BÀI 106

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – SỐNG DỰA VÀO CON CÁI NÊN CHĂNG ?

1. LỜI CHÚA: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con” (Hc 3,14-17).

2. CÂU CHUYỆN : CẦN LẬP SỔ TIẾT KIỆM ĐỂ ĐỀ PHÒNG BẤT TRẮC.

Bà Lưu 68 tuổi, đã về hưu được 18 năm, bà có một cuốn sổ tiết kiệm tại ngân hàng lên tới 1,7 tỷ đồng. Ai nghe biết cũng đều lắc đầu chê bai bà : Tại sao không biết chi tiêu tiền bạc để sống thoải mái, mà để nhiều tiền trong ngân hàng như vậy làm chi ? Nghe họ nói, bà chỉ biết cười trừ cho qua chuyện. Bà quan niệm rằng, thà có tiền còn hơn không có. Không ai có thể bảo đảm sau này cuộc sống sẽ không gặp bất trắc. Ngay cả con ruột của bà cũng không cảm thông với việc bà để số tiền tiết kiệm lớn như vậy trong ngân hàng. Chỉ đến khi một biến cố lớn xảy ra cho gia đình, mọi người mới thay đổi quan điểm và có cái nhìn tích cực hơn như sau :

Ba năm trước, con trai bà lái xe hơi gây tai nạn giao thông và bị buộc bồi thường số tiền 700 triệu đồng, nếu không sẽ bị kiện đi ở tù. Khi ấy thu nhập tài chính của anh con trai không mấy dư giả, và còn phải trả nợ lãi vay hàng tháng cho ngân hàng. Là mẹ, bà không nỡ nhìn con trai phải đi tù, nên đã rút tiền tiết kiệm trong ngân hàng bồi thường cho người bị hại 700 triệu đồng. Một lần khác, bà bị lên cơn nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu và bị phẫu thuật sau đó tốn cả trăm triệu đồng.

Rồi gia đình con trai con dâu cũng gặp sự cố phải nghỉ đi làm, nên bà lại phải đứng ra thay con trả góp hàng tháng số nợ ngân hàng còn thiếu.

Từ đó, mọi người đều ngưỡng mộ trước tầm nhìn xa và tình thương bao dung của bà. Con trai và con dâu cũng không còn dám trách và đã học theo mẹ để chi tiêu tiết kiệm.

3. SUY NIỆM : CÓ NÊN HOÀN TOÀN SỐNG DỰA VÀO CON CÁI KHÔNG ?

Có người đã nói chí phải : “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái. Nhưng nhà của con cái không bao giờ là nhà của cha mẹ”.

Sinh con là một thiên chức của các bậc làm cha làm mẹ. Việc nuôi dưỡng con cái nên trưởng thành cũng chính là bổn phận cha mẹ nào cũng phải chu toàn. Nhưng nếu dựa vào việc nuôi dạy và hy sinh cuộc đời cho con để hy vọng con đáp lại trong tuổi già thì cần xét lại. Vì thực tế không phải đứa con nào cũng đều hiếu thảo biết đáp lại tình thương bao la của cha mẹ. Bên cạnh những đứa con có hiếu cũng có nhiều đứa con bất hiếu cư xử tàn nhẫn với đấng sinh thành. Vì thế đã có nhiều người già phải sống lang thang ngoài đường phố hoặc bị con cái bỏ rơi trong các nhà nuôi người già xã hội.

Nên nhớ rằng : Con cái không phảỉ là sổ bảo hiểm đáng tin của cha mẹ. Người xưa dạy : Ai khéo quản lý tiền bạc thì sẽ không bị nghèo khổ. Ai biết khôn ngoan tiên liệu sẽ không bị túng cực. Do đó cha mẹ cần tự lo cho tương lai của mình chứ đừng chỉ biết cậy dựa vào con cái. Cha mẹ cần có sổ  tiết kiệm riêng để chủ động chi tiêu mà không lệ thuộc con cái. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, bình thường cha mẹ không nên sớm chia tài sản và nhà cửa cho con cái khi đang còn sống. Hãy làm di chúc phân chia tài sản sau khi qua đời. Bao lâu cha mẹ còn sống trong căn nhà do mình làm chủ thì sẽ được an toàn và cũng giúp con cái có điều kiện dễ dàng thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ.

4. SINH HOẠT : Cha mẹ nghỉ hưu có nên chia nhà cửa đang ở chia cho con cái, rồi đến ở chung với con trưởng không ? Tại sao ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin ban cho các bậc làm cha mẹ trong gia đình biết chu toàn bổn phận “nuôi con khoẻ dạy con ngoan”. Xin cho con cái biết tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ qua việc phụng dưỡng các ngài đang khi còn sống và năng tưởng nhớ cầu nguyện cho các ngài sau khi qua đời. Nhờ đó gia đình chúng con sẽ luôn được an vui hoà thuận ở đời này và đời sau được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong Nước hằng sống.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 


Học Làm Người Và Làm Con Chúa