TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN

CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ CHO CẢ NĂM 2013

Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8)

Do Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội

đồng soạn thảo và phát hành

***

SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY

Ngày thứ nhất

Bước đi trong đối thoại

Lời Chúa

St 11, 1-9: Câu chuyện tháp Babel và hậu quả là sự khác biệt giữa chúng ta.

Tv 34, 11-18: “Các con ơi hãy đến mà nghe”. Chúa mời gọi chúng ta đối thoại.

Cv 2, 1-12: Sự dồi dào của Thần Khí, ơn thông hiểu.

Lc 24,13-25: Đức Giêsu đối thoại với hai môn đệ trên đường Emmaus.

Suy niệm

Một dân tộc khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa là một dân tộc trong đó các thành viên biết đối thoại với nhau, biết đối thoại với Thiên Chúa và biết quan tâm đến những gì mình nghe. Chúng ta bắt đầu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm nay bằng việc suy tư về các đoạn Kinh thánh nói đến tầm trò quan trọng của việc đối thoại. Một yếu tố quyết định của phong trào đại kết là chúng ta dám nói với người khác về suy nghĩ của mình vì khi làm như thế, chúng ta cởi mở để học hỏi lẫn nhau, để chia sẻ cho nhau những điểm tương đồng, để lắng nghe những điều khác biệt và để quan tâm đến nhau. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng có khả năng hiểu biết nhau hơn. Những hồng ân mà chúng ta có được nhờ biết kiếm tìm sự hiệp nhất trên đây đòi hỏi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa: nếu chúng ta sống sự thật, công lý sẽ được thực hiện và chúng ta sẽ thuộc về ân sủng. Những cuộc giải phóng trên khắp thế giới mà chúng ta từng chứng kiến minh chứng cho chúng ta thấy rõ ràng những người bị bó buộc trong nghèo khổ nhờ biết đối thoại có thể thoát ra khỏi tình trạng bị tách biệt.

Bài đọc I trích trong sách Sáng Thế và bài đọc II thuật lại câu chuyện Hiện Xuống mà chúng ta nghe hôm nay, đều đề cập đến những khả năng đối thoại của con người và vai trò của nó trong kế hoạch giải phóng nhân loại của Thiên Chúa. Trước hết, câu chuyện tháp Babel mô tả cho chúng ta biết người ta dự tính thực hiện những công trình vĩ đại như thế nào trong thời chưa có sự khác biệt về ngôn ngữ. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng cho chúng ta biết cách thức và mục đích thực sự mà người ta nhắm tới khi thực hiện những công trình ấy. Người ta thực hiện để “làm cho danh ta được lừng lẫy”. Dự tính này đã dẫn đến cái hậu quả là sự xáo trộn về ngôn ngữ. Từ khi đó, muốn đến được với người khác đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, quan tâm đến họ. Nhờ ân sủng dồi dào của Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống và nhờ sức mạnh của Chúa Kitô phục sinh, chúng ta được ban tặng một khả năng mới để có thể hiểu biết nhau mặc dù có những khác biệt. Ngày nay, chúng ta được kêu gọi hướng về Thiên Chúa và hướng về tự do để đối thoại và lắng nghe nhau. Chúng ta được kêu gọi bước đi trong Thần Khí.

Mặc dù trên con đường tiến về Emmau, hai môn đệ cùng chung bước và cùng trò truyện với nhau nhưng họ vẫn có cảm giác mất mát và thất vọng. Các Giáo hội chúng ta với những chia rẽ ở các cấp độ khác nhau, các xã hội chúng ta bị chia rẽ vì thành kiến và vì lo sợ người khác, cũng có thể có cảm giác đó. Tuy nhiên, đó chính là lúc Chúa Giêsu quyết định đi vào cuộc trò chuyện một cách rõ ràng, không phải như một giáo sư thông thái chỉ đường, nhưng là một người đồng hành chung bước với họ. Đức Giêsu phục sinh mong muốn được trò chuyện với chúng ta và nếu chúng ta đáp lại lời Ngài mà xin Ngài ở lại với chúng ta và tiếp tục trò chuyện với chúng ta, chúng ta sẽ gặp được Ngài một cách sống động.

Tất các Kitô hữu đều biết việc gặp gỡ Đức Giêsu có ý nghĩa thế nào và lời của Ngài có sức mạnh làm cho “lòng chúng ta bừng cháy” ra sao. Kinh nghiệm phục sinh này mời gọi chúng ta hiệp thông sâu hơn nữa với Đức Kitô. Tiếp tục trò chuyện với nhau và trò chuyện với Đức Giêsu -cả khi chúng ta có bị lạc hướng- chúng ta cũng sẽ đi đến hiệp nhất với nhau.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con hân hoan tuyên xưng rằng chúng con ở trong Chúa và chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã mời gọi chúng đi vào cuộc đối thoại yêu thương của Ngài. Xin hãy mở tâm hồn chúng con để chúng con có thể tham dự ngày một thâm sâu hơn vào lời cầu nguyện mà Ngài đã cầu xin cùng Chúa Cha cho chúng con được hiệp nhất, để khi cùng nhau tiến bước, chúng con càng sát lại gần nhau. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để cùng nhau làm chứng cho chân lý và xin giúp chúng con biết đối thoại với những anh chị em cứ mãi sống trong chia rẽ. Xin sai Thánh Thần Chúa đến ban cho chúng con sức mạnh để chúng con dám chất vấn các tình trạng thiếu tôn trọng nhân phẩm và tình người trong xã hội chúng con, trong quê hương đất nước chúng con và trên khắp thế giới. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.

Gợi ý suy tư

1. Khi giữa chúng ta có quá nhiều khác biệt, chúng ta phải trao đổi về chân lý với nhau thế nào?

2. Những cuộc đối thoại của chúng ta có nhắm đến việc thực hiện những chương trình lớn vì lợi ích của chính chúng ta hay nó có dẫn chúng ta đến sự sống mới là sự sống đem lại cho chúng ta niềm hy vọng sống lại không?

3. Chúng ta chấp nhận đối thoại với những người nào và những người nào chúng ta loại khỏi các cuộc tranh luận? Tại sao?

 

Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

 


Trang Nghi Thức Áp Dụng Trong Nhiều Hoàn cảnh