THỐNG HỐI MÙA CHAY 2008

KHAI MẠC

1. Dấu Thánh Giá và lời chào chúc :

Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta, … đ/

2. Huấn dụ vắn :

Anh chị em thân mến, Mùa Chay Thánh là thời gian hồng ân để thanh luyện nội tâm với những thực hành đạo đức : chay tịnh – cầu nguyện và thực hành bác ái, để làm sống lại ơn gọi kitô hữu, dọn mình mừng đại lễ vượt qua và lặp lại lời hứa ngày chịu phép rửa tội trong Đêm thánh.

Năm nay chúng ta được Đức thánh cha Bênêđictô XVI hướng dẫn với chủ đề hướng về Chúa Kitô, Đấng “đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta” (2Cr 8,9) và mời gọi dân Chúa chiến thắng cám dỗ vật chất, biết quan tâm đến các nhu cầu của anh chị em chung quanh.

Giờ đây sắp bước vào những ngày thánh trong đạo, chúng ta cùng cử hành sám hối chung vì ý thức tội của chúng ta không chỉ mang tính riêng tư phạm đến Chúa và anh chị em mình, nhưng cũng gây ảnh hưởng trên khuôn mặt thánh thiện của Hội Thánh. Đây là cơ hội tốt để chúng ta canh tân lại đời sống và chuẩn bị bước vào đại lễ Vượt Qua.

“Xin cho chúng ta được ơn biết lắng nghe, chiêm ngắm, mến yêu và sống theo Lời Chúa” (ý cầu nguyện tháng 3/2007).

3. Lời nguyện

Chúng ta dâng lời cầu nguyện !

Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con :

từ chốn tối tăm đến với ánh sáng của Chúa,

từ gian dối đến chân lý, từ cõi chết sang sự sống ;

xin tuôn đổ Thánh Thần trên chúng con,

để Ngài mở tai chúng con và củng cố lòng trí chúng con,

ngõ hầu chúng con nhận biết ơn gọi cao quý đã nhận lãnh

và mạnh dạn tiến bước trên con đường

giúp chúng con sống đúng danh nghĩa là kitô-hữu.

Chúng con cầu xin, …

LẮNG NGHE LỜI CHÚA :

4. Hát “Xin ban Thần Khí”

5. Lời Chúa : 2Cr 8,7.9.13-15

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô

Anh em thân mến, cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt : về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. Quả thật, anh em biết Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào : Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép : Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu. – Đó là Lời Chúa

6. Suy niệm.Chúng ta cùng nghe lại vài đoạn trong Sứ điệp mùa chay 2008 của Đức thánh cha :

Theo giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không phải là sở hữu chủ nhưng là những người quản lý các tài sản chúng ta có ; vì thế, không được coi những của cải vật chất chúng ta sở hữu như tài sản hoàn toàn thuộc về ta, nhưng như những phương tiện qua đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ của sự quan phòng của Ngài đối với tha nhân. Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở, của cải vật chất có một giá trị xã hội, theo nguyên tắc các của cải ấy là để mưu ích cho tất cả mọi người (x. số 2404).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã minh bạch cảnh giác những người có của cải vật chất nhưng chỉ sử dụng cho mình. Đứng trước bao nhiêu người thiếu thốn mọi sự và đang chịu đói, những lời của thánh Gioan sau đây như một lời khiển trách nặng nề : “Nếu một người có của cải trần thế này thấy người anh em mình ở trong tình cảnh túng quẫn mà khép kín tâm hồn mình lại, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong kẻ ấy được ?” (1Ga 3,17). […]. Cứu giúp những người thiếu thốn là một nghĩa vụ thuộc về đức công bằng trước khi là một hành vi bác ái.

Tin Mừng làm nổi bật một đặc tính tiêu biểu của việc làm phúc bố thí theo tinh thần Kitô giáo : hành động này phải kín đáo. Chúa Giêsu nói, “Đừng để tay trái của ngươi biết việc tay phải của người làm, để việc làm phúc của ngươi được bí mật” (Mt 6,3-4). Trước đó Chúa đã nói rằng không được vênh vang vì các việc lành của mình, để khỏi bị nguy cơ mất phần thưởng trên trời (x. Mt 6,1-2). Mối quan tâm của người môn đệ là làm sao để tất cả được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cảnh giác : “Như thế ánh sáng của các con chiếu tỏa rạng người trước mặt người đời, để họ thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha các Con ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế, tất cả phải được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để làm vinh danh chúng ta. … Nếu khi thực hiện một hành vi tốt đẹp, chúng ta không nhắm mục tiêu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích đích thực cho anh chị em, nhưng chỉ nhắm cho mình được tư lợi hoặc được hoan hô, thì chúng ta đặt mình ra khỏi nhãn giới của Tin Mừng. ... Làm phúc bố thí theo tinh thần Tin Mừng không phải chỉ là yêu người : đúng hơn đó là một sự diễn tả đức bác ái một cách cụ thể, đây là một nhân đức đối thần đòi phải có sự hoán cải nội tâm, trở về với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến thân mình vì chúng ta khi chịu chết trên thập giá. Làm sao không cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu người đang quảng đại nâng đỡ tha nhân trong cảnh khó khăn với tinh thần vừa nói, trong âm thầm, xa cách mọi ngọn đèn pha của xã hội truyền thông ? Trao tặng của cải của mình cho tha nhân chẳng ích lợi bao nhiêu, nếu tâm hồn trở nên kiêu hãnh vì hành động ấy : Đó là lý do tại sao người biết Thiên Chúa nhìn trong bí mật và tưởng thưởng trong âm thầm, nên không nên tìm kiếm sự nhìn nhận của loài người đối với những công việc từ bi họ thực hiện.

4. Khi mời chúng ta cứu xét việc làm phúc bố thí với một cái nhìn sâu xa hơn, vượt lên trên chiều kích hoàn toàn vật chất, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh (x. Cv 20,35). Khi chúng ta hành động với tình yêu, chúng ta diễn tả sự thật của con người chúng ta : thực vậy chúng ta được dựng nên không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Thiên Chúa và anh chị em (x. 2Cr 5,15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với tha nhân túng thiếu, vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cảm nghiệm rằng sự sống sung mãn đến từ tình yêu, và tất cả trở về cùng chúng ta như phúc lành, dưới hình thức an bình, mãn nguyện nội tâm và vui mừng. Chúa Cha trên trời tưởng thưởng những việc làm phúc bố thí của chúng ta bằng niềm vui của Ngài. Và hơn nữa, thánh Phêrô liệt kê sự tha thứ tội lỗi vào số những hoa trái thiêng liêng của việc làm phúc bố thí. Ngài viết : “Đức bác ái che phủ được nhiều tội lỗi” (1Pr 4,8). Như phụng vụ Mùa Chay thường lập lại, Thiên Chúa ban những cơ hội tha thứ cho chúng ta là những người tội lỗi. Sự kiện chia sẻ với người nghèo điều chúng ta sở hữu làm cho chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ ấy. …. Việc làm phúc bố thí, khi giúp chúng ta đến gần tha nhân, nó cũng đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và có thể trở thành phương thế đích thực để có sự hoán cải chân chính và hòa giải với Chúa và anh chị em.

5. Việc làm phúc bố thí giáo dục về sự quảng đại của tình yêu. Thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo thường nhắn nhủ : “Anh chị em đừng bao giờ đếm những đồng tiền mà anh chị em cho đi, vì tôi luôn nói thế này : nếu khi làm phúc, tay trái không được biết việc tay phải làm, thì cả tay phải cũng không được biết điều mà chính nó làm” (Detti e pensieri, Edilibri, n.201). Về vấn đề này, một điều ý nghĩa hơn bao giờ hết là giai thoại Tin Mừng về bà góa, trong tình cảnh lầm than, đã bỏ vào hòm tiền của Đền thờ “tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,44). Đồng tiền bé nhỏ và không đáng kể của bà trở thành một biểu tượng hùng hồn : bà góa ấy dâng cho Thiên Chúa không phải những của dư thừa của bà, không phải điều mà bà có, nhưng chính bản thân của bà.

Giai thoại cảm động này được lồng trong trình thuật những ngày liền trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đã nhận xét, Chúa đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài (x. 2Cr 8,9) ; Ngài đã hiến trọn thân mình vì chúng ta. Mùa Chay, qua việc làm phúc bố thí, cũng thúc đẩy chúng ta noi gương Chúa. Nơi trường của Ngài chúng ta có thể học cách biến cuộc sống chúng ta thành một sự tận hiến hoàn toàn ; noi gương Chúa, chúng ta sẽ làm cho mình được sẵn sàng, không phải để cho đi những gì chúng ta sở hữu, nhưng cho đi chính bản thân chúng ta. Toàn thể Tin Mừng chẳng được tóm gọn thành giới răn yêu thương duy nhất đó sao ? Vì thế, việc làm phúc bố thí trong Mùa Chay trở thành một phương thế để đào sâu ơn gọi Kitô của chúng ta. Khi hiến thân một cách nhưng không, Kitô hữu làm chứng rằng không phải của cải vật chất đề ra những luật lệ của cuộc sống, nhưng là tình yêu. Vì thế, điều mang lại giá trị cho việc làm phúc bố thí chính là tình yêu, tình yêu gợi lên những hình thức khác nhau trong việc trao tặng, theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

7. Gợi ý xét mình.

Có nhiều cách xét mình, chúng ta có thể xét mình như vẫn quen làm mỗi khi dọn mình xưng tội, nhưng trong bầu khí sám hối chung này, xin được gợi ý vắn tắt với anh em về hướng mục vụ được Giáo Hội Việt Nam đề ra trong năm nay là thực hiện việc “chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo”.

Thư Chung 1980, số 12, đã hướng dẫn về đời sống gia đình : “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa” (Cv 2,42 ; 1,8 ; GH 11 ; TG 11 ; LBTM 71).

Là trường học về đức tin, nơi để cầu nguyện : gia đình kitô-hữu là “môi trường đầu tiên và chính yếu để thông truyền đức tin” (chủ đề giáo lý Đại hội quốc tế gia đình lần V, Valencia 2006). Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin (Thư Chung 2007 số 28). Tôi có quan tâm đến những cử chỉ biểu lộ đức tin như dấu thánh giá, lời kinh cùng đọc chung với gia đình để trung thành và chuyên cần góp phần vào việc làm tăng trưởng đức tin ?

Là môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ, “gia đình còn là ‘chiếc nôi của sự sống và tình yêu’ (GHXH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội” (Thư Chung 2007 số 28). Tôi có nỗ lực xây dựng ‘tổ ấm’ trong bầu khí yêu thương kính trọng và sống thuận hòa giữa vợ-chồng, cha mẹ - con cái và với nhau, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương, tôn trọng sự sống là hồng ân Chúa ban…

Ơn gọi của mọi kitô-hữu là nên thánh và sống sứ mạng chứng nhân. Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh và chúng ta được mời gọi nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), tôi có ý thức mình phải sống thánh thiện không ? Đâu là mối bận tâm chính của tôi : sống đẹp lòng Chúa hay chạy theo những quyến rũ của các đam mê chóng qua như tiền bạc, danh vọng, thú vui xác thịt … (x. 1Ga 2,16). Tôi có luôn cảnh tỉnh để sống theo lời Thánh Tông Đồ khuyên nhủ “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), vì “đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới…” (Cl 3,1-2). Là kitô-hữu, tôi được mời gọi trở nên chứng nhân Chúa Kitô, là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16), tôi đã sống thế nào : can đảm làm chứng cho sự thật, dù có phải chấp nhận hy sinh gian khổ hay dễ dãi với bản thân, ngại khó ngại cố gắng …, tôi có trung thực với chính mình và cố gắng trở nên sứ giả xây dựng sự bình an trong môi trường gia đình, làng xóm ; tôi có biết không ngừng vun trồng và đào sâu về đời sống đức tin bằng một đời sống đạo đức xứng với phẩm giá là con cái Chúa hay biếng nhác trong việc lắng nghe Lời Chúa cùng giáo huấn của Hội Thánh và lời khuyên nhủ của những người có trách nhiệm …

Còn có những lỗi phạm quen thuộc khác nơi cá nhân mà mỗi người chúng ta vẫn thấy "trước sao sau vậy" dù thường xuyên quyết tâm dốc lòng chừa, nhưng do yếu đuối nên vẫn tiếp tục lỗi phạm… Xin Chúa thương ban cho chúng ta được ơn quyết tâm hoán cải.

SÁM HỐI

8. Xét mình xong, mọi người cùng sám hối chung.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

chúng con xin dâng lời chúc tụng

vì Chúa đã đến cho mọi người được giao hòa với Thiên Chúa

là Thân Phụ của Chúa và cũng là Cha chúng con,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Chúng con xin dâng lời chúc tụng

vì Chúa là người tôi trung nhưng trong cuộc sống trần gian

Chúa đã chấp nhận thành hiện thân của tội lỗi

cho chúng con nhờ Chúa mà được nên thánh,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Chúng con xin dâng lời chúc tụng

vì luôn hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,

Chúa ngự bên hữu Chúa Cha

để dẫn đưa chúng con đến với Ngài,

xin Chúa thương xót chúng con. đ/

9. Xong, chủ sự đọc lời nguyện :

Lạy Chúa là Thiên Chúa nhân từ,

Chúa không muốn các tội nhân phải chết,

nhưng muốn cho họ ăn năn trở lại và được sống ;

xin thương nhận lời thú tội của chúng con

và rộng lòng thương xót chúng con

đang cầu nguyện như Con Chúa đã dạy :

Lạy Cha chúng con …

10. Chủ sự đọc lời cầu chúc :

Nguyện xin Chúa Thánh Thần

ban ơn soi sáng tâm hồn anh chị em,

để anh chị em tin tưởng xưng thú các tội lỗi

và nhận biết lòng nhân từ của Chúa.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. đ/ Amen.

XƯNG TỘI [*]

11. Rồi mọi người đi xưng tội, nhận lời xá giải và làm việc đền tội riêng.

TẠ ƠN

12. Nếu thuận tiện, thì sau khi đã lãnh nhận ơn giao hòa, cộng đoàn quy tụ lại để cùng nhau ca ngợi lòng từ bi của Thiên Chúa. Có thể hát thánh ca “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Magnificat) hay bài ca nào khác.

13. Lời nguyện và phép lành.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,

Chúa đã tha tội và ban bình an của Chúa cho chúng con ;

xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình yêu thương :

mà không ngừng tha thứ cho nhau

và xây dựng hòa bình trong thế gian.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen

Chúa ở cùng anh chị em. đ/

Xin Chúa Cha là Đấng đã sinh ra chúng ta

để được sống muôn đời

ban phúc lành cho anh chị em. đ/

Xin Chúa Con là Đấng đã chết và sống lại

ban ơn cứu độ cho anh chị em. đ/

Xin Chúa Thánh Thần

là Đấng đã được ban xuống trong lòng chúng ta

và dẫn đưa chúng ta trên đường ngay nẻo chính,

ban ơn thánh hóa anh chị em. đ/

Và xin Thiên Chúa toàn năng

là Cha và Con và X Thánh Thần

ban phúc lành cho anh chị em. đ/

Chúc anh chị em đi bình an

và loan báo cho mọi người

biết những việc lạ lùng của Chúa là Đấng cứu độ chúng ta.

đ/ Tạ ơn Chúa.

14. Hát kết thúc cử hành thống hối.

 



[*] Vài điều lưu ý khi đến Tòa Giải Tội : mong anh chị em cũng “thương” các vị ngồi tòa vì các ngài cũng là những con người đầy giới hạn nay phải đảm nhận trọng trách “trong tư cách Chúa Kitô là Đầu” (in persona Christi) để đem lại ơn tha thứ và bình an.

1/ Đến Tòa là một cách thế tuyên xưng tình thương tha thứ của Thiên Chúa, nên xin vắn tắt, rõ ràng (không kể tội người khác, không ê a như có chất men…), đủ để linh mục có thể nghe và hường dẫn.

2/ Ở Tòa, mỗi người có vai trò của mình : hối nhân kể tội và linh mục xá giải, nên sau việc xưng thú thì cũng xin lắng nghe việc đền tội, lời xá giải…