BÀI 49

VĂN HOÁ ỨNG XỬ – HỌC LÀM NGƯỜI TỬ TẾ

1. LỜI CHÚA : Thánh Gio-an viết thư khuyên các tín hữu như sau :Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,17-18).

2. CÂU CHUYỆN : ÍCH LỢI CỦA THÁI ĐỘ TỬ TẾ

Tại một cửa hàng bách hóa tại Mỹ, trời đột nhiên mưa lớn, một bà lão ăn mặc giản dị bị ướt sũng cả người. Bà chạy vào trong cửa hàng trú mưa. Hầu như không một nhân  viên nào trong cửa hàng quan tâm đến bà.

Nhưng rồi cũng có một chàng trai mặc áo nhân viên cửa hàng bước tới gần nói : “Chào bà, cháu có thể giúp được gì cho bà không ?”

“Không cần đâu, tôi chỉ vào để tránh mưa một lát rồi sẽ đi ngay.” Nhưng sau đó cảm thấy bất an khi bất đắc dĩ phải mượn chỗ trong cửa hàng trú mưa, nên bà quan sát tìm mua một món đồ nào đó để bù đắp lại phần nào. Nhưng sau khi đi một vòng quan sát mà bà cũng không biết nên mua thứ gì.

Chàng trai trẻ khi nãy thấy vậy, bèn đến nói với bà lão : “Bà ơi, bà không cần làm vậy đâu ạ ! Cháu sẽ mang một chiếc ghế tới để bà ngồi nghỉ chờ tạnh mưa nhé”.

Sau hai tiếng đồng hồ cơn mưa mới dứt hẳn. Bà lão hỏi xin danh thiếp của chàng trai rồi bỏ đi. Vài tháng sau, chàng trai nhận được một giấy mời làm đại diện cho một công ty bách hóa khác, hứa hẹn sẽ nhận được mức lương hậu hĩnh.

Sau này cậu mới biết giấy mời đó là cơ hội mà bà lão hôm trú mưa đã cho người mang tới. Bà lão ấy không ai khác hơn là mẹ của Andrew Carnegie, ông “vua thép”, là người giàu thứ ba trên thế giới.

Chàng trai trẻ nhờ vậy đã thuận buồm xuôi gió và thăng tiến lên tận ‘mây xanh’, trở thành cánh tay đắc lực của Andrew Carnegie. Đồng thời sau này anh cũng trở thành nhân vật trọng yếu giàu có chỉ đứng sau Andrew Carnegie.

3. SUY NIỆM :

- Tử tế chính là sự tốt bụng, là phẩm chất cao quý và đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người lương thiện, không nghĩ xấu cho ai và cũng không làm hại ai. Hơn nữa, người tử tế còn luôn biết quan tâm, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng tận tình giúp đỡ  tha nhân với hết khả năng.

- Thái độ tử tế thường được biểu lộ qua những hành vi nhỏ như : Ăn nói lễ độ, biết nhường nhịn người khác, không khinh dể kẻ thấp kém, không chấp nhất những sai sót lầm lỗi của tha nhân …

- Tử tế còn được biểu lộ qua những việc lớn như : Rộng rãi đóng góp tiền bạc cho phúc lợi công cộng, luôn đứng về phía lẽ phải, sẵn sàng đấu tranh cho công lý để chống lại cái xấu cái ác… Một khi những việc tử tế được nhân lên, thì những cái xấu cái ác sẽ bị đẩy lùi và xã hội sẽ ngày một tốt hơn.

- Nếu trong gia đình, con cháu biết quan tâm đến ông bà, cha mẹ; Anh chị em trong nhà biết yêu thương đùm bọc nhau; Hàng xóm láng giềng biết quan tâm giúp đỡ nhau… thì xã hội chúng ta đang sống sẽ ngày càng văn minh và nhân ái hơn.

- Hãy sống tử tế và tránh thói xấu vô cảm :  Cần sống theo châm ngôn : “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; Tránh thái độ ích kỷ trong câu : “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng !”. Hãy nhớ lời Chúa Giê-su dạy để biết ứng xử theo luật nhân quả : Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

4. SINH HOẠT : Anh nhân viên cửa hàng bách hoá đã làm gì giúp bà lão trú mưa, chứng tỏ anh là người tử tế, xứng đáng được trao trách nhiệm lớn sau đó ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Thái độ quan tâm và tận tình giúp đỡ tha nhân cho thấy thế nào là một người tử tế. Xin cho chúng con biết quan tâm đến mọi người và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ để chúng con ngày một nên trưởng thành về nhân cách, trở thành người tử tế, gây được thiện cảm với nhiều người, là điều kiện để làm mọi việc được thành công .- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

 


Học Làm Người Và Làm Con Chúa