BÀI 62
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - HÃY NÓI THẬT VÀ TRÁNH NÓI DỐI
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ““có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”.
Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (Mt
5,37).
2. CÂU CHUYỆN :
NÓI DỐI NHƯ CUỘI.
Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi tên
là Cuội. Từ thuở nhỏ, Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở chung với chú thím. Hắn
ta là tay láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì tỏ ra rất thành thạo. Một lão
trọc phú ở trong miền nghe tiếng đồn về Cuội thì không tin. Một hôm, ông ta cho
người gọi Cuội đến nhà và bảo :
- Nghe nói mày lừa người giỏi lắm.
Bây giờ tao ngồi ở đây, đố mày lừa cho tao ra ngoài cổng thì tao sẽ thưởng cho
mày năm quan. Ở đây mọi người làm chứng nhé !
Cuội ta gãi đầu gãi tai đáp :
- Ông ngồi ở đây, lại đề phòng sẵn
thì làm sao mà lừa ông ra ngoài cổng được. Nhưng nếu ông ra đứng ở ngoài cổng, cháu
sẽ có cách lừa được ông vào trong nhà.
Nghe nói thế, lão trọc phú liền đi ra
cổng. Nhưng khi vừa đến nơi, Cuội đã vỗ tay reo :
- Đấy cháu đã lừa được ông ra ngoài cổng
rồi nhé !
Trọc phú bị thua, đành phải đưa cho Cuội
5 quan tiền như giao ước.
3. SUY NIỆM :
Nói thật hay nói dối không phải lúc nào cũng tốt hay
cũng xấu :
1) NÓI DỐI :
- Nói dối để "lợi mình - hại người" : đây là kiểu nói dối không bao giờ được làm.
- Nói dối để lợi mình nhưng cũng chẳng hại ai : Kiểu nói dối này người ta hay thực hiện. Tuy nhiên,
"cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra" Khi sự thật được sáng tỏ thì uy tín của người
nói dối sẽ không còn.
- Nói dối để có lợi cho người khác : đôi lúc do lòng tốt muốn giúp đỡ bạn bè, nên đã
nói dối để họ khỏi bị trừng phạt... Nhưng “lợi bất cập hại” khi thực tế chứng
minh điều mình đã nói không đúng sự thật và hậu quả sẽ khó lường.
2) NÓI THẬT :
- Nói thật lợi
mình, hại người : Có những sự thật có lợi cho bản
thân và người thân, nhưng lại gây thiệt hại cho người khác. Do đó cần phải
khôn ngoan cân nhắc trước khi nói ra sự thật.
- Nói thật có lợi
cho người khác : Đây là sự thật ta cần thực hiện vì luôn có lợi cho
tha nhân. Chẳng hạn cha mẹ hay thày cô dạy con cái và học trò cách hành xử đúng
đắn, chia sẻ kinh nghiệm sống và các kiến thức mọi người cần biếti..
3) NÊN NÓI DỐI HAY NÓI THẬT ?
- Nói dối “hại người,
lợi mình” là điều xấu không bao giờ được làm, vì chắc sẽ bị quả báo ngay ở
đời này chứ không cần đợi đến đời sau.
- “Nói dối thiện
chí" đôi khi cũng có lợi : Người ta gọi nó bằng cái tên "white lie": Chẳng hạn nói
dối với người thân đang bị ung thư bằng thứ bệnh khác ít nguy hiểm hơn. Tuy
nhiên, tốt hơn ta không nên nói dối, dù là “nói dối thiện chí, vì sớm muộn họ cũng hay biết. Do đó, ta cần khôn
ngoan chọn thời điểm thuận lợi cho bệnh nhân biết về bệnh tình nghiêm trọng của
họ.
- Nói thật là tốt, nhưng “sự thật thường mất lòng”, nên ta cần khôn ngoan áp dụng câu : “Người
khôn nói mánh, người dại đánh đòn” và “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau”. Cần nói sự
thật cách nào để người nghe không bị “sốc”. Đàng khác, thực tế có những sự
thật “mắt thấy tai nghe”, mà vẫn sai lầm do chủ quan ”Nhìn cò ra quạ !” hoặc bị
thành kiến chi phối.
- Hậu quả tai hại của sự nói
dối : George Bernard Shaw khẳng định : "Sự
trừng phạt dành cho những kẻ nói dối, không chỉ đơn giản là hắn sẽ không
được người khác tin tưởng, mà chính hắn cũng không tin tưởng bất cứ ai ".
4. SINH HOẠT : Khi biết anh bạn thân dù đã có vợ con ở quê, nhưng lại đang tìm
cách tiến đến kết hôn bất hợp pháp với
người khác thì ta nên làm gì ? Giữ im lặng coi như không hay biết; Hoặc
khuyên
bảo bạn dừng lại; Hay bí mật ngăn cản để tránh những hậu quả đáng
tiếc có thể xảy ra nếu không nói ra ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho con thực hành lời Chúa : “Có thì nói có” để tôn trọng sự thật.
Xin cho chúng con biết khôn ngoan tuỳ cơ ứng
biến để giữ im lặng, lựa lời khuyên bảo
hay buộc lòng nói ra sự thật, hầu tránh
cho tha nhân khỏi bị thiệt hại.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI ĐỌC THÊM
GIÁ TRỊ CỦA TÍNH
TRUNG THỰC TRONG KINH DOANH
- Một ngày nọ, ông STEVE JOBS cùng đi với một người đàn
ông lạ mặt đến phòng làm việc của GUY là nhân viên mới của tông ty. Ông Steve không
giới thiệu người đàn ông lạ mặt này mà hỏi Guy : “Cậu có biết gì về công ty KNOWARE
không ?”.
GUY đã thành thật nói ra nhận định của mình với xếp về
công ty đó như sau : “Sản phẩm của công ty Knoware rất tầm thường và đơn điệu.
Chúng chẳng thể sánh được với các sản phẩm chiến lược như Macintosh. Công ty đó
chắc chắn không phải là đối thủ của công ty APPLE của chúng ta đâu“.
- Sau khi nghe một tràng những lời phê phán trung thực của
Guy, ông Steve nói : “Tôi xin giới thiệu với anh ông ARCHIE MCGILL, là CEO của công
ty KNO-WARE mà anh vừa nhận xét đánh giá”. Lập tức Guy gần như đứng tim vì đã lỡ
ra nói thật nhận định về công ty đó.
- Sau này, Guy mới hiểu, việc thẳng thắn nêu ra nhược
điểm của công ty đối thủ không những không có hại, mà còn giúp anh vượt qua bài
kiểm tra IQ đang được “xếp” Steve thực hiện. Nếu anh chỉ nói chung chung về sự
tốt đep của phần mềm được hỏi, anh sẽ bị đánh giá thiếu năng lực và bản lĩnh, và
sự nghiệp của anh chắc sẽ gặp nhiều bất lợi.
- Đây chính là bài test kỳ lạ và là trải nghiệm thú vị đối
với Guy khi làm việc với ông Steve. Trải nghiệm này cho anh 3 bài học liên quan
đến tính trung thực như sau :
+ Một là : Ai cũng muốn nghe lời nói thật : Nếu anh nói với đại diện công ty đối thủ rằng sản phẩm của
họ tốt, thì chắc họ sẽ không thích, vì điều họ muốn biết là sản phẩm của họ thực
sự có khuyết điểm nào cần cải thiện ?
+ Hai là : Nói thật là bài test kiểm tra bản lãnh và trí
thông minh của anh : Một nhân viên
giỏi cần phải đủ bản lãnh để dám nói ra sự thật và đủ thông minh để biết sự
thật đó chính xác đến mức độ nào ?
+ Ba là : Người trung thực sẽ phải luôn nói thật : Vì sự thật chỉ có một, nên nếu nói dối, họ sẽ luôn lo
lắng bị lộ, sợ sẽ bị “Giấu đầu hở đuôi !”
Tóm lại : Sự thật luôn có sức mạnh khiến người ăn nói trung
thực được mọi người tín nhiệm, là điều kiện mang lại thành công trong mọi công việc.
SƯU TẦM