BÀI 70
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - HAY NHỊN CHỚ HỜN GIẬN
1. LỜI CHÚA : Hai môn đệ Người là ông
Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng : “Thưa
Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó
không?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi
sang làng khác. (Lc
9,54-56).
2. CÂU CHUYỆN :
CÁCH TRỪ KHỬ THÓI XẤU NÓNG GIẬN.
Có một cậu bé có tính hay tức giận và nổi điên lên mỗi
khi gặp điều trái ý. Lần kia, cha cậu đưa cho cậu một hộp đinh và bảo : “Mỗi
khi con mất bình tĩnh và tức giận, thì con hãy cần búa đóng một chiếc đinh lên
cánh cửa gỗ ở nhà kho nhé”. Trong mấy ngày đầu mỗi ngày cậu đã phải đóng
từ 30
đến 40 cây đinh lên cánh cửa nhà kho. Vài tuần sau, cậu đã dần dần biết
cách làm
chủ bản thân và kềm chế được cơn giận. Số đinh đóng trên cánh cửa giảm
bớt xuống còn 10 rồi 5 cái mỗi ngày. Thế rồi sau cùng cũng tới lúc cậu
bé hãnh diện đến thưa với cha rằng : ” Thưa cha, hôm nay con không còn phải đóng
thêm bất cứ cái đinh nào lên cánh cửa nhà kho nữa, vì con đã hoàn
toàn chế ngự được tính nóng giận của mình. Nghe xong, cha cậu liền xoa
đầu động viên con : “Con ngoan lắm. Từ nay trở đi, nếu ngày nào con không nổi
giận, thì con hãy dùng kìm để tháo một cây đinh ra khỏi cánh cửa nhà kho nhé”.
Một năm sau câu bé lại hãnh diện báo cáo với cha rằng tất
cả những cây đinh trên cánh cửa nhà kho đều đã được nhổ ra hết. Bấy giờ
người cha liền nói với con : ”Con thực đáng khen. Nhưng con hãy nhìn vào những lỗ đinh trên cánh cửa kia. Chúng giống như những
vết sẹo sần sùi, mà con sẽ không bao giờ có thể làm cho nhẵn nhụi đẹp đẽ lại
giống lúc trước. Vì trong lúc nóng giận, con đã thốt ra những lời xúc phạm đến
danh dự của người khác, giống như các vết đinh đã biến thành những vết sẹo,
tiếp tục tồn tại trên cánh cửa nhà kho. Cho dù con có nói bao nhiêu lời xin
lỗi, thì những vết sẹo tinh thần trong lòng những người bị con xúc phạm vẫn còn
đó !”
3. SUY NIỆM :
Trong các thói hư, có một thói xấu cần phải sửa chữa
càng sớm sàng tốt là thói hay nổi giận khi gặp điều trái ý. Đây là một
thói xấu bắt nguồn từ tình trạng tâm sinh lý bất ổn hoặc từ thói kiêu căng
tự mãn và tư ái tự cao… nên dễ nổi xung và thốt ra những lời
chửi rủa lăng mạ người khác, đồng thời còn hành động gây hấn ảnh
hưởng không tốt đến quan hệ với tha nhân. Vậy người hay nóng nảy cần làm
gì để khắc phục sửa chữa thói xấu này ?
- Trường hợp người dưới làm sai gây hậu quả nghiêm trọng,
thì chúng ta cần gặp gỡ tìm hiểu nguyên nhân và bình tĩnh xử lý phù hợp.
Tránh phản ứng đang lúc nóng giận và chưa điều tra để tìm ra nguyên nhân. Vì chúng
ta sẽ dễ kết án oan sai cho người khác như người ta thường nói : “Giận quá mất khôn !”
- Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có lần gặp chuyện không vui do hoàn cảnh hay khi
nghe những lời phê bình chỉ trích của những kẻ thù ghét chúng ta. Khi ấy, chúng
ta thường nổi giận, đòi giáp mặt với kẻ phát ngôn để làm cho ra lẽ… Rồi trong
khi tranh cãi to tiếng, có thể chúng ta sẽ thốt
ra những lời khiếm nhã, mà khi bình tĩnh mới hối tiếc thì đã muộn. Do đó,
người trưởng thành trong tình huống này sẽ cần bình tĩnh nhẫn nhịn chịu đựng, không
vội nói và hành động khi đang nóng giận. Hãy đợi đến lúc bình tĩnh, chúng
ta sẽ biết phải ứng xử nói năng thế nào cho phù hợp.
- Cũng không cần vội lên tiếng bào chữa những tội
do sự đặt điều vu khống : Nên nhớ rằng : “Cây ngay không sợ chết đứng
!”. Cứ bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tại sao có dư luận này và loại trừ nguyên
nhân do mình đã gây ra khiến người khác hiểu lầm. Sau một thời gian nếu không
phát sinh yếu tố mới, thì dư luận sẽ tự biến mất và sự thật đương
nhiên được sáng tỏ.
4. SINH HOẠT : Người hay nổi nóng với tha nhân thường do những nguyên
nhân nào ? Người hay nổi nóng sẽ gặp những bất lợi gì trong cuộc
sống chung trong gia đình hay khi giao tiếp ngoài xã hội ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết làm
chủ tính nóng giận, noi gương Chúa xưa : Sau khi trách mắng hai môn đệ Gia-cô-bê
và Gio-an đã nổi nóng đòi trừng phạt dân làng Sa-ma-ri dám từ chối cho thầy trò
vào ở trọ, Chúa đã nhẫn nhịn chịu đựng và cùng môn đệ sang trọ tại làng khác gần bên.-
AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM