BÀI 40
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – NÊN LÀM TRẠNG SƯ HAY CÔNG
TỐ VIÊN ?
1. LỜI CHÚA : “Anh em đừng xét
đóan để khỏi bị Thiên Chúa xét đóan. Vì anh em xét đóan thế nào, thì anh em
cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đóan như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên
Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
2. CÂU CHUYỆN :
VỊ ẨN SĨ TÔN TRỌNG THA NHÂN.
Trong sách truyện các thánh tu hành có thuật lại một câu
chuyện xảy ra trong cuộc đời của ẩn sĩ MA-CA-RI-Ô, người đã qua đời năm 300 ở
Ai Cập.
Ma-ca-ri-ô là một tu sĩ sống ẩn dật 30 năm trong căn
phòng của mình. Suốt thời gian đó, một vị linh mục hằng ngày vẫn đến cử hành
thánh lễ trong phòng cho thầy Ma-ca-ri-ô tham dự. Ngày nọ, để cám dỗ quấy rầy
nhà tu hành này, ma quỉ đã xúi một người quen đến tố cáo với thầy Ma-ca-ri-ô về
vị linh mục kia như sau :
- Ông linh mục đến làm lễ mỗi ngày cho thầy chỉ là một kẻ
tội lỗi. Nên thầy không nên để cho ông ta tiếp tục đến đây dâng lễ nữa.
Ẩn sĩ Ma-ca-ri-ô đáp :
- Hỡi bạn, Kinh Thánh dạy rằng : “Đừng xét đoán để khỏi bị xét
đoán”. Nếu cha ấy thực sự tội lỗi, thì chỉ Chúa mới có quyền xét đoán và sẽ tha
thứ tội cho cha ấy. Còn tôi là ai mà dám xét đoán anh em ? Hơn nữa tôi thấy
mình còn tội lỗi hơn tất cả mọi người thì làm sao tôi dám kết tội kẻ khác được
?
Sau khi nói xong, vị ẩn sĩ đã cầu xin Chúa giải thoát cho
kẻ tố cáo kia khỏi bị quỉ cám dỗ nữa.
Hôm sau khi vị linh mục trở lại dâng lễ, cha ấy vẫn được
thầy Ma-ca-ri-ô ân cần tiếp đón như mọi khi. Và Thiên Chúa đã khích lệ thầy bằng
một thị kiến như sau :
khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép, thì một
thiên thần từ trời xuống đặt tay trên đầu chủ tế và biến ngài thành một cây
đuốc cháy sáng trước Mình Thánh Chúa mới hiện diện trên bàn thờ. Rồi ẩn
sĩ Ma-ca-ri-ô nghe thấy có tiếng phán như sau :
“Hỡi con người. Ngươi đừng ngạc nhiên khi thấy điều này.
Vì nếu vua chúa trần gian mà còn không cho phép thần dân xuất hiện trước mặt
mình với y phục nhơ bẩn, thì Thiên Chúa toàn năng sao lại có thể chấp nhận một
linh mục cử hành mầu nhiệm thánh xuất hiện như một tội nhân trước vinh quang
của Ngài ? Ngươi được chứng kiến sự kiện lạ lùng này chính là do ngươi đã không
kết án vị linh mục dâng lễ kia”.
3. SUY NIỆM :
Quả thực, một trong những tội người ta dễ sai phạm nhất
chính là tội hay xét đoán ý trái, dễ kết án oan sai cho người khác. Lý do một
phần vì chúng ta không biết hết những động lực nào đã thôi thúc hành động của người khác.
Phần khác vì sự xét đoán của chúng ta thường bị tình cảm yêu ghét và thành
kiến chi phối nên dễ đi đến kết án oan sai cho những kẻ mình không ưa,
như người ta thường nói : “Yêu nhau trái ấu cũng tròn. Ghét nhau quả bồ hòn
cũng méo !”
Do đó, để tránh kết án oan sai cho tha nhân, chúng ta cần
đặt
mình vào hoàn cảnh của người đó, cần trở thành trạng
sư bào chữa để tìm hiểu nguyên nhân và động cơ dẫn
đến hành động sai trái. Nhờ đó ta sẽ dễ dàng cảm thông với lỗi lầm của
họ.
Đàng khác, Đức Giê-su cũng dạy chúng ta phải tránh xét
đoán như sau : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét
đoán. Vì anh em xét đóan thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét
đóan như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh
em bằng cái đấu ấy" (Mt 7,1-2).
4. SINH HOẠT : Bạn nghĩ thế nào về câu trả lời của ẩn sĩ Ma-ca-ri-ô
trong câu chuyện trên để bênh vực vị linh mục bị tố cáo là kẻ tội lỗi
? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Nhiều lần chúng con đã nghe những lời tố
cáo về các sai lỗi của tha nhân là anh em trong cùng cộng đoàn với chúng con.
Xin cho chúng con tránh làm công tố viên kết án anh em khi chưa điều tra hiểu rõ đầu
đuôi sự việc. Cho chúng con trở thành trạng sư để bào chữa lỗi lầm cho anh em,
hầu chúng con trở nên môn đệ thực sự của Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM