BÀI 44
VĂN HOÁ ỨNG XỬ - KHÔN NGOAN THỰC SỰ ĐÒI
PHẢI KHIÊM HẠ
1. LỜI CHÚA : Tác
giả sách Châm Ngôn viết : Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán. Vì được khôn
ngoan thì hơn được bạc, được hưởng
lợi ích của khôn ngoan thì hơn được vàng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu,
không bảo vật nào của con so sánh nổi. ( Cn 3,13-15).
2. CÂU CHUYỆN :
SỰ KHÔN NGOAN CỦA LƯU HUYỀN ĐỨC.
LƯU HUYỀN ĐỨC trong thời gian ở chung với Tào Tháo trong
triều, luôn đề phòng để khỏi bị Tào
Tháo ám hại. Mỗi ngày ông thường ra vườn sau nhà để trồng rau, và tự tay bón
phân tưới cây như một người làm vườn... Hai em là Quan và Trương nói : "Sao
anh không lo việc thiên hạ đại sự, lại học làm những việc của kẻ tiểu nhân là
có ý gì vậy ?".
Huyền Đức nói : "Điều ấy hai em không cần phải quan
tâm". Từ lúc đó hai người này không dám hỏi thêm điều gì nữa.
Ngày nọ, Huyền Đức đang tưới rau sau vườn thì có một vị
tướng mang giấy của Tào Tháo đến mời ông cấp thời vào triều họp mặt. Khi gặp
Lưu Huyền Đức, Tào Tháo liền cười bảo : "Ông ở nhà mà cũng làm được việc
lớn sao !". Huyền Đức nghe vậy cảm thấy lòng dạ bất an. Bấy giờ Tháo cầm
tay Huyền Đức dắt ra sau vườn nói : "Huyền Đức làm vườn như vậy chắc là để
tránh nóng nực phải không ?".
Huyền Đức nghe nói thế mới an lòng, liền đáp : "Do không có chuyện gì cần
làm nên tôi ra làm vườn để giải khuây đó thôi !".
Khi ra đến sau tiểu đình thì thấy đã có bày sẵn mâm bàn
đồ ăn và chén đũa. Tháo nói : "Tôi thấy nhành mai đơm bông thì nhớ đến lúc
đi đánh Trương Tú. Nay trông thấy cây mai này, tôi mới đặt rượu ngon, mời sứ
quân đến chung vui".
Hai người cùng ngồi ăn uống vui vẻ. Rượu vừa nửa chừng,
bỗng đâu mây đen kéo tới và dông gió ào ào nổi lên. Quân sĩ chỉ lên trời nói
với nhau : "Rồng lấy nước kia kìa !". Tào Tháo và Huyền Đức cùng ra
xem sự thể. Bấy giờ Tháo lên tiếng hỏi Huyền Đức :
- Sứ quân có biết rồng biến hóa ra sao không ?
Huyền Đức thưa :
- Chưa biết rõ lắm.
Tào Tháo nói :
- Tánh rồng lúc lớn lúc nhỏ, lúc thăng lúc ẩn; khi lớn thì
làm mây mưa sa mù, khi nhỏ thì ẩn bóng giấu hình. Thăng thì bay tung nơi vũ
trụ, ẩn lộn thì núp dưới ba đào. Nay lúc mùa xuân, rồng nương theo thời mà biến
hóa, cũng như người đắc chí tung hoành trong bốn bể vậy. Rồng là một vật sánh được với bậc anh hùng trên đời. Huyền Đức từ
lâu đã trải đi khắp bốn phương, có lẽ đã biết
được các vị anh hùng trong đời này. Xin hãy chỉ ra thử xem.
Huyền Đức nói :
- Lưu Bị tôi có con mắt thịt, lẽ đâu biết được anh hùng.
Tào Tháo nói :
- Chớ khiêm nhường thái quá làm chi !
Huyền Đức nói :
- Tôi nhờ ngài giúp sức nên mới được làm quan
tại trào, còn anh hùng trong thiên hạ, thật
chưa hiểu biết được.
Tào Tháo nói :
- Tuy chưa biết mặt nhưng cũng phải biết danh chứ ?
Bấy giờ Huyền Đức mới chỉ ra Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu
Kiển Thăng, Tôn Bá Phù, Lưu Quí Ngọc... Nhưng nói tới ai thì Tháo đều lắc đầu,
chê là bọn lục lục thường tài. Huyền Đức bèn nói :
- Ngoài bọn ấy, thì thật tôi không biết còn ai khác nữa.
Tào Tháo nói :
- Đấng anh hùng là người trong dạ có chí lớn, bụng có mưu
hay, gồm giấu máy vũ trụ, có chí nuốt trời mửa đất, đó mới thật là anh
hùng.
Huyền Đức nói :
- Ai mà được như vậy ? Tôi thực không biết.
Tào Tháo lấy tay chỉ Huyền Đức, rồi lại chỉ vào mình mà
rằng :
- Nay đấng anh hùng trong thiên hạ thì theo thiển
ý duy chỉ có sứ quân cùng Tháo này mà thôi.
Huyền Đức nghe nói liền thất kinh, đôi đũa cầm trong tay bị rớt
xuống đất. Lúc bấy giờ trời đang mưa to, sấm sét nổ ầm ầm. Huyền Đức
thủng thẳng cúi đầu lượm đũa lên mà rằng :
- Chỉ một tiếng sấm to mà tôi đã thấy sợ
như vầy !
Tào Tháo cười nói :
- Đại trượng phu mà cũng sợ sấm sao ?
Huyền Đức nói :
- Thánh nhân nghe sấm to gió lớn mặt còn biến sắc. Lẽ nào
tôi lại chẳng sợ sao ?
Tào Tháo nghe nói vậy thì mới cảm thấy yên lòng, không còn nghi
Huyền Đức đang nuôi chí lớn. Mãn tiệc Huyền Đức từ giã ra về.
3. SUY NIỆM :
Khi ba anh em gặp nhau, Huyền Đức đem chuyện làm rớt đũa
nói cho hai em nghe. Quan Trương liền hỏi :
- Anh làm thế để làm gì vậy ?
Huyền Đức nói :
- Ta học làm vườn là có ý làm cho Tào Tháo
nghĩ ta không có chí lớn. Chẳng dè Tháo lại gọi ta là anh hùng, nên ta
thất kinh làm rớt chiếc đũa. Ta làm bộ nói do sợ khi nghe tiếng sấm... để Tháo khỏi
nghi ta có tài trí đảm lược của bậc anh hùng. Nghe vậy, Quan Trương đều
nói : "Anh thật cao kiến, chúng em không sao bì kịp ! “
Cũng nhờ biết khiêm tốn ẩn giấu tài trí như thế, mà Huyền
Đức mới an toàn thoát khỏi tay Tào Tháo ám hại.
4. SINH HOẠT :
Bạn đánh giá thế nào về sự khôn ngoan của Lưu Bị khi nhiều lần cố tình che giấu
chí lớn trước Nguỵ vương Tào Tháo, là kẻ vốn đa nghi và đang nắm quyền sinh sát
trong tay ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết học
tập sự khôn ngoan của người xưa là khiêm tốn để không phô trương tài trí hơn
người hầu tránh hoạ sát thân. Xin cho chúng con luôn biết ứng
xử khiêm hạ trong lời nói việc làm khi đối nhân xử thế, hầu tránh bị
những kẻ quyền thế thù ghét làm hại.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM