HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH

BÀI 01

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐỂ NÊN TRƯỞNG THÀNH VỀ NHÂN CÁCH

1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4,22-24).

2. CÂU CHUYỆN : NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em cách dã man. Đó là vụ bé gái 8 tuổi bị cô nhân tình của cha bạo hành đến tử vong, hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ do cha dượng thực hiện gây xôn xao trong dư luận.

Đây là điều gây phẫn nộ do sự độc ác, tàn nhẫn mà các nghi phạm đã gây ra cho nạn nhân là những đứa trẻ yếu thế, không có khả năng tự vệ. Đáng tiếc, những vụ việc như thế đang có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao và làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian sắp tới ?

3. SUY NIỆM :

1) THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ ?

Trưởng thành... nghĩa là một người có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, tự làm điều mình muốn, tự kiếm sống bằng khả năng của mình... và cuối cùng tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình... 

Nhiều người cho rằng khi được 18 tuổi trở lên thì đương nhiên con người sẽ nên người trưởng thành theo luật pháp. Tuy nhiên thực tế cho thấy : Một số người tuy tuổi đời khá cao, nhưng lại có lối sống vô nguyên tắc và vô trách nhiệm. Họ không phải là người trưởng thành thực sự mà chỉ là “những đứa trẻ to xác”. Ngược lại, có những trẻ em tuy mới 9 – 10 tuổi, nhưng lại mang dáng vẻ chững chạc và ăn nói cư xử nghiêm túc như người lớn. Vậy để trở nên một người trưởng thành thực sự, cần phải có những phẩm chất nào ?

2) NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ :3.4 / 5 ( 9 bình chọn )

 

1.-  Biết suy nghĩ chín chắn :

Người trưởng thành phải biết suy nghĩ trước khi nói như người xưa dạy “Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, nghĩa là trước khi nói ra điều gì cần phải suy nghĩ xem điều mình nói đúng hay sai, lợi hại thế nào ? để khỏi hối hận vì đã lỡ nói ra những điều sai lầm, có hại cho tha nhân và khó thu hồi lại, vì : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” - Một lời nói ra, bốn con ngựa khó truy bắt lại.

2.- Biết làm chủ cảm xúc của mình :

Khi nghe một người nói lời khiếm nhã với mình, kẻ ấu trĩ sẽ lập tức nổi nóng và phản ứng bằng thái độ hung hăng và đáp lại bằng những lời thô tục, do không làm chủ được cảm xúc. Trái lại, người trưởng thành sẽ không để cho cảm xúc tác động ảnh hưởng đến mình, nhưng biết làm chủ nó bằng sự kiềm chế cơn giận, nhẫn nhịn chịu đựng và tìm ra cách giải quyết ổn thoả tốt đẹp.

3.- Biết ý thức về giới hạn của mình :

Một người ấu trĩ sẽ thích huênh hoang về tài trí hơn người của mình, đang khi người trưởng thành biết ý thức về giới hạn sự hiểu biết của mình, để luôn sẵn sàng học hỏi qua việc đọc sách báo và qua các phương tiện truyền thông nghe nhìn. Khiêm tốn học hỏi cả với người ít tuổi hay địa vị thấp kém hơn mình, hầu thêm hiểu biết và sẵn sàng cải tiến phương pháp làm việc để đạt hiệu quả hơn.

4.- Biết khiêm tốn trong cách nói năng và hành xử :

Người ấu trĩ sẽ thích phô trương thành tích nhiều khi được thổi phồng quá đáng để tìm tiếng khen; Thích “nổ“ trên facebook để câu view trở thành trung tâm của dư luận. Trái lại, người trưởng thành sẽ nghe nhiều hơn nói và chỉ nói khi cần hay khi được yêu cầu. Tuy tự tin vào khả năng của mình, nhưng luôn biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng tiếp thu các lời phê bình góp ý để sửa sai nếu cần.

5.- Biết nghĩ đến người khác khi ứng xử:

Trong mọi việc người ấu trĩ sẽ luôn có thái độ ích kỷ khi chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình hay của người thân, đang khi người trưởng thành sẽ biết nghĩ đến người khác và đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để ứng xử, như người xưa dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.- Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, hoặc lời Chúa dạy : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

6.- Biết phục thiện chứ không cố chấp gàn dở :

Người ấu trĩ sẽ có lối suy nghĩ nông cạn, cố chấp theo tầm nhìn hạn hẹp hay theo định kiến cố hữu của mình. Chẳng hạn họ cố trì hoãn không chích vác-xin phòng chống lây nhiễm Cô-vít 19, mà không sáng suốt nhận biết tầm quan trọng của biện pháp phòng chống được cả thế giới công nhận này. Khi làm điều sai trái gây hậu quả nghiêm trọng, họ không nhận lỗi, mà thường đổ lỗi cho người khác. Trái lại, người trưởng thành sẽ luôn sáng suốt nhận định sự việc để phục thiện, và sẵn sàng áp dụng phương cách đúng đắn để khắc phục sai lỗi hiệu quả.

7.- Biết sống nghiêm túc và làm việc theo nguyên tắc :

Người ấu trĩ dễ dàng sống buông thả theo bản năng thôi thúc, đang khi người trưởng thành có lối sống nghiêm túc. Họ luôn ứng xử sự việc xảy ra theo nguyên tắc như “châm ngôn sống” của người xưa để lại và những Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Sau mỗi lần vấp ngã họ biết tìm ra nguyên nhân để khắc phục và tránh tái phạm.…

8.- Biết ý thức tự lập và chu toàn trách nhiệm :

Người ấu trĩ sẽ chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ hay người khác giúp đỡ đáp ứng các nhu cầu tinh thần vật chất của mình. Còn người trưởng thành sẽ đứng trên đôi chân của mình, luôn có ý thức chu toàn trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội được cấp trên và tập thể trao phó.

4. SINH HOẠT : Trong các điều trên, bạn thấy điều nào quan trọng nhất để giúp mình nên người trưởng thành về nhân cách, nên người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết ý thức về những thiếu sót của mình, để không tự cao tự đại, nhưng luôn biết làm chủ cảm xúc, biết khiêm tốn học tập để ngày một thăng tiến. Cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Cho chúng con biết ứng xử theo châm ngôn sốngchu toàn trách nhiệm đối với bản thân và tha nhân… Nhờ đó chúng con sẽ nên người trưởng thành về nhân cách, được mọi người quý trọng và xây dựng cho gia đình và xã hội ngày một an vui hạnh phúc hơn, theo thánh ý Chúa.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM