Đức Tổng Giám Mục Printezis Bênh Vực Di Dân Và Tị Nạn

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | 20/10/2022

Một vị Tổng giám mục Công giáo tại Hy Lạp, Đức cha Joseph Printezis, Tổng giám mục giáo phận Naxos, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Hy Lạp, kêu gọi các nhà chính trị đừng dùng vấn đề di dân và tị nạn như phương thế để tạo sức ép chính trị.

Hồi đầu tháng Mười này, 17 người di dân, phần lớn là phụ nữ đã bị thiệt mạng và ít nhất 80 người bị mất tích trong hai vụ đắm tàu trong lãnh hải của Hy Lạp. Vụ thứ nhất ở ngoài khơi đảo Kythis, vụ thứ hai gần đảo Lesbo, một đảo được dư luận biết đến nhiều hơn nhờ hai cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô tại các trại tị nạn ở đây. Theo bộ trưởng di trú của Hy Lạp, “các nạn nhân bị chết đuối sau khi leo lên những con thuyền không thích hợp để vượt biên”. Còn Liên hiệp Âu châu thì kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản những vụ vượt biên trái phép như thế. Trong khi đó căng thẳng gia tăng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi 92 người di dân bị bỏ mặc trần truồng tại Hy Lạp. Phần lớn đó là những người xuất xứ từ Syria và Afghanistan, họ dùng thuyền bơm hơi để vượt qua sông Evros để vào Hy Lạp.

Theo cuộc điều tra của Frontex, cơ quan biên phòng của Liên hiệp Âu châu, những người di dân đó được các xe của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chở đến bờ sông, rồi được lệnh cởi bỏ hết quần áo, để vượt qua sông bằng thuyền bơm hơi. Nhưng chính phủ Thổ bác bỏ giải thích này. Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra sâu rộng để làm sáng tỏ vụ này.

Giữa những lời cáo buộc về sự vượt biên bất hợp pháp và những biện pháp xua đuổi, con số các nạn nhân chết trên đường vượt biên ngày càng gia tăng, Đức Tổng giám mục Joseph Printezis tuyên bố với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 19 tháng Mười vừa qua, rằng: “Những gì xảy ra thật là bi thảm. Người ta có nguy cơ biến vấn đề người di dân thành một phương thế để tạo sức ép chính trị. Điều bị tổn thương ở đây là phẩm giá của những người ấy và sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Âu châu phải thay đổi chính sách của mình đối với những người di dân và tị nạn. Có hàng triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng vượt biên. Đó là những người bị lạm dụng, kỳ thị, tước bỏ phẩm giá. Rất nhiều người đã phải trả những món tiền lớn để chạy trốn, để rồi bị đắm tàu và chết trong Địa Trung Hải. Thật là điều sai trái khi dùng người di dân và tị nạn như phương thức tạo sức ép chính trị... Chúng ta đừng biến Địa Trung Hải thành nghĩa trang... Chúng ta đang đến gần mùa đông và con đường này ngày càng nguy hiểm”. (Sir 19-10-2022)

 


Nhân Chứng Đức Tin