BÀI 72
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - TRỪ KHỬ THÓI XẤU HAY NÓNG GIẬN
1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em nổi nóng ư ? Đừng phạm tội. Chớ
để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng !” (Ep 4,26-27).
2. CÂU CHUYỆN :
HẬU QUẢ TAI HAI CỦA TÍNH NÓNG NHƯ TRƯƠNG PHI.
Trong “Tam Quốc Chí diễn nghĩa”, Trương Phi là một trong
ba anh em kết nghĩa Vườn Đào, trong đó Lưu Bị là anh cả rồi đến anh hai Quan Vũ
và Trương Phi là em thứ ba. Tính tình Trương Phi nóng như lửa, thường không
kiềm chế được mình, nhất là mỗi khi say rượu. Lưu Bị biết nhược điểm của Trương
Phi, nên luôn khuyên bảo và đòi em phải hứa không được uống rượu say trước khi
trao trọng trách. Mỗi lần như vậy, Trương Phi đều hứa nhưng sau đó lại sai phạm
do không làm chủ được bản thân. Cũng chính do tính tình thô bạo này mà ông đã
bi chết thảm dưới tay thuộc hạ.
Khi ấy do nôn nóng báo thù cho Quan Vũ đã bị quân của Tôn
Quyền giết, Trương Phi nóng lòng muốn báo thù nhưng chưa có cơ hội, nên mang
tâm trang chán nản . Ông thường mượn rượu giải sầu rồi lại đánh đập quân sĩ
dưới quyền khi họ không làm theo ý mình. Trong số các thuộc hạ của ông có hai
người là Trương Đạt và Phạm Cương.
Hai người này sợ bị Trương Phi chém đầu do không hoàn thành được quân lệnh là :
trong thời gian ngắn phải nộp đủ số áo giáp trắng cho quân sĩ mặc
trong cuộc hành quân trừng phạt Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ. Hai người
này đã hè nhau giết chết Trương Phi lúc ông uống rượu say ngủ, rồi chạy sang đầu hàng
quân Đông Ngô.
3. SUY NIỆM :
1) Hậu quả của
tính nóng nảy lỗ mãng :
- Người dễ nổi nóng : Trong đời sống hằng ngày, người có quyền thường hay nổi
nóng. Nhiều người lúc bình thường tính tình hiền lành hòa nhã vui vẻ, nhưng khi
gặp điều trái ý lại trở nên bẳn gắt, hay to tiếng la mắng đánh đập người
dưới...
- Hậu quả tai hại :
Sự nóng nảy và cư xử lỗ mãng chỉ mang lại hậu quả tai hại như người ta thường
nói : “No mất ngon, giận mất khôn !”. Vì thế, ông Nguyễn đình Giản thời kỳ Lê
mạt, đã viết vào một tờ giấy dán lên tường nhà để nhắc nhở mình phải luôn cảnh
giác với tính nóng nảy này : “TẢO CẤP TẮC BẠI SỰ“ nghĩa là : Nóng tính ắt hỏng việc.
2) Chúng ta nên
làm gì ?
- Đối xử khoan dung nhân hậu : Khi nắm giữ quyền hành, thay vì áp dụng lối hành xử
tàn bạo của các nhà độc tài là : “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một
người, vạn người sợ), chúng ta cần hành xử khôn ngoan là tôn
trọng tha nhân, qua cách đối xử khoan dung nhân hậu với mọi người.
Vì tình thương sẽ hóa giải hận thù, khiêm tốn nhân ái sẽ có sức mạnh thuyết
phục người khác nể phục hơn là hành xử răn đe trừng phạt, như thánh
Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô đã nói : “Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn
một thùng giấm”.
- Chừa bỏ thói hờn giận : Hội thánh
cũng dạy các tin hữu phải tu sửa thói hư hay nóng giận bằng cách tập nhân đức
đối lập là hiền lành như kinh Cải Tội
đã dạy : “Thứ bốn : Hay nhịn chớ hờn giận”.
- Tông đồ Gio-an từ một “đứa con của sấm sét” khi đòi trừng phạt tiêu diệt làng Sa-ma-ri
trong tuổi thanh niên lúc đang theo Thầy Giê-su đi giảng đạo, đã dần trở
thành người hiền hoà nhẫn nhịn. Khi về già ngài luôn ca ngợi mầu nhiệm
“Thiên Chúa là Tình Yêu” và dạy các tín hữu phải thực hành giới răn yêu thương
(x. 1 Ga 4,20-21).
- Sống theo châm ngôn : “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc
1,19) : Để sống giới răn yêu thương của Chúa, chúng ta hãy năng nhắc lại châm
ngôn sống là lời Chúa trong thư Gia-cô-bê : “Mau nghe, chậm nói, khoan giận”.
4. SINH HOẠT :
Nếu bạn hay nổi nóng khi gặp điều trái ý. Bạn quyết tâm làm
gì để tu sửa, hầu gây được thiện cảm và được nhiều người quý mến sẵn lòng
cộng tác trong mọi việc ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con ý thức về tai hại của
tính nóng nảy và quyết tâm tu sửa. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự hiền lành và
khiêm nhường trong lòng, để luôn nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Nhờ
đó, chúng con sẽ ngày một hoàn thiện hơn, gây được thiện cảm với mọi người, trở
thành môn đệ đích thực của Chúa nhờ thực hành giới răn yêu thương. – AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI ĐỌC THÊM
CÂU CHUYỆN : KHI GIÁO HOÀNG NỔI GIẬN :
Gần
đây Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã có thái độ tức giận đánh vào tay người phụ nữ
đã nắm tay ngài níu lại trong lúc ngài đi duyệt qua đám đông đang đứng tại
quảng trường Va-ti-can vào tối ngày 31/12/2019. Ngày hôm sau ngài đã
ngỏ lời xin lỗi về phản ứng đó như sau: “Kiên nhẫn của tình yêu. Tình yêu làm cho
chúng ta kiên nhẫn. Chúng ta đã nhiều lần mất kiên nhẫn. Chuyện đó cũng đã xảy
ra với tôi. Tôi xin lỗi đã làm gương xấu đêm qua”.
Bạn
nhận xét thế nào về các lời bình luận trên các trang
mạng về phản ứng của Đức giáo hoàng. Cụ thể là hai lời bình sau đây được nhiều
người đọc nhất :
-
Một người viết : “Ngài cũng là con người thôi. Làm giáo hoàng không có nghĩa là
không còn cảm thấy đau đớn hay không được phản ứng lại khi bị đau”.
-
Một nhà báo cũng viết : “ Giáo hoàng đã phản ứng trong sự tức giận và xin lỗi
mọi người vì đã nêu gương không tốt. Hành vi này giúp tôi hiểu thế nào là đời
sống Ki-tô mỗi ngày, và các thách thức lớn nhỏ của đời sống ấy là gì ?”.