Sơ Virgula Maria Schmith Phục Vụ Người Phong Cùi Ở Indonesia

Vào ngày 27/6/2022, sơ Virgula Maria Schmith, thuộc Dòng Thừa sai Chúa Thánh Thần đã qua đời ở Steyl, Hà Lan, hưởng thọ 93 tuổi. Sự ra đi của sơ Virgula không chỉ làm cho các chị em trong dòng thương tiếc, nhưng đối với Giáo hội Công giáo ở Indonesia đó là một sự mất mát lớn. Các tín hữu luôn nhớ đến sơ là một người đã dành cả cuộc đời phục vụ người phong cùi ở quốc gia châu Á.

Ngọc Yến – Vatican News 02 tháng tám 2022

Các Nữ tu Thừa sai Chúa Thánh Thần là một Hội dòng truyền giáo do Thánh Arnold Janssen thành lập năm 1889 tại Steyl. Hiện Hội dòng có hơn 3.000 thành viên hiện diện trên 46 quốc gia.

Sơ Virgula, sinh ngày 3/9/1929 tại Grunebach của Đức. Sơ được biết đến nhiều ở Indonesia vì đã thực hiện một cuộc cách mạng bênh vực bệnh nhân phong trong nước, sau khi mở hai trung tâm chuyên chăm sóc bệnh này.

Bề trên giám tỉnh của các Nữ tu Thừa sai Chúa Thánh Thần ở Indonesia, sơ Yohana Momas, cho biết các nữ tu đã mở các Trung tâm Phục hồi Người bệnh Phong San Damián và San Rafael, đặt tại Cancar và Binongko, trên đảo Flores, ở Indonesia.

Theo giải thích của Bề trên Giám tỉnh, sơ Virgula đến truyền giáo ở Indonesia vào năm 1965 và sống nhiều năm tại khu vực Manggarai, phía đông đảo Flores, nơi đây sơ phục vụ người nghèo và người bệnh. Ở Indonesia sơ Virgula được biết đến là người đầu tiên khởi xướng các hoạt động nhân đạo, đặc biệt các hoạt động dành cho người khuyết tật, các bệnh nhân phong, và nạn nhân của bạo lực tình dục. Sơ từng nói: “Tôi được kêu gọi để giải thoát những người bị xiềng xích bởi những căn bệnh khác nhau, vì họ là con Chúa”.

Sơ kể một lần kia một linh mục dòng Phanxicô đã tìm thấy một người phong cùi bị gia đình bỏ rơi trong sa mạc, và đưa người bệnh này đến bệnh viện San Rafael nơi sơ làm việc. Khi nhìn thấy người bệnh phong này sơ đã xúc động mạnh mẽ. Sơ bày tỏ: “Tôi vô cùng kinh ngạc và choáng váng khi vị linh mục đưa người bệnh đến với tôi. Thân thể anh đầy vết thương và tóc anh xơ xác và dài ra. Tôi không biết phải làm gì. Tuy nhiên, tôi đã đón nhận bệnh nhân và dành cho anh sự chăm sóc tốt nhất. Sau đó, tôi đã nhờ người thân của tôi ở Đức giúp đỡ để tôi có thể chăm sóc các bệnh nhân tốt hơn”.

Kể từ đó, vào năm 1966, vị tông đồ bệnh phong được tách ra khỏi Phòng khám Đa khoa San Rafael. Trong thời gian làm việc, sơ Virgula đã chứng kiến ​​sự chữa lành của nhiều người có nguy cơ tử vong cao. Trong số đó nổi bật là Yance, đứa trẻ mồ côi đầu tiên sơ chăm sóc, một đứa trẻ sinh non sống sót dù sinh ra chỉ nặng 600 gram.

Nữ tu người Đức từng khiêm tốn bày tỏ rằng công việc này “giống như một phép lạ”, không thể thực hiện được nếu chỉ nhờ vào nỗ lực của sơ nhưng phải nhờ đến bàn tay Thiên Chúa. Sơ Virgula nói: “Đó không phải là tất do công sức của tôi. Tôi không phải là một cá nhân tuyệt vời hay trí tuệ. Tôi tuân theo ý muốn của Chúa”.

Hơn nữa, cầu nguyện là một trong những trụ cột trong sứ vụ của sơ. Sơ nói: "Tôi cầu nguyện mỗi sáng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con những gì Chúa muốn con làm hôm nay và ban cho con khả năng làm điều đó. Nếu Chúa muốn điều gì đó, chúng ta không thể kháng cự Người. Tôi không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi, bởi vì tôi tin Chúa ở cùng tôi”.

Sơ Virgula khẳng định rằng sơ có thể cảm nhận được sự quan phòng của Chúa trong suốt sứ vụ. Sơ giải thích: “Chúa luôn giúp đỡ đúng lúc. Khi các nữ tu cần thuốc men, quần áo, thức ăn hay các dịch vụ khác thì luôn có sự giúp đỡ. Tôi tin và cảm nghiệm rằng Chúa không thể bỏ rơi chúng tôi”.

Nhờ sự dấn thân quên mình của sơ Virgula mà hiện nay ở Indonesia Giáo hội Công giáo điều hành 9 trung tâm phục vụ bệnh nhân phong.

Tại Indonesia và ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, mặc dù có thể điều trị nhưng bệnh phong vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa bệnh phong nằm trong danh sách các Bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTM).

Vì thế, hàng năm vào Ngày Thế giới người bệnh phong cùi Giáo hội tiếp tục giúp mọi người ý thức rằng  bệnh phong là một căn bệnh có thể điều trị được, nhưng đánh bại nó không chỉ là một cuộc chiến đơn giản trên bình diện y tế; cũng cần tìm cách xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội đi kèm với căn bệnh nan y này và cuối cùng, giúp con người phục hồi chức năng một cách toàn diện.

Một khía cạnh quan trọng khác là sự thiếu hòa nhập xã hội có thể có tác động tiêu cực sâu sắc đến lòng tự trọng và cách nhìn của một người về cuộc sống, cuối cùng khiến họ dễ mắc bệnh tâm thần. Theo nghĩa này cộng đồng chăm sóc sức khỏe nói riêng và toàn xã hội, cung cấp một dịch vụ cho lợi ích chung khi họ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hòa nhập cá nhân của những người bị bệnh phong và cho gia đình của họ. Không phải ai cũng có đủ kỹ năng hoặc kiến thức chuyên môn để chữa khỏi bệnh phong, nhưng mọi người đều có thể nuôi dưỡng văn hóa gặp gỡ, giúp chữa lành và mang lại hạnh phúc tinh thần cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh đau buồn này.

 


Nhân Chứng Đức Tin