25/5/2022 Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Người Cao Niên Cứu Người Trẻ Khỏi Cám Dỗ Về Một Tri Thức Thế Giới Buồn Tẻ Và Thiếu Khôn Ngoan Về Cuộc Sống

Đức Thánh cha Phanxicô

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 25/05/2022

Sáng thứ Tư, ngày 25 tháng Năm vừa qua, đã có hơn 20.000 tín hữu hành hương từ nhiều nơi đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nóng như mùa hè.

Trước khi bắt đầu lúc 9 giờ, Đức Thánh cha đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu.

Đầu buổi tiếp kiến là phần tôn vinh Lời Chúa. Mọi người lắng nghe đoạn sách Giảng viên (Gv 2,17-18; 12.13-14):

“Bấy giờ, tôi đâm ra oán ghét cuộc đời, vì mọi việc người ta làm dưới ánh mặt trời đều không thể chịu nổi đối với tôi. Thực vậy, tất cả chỉ là hư vô và là một sự chạy theo gió. Tôi oán ghét mọi công việc mà tôi đã vất vả thực hiện dưới ánh mặt trời, vì tôi sẽ phải để lại nó cho người kế nhiệm tôi [...] Kết luận diễn văn sau khi lắng nghe mọi sự: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài, vì trọn con người là ở đó. Thực vậy, Thiên Chúa sẽ xét xử mọi hành động, cả tất cả những gì kín đáo, điều lành hoặc điều tốt”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già và trình bày bài thứ mười một này với tựa đề: “Sách Giảng viên: đêm đen không chắc chắn về ý nghĩa và những sự việc của cuộc đời”.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những buổi suy tư của chúng ta về tuổi già, hôm nay chúng ta đề cập đến Sách Giảng viên, một viên ngọc khác được gắn vào Kinh thánh. Thoạt đầu, khi đọc cuốn sách ngắn này chúng ta ngỡ ngàng vì điệp khúc “tất cả chỉ là hư vô”, tất là chỉ là “mây”, là “khói”, là “trống rỗng”. Thật là điều gây ngạc nhiên khi tìm thấy những kiểu nói này, đặt vấn đề ý nghĩa cuộc sống trong Kinh thánh. Trong thực tế, sự dao động liên tục của Giảng viên giữa ý nghĩa và vô nghĩa là một sự trình bày một cách mỉa mai đối với kiến thức về cuộc sống bị tách rời khỏi sự say mê đối với công lý, mà Thiên Chúa là vị bảo đảm phán quyết. Và kết luận của sách chỉ đường để ra khỏi thử thách: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài, vì tất cả con người là ở đó” (12,13).

Đứng trước một thực tại, trong đó nhiều khi chúng ta thấy dường như có mọi điều đối nghịch nhau, nhưng rốt cục chúng đều có cùng một số phận, đó là chúng kết thúc trong hư vô, con đường dửng dưng cũng có thể khiến chúng ta coi đó là thuốc chữa duy nhất cho một ảo tưởng đau thương. Nảy sinh nơi chúng ta những câu hỏi thế này: những cố gắng của chúng ta đã thay đổi thế giới hay không? Ai có khả năng cho thấy rõ sự khác biệt giữa điều đúng và điều bất chính hay không?

Đó là một thứ trực giác tiêu cực có thể xảy ra trong một giai đoạn của cuộc sống, nhưng điều chắc chắn là tuổi già làm cho chúng ta có thái độ không còn phấn khởi, một điều không thể tránh được. Vì thế, sức kháng cự của tuổi già trong việc chống những hậu quả làm xuống tinh thần, do thái độ như thế, là điều quan trọng: nếu những người già, nay đã thấy mọi sự, mà còn bảo tồn nguyên vẹn sự hăng say của họ đối với công lý, thì đó là hy vọng cho đức mến, và cả đức tin nữa. Và đối với thế giới ngày nay, điều quan trọng là tiến qua được cuộc khủng hoảng ấy, cuộc khủng hoảng hữu ích, vì một nền văn hóa tự phụ là đo lường và lèo lái được mọi sự, rốt cuộc cũng tạo nên một sự nản lòng tập thể về ý nghĩa, về tình thương và điều thiện.

Sự xuống tinh thần làm cho chúng ta không còn muốn hành động. Một thứ “chân lý” giả tạo, chỉ thu hẹp vào sự quan sát thế giới, thì cũng nhận thức cả sự dửng dưng của thế giới đối với những gì đối ngược và giao nộp nó cho dòng thời gian, và cho vận mệnh của hư vô, vô bổ. Dưới hình thức đó, sự tìm kiếm tân tiến về chân lý, tuy có vẻ là khoa học, nhưng cũng rất thiếu nhạy cảm và cũng rất vô đạo đức. Nó bị cám dỗ hoàn toàn từ bỏ sự say mê đối với công lý. Nó không còn tin gì nơi vận mệnh của mình, lời hứa và sự cứu độ mình.

Đối với nền văn hóa tân tiến của chúng ta, trong thực tế người ta muốn mọi sự đều tùy thuộc kiến thức chính xác về sự việc, có sự xuất hiện thứ lý trí mới hoài nghi này - thứ kiến thức tối cao và vô trách nhiệm, và đây là một phản ứng rất mạnh. Thực vậy, kiến thức mà không có luân lý đạo đức, thoạt đầu có vẻ là một nguồn mạch tự do, nghị lực, nhưng chẳng bao lâu sau nó làm tê liệt tâm hồn.

Giảng viên, với sự châm biếm, vạch trần cám dỗ nguy hiểm của kiến thức toàn năng - một thứ mê sảng của tri thức biết mọi sự - tạo nên một sự bất lực của ý chí. Các đan sĩ thuộc truyền thống Kitô cổ kính đã xác định chính xác thứ bệnh này của tâm hồn. Tâm hồn bất chợt khám phá thấy sự hư vô của kiến thức mà không có đức tin và không có luân lý, một ảo tưởng về chân lý không có công lý. Họ gọi đó là “accidia”. Đó không phải chỉ là sự lười biếng, và cũng không phải chỉ là sự xuống tinh thần. Đúng hơn, đó là sự đầu hàng đối với kiến thức của thế gian, khiến ta không còn hăng say đối với công lý và hoạt động đi theo đó.

Sự trống rỗng ý nghĩa và sức mạnh do kiến thức ấy mở ra, tước bỏ mọi trách nhiệm luân lý đạo đức và mọi quí chuộng đối với sự thiện đích thực. Nó không phải là không có hại. Nó không chỉ làm mất sức mạnh của ý chí thực thi điều thiện: nhưng còn mở ra cánh cửa cho các thế lực của sự ác tấn công. Đó là sức mạnh của một lý trí điên rồ, làm cho người ta có thái độ sống chết mặc bay vì sự thái quá của ý thức hệ. Trong thực tế, với tất cả những tiến bộ của an sinh thoải mái của chúng ta, chúng ta thực sự trở thành “một xã hội mệt mỏi”. Chúng ta phải sản xuất một nền an sinh khắp nơi và chúng ta chấp nhận một thị trường sức khỏe chọn lọc một cách khoa học. Chúng ta phải đặt giới hạn không thể vượt qua cho hòa bình, và chúng ta thấy những chiến tranh nối tiếp nhau, ngày càng tàn ác chống lại những người không có khả năng tự vệ. Dĩ nhiên khoa học tiến bộ là một điều tốt đẹp. Những kiến thức về cuộc sống là điều khác hẳn và dường như nó đứng yên tại chỗ.

Sau cùng, lý trí loại trừ tình cảm ấy và vô trách nhiệm tước bỏ ý nghĩa và nghị lực đối với cả kiến thức về sự thật. Không phải tình cờ mà hiện nay là mùa của những tin giả, mê tín tập thể về những chân lý khoa học ngụy tạo. Tuổi già có thể học được từ sự khôn ngoan mỉa mai của Giảng viên nghệ thuật đưa ra ánh sáng sự lường gạt giấu ẩn trong sự mê sảng của một chân lý trí thức thiếu tình cảm đối với công lý. Những người già giàu khôn ngoan và khôi hài làm rất nhiều cho người trẻ! Họ cứu người trẻ khỏi cám dỗ về một tri thức thế giới buồn tẻ và thiếu sự khôn ngoan về cuộc sống. Người già đưa những người trẻ đến lời hứa của Chúa Giêsu: Phúc cho những ai đói khát công lý, vì họ sẽ được no đủ” (Mt 5,6).

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha thân ái chào thăm các tín hữu và nói: Hôm qua (tức là 24 tháng Năm), chúng đã kính nhớ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Trong khi cầu nguyện chúng ta hãy đặc biệt dâng lên Mẹ ước muốn hòa bình cho Ucraina và toàn thế giới. Xin Thiên Chúa dạy chúng ta liên đới với những người bị thử thách vì thảm trạng chiến tranh và đạt được sự hòa giải các dân nước. Tôi chân thành chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng như thường lệ, Đức Thánh cha chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: Lễ Chúa Thăng Thiên đang đến gần là dịp để tôi chào thăm tất cả anh chị em. Khi lên trời, Chúa Giêsu Kitô để lại một sứ điệp và một chương trình cho toàn thể Giáo hội: “Vậy các con hãy đi và biến mọi dân tộc thành môn đệ... dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Ước gì việc quảng bá lời Chúa Kitô và vui mừng làm chứng về Lời ấy, trở thành lý tưởng và là sự dấn thân của mỗi người trong những hoàn cảnh sống liên hệ”.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2022