BÀI 78
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH –ỨNG XỬ TỰ TRỌNG ĐỂ ĐƯỢC TÔN TRỌNG
1. LỜI CHÚA :
Tô-bi-a cha khuyên con trai : "Điều con không thích thì cũng đừng làm cho
ai cả" (Tb 4,15a).
2. CÂU CHUYỆN :
CÂU CHUYỆN HÔI BIA TẠI BIÊN HOÀ.
Cách đây ít lâu, trên các mặt báo
lớn, đâu đâu cũng thấy đăng tin về vụ hôi của. Thật là xấu hổ và nhục nhã cho
những người hôi của và cho cả thành phố Biên Hòa.
3. SUY NIỆM :
Khi đọc câu chuyện hôi bia ở Biên
Hòa nói trên, hầu như mỗi người chúng ta đều cảm thấy buồn. Chắc chắn một điều
là khi hình ảnh hôi bia nói trên được đăng lên báo chí : mấy chục con người,
chạy vồ lấy các lon bia vương vãi và nhặt nhạnh sạch sẽ… cho thấy biểu hiệu của
lòng tham lam. Hình ảnh này sẽ mãi đi theo những người này, khiến họ cảm thấy
xấu hổ vì đã chiếm đoạt đồ vật không phải của mình.
- "Tôi thấy nhục nhã vì đã hôi
bia trước mặt con gái mình" : Lời một người cha đã tham gia vào việc hôi bia phát
biểu với phóng viên : “Khi về nhà và đối mặt với cô con gái
đã nhìn thấy mình đi hôi bia, tôi cảm thấy xấu hổ với con. Khi bật tivi lên và
mở báo hằng ngày ra và thấy hình ảnh của mình đang hí hửng ôm cả chục lon bia,
tôi xấu hổ không dám ra đường gặp bạn bè hay hàng xóm láng giềng chung quanh”.
Đó cũng là một bài học "nhớ đời" cho tất cả những người đã lỡ nhặt
bia ở hiện trường hôm ấy. Cũng là một bài học cho những kẻ đã tỏ thái độ lãnh
đạm trước sự mất mát tài sản cuả người tài xế xe tải hôm ấy.
- “Cảm thông với người tài xế lái xe gặp nạn : Câu chuyện về anh tài xế lái xe nhà nghèo, đứng trước
nguy cơ phải đền 400 triệu cho công ty, thậm chí còn phải đi tù vì một lỗi
chẳng phải do mình. Hình ảnh người tài xế đen thui, gầy gò đang đứng khóc lóc
van xin mọi người đừng hôi của. Quang cảnh lúc đó khiến mọi người chứng kiến
đếu cảm thông và thương hại cho hoàn cảnh khó khăn anh đang gặp phải.
- Cảm giác xấu hổ : Liệu những người
"hôi" bia kia có thấy xấu hổ khi con cái đọc được bài phóng sự trên
báo chí hay xem video clip phóng sự truyền hình trên tivi về việc làm không tốt
của mình hay không ?
- Chịu sự trừng phạt : Làm sai thì phải bị trừng
phạt, và không sự trừng phạt nào nặng nề bằng sự "cắn rứt lương tâm".
Nhưng chính nhờ lương tâm cáo trách mà những kẻ sai lỗi mới có điều kiện hồi
tâm và quyết tâm sửa sai để nên tốt hơn.
4. THẢO LUẬN : Bạn có cảm nghĩ gì khi chứng kiến cảnh
tượng hôi bia nói trên ? Gặp hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ làm gì để tỏ thái độ tự
trọng và cảm thông với nạn nhân ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi người chúng con biết cảm
thông với nỗi đau của người tài xế bị mất của trong câu chuyện trên. Xin cho
chúng con biết tự trọng để quyết không tham lam chiếm đoạt của cải không phải
của mình. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái cụ thể theo lời Khổng Tử : “Kỷ
sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, và
lời Tô-bi-a cha khuyên con trai : "Điều con không thích thì cũng đừng làm
cho ai cả" (Tb 4,15a).- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM