BÀI 76

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH - GIÁ TRỊ TÍCH CỰC CỦA LỜI XIN LỖI

1. LỜI CHÚA : Bấy giờ, anh ta hồi tâm tự nhủ : “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. (Lc 15,17-20).

2. CÂU CHUYỆN : XIN LỖI GIÚP HOÀ GIẢI TRANH CHẤP.

 A-BI-GA-IN, một phụ nữ khôn ngoan trong dân Ít-ra-en xưa, đã cho thấy sức mạnh của lời xin lỗi, dù bà chỉ xin lỗi cho hành động sai trái của người chồng. Khi đang cư ngụ nơi đồng vắng, Đa-vít, mà sau này sẽ trở thành vua Ít-ra-en, đang cùng với thuộc hạ bảo vệ đàn gia súc của Na-ban là chồng của bà A-bi-ga-in. Thế nhưng khi các người bạn trẻ của Đa-vít xin ít bánh và nước, thì đã bị ông Na-ban mắng nhiếc đuổi đi. Nghe vậy, Đa-vít rất tức giận nên đã dẫn theo 400 người đến hỏi tội Na-ban. Khi biết tin, bà A-bi-ga-in đã đón đường Đa-vít và phục xuống chân ông mà nói : “Lạy ông chủ. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi ! Xin cho phép nô tỳ của ông được nói trước mặt ông”. Sau đó A-bi-ga-in đã giải thích lại sự tình và trao cho Đa-vít món quà tặng thực phẩm gồm một số đồ ăn thức uống. Bấy giờ, Đa-vít nói với bà rằng : “Hãy đi về bình an. Tôi đã nghe theo lời bà xin và đã tha thứ cho chồng của bà”. (X 1 Sam 25,2-35). Chính thái độ khiêm hạ của bà A-bi-ga-in kèm theo lời xin lỗi thành thật về cách đối xử thô lỗ của ông chồng, nên đã bảo toàn đươc mạng sống cho cả nhà bà. Thậm chí Đa-vít còn cảm ơn bà vì đã cản ông không đổ máu người vô tội. Dù không phải là người đã xử tệ với Đa-vít và các thuộc hạ của ông, nhưng A-bi-ga-in đã đứng ra nhận phần trách nhiệm thay cho chồng, nhờ đó đã giảng hòa được với Đa-vít.

3. SUY NIỆM :

- Phải thành thật xin lỗi : Điều quan trọng khi xin lỗi là lời lẽ và giọng nói phải biểu lộ sự thành khẩn hối tiếc thực sự.

- Phải tránh tái phạm : Tại quầy kiểm tra hành lý ở sân bay, một người đàn ông đã phải ngỏ lời xin lỗi một người phụ nữ, khi hành lý ông kéo theo sau lúc xếp hàng đã vô tình đụng phải người của bà ta đứng phía sau ông. Sau đó ít phút, khi đi tiếp, chiếc va-li của ông kéo theo lại đụng phải người phụ nữ ấy và một lần nữa, ông ta lại quay lại nhã nhặn xin lỗi. Bấy giờ người chồng cùng đi chung đã nói rằng : “Nếu anh thật lòng xin lỗi, thì phải tránh đừng để hành lý tiếp tục đụng phải vợ tôi nữa”. Thật vậy, một lời xin lỗi chỉ có giá trị biểu lộ lòng hối tiếc và đạt kết quả hoà giải nếu tránh tiếp tục sai lỗi.

4. THẢO LUẬN : Bạn có đồng ý với câu nói của người chồng trong câu chuyện trên, khi anh ta yêu cầu người kéo hành lý đụng phải vợ anh ngỏ lời xin lỗi, phải tránh để chiếc va-li kéo theo tiếp tục đụng vào vợ anh nữa ? Tại sao ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho con biết khiêm tốn nhận lỗi mỗi khi sai lỗi với tha nhân. Nhờ đó chúng con sẽ giải hoà và kiến tạo bình an và sống yên vui hoà hợp với mọi người.-AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

 


Học Làm Người Và Làm Con Chúa