Ngày Thứ Bảy
Bước đi trong tình liên đới
Lời Chúa:
Ds 27,
1-11: Quyền thừa kế của phụ nữ.
Tv 15: Ai
được ngụ trong đền thánh Chúa ?
Cv 2, 43- 47: Các tín hữu để mọi sự làm của chung.
Lc 10,
25-37: Người Samari nhân hậu.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa có nghĩa là bước đi trong
liên đới với tất cả những người đang tranh đấu cho công lý và hòa bình. Vậy thì
tất cả những người tham dự tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hiệp nhất này phải tự
đặt ra câu hỏi: chúng tôi tìm kiếm sự hiệp nhất nào ? Đối với Ủy Ban Đức Tin và
Hiến pháp bao gồm cả các thành viên của Hội đồng đại kết các Giáo hội cũng như
Giáo hội Công giáo, thì hiệp nhất nhắm đến ở đây chính là sự “hiệp nhất hữu
hình trong cùng một đức tin và cùng hiệp thông trong bí tích Thánh Thể”.
Phong trào đại kết tìm cách vượt lên những trở ngại của quá khứ và những trở
ngại của hiện tại đang gây chia rẽ các Ki-tô hữu. Phong trào này cũng nhắm đến viễn
tượng hiệp nhất hữu hình trong đó bản chất và sứ mạng của Giáo hội được gắn với
việc xây dựng sự hiệp nhất giữa mọi người và việc xóa bỏ tất cả những gì gây
tổn thương cho nhân phẩm con người và gây chia rẽ cho nhau. Ủy Ban Đức Tin và
Hiến pháp đã tuyên bố:
Giáo hội có ơn gọi và sứ mạng chia sẻ những đau
khổ của mọi người, bảo vệ người nghèo, người túng thiếu, người bị bỏ rơi và
chia sẻ những lo âu của họ. Sứ mạng ấy cũng bao hàm việc phân tích một cách có phê bình những cơ chế xã hội bất
công, lên án chúng và biến đổi chúng.
Việc trung thành với sứ mạng nhân chứng này có thể khiến các Ki-tô hữu phải đau
khổ vì Tin mừng. Đối diện với đổ vỡ trong các mối tương quan nhân loại, Giáo
hội được mời gọi chữa lành, hòa giải và trở nên khí cụ của Chúa để đem an hòa
vào nơi chia rẽ và hận thù.
(Bản chất và sứ mạng của Giáo hội).
Giáo hội Ấn Độ trao cho chúng ta nhiều sáng kiến áp dụng cụ
thể để hòa giải và chữa lành. Kinh nghiệm của anh chị em Ki-tô hữu Dalit có thể
giúp chúng ta nhận ra những hình thức bất công mới cũng như những cách thức để
vượt qua. Cách đây không lâu, luật pháp của Giáo hội Ấn Độ liên quan đến thừa
kế vẫn gây bất lợi cho phụ nữ. Nhưng nay, Giáo hội đã ủng hộ yêu cầu bãi bỏ
luật cổ hủ này. Chúng ta nhắc đến câu chuyện những người con gái ông
Xơ-lóp-khát hôm nay với mong ước những người phụ nữ sẽ được đối xử cách công
bằng hơn. Câu chuyện này kể lại việc ông Mô-sê trình lên Đức Chúa những kiến
nghị của các con gái ông Xơ-lóp-khát xin được đối xử một cách công bằng về
quyền thừa kế. Chứng tá Kinh Thánh này đã khích lệ các Ki-tô hữu Dalit tranh
đấu cho công lý. Cùng với những người Dalit thuộc các tôn giáo khác, cùng với
sự giúp đỡ của hệ thống xã hội dân sự và một số phong trào xã hội ở Ấn Độ và
trên thế giới, họ đã đứng lên chống lại bất công. Những người Dalit đã theo
gương các phong trào dấn thân khác trong việc cải tạo xã hội để tranh đấu cho
công lý.
Dụ ngôn người Samari nhân hậu là một trong những hình ảnh
Kinh Thánh gợi cho chúng ta thấy rõ Giáo hội hiệp nhất trong liên đới với những
người bị áp bức. Cũng như người Dalit, người Samari nhân hậu thuộc nhóm những
người bị coi thường và bị ruồng bỏ nhưng cũng là người đầu tiên lo lắng cho
người bị bỏ rơi bên vệ đường như được nói đến trong câu chuyện. Và qua cử chỉ
liên đới ấy, người Samari nhân hậu loan báo niềm hy vọng và sự trợ lực của Tin
mừng. Bước đi hướng tới sự hiệp nhất các Ki-tô hữu và bước đi khiêm tốn với
Thiên Chúa, liên đới với tất cả những người đang tìm kiếm công lý và lòng nhân
hậu là hai bước đi không thể tách rời nhau.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa ban tặng cho chúng con sự sống
của Chúa như một hình mẫu duy nhất về sự tương quan phụ thuộc lẫn nhau, về
những liên hệ cụ thể trong tình yêu và tình liên đới. Xin dạy chúng con biết
chia sẻ cho nhau niềm hy vọng mà những người đang tranh đấu cho sự sống ở khắp
nơi trên thế giới, thông truyền cho chúng con. Ước gì lòng can đảm của họ thúc
đẩy chúng con biết vượt lên những những chia rẽ nơi chính các cộng đoàn chúng
con, giúp chúng con biết sống giữa anh em một cách hài hòa thánh thiện và cùng
nhau bước đi. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa
bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Trong xã hội của bạn, ai là những người cần được các
cộng đoàn Ki-tô hữu liên đới ?
2. Những Giáo hội nào đang hay đã bày tỏ tình liên đới với
bạn ?
3. Trong môi trường bạn sống, sự hiệp nhất hữu hình lớn
mạnh tạo điều kiện cho Giáo hội liên đới với những người đang khao khát công lý
và sự thiện như thế nào ?