Sứ
Mạng Của Các Nữ Tu Ở Ucraina
Kinh
nghiệm của một nữ tu tại Ucraina: “Tôi muốn chia sẻ với người dân của tôi nỗi
sợ hãi, đau khổ và thậm chí cả đức tin"
Vatican
News 09
tháng sáu 2022
“Lời
cầu nguyện của tôi kêu lên Thiên Chúa xin Người trợ giúp”
“Chiến
tranh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi và sẽ tiếp tục làm thay đổi”, sơ
Svitlana Matsiuk thuộc Dòng Các Tôi tớ Truyền giáo Chúa Thánh Thần cho biết.
Trước chiến tranh, sơ Svitlana đã bắt đầu việc học ở Roma, tháng Giêng năm
ngoái, sơ trở về Ucraina và lẽ ra phải bắt đầu lại việc học vào tháng Chín tới.
Nhưng giờ đây, sơ không biết có thể thực hiện được không. Trước chiến tranh,
cộng đoàn của sơ sống ở Khmelnytskyj, thủ phủ của vùng cùng tên, nơi họ đã có
mặt từ năm 1995, và bây giờ họ phải chuyển đến một ngôi làng nhỏ ở Matkivtsi,
nơi họ được tiếp đón bởi các tu sĩ Phanxicô Viện Tu và là nơi họ có thể giúp đỡ
những người chạy trốn khỏi những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến
tranh.
Sơ
Svitlana nói: “Chiến tranh đã làm đảo lộn không chỉ đời sống bên ngoài của các
nữ tu. Chính tôi cũng thay đổi về tâm lý và thiêng liêng”. Vào ngày 24/2, sơ
Svitlana đang ở với các chị em khác tại một ngôi làng nhỏ gần Vinnytsia, và vào
buổi sáng, họ bị đánh thức bởi những tiếng nổ kinh hoàng. Sau giây phút đầu
tiên hoảng loạn “Có lẽ đây là một tai nạn”. Rồi họ bị sốc và đặt ra những câu
hỏi: “Làm sao điều này có thể xảy ra? Chuyện này thực sự xảy ra sao?” “Nỗi đau
tột cùng” đã làm nổi lên những câu hỏi này, nó vẫn còn đó và thêm đau nhói khi
sơ Svitlana gặp gỡ và lắng nghe những người đã nhìn vào những ánh mắt của sự
chết: những binh lính bị thương mà sơ đến thăm trong bệnh viện quân đội và
những người tị nạn trong cuộc chạy loạn đã chứng kiến cái chết của dân chúng. “Việc
lắng nghe họ làm nẩy sinh nhiều câu hỏi với Thiên Chúa, và trong số đó có những
câu hỏi về bản chất của sự dữ. Trước chiến tranh, tôi biết là có sự dữ, nhưng
nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi như bây giờ. Đây là một thực tại
khác mà nơi đó cũng có Thiên Chúa, Đấng đau khổ tại đó và chịu đóng đinh... Và
Chúa đã trả lời tôi bằng câu hỏi: “Con có muốn đi vào thực tại này với Ta
không?”. “Tôi không muốn thoát khỏi điều này, tạo ra những thế giới ảo tưởng
cho riêng mình, nhưng tôi muốn bước vào đó, ở lại đó để làm nhiều điều tốt nhất
có thể”.
Sơ Svitlana-Matsiuk với hai trẻ em
Tại
Matkivtsi, các nữ tu Các Tôi tớ Truyền giáo Chúa Thánh Thần thực hiện công việc
phục vụ những người khó khăn tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima, cùng với các tu sĩ
Phanxicô Viện tu. Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, họ đã tổ chức một
nơi trú ẩn cho những người đang chạy trốn. Theo thời gian, dòng người di tản
trong nước đã giảm, và do đó các sơ quyết định thành lập một trung tâm cứu trợ
nhân đạo nhỏ: họ phân phát quần áo, thực phẩm và thuốc men cho những người tị
nạn và cũng dành thời gian cho họ bằng cách lắng nghe họ. Sơ Svitlana nói:
“Điều quan trọng là họ biết rằng họ có thể đến đây và họ sẽ được giúp đỡ và
được lắng nghe. Và trong hoàn cảnh này, nơi sự dữ hiển hiện rõ ràng, điều quan
trọng là biết rằng ở đó cũng có rất nhiều điều tốt”.
Nhịp
cầu nguyện của cộng đoàn đã thay đổi: thời gian thường bị dịch chuyển bởi những
dấn thân khẩn cấp. “Nhưng việc cầu nguyện cá nhân của tôi đã trở nên mãnh liệt
hơn. Đôi khi tôi thức dậy trong đêm và cầu nguyện. Và lời cầu nguyện trở thành
một tiếng kêu: ‘Lạy Chúa, xin làm điều gì đó!’ Không còn là cầu nguyện hay cầu
xin nữa, nhưng là múc lấy từ Thiên Chúa sự trợ giúp của Người”.
Sơ cùng
dòng Victoria cũng kể về kinh nghiệm cầu nguyện tương tự. Cuộc chiến bắt đầu
khi sơ đang ở Hy Lạp, nơi sơ phục vụ sứ mạng tại Trung tâm trợ giúp người tị
nạn của Dòng Tên (JRS) từ năm 2019. “Trong tuần đầu tiên, tôi chỉ biết khóc,
đọc tin tức, gọi điện cho bạn bè và gia đình ở Ucraina và cầu nguyện cả ngày
lẫn đêm. Tôi bảo họ viết cho tôi trong trường hợp họ gặp những tình thế nguy
cấp. Một người bạn của tôi sống tại một trong những ngôi làng ở vùng Kiev, nơi
bị quân đội Nga chiếm đóng ngay từ đầu cuộc chiến. Trong một thời gian, chị ấy
cùng gia đình đã trốn trong một căn hầm, và họ không biết nên chạy đi hay ở lại.
Chị ấy liên tục xin tôi cầu nguyện. Và tôi đã cầu xin Chúa: ‘Xin cứu họ, giúp
họ chạy thoát, làm cho họ trở nên vô hình.’ Khi họ thoát được ra ngoài, tôi cảm
thấy nhẹ nhõm”. Trong những khoảnh khắc đó, nhu cầu cầu nguyện trở nên như nhu
cầu thở. Vì vậy, sơ đã quyết định trở về Ucraina. Trong khi các sơ cùng dòng ở
Khmelnytskyj thì có ý ngược lại vì nguy cơ đánh bom xảy ra khắp nơi trên đất
nước. “Nhưng tôi đến từ Crimea và tôi đã từng mất quê hương. Đây là lý do tại
sao tôi đã quyết định rằng tôi muốn trở lại Ucraina”. Sơ nói: “Tôi muốn chia sẻ
với người dân của tôi nỗi sợ hãi, đau khổ và thậm chí cả đức tin”. Sơ tin tưởng
và bất ngờ khi thấy bao nhiêu buổi cầu nguyện và Thánh Lễ được tổ chức mỗi ngày
tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Matkivtsi. Những người di tản đến đây thường xin
các sơ cầu nguyện với họ hoặc cầu nguyện cho những người thân yêu của họ đang ở
lại tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sơ Svitlana cho biết thêm: “Hai
tháng gần đây, đối với chúng tôi cũng là thời gian hết sức mãnh liệt trong việc
loan báo Tin Mừng, làm chứng rằng Thiên Chúa hiện diện ở đây”. “Kinh nghiệm của
tôi về Thiên Chúa trong quá khứ cho tôi niềm tin rằng ngay cả khi chúng ta trải
qua những thử thách và đau khổ lớn, và ngay cả khi cái giá phải trả rất cao,
thì phần thưởng cũng sẽ cao. Kinh nghiệm của tôi cho tôi biết rằng Chúa không
bao giờ đùa với chúng ta và nếu Người cho phép điều gì đó như thế này, thì điều
đó có nghĩa là Người biết rằng chúng ta sẽ có thể vượt qua tất cả những điều
này, và rằng Người sẽ ẵm chúng ta trong vòng tay của Người để vượt qua tất cả
những điều này”.
Svitlana
Dukhovych