TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN

CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ CHO CẢ NĂM 2013

Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8)

Do Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội

đồng soạn thảo và phát hành

***

SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY

Ngày thứ hai

Bước đi với thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô

Lời Chúa

Ed 37, 1-14: “Liệu các xương này có hồi sinh được không?”

Tv 22, 1- 8: Bị chế giễu và lăng nhục, Người Tôi Tớ kêu cầu Thiên Chúa.

Dt 13, 12-16: Lời mời gọi “ra khỏi trại” mà đến gặp Đức Giêsu.

Lc 22,14-23: Trước cuộc thương khó, Đức Giêsu bẻ bánh trao ban chính mình.

Suy niệm

Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa nghĩa là biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài mà bước ra khỏi những tiện nghi cá nhân và đồng hành với những người khác, đặc biệt là những người đau khổ.

Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!” Chúng ta thấy trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người đang sống trong tình trạng mà tiên tri Êdêkien đã từng nói đến ở đây. Họ là những “con người mang đầy thương tích” ở cộng đoàn Dalit bên Ấn Độ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những đau khổ xót xa này trong trong cuộc sống của họ, những đau khổ mà Đức Kitô chịu đóng đinh đã thông phần. Cùng với những người mang thương tích ở mọi nơi và mọi thời, Đức Giêsu vẫn hướng về Chúa Cha mà kêu van thống thiết: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con?”

Tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi đi con đường thập giá. Thư gửi tín hữu Do thái không chỉ nói đến việc Đức Giêsu chịu đau khổ thay cho những người bị loại bỏ để cứu độ họ mà còn nói đến việc các môn đề cần phải “ra ngoài thành” để gặp Ngài. Khi chúng ta gặp gỡ những người bị loại bỏ, như người Dalit chẳng hạn, và khi chúng ta nhận ra nơi khổ đau của họ có sự hiện diện của Đấng đã chịu đóng đinh, chúng ta sẽ không do dự sống trong Đức Kitô, nghĩa là liên đới với những người bị loại bỏ và những người mà Ngài thông phần đau khổ.

Trên thập giá, thân thể Chúa Kitô mang đầy thương tích, Ngài mang “thương tích vì chúng ta”. Cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Kitô đã được báo trước trong bữa Tiệc ly. Và từ khi ấy, chúng ta tưởng niệm biến cố này trong mỗi Thánh lễ như là cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Trong cuộc cử hành tưởng niệm này, thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô cũng là thân thể vinh quang và phục sinh; thân thể Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta nhờ đó chúng ta được thông phần và sự sống của Người, và trong Người, chúng ta trở thành một thân thể duy nhất.

Thật đáng buồn cho chúng ta, những người Kitô hữu đang bước trên con đường hướng tới hiệp nhất, khi bí tích Thánh Thể lại là nơi người ta thấy rõ những chia rẽ gây gương mù của chúng ta vì như chúng ta biết hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể cùng nhau lãnh nhận bí tích này như bí tích này đòi hỏi. Điều này mời gọi chúng ta phải cố gắng hơn nữa để hiệp thông ngày một chặt chẽ hơn.

Các bài đọc hôm nay cũng cho chúng ta một hướng suy tư khác. Bước đi với thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô đó cũng là tìm ra cách thức để cùng sống tinh thần hiệp thông mà bí tích Thánh Thể mời gọi: chia sẻ cơm bánh cho người đói, loại bỏ những bức tường nghèo đói và bất công chính là những “hiệp thông Thánh Thể” mà các Kitô hữu được mời gọi chung tay góp sức. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI quan niệm rất rõ về khía cạnh này của bí tích Thánh Thể trong Giáo hội: chúng ta không chỉ là tin hay cử hành nhưng còn phải sống bí tích này (Sacramentum caritatis, 71). Đồng quan điểm về “phụng vụ sau phụng vụ” của Chính Thống Giáo, ngài đã nhìn nhận rằng: “không có gì thực sự nhân loại mà không tìm thấy trong bí tích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để sống sung mãn” (Sacramentum caritatis, 71).

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa tình thương, Con Một Chúa đã chịu chết trên cây thập giá để nơi thân thể đầy thương tích của Ngài, những chia rẽ của chúng con được xóa bỏ. Tuy nhiên, chúng con đã và vẫn tiếp tục đóng đinh Con Chúa vào thập giá khi chúng con còn chia rẽ nhau, khi chúng con khởi xướng một hệ thống xã hội gây cản trở cho tình yêu của Chúa và phá bỏ công lý mà Chúa muốn dành cho những người đã bị tước bỏ những ân ban thụ tạo của Ngài. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Người ban cho chúng con thần khí sự sống và chữa lành tất cả những thương tích nơi chúng con, để chúng con có thể cùng nhau làm chứng cho công lý và tình yêu của Chúa Kitô. Xin hãy đồng hành với chúng con cho đến ngày chúng có thể chia sẻ cùng một tấm bánh và uống cùng một chén trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.

Gợi ý suy tư

1. Trong viễn tượng của truyền thống ngôn sứ, Thiên Chúa muốn người ta thực thi công lý hơn là cử hành những nghi lễ mà vẫn sống bất công, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta phải cử hành bí tích Thánh Thể, bí tích của Chúa Kitô bị thương tích và sự sống mới, như thế nào trong những nơi mà chúng ta vẫn thường tổ chức?

2. Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta nên cùng nhau làm gì để làm chứng hơn nữa về sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô tại những nơi có những người đau khổ và bị bỏ rơi sinh sống?


Trang Nghi Thức Áp Dụng Trong Nhiều Hoàn cảnh