BÀI 06

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – VỀ LỐI ỨNG XỬ BẤT CẬP CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

 

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó(Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CHEN NGANG KHI XẾP HÀNG.

Gần đây trên báo Tuần Tin Việt Nam có đăng câu chuyện của một tác giả, trong đó phê phán lối hành xử thiếu văn hóa của nhiều người Việt Nam như sau :

- Hồi đầu năm tôi đi công tác tại Nhật. Khi làm thủ tục xuất cảnh chuẩn bị về lại Việt Nam tại sân bay bên Nhật, tôi thấy một người đàn ông châu Á vô tư xách hành lý chen ngang vào vị trí thứ hai của hàng người đang đứng xếp hàng chờ theo thứ tự. Bị nhân viên an ninh yêu cầu đứng vào cuối hàng, anh ta đành phải miễn cưỡng làm theo trước những ánh mắt khinh thường của nhiều người nước ngòai. Khi về đến Việt Nam, tôi đứng xếp hàng phía sau anh ta để làm thủ tục nhập cảnh và nghe nhân viên an ninh gọi tên, tôi mới biết anh là người Việt Nam.

- Tuần trước tôi cùng vợ và con ra Hà nội thăm gia đình, khi vợ tôi bế con ngồi ghế gần đó đợi, còn tôi thì đứng xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay, tôi bị hai cô gái ăn mặc mốt thời trang từ ngòai chen ngang vào hàng trước chỗ tôi đứng, phía sau tôi có hai vợ chồng khách du lịch người Âu châu. Vì ngọai hình của tôi không giống người Việt, nên hai cô gái cứ vô tư nói chuyện về thành tích chen ngang xếp hàng của mình tại Xanh-ga-po như sau : “Tao chen ngang một thằng Xanh-ga-po lúc làm thủ tục. Cái thằng chó ấy cứ nhìn đểu tao thật là khó chịu và còn nói câu gì đó tao không hiểu. Nhưng tao cứ kệ mẹ nó, coi như mình chẳng hiểu gì cả”. Đến lúc này thì tôi thấy chẳng cần phải ga-lăng làm gì với hạng người như vậy nên đã nhắc nhở : ”Yêu cầu hai cô vui lòng xếp vào hàng chờ”. Lúc đó họ nhận ra tôi cũng là người Việt nên tỏ vẻ khó chịu rồi nói khẽ với nhau, đủ để cho tôi nghe thấy hai từ “khốn nạn !”, rồi nhổ tọet bã kẹo cao su xuống nền nhà bóng lộn của sân bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất.

- Chiều nay đi làm về sớm, tôi nhường xe lại cho vợ và đón xe búyt về nhà cùng một anh bạn đồng nghiệp người Nhật Bản. Chiếc xe ngày một thêm đông khách sau mỗi lần dừng, và rồi hết chỗ ngồi khiến vài ba người phải đứng, trong đó có một phụ nữ khỏang 30 tuổi có vẻ là một công chức. Theo phép lịch sự, tôi đứng dậy mời chị ngồi vào chỗ của tôi. Chị ta nhìn tôi không cười, lẳng lặng ngồi xuống và ngỏanh mặt đi chỗ khác ! Anh bạn người Nhật nhìn tôi mỉm cười lắc đầu tỏ vẻ thông cảm.

Đó là ba ví dụ cho hàng trăm lần tôi đã từng chứng kiến. Chẳng cần phân tích kỹ, chúng ta cũng thấy hình ảnh của người Việt có thể để lại những ấn tượng không tốt thế nào trước mắt người nước ngòai.

3. SUY NIỆM :

1) Ứng xử bất cập của người Việt Nam nói chung :

Có người đã nhận xét như sau : “Ăn nhanh đi chậm hay cười. Thích chơi đồ cổ (second hand) ấy người Việt Nam !”. Điều đáng nói là về cách ứng xử của nhiều người Việt cũng như thế : Chen ngang được vào hàng thì nghĩ rằng những người khác ở phía sau đều ngố ! Đi xe vượt đèn đỏ mà không bị công an thổi còi xử lý thì nghĩ mình giỏi ! Nếu ai đã có dịp đi châu Âu, chắc hẳn đã cảm nhận được cảnh người Việt chúng ta bị các nhân viên an ninh người nước ngòai khinh thường, đang khi người Nhật lại được họ tôn trọng, ngay tại những nước có nền văn hóa cao như Đức, Pháp, Ý…

Ngày nay người trẻ Việt Nam ngày càng ít các biểu hiện đẹp trong cách hành xử tại nơi công cộng. Nhiều người trẻ thường chen ngang vào hàng khi mua vé, sẵn sàng vượt qua đèn đỏ khi vắng bóng công an. Mỗi khi bị ùn tắc giao thông, họ thường đi lên hè dành cho người đi bộ hoặc lấn sang làn đường bên trái dành cho xe phía đối diện. Trên xe búyt họ không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, thường xả rác bừa bãi, nói cười oang oang giữa nơi công cộng là nhà hàng rạp hát, khạc nhổ bừa bãi, ăn nói tục tĩu, không dội nước bồn cầu sau khi đi vệ sinh …

2) Nguyên nhân của cách ứng xử yếu kém về văn hoá :

Chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận rằng : văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta nói chung rất kém. Sở dĩ như vậy là do đã không được những người có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ đúng mức : Trong gia đình cha mẹ ông bà đã không ý thức phải nêu gương sáng và không quan tâm giáo dục con cái ứng xử có văn hóa. Rồi nhà trường phần lớn chỉ lo dạy học sinh kiến thức thi cử để lập thành tích mà không quan tâm dạy về văn hóa ứng xử. Xã hội tuy có nhiều chương trình truyền hình, nhưng lại ít có loại phim hay về giáo dục văn hóa ứng xử. Có lẽ đã tới lúc các nhà lãnh đạo cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho những kênh giáo dục văn hóa ứng xử giống như các kênh về sức khỏe, mua sắm, kinh tế…

Nhiều người cho việc giáo dục nói trên chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại không nhỏ chút nào. Vì nó thể hiện đạo đức và trình độ văn hóa của con người. Đã đến lúc không thể coi nhẹ các môn công dân giáo dục và đạo đức xã hội : Dạy phép lịch sự nơi công cộng, cách tiếp xúc với người nước ngòai, về tinh thần trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng... Nói chung về văn hóa ứng xử.

3) Làm gì để khắc phục ?

+ Kiến tạo môi trường văn hoá lành mạnh : Nếu có dip ăn uống khi đi du lịch bên trời Tây, hay tại các nước văn minh, chắc bạn sẽ không dám vứt rác bừa bãi xuống nền nhà. Một là vì nhà hàng bên đó vệ sinh sạch sẽ và rất có trật tự ngăn nắp. Hai là vì chỗ nào cũng có thùng rác dễ dàng sử dụng. Ba là vì có những quy định xử phạt nghiêm minh. Chẳng hạn bên Xanh-ga-po, hướng dẫn viên du lịch luôn nhắc nhở khách tham quan trong đòan về mức xử phạt lên tới 500 “đôla Xanh” cho ai xả rác bừa bãi không đúng chỗ quy định. Vì thế mà sau một chuyến đi du lịch nước ngòai ngắn ngày trở về, nhiều người Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức về văn hóa ứng xử theo chiều hướng tốt hơn.

+ Đổi mới tư duy văn hóa ứng xử đồng bộ : Hiện nay tại Việt Nam, những ai cư xử lễ độ lịch sự, biết nhường nhịn người khác và tôn trọng của công… lại thường bị số đông coi thường và bị đánh giá là “hâm mát”, “khùng điên” và thường bị thiệt thòi khi luôn phải nhường nhịn những kẻ có lối hành xử thiếu văn hóa.

+ Đổi mới phương pháp giáo dục về văn hóa nhân bản : Tuy môn đạo đức hiện nay đã được đưa vào nhà trường từ tiểu học đến trung học như : “Học tập năm điều bác Hồ dạy”, “Học tập lao động và sống đạo đức theo phong cách Chủ tịch Hồ chí Minh”… Nhưng nội dung các môn đạo đức này vẫn mang nặng tính giáo điều khô khan và mới chỉ xoay quanh những định nghĩa trừu tượng mà học sinh cần học thuộc để thi cử, đang khi lẽ ra các thày cô giáo phải giúp các em hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh cụ thể như : biết nói “không” trước những cám dỗ của bạn bè xấu, biết nói “xin lỗi”, “cám ơn”, biết chào hỏi, ăn mặc lịch sự, biết tôn trọng tha nhân bằng việc tránh gây phiền hà cho người khác, biết xếp hàng trật tự khi nộp bài thi hay khi mua vé, có ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, có ý thức tuân thủ luật pháp, nhất là luật giao thông đường bộ, biết ứng xử có văn hoá với tha nhân ….

Tóm lại cần phải có một sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ trong việc giáo dục văn hóa ứng xử từ trong gia đình, đến trường học, nơi thờ tự và ngòai xã hội. Người lớn phải làm gương cho giới trẻ, những người quyền cao chức trọng phải nêu gương tốt chấp hành luật pháp cho cấp dưới noi theo… thì mới hy vọng chuyển biến được xã hội Việt Nam và việc giáo dục văn hóa ứng xử mới đạt kết quả tốt.

4. SINH HOẠT : Các bậc cha mẹ cần giáo dục nhân bản cho con cái mình từ tuổi nào của con và dạy theo phương pháp nào để đạt kết quả tốt nhất ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con ý thức tầm quan trọng của nền văn hoá ứng xử văn minh, để quyết tâm tập luyện, hầu ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và nên con thảo luôn đẹp lòng Chúa Cha trên trời theo gương mẫu và lời dạy của Chúa trong Tin Mừng.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM


Học Làm Người Và Làm Con Chúa