BÀI 21
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - TÌNH THƯƠNG CẢM THÔNG VÀ THA THỨ
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy lời Chúa : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.
Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau,
nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ
cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức
tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl
3,12-13).
2. CÂU CHUYỆN :
THÍCH ĂN MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY ĐEN.
“Khi
tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy
khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho
cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình
thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai
nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài
tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói
gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh
mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi :
- “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải
thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói :
“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một
lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì
thực sự gây tổn thương cho mẹ con không ? Đó là những lời chê bai trách móc cay nghiệt
đấy.”
Rồi ông nói tiếp : “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những
thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất
nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như
một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học
cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của
họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành
mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với
những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và
hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
3. SUY NIỆM
:
Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối
với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách
của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng... sẽ giúp bạn có một cuộc sống chung
an hòa. Sự cảm thông là bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Truyện Miếng
bánh mì cháy là bài học về sự cảm thông giữa con người với con người, giữa
những người thân trong cùng một gia đình. Đó là nguyên nhân của sự hoà hợp hạnh
phúc gia đình.
4. SINH HOẠT :
Bạn nhận xét thế nào về thái độ của người cha trong câu
chuyện không những không phiền trách lỗi của vợ đã nướng bánh mì bị cháy đen,
mà còn an ủi vợ khi nói mình thích ăn bánh mì cháy ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Qua lời người cha nói với con trai trong câu
chuyện trên. Xin cho chúng con có lòng bao dung
nhân ái để cảm thông với các sai sót của người thân và không chấp nhất những
lầm lỗi của họ như lời Chúa dạy : “Anh em hãy có
lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu
trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia”. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM