BÀI 98
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
– GIÁO DỤC LÒNG BIẾT ƠN CHO CON
CÁI
1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn thấy mình được khỏi liền quay
trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên
Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người
Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không
phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không
thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc
17,15-18).
2. CÂU CHUYỆN :
ĐỪNG QUÊN NÓI LỜI CÁM ƠN.
Trên một chuyến xe buýt đông
người, khi xe dừng lại một trạm kia thì có một ông lão chống gậy bước lên xe.
Ông bước đi không vững và khi lên được xe, ông dừng lại ở cánh cửa phía trên,
đảo mắt một vòng nhìn xuống các hàng ghế để tìm một chỗ trống. Nhưng rồi ông
thất vọng vì các hàng ghế đều đã có người ngồi. Trong số các hành khách trên xe
có nhiều thanh niên nam nữ, nhưng người này nhìn người kia để chờ xem có ai đó sẽ
đứng lên nhường chỗ cho ông lão không. Bấy giờ có một em thiếu nhi khoảng 8-9
tuổi, thấy ông lão già cả ốm yếu mà phải đứng thì tội nghiệp. Em được cha mẹ giáo
dục phải biết kính trọng những người cao niên, nên đã tình nguyện đứng lên nhường
chỗ cho ông lão ngồi và ra đứng thế chỗ ông. Nét mặt ông lão vui vẻ hẳn lên.
Ông liền ngồi vào chỗ em bé mà không nói gì cả. Em này được cha mẹ dạy phải
biết mở miệng cám ơn mỗi lần được người khác cho quà hay giúp đỡ việc gì. Rồi
khi đến trường em lại được thầy cô dạy phải biết xin lỗi nếu lỡ gây phiền hà
cho ai khác. Nay thấy ông lão không nói lời cám ơn thì em cảm thấy ấm ức. Em
liền quay sang hỏi nhỏ ông lão : ”Thưa ông, ông vừa nói gì với cháu vậy ?” Ông
lão trả lời : ”Ta có nói gì đâu”. Bấy giờ em liền nói : ”Thế mà cháu cứ tưởng
ông vừa nói lời cám ơn cháu chứ !”.
3. SUY NIỆM :
- Khi học ngoại ngữ tiếng Anh,
chúng ta thấy bài học đầu tiên trong sách đều dạy học viên về cách giao tiếp
với tha nhân như : chào hòi, giới thiệu, cám ơn và xin lỗi. Hai cụm từ “Thank
you” và “I am sorry” luôn được sử dụng trong các giao tiếp hằng ngày. Có thể
nói đó chính là lề thói, là “văn hóa ứng xử” tốt đẹp của người nước ngoài. Còn
người Việt Nam chúng ta thì sao ?
- Thực ra tiếng “cám ơn” thốt ra làm cho người nói và
người nghe đều cảm thấy dễ chịu. Đó là một thứ đạo đức căn bản mà nếu thiếu, sẽ
bị đánh giá là kẻ thiếu văn hóa ứng xử. Có những bậc cha mẹ rất coi trọng lời
cám ơn và quan tâm giáo dục con cái phải luôn nói cám ơn như một thói quen tốt,
một sự phản xạ tự nhiên, mỗi khi được ai đó giúp đỡ hay khi nhận một món quà
tặng từ người khác. Để làm gương cho con cái, nhiều cha mẹ không ngần ngại nói
lời “cảm ơn” con cái khi con giúp làm một việc gì đó.
- Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần những người hỏi thăm
đường, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn tận tình đã không nói
lời “cám ơn”. Người đánh rơi đồ đạc khi được người khác lượm lên giúp cũng quên
nói lời “cám ơn”. Trong số đó, không ít bạn đang là sinh viên học sinh hay có
khi thuộc thành phần viên chức nữa !
- Từ “Xin lỗi” cũng cùng chung số phận như vậy. Người ta
ít dùng đến nó. Nhiều người đã không nói lời nhận lỗi, cho dù mình đã làm tổn
thương cho người khác. Và nói chung : hiện nay khá đông người Việt chúng ta đã quên
cụm từ “cám ơn” , “Xin lỗi” trong các giao tiếp hằng ngày.
- Trong gia đình, cha mẹ cần dạy con cái cách ứng xử lịch
sự khi được tặng quà vào các dịp Lễ Tết, hay vào ngày mừng sinh nhật…
Cha mẹ cần dạy cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ phải nói
lời “cám ơn” khi nhận được quà tặng của người khác.
- Để tránh cảnh trẻ có phản ứng bất lịch sự, cha mẹ nên
dạy con như sau : "Lát nữa con sẽ nhận được nhiều quà tặng. Mọi người muốn
thấy con mở món quà do họ trao tặng ra, và họ sẽ rất vui khi con biết cúi đầu nói
lời “Cảm ơn”. Dù có gặp món quà không thích hay đã có rồi, con vẫn đừng quên tỏ
lòng cám ơn người cho quà nhé".
- Nếu chẳng may trẻ phản ứng không hay khi nhận quà, bạncũng
hãy thay con để nói lời cám ơn người tặng quà như sau : "Cảm ơn bạn, vì
con búp bê nhé !".
4. SINH HOẠT : Bạn nghĩ thế nào khi nghe có người nói : ”Nói cám
ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần cúi đầu để bày tỏ lòng cám ơn
hoặc xin lỗi, hơn là chỉ nói “cám ơn, xin lỗi” suông” ? Tại sao ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa là Cha nhân ái. Con
xin tạ ơn Cha về muôn ơn lành hồn xác Cha đã thương ban. Xin cho con năng dâng
lời tạ ơn Cha khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc gặp thất bại.
Xin cho cuộc sống của con trở thành “bài ca Tạ ơn” không ngừng dâng lên Cha.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM