BÀI 08
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – TÔN TRỌNG THA NHÂN
1. LỜI CHÚA : Chúa Giê-su phán : “Vậy
tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm
cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN : GIÁ TRỊ CỦA THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG THA NHÂN.
Vào một ngày nọ, khi mới tốt nghiệp
đại học, A-DI-AN đã nộp đơn xin làm công việc quảng cáo tại một công ty quốc tế
có mức lương khá cao. Sau mấy vòng sơ tuyển, cô biết mình không có nhiều tài
năng bằng một số thí sinh khác và nghĩ cô sẽ rất khó trúng tuyển để được làm
công việc này. Sau buổi thi cuối cùng, khi đang cùng các thí sinh khác ra chỗ
để xe. Đang khi các thí sinh khác đều tỏ ra lạc quan nói cười vui vẻ, thì
A-DI-AN lại lủi thủi đi tụt hậu với tâm trạng chán nản. Sau một đọan đường
ngắn, bỗng xuất hiện một lão ăn xin đang đứng cầm chiếc mũ để xin tiền các thí
sinh đi tới. Anh chàng đi đầu liền lớn tiếng xua đuổi : “Lão già kia, mau cút
đi chỗ khác. Đừng có đứng đó làm phiền chúng tôi nghe !”. Một người khác nói
thêm : “Tránh ra, tôi không có tiền cho lão đâu”. Có người còn mỉa mai : “Dường
như ăn xin là cách làm tiền dễ nhất của bọn người lười biếng !”. Một số người
cũng quay mặt sang chỗ khác khi ngang qua ông lão. Còn lão ăn xin đã không quan
tâm đến thái độ khinh thường của mọi người mà chỉ giơ chiếc mũ ra im lặng chờ
đợi…
Khi đến lượt A-DI-AN đi ngang qua
ông lão, cô liền dừng lại mỉm cười với ông rồi thò tay vào túi định lấy tiền lẻ
cho ông. Nhưng cô hơi ngượng khi không tìm thấy chiếc ví đựng tiền trong túi.
Bấy giờ cô liền nắm lấy hai bàn tay ông lão và nói với giọng thành khẩn : “Thưa
ông, cháu thật có lỗi vì đã để quên ví tiền ở nhà, nên hiện giờ cháu không có
đồng nào để biếu ông được”. Bấy giờ lão ăn mày liền nói với đôi mắt ngấn lệ :
“Không sao đâu cô. Lão thật biết ơn cô rất nhiều. Những gì cô cho lão hôm nay còn
đáng giá hơn tiền bạc gấp bội. Vì cô là người đầu tiên đã tỏ
thái độ tôn trọng đối với một người ăn xin như lão”.
Một tuần sau, A-DI-AN nhận được thư
của công ty báo tin cô đã được trúng tuyển. Đây là công việc mà cô luôn mơ ước
ngay từ những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học. Về sau khi có dịp gặp Phó
Giám Đốc có mặt trong buổi phỏng vấn hôm trước, A-DI-AN đã hỏi lý do tại sao cô
lại được tuyển chọn đang khi nhiều bạn ứng viên khác trổi vượt hơn cô về nhiều
phương diện. Bấy giờ ông Phó Giám Đốc đã trả lời như sau : “Sở dĩ công ty chọn
cô vì cô là người thích hợp nhất với công việc quảng cáo của công ty. Cô có thể
không
giỏi hơn các ứng viên khác về nhiều mặt, nhưng điều quan trọng nhất công ty
muốn thì các ứng viên khác lại không ai bằng cô. Chính thái độ tôn
trọng kẻ khác, bất kể họ là ai và thuộc hạng người nào của cô là nhân
tố quyết định khịến ban giám đốc chúng tôi chọn cô”. Thì ra sự
tôn trọng tha nhân lại được đánh giá cao hơn nhiều tài năng khác. Qua
câu chuyện với ông Phó Giám Đốc, A-DI-AN cũng biết được lão ăn xin hôm trước
chính là người đã được công ty bố trí đóng vai để sát hạch về lối ứng xử của
các thí sinh mà công ty đang cần tuyển dụng.
3. SUY NIỆM :
a) Phải cẩn trọng về lời
nói : Cách đây vài năm,
trong một chương trình giao lưu âm nhạc, một MC trẻ trung, xinh đẹp của đài
truyền hình Trung Ương đã giới thiệu trước đông đảo cử tọa : “Đây là nhạc sĩ P.
Có lẽ khán giả chúng ta không ai lạ gì cái bản mặt của anh”.
Chắc cô muốn nói là “không ai lạ gì anh” !. Quả là một sự cố “đáng tiếc !”.
Không những cô MC tái mặt vì lỡ lời, mà hết mọi người trong khán phòng cũng đều
thấy ngượng thay cho cô. Ai trong chúng ta cũng đều có lần nói sai, nói ngọng,
nói lắp hay lỡ lời… Nhưng phải tránh kiểu
nói năng ấu trĩ do thói quen, mà không phù hợp với hoàn cảnh và không thể rút lại được như trường hợp này.
b) Sai lỗi về lời nói cũng
được xếp vào lọai văn hóa ứng xử : Ca dao có câu : “Vụng ăn có thể cho qua; Nhưng mà vụng nói người
ta chê cười”; “Sảy chân gượng lại còn vừa; Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ”
…
c) Kính trọng tha nhân qua
lời nói : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”;
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu. Người khôn ai nỡ nói nhau
nặng lời”; ”Người khôn nói mánh. Người dại đánh đòn”…
d) Mau nghe chậm nói : Hãy biết lắng nghe lời người khác
đang nói, ngay cả khi họ nói điều trái với ý bạn. Bạn cũng cần suy nghĩ trước
khi nói. Vì : “Mau nói mau lỗi”; “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”…
e) Phải tránh nói dai nói
dài : Khi trao đổi
trong buổi họp, cần tránh nói dài vì : “Rượu nhạt, uống lắm cũng say. Người khôn
nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”; và “Đa ngôn đa quá !”…
g) Phải tránh nói to tiếng
: Đây là điều bất
lịch sự vì gây cho người khác sự bực bội như người xưa dạy : “Chim khôn hót
tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
h) Phải biết giữ chữ tín
: “Một sự thất tín,
vạn sự chẳng tin”. Đã hứa thì phải giữ lời : “Quân tử nhất ngôn” (Người quân tử
chỉ nói một lời); “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, bốn ngựa
khó đuổi kịp).
i) Phải tránh tranh cãi về
tôn giáo : Bạn có thể thuyết phục người khác về điều bạn tin tưởng, nhưng
cần có bằng chứng thực tế, hơn là chỉ tranh cãi suông. Do đó cần tránh đả kích
niềm tin của tha nhân như người ta thường nói : “Đả kích niềm tin của kẻ khác
là cách hữu hiệu nhất để có thêm kẻ thù”.
4. SINH HOẠT :
Qua câu chuyện đầu bài, bạn có thể
rút ra bài học nào trong việc ứng xử với tha nhân ? Tại sao ta phải tôn trọng
tha nhân ? Bạn tâm đắc với câu ca dao tục ngữ nào trong bài suy niệm trên ? Tại
sao ?
5. LỜI CẦU :
LẠY Chúa Giê-su. Xin cho chúng con
luôn biết tôn trọng tha nhân, nhất là tôn trọng những người nghèo khổ túng cực,
để gây được thiện cảm của mọi người. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng
của sự tôn trọng tha nhân, thể hiện trình độ văn hoá của một người
trưởng thành về nhân cách. Xin cho chúng con luôn nhìn thấy Chúa hiện
thân trong mọi người, nhất là trong những người nghèo khổ để chia
sẻ phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên con thảo đẹp lòng Chúa
Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM