Tài liệu dùng trong
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2013
WHĐ (14.01.2013) – Như mọi năm, Hội
đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu đều phổ biến một Tài liệu
dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất (từ ngày 18 đến 25 tháng
01). Chủ đề năm nay của Tuần cầu nguyện là Ngài đòi hỏi chúng con điều gì,
lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8). Tài liệu được dùng cho Tuần lễ cầu
nguyện và cho cả năm 2013.
Tập tài liệu được đề nghị cho Tuần cầu
nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2013 này do Phong trào Sinh viên Kitô
giáo Ấn Độ (SCMI) kết hợp với Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ và Hội đồng
quốc gia các Giáo hội ở Ấn Độ thực hiện.
Tài liệu do Văn phòng Tòa Giám mục Giáo
phận Hải Phòng dịch từ bản tiếng Pháp “Textes pour la Semaine de Prière pour
l’Unité des Chrétiens et pour toute l’année 2013”.
***
HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH
CỔ VÕ SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU
TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN
CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ CHO CẢ NĂM 2013
Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8)
Do Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu
và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng
Đại kết các Giáo hội
đồng soạn thảo và phát hành
***
Kính gửi tất cả những
người tổ chức Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
Tìm kiếm sự hiệp nhất
trong suốt cả năm
Các Giáo hội ở phía Bắc
bán cầu thường tổ chức Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất từ ngày 18
đến 25 tháng Giêng. Thời điểm này do Paul Wattson đề nghị vào năm 1908 vì cho
rằng đây là thời điểm bao trùm giữa lễ thánh Phêrô và lễ thánh Phaolô. Do đó,
sự lựa chọn này mang tính tượng trưng. Còn các Giáo hội ở phía Nam bán cầu, vì
tháng Giêng là thời gian nghỉ hè nên họ lại thích chọn một thời điểm khác,
chẳng hạn vào khoảng lễ Hiện xuống (do phong trào Đức tin và Hiến pháp gợi ý
vào năm 1926). Đây cũng là một thời điểm tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo
hội.
Chúng tôi cũng muốn duy
trì tinh thần uyển chuyển này để khích lệ và mời gọi các bạn tìm hiểu tài liệu
này vào các thời điểm khác nhau trong suốt cả năm, qua đó chúng ta bày tỏ tầm
mức hiệp thông mà các cộng đoàn Giáo hội đã đạt tới và cùng nhau cầu nguyện cho
tới khi đạt tới sự hiệp nhất hoàn toàn như Chúa Kitô mong ước.
Thích nghi tài liệu
Đây là tài liệu được đề
nghị, do vậy khi sử dụng, nếu có thể, chúng ta cố gắng thích nghi nó với thực
tế ở mỗi nơi và mỗi quốc gia khác nhau. Chúng ta nên để ý đến những thực hành
phụng vụ và đạo đức cũng như bối cảnh văn hóa xã hội ở mỗi địa phương. Sự thích
nghi như thế thông thường là kết quả của một sự hợp tác đại kết. Trong một số
quốc gia, cơ cấu đại kết đã hình thành và nó cho phép họ có thể thực hiện việc
hợp tác này. Chúng tôi hy vọng việc thích nghi Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu
hiệp nhất với thực tế của các địa phương có thể tạo ra những cơ chế hợp tác đại
kết ở những địa phương vẫn chưa có được.
Cách thức sử dụng tài
liệu dùng cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất
– Đối với các Giáo hội
và các cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất
trong một nghi lễ duy nhất, thì được đề nghị dùng mẫu Cử hành đại kết phần Lời
Chúa trong tài liệu này.
– Các Giáo hội và các
cộng đoàn Kitô hữu cũng có thể sử dụng các bản văn được đề nghị dùng trong phần
Tám Ngày và chọn phần lời nguyện ở phần phụ thêm ở cuối tập sách này làm tài
liệu để cử hành cầu nguyện hay để cử hành đại kết theo Lời Chúa.
– Các Giáo hội và các
cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất các ngày
trong tuần có thể lấy bản văn Tám Ngày làm gợi ý cho việc cử hành.
– Với những anh chị em
muốn tìm hiểu Kinh thánh về chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất này, anh chị em có
thể dựa vào các bài suy niệm Kinh thánh trong phần Tám Ngày. Các bài suy niệm
mỗi ngày có thể kết thúc bằng một lời nguyện.
– Với những anh chị em
muốn cầu nguyện cá nhân, anh chị em cũng có thể dùng tài liệu này để làm tài
liệu cầu nguyện cho mình và anh chị em cũng được mời gọi hiệp thông với tất cả
mọi người trên thế giới đang cầu nguyện cho Giáo hội Chúa Kitô có được sự hiệp
nhất hữu hình rộng lớn hơn.
BẢN VĂN KINH THÁNH
(Mk 6, 6-8)
(Dân tự mình hỏi rằng)
: “Tôi sẽ mang gì vào chầu Đức Chúa và cúi mình trước Thiên Chúa tối cao? Phải
chăng tôi sẽ mang những lễ toàn thiêu, những con bê một tuổi vào chầu Đức Chúa?
Phải chăng Đức Chúa ưa thích từng ngàn dê đực, và hằng vạn suối dầu? Phải chăng
tôi sẽ dâng con trai đầu lòng để chuộc lỗi cho tôi, dâng con ruột để đền tội
cho chính mình?”. (Ngôn sứ đáp) : “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào
là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu
nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn”.
(Bản dịch của Nhóm
Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2013
Ngài đòi hỏi chúng con
điều gì, lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8)
Năm 2013, Phong trào
Sinh viên Kitô giáo Ấn Độ (SCMI) sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Nhân dịp
này, chúng tôi mời gọi họ kết hợp với Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ và Hội
đồng quốc gia các Giáo hội ở Ấn Độ soạn thảo tài liệu Tuần cầu nguyện cho sự
hiệp nhất các Kitô hữu năm 2013. Tài liệu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các
Kitô hữu năm nay được soạn thảo và suy tư trong bối cảnh xã hội và Giáo hội tại
Ấn Độ, nơi mà tầng lớp những người Dalit vẫn còn chịu nhiều bất công trầm trọng.
Suy tư về sự hiệp nhất trong bối cảnh như thế, các nhà soạn thảo đề nghị nên
liên kết việc tìm kiếm sự hiệp nhất hữu hình với việc phá đổ hệ thống đẳng cấp
xã hội và đề cao sự cộng tác của những người nghèo khổ nhất vào sự nghiệp hiệp
nhất các Kitô hữu.
Trong hệ thống đẳng cấp
xã hội ở Ấn Độ, những người Dalit được liệt vào tầng lớp “hạ cấp”. Xã
hội Ấn Độ có nhiều đẳng cấp và những đẳng cấp này là một hình thức phân tầng xã
hội dựa trên những khái niệm về sự trong sạch và ô uế trong các nghi lễ tôn
giáo. Trong hệ thống đẳng cấp này, có đẳng cấp “cao hơn” hay đẳng cấp “thấp
hơn”. Và những người thuộc tầng lớp Dalit là những người bị thiệt thòi nhất
trong hệ thống đẳng cấp này. Tầng lớp Dalit bị coi như tầng lớp ô uế nhất và
gây ra ô uế; do vậy người ta đặt tầng lớp này ở bên ngoài hệ thống đẳng cấp và
thậm chí thời xưa người ta gọi tầng lớp này là những người “tiện dân”
(intouchables). Những người tiện dân này bị gạt ra bên lề xã hội, quyền chính
trị của họ ít được tôn trọng, họ bị khai thác bóc lột về kinh tế, và bị lệ
thuộc về mặt văn hóa. Vậy mà có đến 80% người Công giáo Ấn Độ thuộc tầng lớp
tiện dân này.
Mặc dù đã đạt được
những tiến bộ nổi bật trong thế kỷ XX, nhưng trong các Giáo hội ở Ấn Độ vẫn còn
tồn tại nhiều chia rẽ về giáo lý, giữa giáo lý được kế thừa từ các Giáo hội
châu Âu và giáo lý được kế thừa từ những nơi khác. Sự chia rẽ ngay bên trong
Giáo hội và giữa các Giáo hội này còn bị khắc sâu hơn do hệ thống đẳng cấp xã
hội. Giống như chủ nghĩa apartheid, chủ nghĩa chủng tộc hay chủ nghĩa
dân tộc, hệ thống đẳng cấp này gây ra một thách thức lớn trong việc xây dựng sự
hiệp nhất các Kitô hữu ở Ấn Độ và trong việc làm chứng về đời sống luân lý và
mục vụ của Giáo hội với tư cách là Thân thể duy nhất của Đức Kitô. Thật vậy,
vấn đề đẳng cấp xã hội, một vấn đề gây chia rẽ trong Giáo hội Ấn Độ, chính là
vấn đề rất nhức nhối về giáo lý. Chính trong bối cảnh này mà Tuần cầu nguyện
cho các Kitô hữu hiệp nhất năm nay mời gọi chúng ta đào sâu đoạn Kinh thánh,
rất được biết đến, trích trong sách tiên tri Mikha 6,6-8 và đặc biệt nhấn mạnh
đến câu hỏi “Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa?” là chủ đề
chính cho Tuần cầu nguyện năm nay. Dựa vào kinh nghiệm của những người Dalit,
chúng ta sẽ đưa ra những suy tư thần học đặt nền tảng trên chủ đề Kinh thánh.
Mikha là một trong 12
tiên tri nhỏ của Cựu Ước. Những tiên tri này thi hành sứ vụ ở Giuđa khoảng từ
năm 737 đến 690 trước Chúa giáng sinh. Ông quê ở Môresét, phía tây nam
Giêrusalem. Ông thi hành sứ vụ tiên tri dưới thời các vua Giuđa là Giôtham,
Akhát và Khítkigia (Mk 1,1). Ông sống cùng thời, cùng bối cảnh chính trị, kinh
tế, luân lý và tôn giáo với tiên tri Isaia và cùng với Isaia, ông chứng kiến sự
sụp đổ của vương quốc Samari và cuộc xâm lăng vương quốc phía Nam của vua
Assyri vào năm 701 trước Chúa giáng sinh. Nỗi đau buồn mà ông khóc thương cho
số phận dân tộc mình thấm đẫm và vang vọng trong từng trang sách của ông. Ông
cũng bày tỏ mối tức giận đối với những người có trách nhiệm và đối với các tư
tế những người đã phản bội lại dân tộc này.
Sách tiên tri Mikha
thuộc truyền thống văn chương ngôn sứ. Trọng tâm của sứ điệp mà ông loan báo đó
là tuyên sấm Thiên Chúa xét xử dân Người. Cuốn sách được chia thành ba phần,
chúng ta bắt đầu từ phần xét xử tổng quát (chương 1-3) tiếp đến là phần công bố
về ơn cứu độ (chương 4-5) và sau cùng là phần xét xử đúng nghĩa và cuộc cử hành
ơn cứu độ (chương 6-7). Trong phần đầu, Mikha mạnh mẽ lên án những người nắm
giữ quyền lực, chính trị cũng như tôn giáo, vì họ lạm dụng quyền bính và bóc
lột người nghèo. Chúng “lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của
họ” (3,2) và “xét xử dựa theo quà cáp” (3,11). Phần hai, Mikha khích
lệ dân chúng hành hương về “Núi nhà Đức Chúa… để Người dạy ta biết lối của
Người và bước theo đường Người chỉ vẽ” (4,2). Phần ba, Mikha nói đến cuộc
xét xử của Thiên Chúa đồng thời mời gọi dân chúng chờ đợi ơn cứu độ trong tin
tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng “chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác”
(7,18). Niềm hy vọng này cụ thể hướng về Đấng Messia là Đấng sẽ đem lại “hòa
bình” (5,4) và sẽ xuất hiện ở Bêlem (5,1) “để đem ơn cứu độ đến tận cùng
trái đất” (5,3). Sau cùng, Mikha mời gọi tất cả mọi dân tộc trên thế giới
cùng hòa nhập vào cuộc hành hương này để được tham dự vào nền công lý và hòa
bình là ơn cứu độ của toàn dân.
Chủ đề của Tuần cầu nguyện
cho các Kitô hữu hiệp nhất năm nay được lấy từ sách Mikha đoạn 6,1–7,7. Trong
đoạn này, Mikha tha thiết mời gọi dân chúng thực thi công bình và sống khiêm hạ
trước mặt Thiên Chúa. Mikha nhắc lại sự công chính và bình an mà Thiên Chúa đã
thực thi và ân ban cho dân Ngài trong dòng lịch sử, nhưng ông cũng nhấn mạnh và
khẳng định rằng những ân ban của Thiên Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào đời sống
luân lý cụ thể của họ. Cũng giống như các tiên tri sống vào cuối thời quân chủ
của Israel, Mikha nhắc lại cho dân chúng thấy Thiên Chúa đã cứu họ khỏi kiếp nô
lệ người Ai Cập và qua các giao ước, ngài mời gọi họ tiến bước vào một xã hội
được xây dựng trên nhân phẩm, công bằng và chính trực. Như vậy, niềm tin đích
thực vào một Thiên Chúa gắn liền với sự thánh thiện cá nhân và việc thực thi
công bình. Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho những người nô lệ bị áp bức và những
người khiêm hạ không phải vì các lễ nghi mà họ cử hành, các hy lễ và lễ vật
toàn thiêu mà họ dâng tiến (6,7) nhưng vì họ thực thi công bình, yêu mến nhân nghĩa
và bước đi với Ngài (6,8).
Chúng ta có thể so sánh
hoàn cảnh mà dân Thiên Chúa phải trải qua trong thời Mikha với hoàn cảnh hiện
thời của người Dalit trên nhiều bình diện khác nhau. Những người Dalit hiện
thời cũng là nạn nhân của áp bức và bất công do người ta không công nhận những
quyền hạn và phẩm giá của họ. Ngày xưa Mikha đã sánh ví những người tham lam
bóc lột người nghèo là những người “ăn thịt dân tôi” … (3,3). Mikha đã
vứt bỏ những nghi lễ và những lễ vật không mấy giá trị do không người ta quan
tâm đến sự công bình, nhưng đồng thời ông cho người ta biết điều mà Thiên Chúa
muốn đó chính là sự công bình. Sự công bình chính là cốt lõi trong tôn giáo và
các nghi lễ của chúng ta. Và sứ điệp ấy của Mikha hiện vẫn mang tính tiên tri
bởi vì ngày nay, người ta cũng vẫn dựa vào những tiêu chuẩn tôn giáo và những
khái niệm lễ nghi trong sạch, ô uế để biện minh cho việc phân biệt đối xử với
những người Dalit. Niềm tin có ý nghĩa hay không là tùy thuộc việc nó có gắn
kết với sự công bình hay không. Sứ điệp nhấn mạnh đến chiều kích luân lý trong
đời sống đức tin của tiên tri Mikha mời gọi chúng ta phải tự hỏi, trong bối
cảnh hiện tại của người Dalit, Thiên Chúa đang thực sự chờ đợi chúng ta điều
gì: dâng tiến lễ vật hay bước đi với Ngài trong công chính và khiêm nhượng?
Con đường mà các môn đệ
Đức Giêsu bước đi nhất thiết phải là con đường công bình, bác ái và khiêm
nhượng. Từ “bước đi” ở đây được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Bởi vì tám ngày
cầu nguyện được chủ ý kết nối với nhau một cách sinh động và liên tục giống như
những bước đi trên một con đường, một con đường đầy năng động như đặc tính vốn
có của người môn đệ Chúa Kitô. Hơn nữa, khi lấy chủ đề “Lạy Thiên Chúa sự
sống, xin dẫn chúng con tới sự công chính và an bình”, đại hội lần thứ 10
Hội đồng đại kết các Giáo hội sẽ diễn ra ở Busan, Hàn Quốc vào năm 2013, cũng
muốn làm nổi bật hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đồng hành với nhân loại và
hướng dẫn lịch sử nhân loại đồng thời mời gọi mọi dân tộc cùng bước theo Ngài.
Các chủ đề của tám ngày
trong tuần gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những bước đi tiếp nối nhau. Các
chủ đề này sẽ giúp chúng ta đào sâu những cách thức khác nhau mà người môn đệ
đích thực của Chúa Kitô phải bước đi trên con đường công chính để tìm được sự
sống (Cn 12,28a).
Ngày thứ nhất: bước đi
trong đối thoại. Chúng ta suy tư về tầm quan trọng của việc đối thoại, gặp gỡ trao
đổi và việc đối thoại, trao đổi gặp gỡ sẽ giúp chúng ta vượt lên những trở ngại
như thế nào. Những khả năng trong lời nói và lắng nghe cũng rất cần thiết trong
tiến trình đại kết cũng như trong công cuộc giải phóng các dân tộc trên mặt
đất. Việc đối thoại đích thực này có thể giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô dễ dàng
hơn.
Ngày thứ hai: bước đi
với thân xác đầy thương tích của Đức Kitô. Khi chúng ta nhận ra Đức Kitô chịu
đóng đinh liên đới và nên một với các “dân tộc thương đau” trên trái đất như những người Dalit, thì tự chúng ta, với tư cách
người Kitô hữu, chúng ta sẽ tìm cách liên đới với họ một cách sâu sắc hơn. Đặc
biệt, điều này giúp cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Thánh Thể và công lý và
mời gọi các Kitô hữu khám phá ra những cách thức thực hành sống Bí tích Thánh
Thể trong thế giới hôm nay.
Ngày thứ ba: bước đi
hướng tới tự do. Hôm nay chúng ta được mời gọi biểu dương những cố gắng nhằm chống
lại những tất cả những gì nô lệ hóa con người mà tất cả các cộng đoàn đang bị
áp bức trên thế giới, như những người Dalit bên Ấn Độ, đang thực hiện. Là những
Kitô hữu đang dấn thân cho một sự một hiệp nhất rộng lớn hơn, chúng ta hiểu
rằng việc loại bỏ tất cả những gì ngăn cách con người với nhau là việc làm
thiết yếu để đạt được sự sống viên mãn và sự tự do trong Chúa Thánh Thần.
Ngày thứ tư: bước đi
như những người con cùng chung sống trong gia đình trái đất. Khi chúng ta ý thức
được chỗ đứng của mình trong các tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sát lại
gần nhau và chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta lệ thuộc vào nhau cũng như lệ
thuộc vào trái đất. Khi ý thức được cần phải khẩn cấp bảo vệ môi trường và cần
phải thực sự chia sẻ với nhau và công bằng đối với các tài nguyên trên trái đất,
người Kitô hữu chúng ta được mời gọi phải sống chứng tá về điều đó một cách
mạnh mẽ trong tinh thần năm thánh.
Ngày thứ năm: bước đi
như bạn hữu của Đức Giêsu. Hôm nay chúng ta suy tư về những hình ảnh tình bạn, tình
yêu thương đồng loại trong Kinh thánh và những mẫu tình yêu mà Thiên Chúa dành
cho toàn thể nhân loại. Việc chúng ta nhận biết mình là những người bạn hữu rất
yêu mến của Thiên Chúa sẽ tác động đến những tương quan trong cộng đoàn các
Kitô hữu. Khi chúng ta ý thức như thế thì sẽ không còn những hàng rào cản trở
loại trừ trong lòng Giáo hội bởi vì Giáo hội lúc đó là một cộng đoàn nơi tất cả
mọi người đều là bạn hữu rất yêu mến của Chúa Giêsu.
Ngày thứ sáu: bước đi
vượt lên những trở ngại. Bước đi với Thiên Chúa đó chính là bước đi vượt lên những
cản trở đang gây cho con cái Giáo hội chia rẽ và đau khổ. Các bài đọc Kinh
thánh hôm nay chỉ cho chúng ta những cách thức khác nhau để vượt lên những cản
trở của con người và đỉnh điểm là giáo huấn của thánh Phaolô: “Quả thế, bất
cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô.
Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn
bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 27-28).
Ngày thứ bảy: bước đi
trong tình liên đới. Khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa đó là bước đi trong tình liên
đới với tất cả mọi người đang dấn thân cho công lý và hòa bình. Bước đi này
không chỉ tác động đến cá nhân các tín hữu mà còn tác động đến cả bản chất và
sứ mạng đích thực của cộng đoàn tín hữu. Giáo hội được mời gọi chia sẻ đau khổ
của mọi người và khích lệ mọi người chia sẻ những khổ đau của nhau qua việc bảo
vệ và quan tâm đến những người nghèo, những người thiếu thốn và những người bị
gạt ra bên lề xã hội. Tất cả điều này đều ẩn chứa trong lời cầu nguyện của
chúng ta trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu này.
Ngày thứ tám: bước đi
với các cuộc cử hành. Các bản văn Kinh thánh hôm nay đề cập đến những việc cử hành.
Việc cử hành này không có nghĩa là vui mừng về những gì đã diễn ra trong quá
khứ nhưng theo nghĩa là bày tỏ niềm hy vọng vào Thiên Chúa và công lý của
Người. Tương tự như vậy, việc cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp
nhất là nhằm tỏ lộ niềm hy vọng rằng sự hiệp nhất của chúng ta sẽ được thể hiện
khi Chúa muốn và theo cách thức mà Ngài muốn.
Điều Chúa đòi hỏi chúng
ta hôm nay đó là chúng ta phải bước theo con đường công chính, nhân hậu và
khiêm cung. Bước theo con đường khiêm nhượng này là chúng ta bước theo con
đường hẹp của Nước Trời chứ không phải bước theo những con đường thế lực ngày
nay. Đi theo con đường chính trực này, chúng ta có thể sẽ phải hứng chịu sự
khốc liệt của chiến trận, sự cô lập đi đôi với sự chống đối, và tự chuốc lấy
nguy cơ bị “những quyền lực thần thiêng và với những bậc thống trị thế giới
tối tăm này” (Ep 6,12) phản kháng. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta công
khai tuyên bố đứng về phía công lý, khi ấy chúng ta sẽ bị người ta tìm cách đổ
tội cho là những kẻ xúi giục bạo loạn hay là những kẻ gây mất an ninh trật tự.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần xác tín sự an bình và hiệp nhất chỉ thực sự
toàn diện khi nó được xây dựng trên nền tảng công lý.
Bước đi khiêm nhượng
này được diễn tả một cách ẩn dụ qua tiếng trống của người Dalit ở Ấn Độ, những
người được đặc biệt quan tâm trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất
này. Thật vậy, trong các làng của Ấn Độ, các cộng đoàn người Dalit thường đánh
trống trong các nghi lễ và cả trong công việc. Người Dalit đánh trống không chỉ
để cầu xin thần linh hiện diện nhưng còn nhằm xua đuổi những điều mà người ta
cho là xấu xa để giúp cộng đoàn an tâm vượt qua những thời khắc chuyển tiếp.
Ngày nay, người ta lấy lại tiếng trống đặc biệt này để diễn tả nét văn hóa và
bản sắc của người Dalit. Do đó, khi nói đến “bước đi khiêm nhượng theo nhịp
trống của người Dalit”, là chúng ta phải nói đến cuộc đời khiêm hạ của
những người bị ruồng bỏ nhất trong xã hội, những cuộc đời hằng gợi lên cho
chúng ta sự hiện diện không lay chuyển của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải nói
đến cách sống khiêm hạ nhưng đầy sức mạnh chống lại sự dữ và góp phần xây dựng
thiện ích của xã hội theo nghĩa rộng của người Dalit. Chúng ta nhắc đến cách
sống khiêm nhượng như thế là nhằm khẳng định cho mọi người thấy văn hóa và bản
sắc của người Dalit chính là nơi sự hiện diện của Thiên Chúa bày tỏ mà người ta
không thể ngờ tới (x. Mt 25, 40). Cách sống khiêm hạ này sẽ dẫn đến một sự liên
đới đích thực cũng như những hình thức hiệp nhất Kitô hữu, vượt lên tất cả phân
biệt đối xử hay loại trừ bất công.
Một số cộng đoàn người
Dalit ở Ấn Độ rất gắn bó với nghề “làm dép”. Đây là nghề kiếm sống đặc
trưng nhưng cũng là biểu tượng cho sự cố gắng mà họ đang thực hiện nhằm xây
dựng một cuộc sống mạnh mẽ và hy vọng, bất chấp điều kiện sống tệ hại và phi
nhân mà họ phải gánh chịu. Qua các bài suy niệm hằng ngày, chúng ta nhận thấy
sức mạnh tồn tại của người Dalit trước những thử thách giống đôi dép mà, dù
sống ở bất cứ đâu, chúng ta đều sử dụng để đi trên con đường công chính, hầu
thực hiện điều Chúa đòi hỏi chúng ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng
định: “Tất cả những gì tương tự như các định kiến do phân biệt đẳng cấp
trong tương quan giữa các Kitô hữu đều đi ngược lại sự liên kết nhân loại đích
thực, đe dọa đời sống thiêng liêng chân chính và cản trở rất lớn đến sứ mạng
truyền giáo của Giáo hội”. Xin Thiên Chúa công bình, hiệp nhất và an bình
củng cố và biến chúng ta thành những dấu chỉ liên kết nhân loại đích thực để
chúng ta thực hiện điều Chúa đòi hỏi chúng ta.
CÔNG
VIỆC CHUẨN BỊ TÀI LIỆU
CHO TUẦN
CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HỢP NHẤT NĂM 2013
Tài liệu này được đúc
kết và hoàn thiện dựa trên các tài liệu sơ thảo do Phong trào Sinh viên Kitô
giáo Ấn Độ (SCMI) kết hợp với Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ và Hội đồng
quốc gia các Giáo hội ở Ấn Độ chuẩn bị và đề nghị.
Chúng tôi xin hết lòng
cảm ơn tất cả những người đã tham gia thực hiện tài liệu này. Đặc biệt chúng
tôi xin cảm ơn:
- Đức Thượng phụ Dr
Geevarghese Mar Coorilos, Chủ tịch Phong trào SCMI (Giáo Hội Syro Malankara
Jacobite)
- Bà Bernadine, Liên
đoàn đại học Công giáo Ấn Độ (Giáo Hội Công Giáo)
- Tiến sĩ Aruna
Gnanadason, cựu sinh viên và thành viên Phong trào SCMI (Giáo Hội miền
- Tiến sĩ Peniel Rufus
Rajkumar thuộc Đại học thần học thống nhất (Giáo Hội miền
- Cha Vineeth Koshy,
Hội đồng quốc gia các Giáo hội ở Ấn Độ (Giáo hội Chính thống Syro Malankara)
- Bà Anita Hepsibah,
Phong trào SCMI (Giáo Hội miền
- Bà Chrisida
Nithyakalyani, Phong trào SCMI (Giáo hội Tin lành phái Luther Tamil)
- Mục sư Raj Bharath
Patta, Phong trào SCMI (Giáo hội Tin lành Luther Andhra).
Các tài liệu sơ thảo do
nhóm chuẩn bị thực hiện sau đó đã được các thành viên Ủy ban Đức Tin và Hiến
pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất
các Kitô hữu của Giáo hội Công giáo đúc kết và hoàn thiện. Và tháng 9 năm 2011,
tại Bangalore (Ấn Độ), Ủy ban quốc tế này đã gặp lại các thành viên và các đối
tác của Phong trào SCMI và bày tỏ lời cám ơn đặc biệt chân thành về sự tiếp đón
nồng hậu và lòng hiếu khách của Phong trào SCMI dành cho họ trong dịp này.
(Còn tiếp)
Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu