp dẫn và dễ hiểu. Cha César đã canh tân việc huấn luyện các tín hữu tại Pháp và được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tôn phong chân phước hồi năm 1975.

* Thứ hai là cha Luigi Maria Palazzolo (1827-1887) người Ý, sinh năm 1827. Khi còn niên thiếu, cậu Luigi thường viếng thăm các bệnh nhân nghèo nhất. Thụ phong linh mục năm 1855, cha đặc biệt quan tâm tới việc huấn luyện tôn giáo cho các thiếu nữ và thành lập dòng các nữ tu người nghèo tại giáo phận Bergamo. Cha ước muốn sống nghèo khó nên đã bán hết gia sản để giúp người nghèo, và đón tiếp các trẻ mồ côi. Cha thành lập thêm Dòng các Tu huynh Thánh Gia. Trọng tâm các hoạt động của cha là lo việc giáo dục cho mọi người. Cha qua đời năm 1887 và được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1963.

* Thứ ba là cha Giustino Maria Russolillo (1891-1955), người Ý. Cha thụ phong linh mục năm 1913, lúc mới 22 tuổi. Đứng trước tình trạng tục hóa của xã hội và những khó khăn của các linh mục, cha thành lập Dòng các Ơn thiên triệu, ngành nam và ngành nữ, nhắm đón tiếp và huấn luyện các ơn gọi linh mục và tu trì. Cha xác tín rằng ơn gọi nên thánh là điều mà mọi người có thể đạt tới. Trong tinh thần đó, sau khi cha qua đời, các tu sĩ Dòng Ơn thiên triệu đã thành lập Nữ tu hội đời “Tông đồ ơn gọi mọi người nên thánh”: (Apostole Vocazioniste della Santificazione Universale). Cha qua đời năm 1955, thọ 64 tuổi và được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI phong chân phước năm 2011.

* Linh mục thứ tư là cha Charles de Foucauld người Pháp, sinh tại Strasbourg năm 1858 và qua đời tại Tamarasset, bên Algérie năm 1916. Sau ba mươi năm đầu đời sống trong tháo thứ, Charles đã trở lại, say mê tìm Chúa, thụ phong linh mục và sống mười ba năm trong một làng người Tuareg ở Tamarasset bên Algérie, cầu nguyện mười một giờ mỗi ngày, chìm đắm trong mầu nhiệm Thánh Thể. Cha tử nạn khi nhà của cha bị cướp phá. Cha được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI phong chân phước ngày 13 tháng Mười Một năm 2005. Tuy không sáng lập dòng, nhưng từ linh đạo của cha đã nảy sinh mười ba dòng tu khác nhau, đứng đầu là Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu rồi Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu. Ngoài ra, có bảy Hiệp hội linh đạo, tất cả họp thành gia đình thiêng liêng của cha Charles de Foucauld.

Sang đến bốn thánh nữ:

* Đứng đầu là Marie Rivier (1768-1838) sinh năm 1768 tại Montpezart-sous-Bauzon miền nam Pháp. Khi mới được 16 tháng, bé Marie bị ngã từ trên giường và bị thương ở hông, và có những vấn đề trầm trọng trong sự tăng trưởng, không thể đứng vững, rốt cuộc phải lê lết trên lưng để đi nhờ sự giúp đỡ của đôi tay. Mãi đến năm sáu tuổi (1774), bé mới có thể đứng được nhờ chống gậy, và chỉ ba năm sau được hoàn toàn bình phục. Bệnh tật đã mang lại cho cô bé một trực giác là dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Lớn lên, Marie Rivier xin nhập Dòng các nữ tu Đức Bà Pradelles, nhưng vì lý do sức khỏe chị không được coi là thích hợp. Về sau chị quyết định lập một dòng chuyên săn sóc các bệnh nhân và người nghèo vào năm 1796, với tên là Dòng Đức Mẹ Dâng Mình. Năm 1801, dòng được Đức giám mục giáo phận Vienne phê chuẩn và chỉ trong vài năm, chị mở được 46 cộng đoàn. Chị qua đời năm 1838, thọ 70 tuổi. Bấy giờ dòng đã lập được 141 trường học tại 14 giáo phận. Năm 1982, chị được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước.

* Thứ hai là nữ tu Maria Francesca Chúa Giêsu Rubatto (1844-1904), người Ý, tục danh Anna Maria Rubatto, sinh năm 1844. Những năm đầu đời, do linh đạo sâu xa thúc đẩy, chị quan tâm hoạt động bác ái, phục vụ người nghèo và các bệnh nhân. Năm 40 tuổi, một cha dòng Capuchino đề nghị chị làm giám đốc một cộng đoàn nữ đang được thành lập và từ đó chị đã sáng lập Dòng các nữ tu Dòng ba Capuxin. Dòng phát triển mạnh tại Ý và có nhiều cộng đoàn tại Mỹ châu Latinh, đặc biệt tại Uruguay và Argentina. Chị qua đời năm 1904 tại Montevideo, thủ đô Paraguay, thọ 60 tuổi.

* Thứ ba là nữ tu Maria Chúa Giêsu, tục danh là Carolina Santocanale (1852-1923) sinh tại đảo Sicilia nam Ý năm 1852. Năm 19 tuổi, chị ước muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống đan tu, nhưng sau đó chị cảm thấy nhu cầu giúp đỡ người nghèo, các bệnh nhân và các thiếu nữ. Cùng với cha xứ họ đạo Cinisi ở Sicilia, chị thành lập một hội theo tinh thần thánh Phanxicô. Năm 1887, cùng với một số thiếu nữ, chị lãnh áo Dòng ba Capuchino tại viện và bắt đầu các công tác tông đồ, viếng thăm và phục vụ người nghèo cũng như các bệnh nhân. Sau đó, tổ chức này được các cha Dòng Capuchino công nhận. Trong thế chiến thứ I, dòng gặp khó khăn và thiếu phương tiện nên phải đóng cửa nhà tập. Năm 1923, Đức Tổng giám mục giáo phận Monreale sở tại truyền mở lại nhà tập và Hội dòng được thành lập trong giáo phận. Ba ngày sau đó, chị Maria Chúa Giêsu Santocanale giã từ cõi đời. Chị được Đức Thánh cha Phanxicô phong chân phước năm 2016.

* Sau cùng là nữ tu Maria Domenica Mantovani (1862-1932), người Ý. Chị sống trong gia đình cho đến năm 30 tuổi, học nghề rồi dạy giáo lý. Năm 1892, tức là sáu năm sau khi hứa giữ đồng trinh trọn đời, chị Mantovani đã sáng lập Dòng Tiểu muội Thánh Gia, cùng với chân phước Giuseppe Nascimbeni cha sở giáo xứ Castelletto ở Brenzone. Luật dòng lấy hứng tu luật Dòng ba Phanxicô tại viện, chuyên lo việc giáo dục và giúp đỡ bệnh nhân.

Trước khi qua đời năm 1932, dòng của chị có 1.200 nữ tu tại 150 nhà. Chị Domenica Mantovani được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 2003.

Sau phần tiểu sử này, Đức Thánh cha mời gọi mọi người cùng hát kinh xin ơn phù trợ của các thánh rồi ngài đọc công thức phong thánh:

“Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tôn dương đức tin Công giáo và làm tăng trưởng đời sống Kitô, với quyền của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám mục, Chúng tôi tuyên bố và ấn định là thánh mười vị chân phước sau đây:

Tito Brandsma, Lazaro gọi là Devasahayam, César de Bus, Luigi Maria Palazzolo, Giustino Maria Russolillo, Charles de Foucauld, Marie Rivier, Maria Francesca Chúa Giêsu Rubatto, Maria Chúa Giêsu Santocanale, và Maria Domenica Mantovani

và Chúng tôi truyền ghi tên các vị vào Sổ bộ các thánh, đồng thời qui định rằng trong toàn Giáo hội, các vị được tôn kính với lòng sùng mộ giữa các thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Mọi người thưa: Amen, và ca đoàn hát bài chúc tụng, cảm tạ Chúa, trước khi Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh và mười vị thỉnh nguyện viên ngỏ lời cám ơn Đức Thánh cha, đồng thời xin ngài ban Tông thư về việc phong thánh này. Đức Thánh cha tuyên bố chấp thuận.

Đại diện các đoàn của mười vị thánh mang những bình hương đặt tại cột đựng các thánh tích của các vị, được trang trí bằng nhiều loại hoa.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng sau các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh cha diễn giải di chúc của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ trong Bữa Tiệc ly và áp dụng vào bối cảnh lễ phong thánh: “Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Ga 13,34).

Trước tiên là tình yêu của Chúa Giêsu. “Chúa đã yêu thương cho đến cùng, đến độ hiến toàn thân mình”. Chúa nói những lời này trong một đêm tăm tối, giữa bầu không khí đầy cảm xúc và lo âu tại nhà Tiệc ly. “Chính trong giờ bị phản bội, Chúa Giêsu khẳng định tình thương của Ngài đối với các môn đệ. Vì trong tăm tối và bão tố của cuộc đời, điều thiết yếu là: Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.

“Anh chị em thân mến, ước gì lời loan báo này là trọng tâm trong việc tuyên xưng và qua những cách diễn tả đức tin của chúng ta: ‘không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Chúa đã yêu thương chúng ta’ (1 Ga 4.10). Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Ở trung tâm không phải là những tài năng và công trạng của chúng ta, nhưng là tình thương vô điều kiện và nhưng không của Thiên Chúa, tình yêu mà chúng ta không xứng đáng có được”.

Và Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng “chân lý này đòi chúng ta phải có một sự hoán cải ý tưởng chúng ta thường có về sự nên thánh. Nhiều khi quá nhấn mạnh những cố gắng làm những việc lành, chúng ta tạo nên một lý tưởng sự thánh thiện quá dựa trên chúng ta, trên sự anh hùng bản thân, trên khả năng từ bỏ, hy sinh để đạt được một phần thưởng. Và như thế chúng ta biến sự thánh thiện thành một mục tiêu không thể đạt tới, chúng ta tách biệt nó ra khỏi cuộc sống hằng ngày, thay vì tìm kiếm và đón nhận sự thánh thiện trong đời sống thường nhật, giữa những bụi bặm của bụi đường, những chao đảo của cuộc sống cụ thể, và như thánh nữ Têrêsa Avila đã nói với các chị em cùng dòng, nên thánh giữa “những xoong chảo trong bếp”. Là môn đệ Chúa Giêsu và tiến bước trên con đường thánh thiện, trước tiên là để cho mình được quyền năng tình thương của Thiên Chúa biến đổi. Chúng ta đừng quên vị thế thứ nhất của Thiên Chúa trên cái tôi của mình, của Thánh Linh trên xác thịt, của ơn thánh trên công việc”.

Sang đến phần thứ hai trong di chúc của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con”: “Tình yêu mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta: nó mở rộng con tim và làm cho chúng ta sẵn sàng yêu thương..”..

Đi vào cụ thể, Đức Thánh cha giải thích việc sống tình yêu ấy bằng cách nào. Ngài nói: “Trước khi để lại cho chúng ta giới răn đó, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, và sau khi nói những lời ấy, Chúa đã giao nạp mình trên thập giá. Yêu thương có nghĩa là phục vụ và hiến mạng sống. Phục vụ có nghĩa là không đặt tư lợi của mình lên trên; giải thoát mình khỏi những độc dược của sự ham hố và cạnh tranh; chiến đấu chống thứ bệnh ung thư dửng dưng và cái tật tự tham chiếu, chia sẻ những đoàn sủng và hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Cụ thể là tự hỏi “Tôi làm gì cho tha nhân?” và sống các biến cố mỗi ngày trong tinh thần phục vụ và không ồn ào, không đòi hỏi bất cứ điều gì”.

Tiếp đến là “hiến mình”! Đây không phải chỉ là trao tặng một cái gì, như vài tài sản của mình, nhưng là trao tặng chính bản thân. Đó là ra khỏi sự ích kỷ để biến cuộc sống thành một quà tặng, nhìn các nhu cầu của những người đang đi cạnh mình, xả thân cho người đang cần, có thể là lắng nghe họ một chút, dành thời giờ, một cú điện thoại cho họ. Nên thánh không phải chỉ là thực hiện vài cử chỉ anh hùng, nhưng là thực hiện bao nhiêu việc yêu thương mỗi ngày”, theo ơn gọi và bậc sống của mình.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Phục vụ Tin mừng là anh chị em hiến chính cuộc sống của mình mà không đòi báo đáp, không tìm kiếm vinh danh trần tục nào: đó là điều chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện. Các bạn đồng hành của chúng ta, hôm nay được phong thánh, đã nên thánh như thế: họ hăng hái đón nhận ơn gọi đã nhận - ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến, giáo dân - xả thân vì Tin mừng, các vi đã khám phá một niềm vui khôn sánh và đã trở thành những phản ánh rạng rỡ của Chúa trong lịch sử. Chúng ta cũng hãy thử làm như vậy, vì mỗi người chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, một sự thánh thiện độc nhất vô nhị và không thể lập lại. Đúng vậy, Thiên Chúa có một dự phóng tình thương cho mỗi người, có một ước mơ cho đời sống của bạn. Hãy đón nhận và thi hành trong vui tươi”.

Lời cuối lễ

Cuối lễ, vào lúc gần 11 giờ 45, Đức Thánh cha ngỏ lời cám ơn các hồng y, giám mục, linh mục và các phái đoàn tham dự lễ thánh lễ. Ngài đặc biệt chào thăm Tổng thống Ý và các phái đoàn chính phủ các nước, đồng thời cầu xin các thánh mới soi sáng, phù hộ để các vị hữu trách các nước tìm được giải pháp hòa bình cho các cuộc chiến tranh.

Rồi Đức Thánh cha và mọi người hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trước khi ngài ban phép lành kết thúc, giữa tiếng reo mừng của các tín hữu.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2022