BÀI ĐỌC THÊM

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI VỀ SỰ KHIÊM TỐN

Một học giả sau khi đi chu du nhiều năm cho rằng mình đã học được tất cả kiến thức trên đời, ông lên đường trở về quê hương.

Về đến đầu làng, trông thấy 1 người nông dân đang nhặt củi dưới chân núi, ông ta nghĩ ngay tới việc khoe khoang về vốn liếng kiến thức uyên bác của mình.

Ông ta đi đến gần, vỗ vai người nông dân và nói :

- Chào bác nông dân khốn khổ, tôi vốn là dân trong làng này nhưng đã đi chu du thiên hạ được nhiều năm, và đã học được rất nhiều kiến thức trên đời. Hôm nay tôi trở về thăm lại quê hương xem nơi này có gì đổi mới hay không.

- Ra vậy - Người nông dân chỉ đáp 1 câu rồi lại tiếp tục công việc.

Ông học giả lại nói :

- Hay thế này đi : Bác sẽ hỏi tôi một câu mà nếu tôi không trả lời được thì tôi sẽ phải trả bác 10 đồng. Sau đó tôi cũng hỏi bác một câu, mà nếu bác không trả lời được thì bác chỉ phải đưa cho tôi một đồng.

Bấy giờ người nông dân liền ngẩng mặt lên suy nghĩ một lát rồi trả lời :

- Vậy cũng được.

- Bác hãy ra câu hỏi trước đi – Ông học giả nói.

Bác nông dân chỉ tay lên dãy núi xa xa và hỏi :

- Con gì khi lên núi thì đi 4 chân. Nhưng khi xuống núi lại chỉ đi hai chân ?

Ông học giả suy nghĩ hồi lâu mà không thể trả lời được nên đành chịu thua và phải móc túi ra 10 đồng đưa cho bác nông dân.

- Vậy đó là con gì vây ? – Ông ta hỏi.

Bác nông dân cầm lấy 10 đồng tiền, trả lại cho ông học giả 1 đồng và nói :

- Rất tiếc, tôi cũng không biết đó là con gì.

Ông học giả lúc này đã hiểu ra mọi điều, ông ta cảm thấy xấu hổ liền cầm lấy đồng tiền, chào tạm biệt bác nông dân, rồi đi một mạch ra khỏi làng.

Sau này nhờ biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi, ông học giả đó đã trở thành một vị giáo sư nổi tiếng. Nhưng trong lòng ông vẫn nhớ mãi bài học người nông dân tại quê hương đã dạy cho mình.

Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa!

SƯU TẦM

 


Học Làm Người Và Làm Con Chúa