TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN
CHO CÁC KI-TÔ HỮU HIỆP NHẤT
VÀ CHO CẢ NĂM 2013
NGÀI ĐÒI HỎI CHÚNG CON ĐIỀU GÌ, LẠY ĐỨC CHÚA
?
( x. Mk 6, 6-8)
Do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất
các Ki-tô hữu
và Ủy Ban Đức tin
và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội
đồng soạn thảo và phát hành
KÍNH GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI TỔ CHỨC
TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KI-TÔ HỮU
Tìm kiếm sự hiệp nhất trong suốt cả năm
Các Giáo hội ở phía Bắc bán cầu thường tổ chức
Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Thời
điểm này do Paul Wattson đề nghị vào năm 1908 vì cho rằng đây là thời điểm bao
trùm giữa lễ thánh Phê-rô và lễ thánh Phao-lô. Do đó, sự lựa chọn này mang tính
tượng trưng. Còn các Giáo hội ở phía Nam bán cầu, vì tháng Giêng là thời gian
nghỉ hè nên họ lại thích chọn một thời điểm khác, chẳng hạn vào khoảng lễ Hiện
xuống (do phong trào Đức tin và Hiến pháp gợi ý vào năm 1926). Đây cũng là một
thời điểm tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.
Chúng tôi cũng muốn duy trì tinh thần uyển
chuyển này để khích lệ và mời gọi các bạn tìm hiểu tài liệu này vào các thời
điểm khác nhau trong suốt cả năm, qua đó chúng ta tỏ lộ tầm mức hiệp thông mà
các cộng đoàn Giáo hội đã đạt tới và cùng nhau cầu nguyện cho tới khi đạt tới
sự hiệp nhất hoàn toàn như Chúa Ki-tô mong ước.
Thích nghi tài liệu
Đây là tài liệu được đề nghị, do vậy khi sử
dụng, nếu có thể, chúng ta cố gắng thích nghi nó với thực tế ở mỗi nơi và mỗi
quốc gia khác nhau. Chúng ta nên để ý đến những thực hành phụng vụ và đạo đức
cũng như bối cảnh văn hóa xã hội ở mỗi địa phương. Sự thích nghi như thế thông
thường là kết quả của một sự hợp tác đại kết. Trong một số quốc gia, cơ cấu đại
kết đã hình thành và nó cho phép họ có thể thực hiện việc hợp tác này. Chúng
tôi hy vọng việc thích nghi Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất với
thực tế của các địa phương có thể tạo ra những cơ chế hợp tác đại kết ở những
địa phương vẫn chưa có được.
Cách thức sử dụng tài liệu dùng cho Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô
hữu hiệp nhất
- Đối với các Giáo hội và các cộng đoàn Ki-tô
hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất trong một nghi lễ duy
nhất, thì được đề nghị dùng mẫu Cử hành đại kết phần Lời Chúa trong tài liệu
này.
- Các Giáo hội và các cộng đoàn Ki-tô hữu cũng
có thể sử dụng các bản văn được đề nghị dùng trong phần Tám Ngày và chọn phần
lời nguyện ở phần phụ thêm ở cuối tập sách này làm tài liệu để cử hành cầu
nguyện hay để cử hành đại kết theo Lời Chúa.
- Các Giáo hội và các cộng đoàn Ki-tô hữu cử
hành Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất các ngày trong tuần có thể lấy
bản văn Tám Ngày làm gợi ý cho việc cử hành.
- Với những anh chị em muốn tìm hiểu Kinh thánh
về chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất này, anh chị em cũng có thể dựa vào các bài
suy niệm Kinh thánh trong phần Tám Ngày. Các bài suy niệm mỗi ngày có thể kết
thúc bằng một lời nguyện.
- Với những anh chị em muốn cầu nguyện cá nhân,
anh chị em cũng có thể dùng tài liệu này để làm tài liệu cầu nguyện cho mình và
anh chị em cũng được mời gọi hiệp thông với tất cả mọi người trên thế giới đang
cầu nguyện cho Giáo hội Chúa Ki-tô có được sự hiệp nhất hữu hình rộng lớn hơn.
BẢN VĂN KINH THÁNH
(Mikha 6, 6-8)
"Tôi sẽ mang gì vào chầu ĐỨC CHÚA và cúi
mình trước Thiên Chúa tối cao ? Phải chăng tôi sẽ mang những lễ toàn thiêu,
những con bê một tuổi vào chầu Đức Chúa ? Phải chăng ĐỨC CHÚA ưa thích từng
ngàn dê đực, và hằng vạn suối dầu ? Phải chăng tôi sẽ dâng con trai đầu lòng để
chuộc lỗi cho tôi, dâng con ruột để đền tội cho chính mình ?" "Hỡi
người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn:
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với
Thiên Chúa của bạn."
(Bản Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ)
DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2012
Ngài đòi hỏi chúng tôi điều gì, Lạy Chúa?
(x. Mik 6, 6-8)
Năm 2013, Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ
(SCMI) sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Nhân dịp này, chúng tôi mời gọi họ
kết hợp với Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ và Hội đồng quốc gia các Giáo hội
ở Ấn Độ soạn thảo tài liệu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu năm
2013. Tài liệu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu năm nay được soạn
thảo và suy tư trong bối cảnh xã hội và
Giáo hội tại Ấn Độ, nơi mà tầng lớp những người Dalit vẫn còn chịu nhiều bất
công trầm trọng. Suy tư về sự hiệp nhất trong bối cảnh như thế, các nhà soạn
thảo đề nghị nên liên kết việc tìm kiếm sự hiệp nhất hữu hình với việc phá đổ
hệ thống đẳng cấp xã hội và đề cao sự cộng tác của những người nghèo khổ nhất
vào sự nghiệp hiệp nhất các Ki-tô hữu.
Trong hệ thống đẳng cấp xã hội ở Ấn Độ, những
người Dalit được liệt vào tầng lớp “hạ cấp”. Xã hội Ấn Độ có nhiều đẳng cấp và những đẳng cấp này là
một hình thức phân tầng xã hội dựa trên những khái niệm về sự trong sạch và ô
uế trong các nghi lễ tôn giáo. Trong hệ thống đẳng cấp này, có đẳng cấp “cao
hơn” hay đẳng cấp “thấp hơn”. Và những người thuộc tầng lớp Dalit là
những người bị thiệt thòi nhất trong hệ thống đẳng cấp này. Tầng lớp Dalit bị
coi nhưng tầng lớp ô uế nhất và gây ra ô uế; do vậy người ta đặt tầng lớp này ở
bên ngoài hệ thống đẳng cấp và thậm chí thời xưa người ta gọi tầng lớp này là
những người “tiện dân” (intouchables). Những người tiện dân này bị gạt
ra bên lề xã hội, quyền chính trị của họ ít được tôn trọng, họ bị khai thác bóc
lột về kinh tế, và bị lệ thuộc về mặt văn hóa. Vậy mà có đến 80% người Công
giáo Ấn Độ thuộc tầng lớp tiện dân này.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ nổi bật trong
thế kỷ XX, nhưng trong các Giáo hội ở Ấn Độ vẫn còn tồn tại nhiều những chia rẽ
về giáo lý, giữa giáo lý được kế thừa từ các Giáo hội châu Âu và giáo lý được
kế thừa từ những nơi khác. Sự chia rẽ ngay bên trong Giáo hội và giữa các Giáo
hội này còn bị khắc sâu hơn do hệ thống đẳng cấp xã hội. Giống như chủ nghĩa
Apartheid, chủ nghĩa chủng tộc hay chủ nghĩa dân tộc, hệ thống đẳng cấp này gây
ra một thách thức lớn trong việc xây dựng sự hiệp nhất các Ki-tô hữu ở Ấn Độ và
trong việc làm chứng về đời sống luân lý và mục vụ của Giáo hội với tư cách là
Thân thể duy nhất của Đức Ki-tô. Thật vậy, vấn đề đẳng cấp xã hội, một vấn đề
gây chia rẽ trong Giáo hội Ấn Độ, chính là vấn đề rất nhức nhối về giáo lý.
Chính trong bối cảnh này mà Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất năm nay
mời gọi chúng ta đào sâu đoạn Kinh thánh, rất được biết đến, trích trong sách
tiên tri Mikha 6,6-8 và đặc biệt nhấn mạnh đến câu hỏi “Ngài đòi hỏi chúng
con điều gì, Lạy Đức Chúa?” là chủ đề chính cho Tuần cầu nguyện năm nay.
Dựa vào kinh nghiệm của những người Dalit, chúng ta sẽ đưa ra những suy tư thần
học đặt nền tảng trên chủ đề Kinh thánh.
Mikha là một trong 12 tiên tri nhỏ của Cựu Ước.
Những tiên tri này thi hành sứ vụ ở Giu-đa khoảng từ năm 737 đến 690 trước Chúa
giáng sinh. Ông quê ở Mô-re-sét, phái tây nam Giê-ru-sa-lem. Ông thi hành sứ vụ
tiên tri dưới thời các vua Giu-đa là Giô-tham, A-khát và Khít-ki-gia (Mik 1,1).
Ông sống cùng thời, cùng bối cảnh chính trị, kinh tế, luân lý và tôn giáo với
tiên tri Isaia và cùng với Isaia, ông chứng kiến sự sụp đổ của vương quốc
Samari và cuộc xâm lăng vương quốc phía Nam của vua Assyri vào năm 701 trước
Chúa giáng sinh. Nỗi đau buồn mà ông khóc thương cho số phận dân tộc mình thấm
đẫm và vang vọng trong từng trang sách của ông. Ông cũng bày tỏ mối tức giận
đối với những người có trách nhiệm và đối với các tư tế những người đã phản bội
lại dân tộc này.
Sách tiên tri Mikha thuộc truyền thống văn
chương ngôn sứ. Trọng tâm của sứ điệp mà ông loan báo đó là tuyên sấm Thiên
Chúa xét xử dân Người. Cuốn sách được chia thành ba phần, chúng ta bắt đầu từ phần xét xử tổng
quát (chương 1-3) tiếp đến là phần công bố về ơn cứu độ (chương 4-5) và sau
cùng là phần xét xử đúng nghĩa và cuộc cử hành ơn cứu độ (chương 6-7). Trong
phần đầu, Mikha mạnh mẽ lên án những người nắm giữ quyền lực, chính trị cũng
như tôn giáo, vì họ lạm dụng quyền bính và bóc lột của người nghèo. Chúng “lột
da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ” (3,2”) và “xét xử
dựa theo quà cáp” (3,11). Phần hai, Mikha khích lệ dân chúng hành hương về
“Núi nhà Đức Chúa… để Người dạy ta biết lối của Người và bước theo đường
Người chỉ vẽ” (4,2). Phần ba, Mikha nói đến cuộc xét xử của Thiên Chúa đồng
thời mời gọi dân chúng chờ đợi ơn cứu độ trong tin tưởng và hy vọng vào Thiên
Chúa là Đấng “chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác” (7,18). Niềm hy vọng này
cụ thể hướng về Đấng Messia là Đấng sẽ đem lại “hòa bình” (5,4) và sẽ
xuất hiện ở Bê-lem (5,1) “để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất” (5,3).
Sau cùng, Mikha mời gọi tất cả mọi dân tộc trên thế giới cùng hòa nhập vào cuộc
hành hương này để được tham dự vào nền công lý và hòa bình là ơn cứu độ của
toàn dân.
Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu
hiệp nhất năm nay được lấy từ sách Mikha đoạn 6,1-7,7. Trong đoạn này, Mikha
tha thiết mời gọi dân chúng thực thi công bình và sống khiêm hạ trước mặt Thiên
Chúa. Mikha nhắc lại sự công chính và bình an mà Thiên Chúa đã thực thi và ân
ban cho dân Ngài trong dòng lịch sử, nhưng ông cũng nhấn mạnh và khẳng định
rằng những ân ban của Thiên Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào đời sống luân lý cụ
thể của họ. Cũng giống như các tiên tri sống vào cuối thời quân chủ của Israen,
Mikha nhắc lại cho dân chúng thấy Thiên Chúa đã cứu họ khỏi kiếp nô lệ người
Ai-cập và qua các giao ước, ngài mời gọi họ tiến bước vào một xã hội được xây
dựng trên nhân phẩm, công bằng và chính trực. Như vậy, niềm tin đích thực vào
một Thiên Chúa gắn liền với sự thánh thiện cá nhân và việc thực thi công bình.
Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho những người nô lệ bị áp bức và những người khiêm
hạ không phải vì các lễ nghi mà họ cử hành, các hy lễ và lễ vật toàn thiêu mà
họ dâng tiến (6,7) nhưng vì họ thực thi công bình, yêu mến nhân nghĩa và bước
đi với Ngài (6,8).
Chúng ta có thể so sánh hoàn cảnh mà dân Thiên
Chúa phải trải qua trong thời Mikha với hoàn cảnh hiện thời của người Dalit
trên nhiều bình diện khác nhau. Những người Dalit hiện thời cũng là nạn nhân
của áp bức và bất công do người ta không công nhận những quyền hạn và phẩm giá
của họ. Ngày xưa Mikha đã sánh ví những người tham lam bóc lột người nghèo là
những người “ ăn thịt dân tôi” … (3,3). Mikha đã vứt bỏ những nghi lễ và
những lễ vật không mấy giá trị do không người ta quan tâm đến sự công bình,
nhưng đồng thời ông cho người ta biết điều mà Thiên Chúa muốn đó chính là sự
công bình. Sự công bình chính là cốt lõi trong tôn giáo và các nghi lễ của
chúng ta. Và sứ điệp ấy của Mikha hiện vẫn mang tính tiên tri bởi vì ngày nay,
người ta cũng vẫn dựa vào những tiêu chuẩn tôn giáo và những khái niệm lễ nghi
trong sạch, ô uế để biện minh cho việc phân biệt đối xử với những người Dalit.
Niềm tin có ý nghĩa hay không là tùy thuộc việc nó có gắn kết với sự công bình
hay không. Sứ điệp nhấn mạnh đến chiều kích luân lý trong đời sống đức tin của
tiên tri Mikha mời gọi chúng ta phải tự hỏi, trong bối cảnh hiện tại của người
Dalit, Thiên Chúa đang thực sự chờ đợi chúng ta điều gì: dâng tiến lễ vật hay
bước đi với Ngài trong công chính và khiêm nhượng ?
Con đường mà các môn đệ Đức Giê-su bước đi nhất
thiết phải là con đường công bình, bác ái và khiêm nhượng. Từ “bước đi”
ở đây được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Bởi vì tám ngày cầu nguyện được chủ ý kết nối
với nhau một cách sinh động và liên tục giống như những bước đi trên một con
đường, một con đường đầy năng động như đặc tính vốn có của người môn đệ Chúa
Ki-tô. Hơn nữa, khi lấy chủ đề “ Lạy Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con
tới sự công chính và an bình”, đại hội Hội đồng đại kết các Giáo hội sẽ
diễn ra ở Busan, Hàn Quốc vào năm 2013, cũng muốn làm nổi bật hình ảnh Thiên
Chúa Ba Ngôi, Đấng đồng hành với nhân loại và hướng dẫn lịch sử nhân loại đồng
thời mời gọi mọi dân tộc cùng bước theo Ngài.
Các chủ đề của tám ngày trong tuần gợi lên cho
chúng ta hình ảnh của những bước đi tiếp nối nhau. Các chủ đề này sẽ giúp chúng
ta đào sâu những cách thức khác nhau mà người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô
phải bước đi trên con đường công chính để tìm được sự sống (Cn 12,28a).
Ngày thứ nhất: bước đi trong đối thoại. Chúng ta suy tư về
tầm quan trọng của việc đối thoại, gặp gỡ trao đổi và việc đối thoại, trao đổi
gặp gỡ sẽ giúp chúng ta vượt lên những trở ngại như thế nào. Những khả năng
trong lời nói và lắng nghe cũng rất cần thiết trong tiến trình đại kết cũng như
trong công cuộc giải phóng các dân tộc trên mặt đất. Việc đối thoại đích thực
này có thể giúp chúng ta nhận ra Đức Ki-tô dễ dàng hơn.
Ngày thứ hai: bước đi với thân xác đầy thương
tích của Đức Ki-tô. Khi chúng ta nhận ra Đức Ki-tô chịu đóng đinh liên đới và nên một
với các “dân tộc thương đau” trên trái đất như
những người Dalit, thì tự chúng ta, với tư cách người Ki-tô hữu, chúng ta sẽ
tìm cách liên đới với họ một cách sâu sắc hơn. Đặc biệt, điều này giúp cho
chúng ta thấy mối liên hệ giữa Thánh Thể và công lý và mời gọi các Ki-tô hữu
khám phá ra những cách thức thực hành sống Bí tích Thánh Thể trong thế giới hôm
nay.
Ngày thứ ba: bước đi hướng tới tự do. Hôm nay chúng ta được
mời gọi biểu dương những cố gắng nhằm chống lại những tất cả những gì nô lệ hóa
con người mà tất cả các cộng đoàn đang bị áp bức trên thế giới, như những người
Dalit bên Ấn Độ, đang thực hiện. Là những Ki-tô hữu đang dấn thân cho một sự
một hiệp nhất rộng lớn hơn, chúng ta hiểu rằng việc loại bỏ tất cả những gì
ngăn cách con người với nhau là việc làm thiết yếu để đạt được sự sống viên mãn
và sự tự do trong Chúa Thánh Thần.
Ngày thứ tư: bước đi như những người con cùng
chung sống trong gia đình trái đất. Khi chúng ta ý thức được chỗ đứng của mình
trong các tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sát lại gần nhau và chúng ta sẽ
nhận ra rằng chúng ta lệ thuộc vào nhau cũng như lệ thuộc vào trái đất. Khi ý
thức được cần phải khẩn cấp bảo vệ môi trường và cần phải thực sự chia sẻ với
nhau và công bằng đối với các tài nguyên trên trái đất, người Ki-tô hữu chúng
ta được mời gọi phải sống chứng tá về điều đó một cách mạnh mẽ trong tinh thần
năm thánh.
Ngày thứ năm: bước đi như bạn hữu của Đức
Giê-su.
Hôm nay chúng ta suy tư về những hình ảnh tình bạn, tình yêu thương đồng loại
trong Kinh thánh và những mẫu tình yêu mà Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân
loại. Việc chúng ta nhận biết mình là những người bạn hữu rất yêu mến của Thiên
Chúa sẽ tác động đến những tương quan trong cộng đoàn các Ki-tô hữu. Khi chúng
ta ý thức như thế thì sẽ không còn những hàng rào cản trở loại trừ trong lòng
Giáo hội bởi vì Giáo hội lúc đó là một cộng đoàn nơi tất cả mọi người đều là
bạn hữu rất yêu mến của Chúa Giê-su.
Ngày thứ sáu: bước đi vượt lên những trở ngại. Bước đi với Thiên
Chúa đó chính là bước đi vượt lên những cản trở đang gây cho con cái Giáo hội
chia rẽ và đau khổ. Các bài đọc Kinh thánh hôm nay chỉ cho chúng ta những cách
thức khác nhau để vượt lên những cản trở của con người và đỉnh điểm là giáo
huấn của thánh Phao-lô: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để
thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái
hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là
một trong Đức Ki-tô.”(Gl 3, 27-28).
Ngày thứ bảy: bước đi trong tình liên đới. Khiêm nhường bước đi
với Thiên Chúa đó là bước đi trong tình liên đới với tất cả mọi người đang dấn
thân cho công lý và hòa bình. Bước đi này không chỉ tác động đến cá nhân các
tín hữu mà còn tác động đến cả bản chất và sứ mạng đích thực của cộng đoàn tín
hữu. Giáo hội được mời gọi chia sẻ đau khổ của mọi người và khích lệ mọi người
chia sẻ những khổ đau của nhau qua việc bảo vệ và quan tâm đến những người nghèo,
những người thiếu thốn và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Tất cả điều này
đều ẩn chứa trong lời cầu nguyện của chúng ta trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp
nhất các Ki-tô hữu này.
Ngày thứ tám: bước đi với các cuộc cử hành. Các bản văn Kinh
thánh hôm nay đề cập đến những việc cử hành. Việc cử hành này không có nghĩa là
vui mừng về những gì đã diễn ra trong quá khứ nhưng theo nghĩa là bày tỏ niềm
hy vọng vào Thiên Chúa và công lý của Người. Tương tự như vậy, việc cử hành
Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất là nhằm tỏ lộ niềm hy vọng rằng sự
hiệp nhất của chúng ta sẽ được thể hiện khi Chúa muốn và theo cách thức mà Ngài
muốn.
Điều Chúa đòi hỏi chúng ta hôm nay đó là chúng
ta phải bước theo con đường công chính, nhân hậu và khiêm cung. Bước theo con
đường khiêm nhượng này là chúng ta bước theo con đường hẹp của Nước Trời chứ
không phải bước theo những con đường thế lực ngày nay. Đi theo con đường chính
trực này, chúng ta có thể sẽ phải hứng chịu sự khốc liệt của chiến trận, sự cô
lập đi đôi với sự chống đối, và tự chuốc lấy nguy cơ bị “những quyền lực
thần thiêng và với những bậc thống trị thế giới tối tăm này”(Ep 6,12) phản kháng. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta công khai
tuyên bố đứng về phía công lý, khi ấy chúng ta sẽ bị người ta tìm cách đổ tội
cho là những kẻ xúi giục bạo loạn hay là những kẻ gây mất an ninh trật tự.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần xác tín sự an bình và hiệp nhất chỉ thực sự
toàn diện khi nó được xây dựng trên nền tảng công lý.
Bước đi khiêm nhượng này được diễn tả một cách
ẩn dụ qua tiếng trống của người Dalit ở Ấn Độ, những người được đặc biệt quan
tâm trong Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất này. Thật vậy, trong các
làng của Ấn Độ, các cộng đoàn người Dalit thường đánh trống trong các nghi lễ
và cả trong công việc. Người Dalit đánh trống không chỉ để cầu xin thần linh
hiện diện nhưng còn nhằm xua đuổi những điều mà người ta cho là xấu xa để giúp
cộng đoàn an tâm vượt qua những thời khắc chuyển tiếp. Ngày nay, người ta lấy
lại tiếng trống đặc biệt này để diễn tả hiện nét văn hóa và bản sắc của người
Dalit. Do đó, khi nói đến “bước đi khiêm nhượng theo nhịp trống của người
Dalit”, là chúng ta phải nói đến cuộc đời khiêm hạ của những người bị ruồng
bỏ nhất trong xã hội, những cuộc đời hằng gợi lên cho chúng ta sự hiện diện
không lay chuyển của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải nói đến cách sống khiêm hạ
nhưng đầy sức mạnh chống lại sự dữ và góp phần xây dựng thiện ích của xã hội
theo nghĩa rộng của người Dalit. Chúng ta nhắc đến cách sống khiêm nhượng như
thế là nhằm khẳng định cho mọi người thấy văn hóa và bản sắc của người Dalit
chính là nơi sự hiện diện của Thiên Chúa bày tỏ mà người ta không thể ngờ tới
(x. Mt 25, 40). Cách sống khiêm hạ này sẽ dẫn đến một sự liên đới đích thực
cũng như những hình thức hiệp nhất Ki-tô hữu, vượt lên tất cả phân biệt đối xử
hay loại trừ bất công.
Một số cộng đoàn người Dalit ở Ấn Độ rất gắn bó
với nghề “làm dép”. Đây là nghề kiếm sống đặc trưng nhưng cũng là biểu
tượng cho sự cố gắng mà họ đang thực hiện nhằm xây dựng một cuộc sống mạnh mẽ
và hy vọng, bất chấp điều kiện sống tệ hại và phi nhân mà họ phải gánh chịu.
Qua các bài suy niệm hằng ngày, chúng ta nhận thấy sức mạnh tồn tại của người
Dalit trước những thử thách giống đôi dép mà, dù sống ở bất cứ đâu, chúng ta
đều sử dụng để đi trên con đường công chính, hầu thực hiện điều Chúa đòi hỏi
chúng ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã khẳng định: “Tất cả những gì
tương tự như các định kiến do phân biệt đẳng cấp trong tương quan giữa các
Ki-tô hữu đều đi ngược lại sự liên kết nhân loại đích thực, đe dọa đời sống
thiêng liêng chân chính và cản trở rất lớn đến sứ mạng truyền giáo của Giáo
hội”. Xin Thiên Chúa công bình, hiệp nhất và an bình củng cố và biến chúng
ta thành những dấu chỉ liên kết nhân loại đích thực để chúng ta thực hiện điều
Chúa đòi hỏi chúng ta.
CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TÀI LIỆU CHO TUẦN CẦU
NGUYỆN CHO CÁC KI-TÔ HỮU HỢP NHẤT NĂM 2013
Tài liệu này được đúc kết và hoàn thiện dựa
trên các tài liệu sơ thảo do Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ (SCMI) kết
hợp với Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ và Hội đồng quốc gia các Giáo hội ở
Ấn Độ chuẩn bị và đề nghị.
Chúng tôi xin hết lòng cảm ơn tất cả những
người đã tham gia thực hiện tài liệu này. Đặc biệt chúng tôi xin cảm ơn:
Đức Thượng phụ Dr Geevarghese Mar Coorilos, Chủ
tịch Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ(Giáo Hội Syro Malankara Jacobite)
Bà Berndine, Liên đoàn đại học Công giáo Ấn Độ
(Giáo Hội Công Giáo)
Tiến sĩ Aruna Gnanadason, cựu sinh viên và
thành viên Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ (Giáo Hội miền
Tiến sĩ Peniel Rufus Rajkumar thuộc Đại học
thần học thống nhất (Giáo Hội miền
Cha Vineeth Koshy, Hội đồng quốc gia các Giáo
hội ở Ấn Độ (Giáo hội Chính thống Syro Malankara)
Bà Anita Hepsibah, Phong trào Sinh viên Công
giáo Ấn Độ (Giáo Hội miền
Bà Chrisida Nithyakalyani, Phong trào Sinh viên
Công giáo Ấn Độ (Giáo hội Tin lành phái Luther Tamil)
Mục sư Raj Bharath Patta, Phong trào Sinh viên
Công giáo Ấn Độ (Giáo hội Tin lành Luther Andhra).
Các tài liệu sơ thảo do nhóm chuẩn bị thực hiện
sau đó đã được các thành viên Ủy Ban Đức Tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết
các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hợp nhất các ki-tô hữu của Giáo hội
Công giáo đúc kết và hoàn thiện. Và tháng 9 năm 2011, tại Bangalore (Ấn Độ), Ủy
Ban quốc tế này đã gặp lại các thành viên và các đối tác của Phong trào Sinh
viên Công giáo Ấn Độ và bày tỏ lời cám ơn đặc biệt chân thành về sự tiếp đón
nồng hậu và lòng hiếu khách của Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ dành cho
họ trong dịp này.
NGHI THỨC CỬ HÀNH ĐẠI KẾT
Dẫn vào nghi thức cử hành
Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa?
(x. Mk 6,6-8)
Nghi thức cử hành đại kết năm nay phản ánh sự
tươi trẻ của Phong trào Sinh viên Công giáo Ấn Độ. Nghi thức này khởi đi từ
cuộc sống thực tế của người Dalit và nó cũng là cơ hội để chúng ta được chia sẻ
đời sống thiêng liêng của họ. Nghi thức cử hành này mượn một số yếu tố trong
đời sống của người Dalit Ấn Độ trong đó có việc sử dụng trống và các bài hát
bhajan, là cách hát đặc trưng của người Dalit và lời bài hát biểu lộ niềm tin
vào Thiên Chúa. Phần thứ ba hoàn toàn đặc trưng đó là phần chia sẻ nhân chứng
đức tin hầu làm nổi bật đời sống thiêng liêng của người Dalit đó là tôn trọng
công bình, yêu thích trung tín và trung thành bước đi với Chúa (x. Mk 6,6-8). Nghi
thức cử hành kết thúc bằng một việc chia sẻ mà các cộng đoàn người Dalit vẫn
thường làm: chia sẻ cho nhau các hạt giống hay một cây non tượng trưng cho lời
mời gọi hãy hy vọng và biến đổi.
Trong suốt Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các
Ki-tô hữu, trong tình huynh đệ và đại kết, các Ki-tô hữu ở khắp nơi cùng nhau
đào sâu ý nghĩa thế nào là tôn trọng công bình, yêu mến tín trung và khiêm tốn
bước đi với Chúa. Chủ đề này được triển khai trong suốt tám ngày theo nghĩa ẩn
dụ của những bước đi. Đối với người Dalit, bước đi hướng đến tự do không thể
tách rời bước đi hướng đến hiệp nhất. Do đó, những bước đi của chúng ta cùng
với những người Dalit và tất cả những ai khát mong công bình trong tuần cầu
nguyện này chính là lời cầu nguyện đầy ý nghĩa cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu.
Cấu trúc nghi thức cử hành
Nghi thức cử hành gồm sáu phần liên tiếp nhau:
mở đầu, ngợi khen và tạ ơn, thú nhận tội lỗi và hòa giải, Phụng vụ Lời Chúa và
chứng nhân đức tin, lời nguyện, phép lành và sai đi.
1. Nghi thức cử hành được bắt đầu bằng một bài
trống. Bài trống này, đối với các cộng đoàn Dalit ở Ấn Độ, vừa tượng trưng cho
việc cử hành sự sống vừa tượng trưng cho cuộc chiến chống lại những áp bức bất
công. Trống biểu hiện sức mạnh của tất cả các cộng đoàn chiến đấu cho công lý và
tự do trên thế giới. Chúng ta có thể xem những bài trống mẫu của người Dalit
trên địa chỉ sau:
http://www.youtube.com/watch?v=7HDT7OmzUdw&feature=related
Những cộng đoàn nào không có trống có thể thay
thế bằng một cách thức hay một nhạc cụ nào đó thích hợp miễn là diễn tả được ý
nguyện này. Chúng ta có thể dựa vào các tác phẩm của Rabindranath Tagore, nhà
thơ từng đoạt giải Nobel nổi tiếng Ấn Độ, để làm lời nguyện mở đầu. Phần mở đầu
kết thúc bằng một bài hát Bhajan, đó là lời cầu nguyện (bằng tiếng Telugu) được
chủ sự cất cao giọng hát lên và cộng đoàn lặp lại. Chúng ta có thể tìm các bài
hát bhajan mẫu trên mạng internet.
2. Ngợi khen và tạ ơn.
3. Thú nhận tội lỗi và hòa giải. Cộng đoàn được
mời gọi thể hiện dấu chỉ hòa giải bằng cách đến chúc bình an cho nhau. Trong
khi mọi người chúc bình an, có thể dạo một bản nhạc.
4. Phụng vụ Lời Chúa được bắt đầu bằng bài đọc
của Tuần cầu nguyện (Mk 6,6-8). Tiếp theo là phần chứng nhân đức tin, lấy từ
câu chuyện có thực của một phụ nữ tên là Sarah, thành viên cộng đoàn Dalit.
Chuyện xảy ra vào năm 2008, tại Khandamal, bang Orissa, miền Trung Ấn Độ. Những
người Ấn Giáo quá khích đã tấn công các Ki-tô hữu (đa số là người Dalit). Bạo
lực xảy ra trong suốt một tháng trời. Người ta tàn phá những nơi thờ tự và nhà
ở của người Dalit. Orissa là một trong những vùng nghèo nhất Ấn Độ và cũng là
khu vực có phân biệt đối xử xã hội lớn nhất. Bạo lực đã làm 59 người chết; 115
nhà thờ Công giáo bị phá hủy, nhà dân bị hư hại và 50.000 giáo dân phải chạy
vào rừng tìm nơi trú ẩn và sau đó họ
phải tìm đến trại di trú do chính phủ Ấn
Độ dựng lên. Có khoảng 80 đến 90% những người Ấn Độ trở lại đạo Công giáo là
người Dalit. Giống như hình ảnh Sarah, đa số những người Dalit trở lại Công
giáo vì họ không còn gì để mất như thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe nói;
nhiều người Dalit trở lại Công giáo sau khi họ đến các giáo xứ tìm nơi trú ẩn
để thoát hệ thống áp bức đẳng cấp. Họ đến đó để tìm tự do vì họ nghĩ rằng nhờ
sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa Đấng giải thoát, họ sẽ có được tự do.
Có thể thêm một chứng nhân đức tin tương tự
khác nữa lấy từ chính bối cảnh của cộng đoàn mình.
Như vậy, trong khi lắng nghe Lời Chúa, cộng
đoàn cũng được mời gọi đồng thời thinh lặng suy niệm về các chứng nhân đức tin
này.
5. Lời nguyện.
6. Phép lành và sai đi: trong các cộng đoàn
người Dalit, người ta có thói quen rất đặc trưng là chia sẻ lương thực cho
nhau. Do đó, chúng ta được gợi ý có thể chuẩn bị một bữa ăn nhẹ để mọi người
dùng chung với nhau sau khi cử hành nghi thức này.
Diễn tiến nghi thức cử hành
Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa?
(x. Mk 6,6-8)
Cs: Chủ sự
Cđ: Cộng đoàn
I.
Mở đầu
1. Dạo đầu
- Bằng một bài trống của người Dalit hay một
bản nhạc khác phù hợp.
- Chủ sự ngỏ lời chào cộng
đoàn.
2. Mời gọi cầu nguyện
Cs: Chúa nói: “ Ở đâu có hai hay ba người họp
lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. Chúng ta hãy thinh lặng để nhận
ra Chúa Ba Ngôi đang hiện diện giữa chúng ta.
- Thinh lặng
3. Lời nguyện
Cs: Quê hương tự do
Nơi ấy
trí bất khuất, đầu ngẩng cao;
Nơi ấy
hiểu biết tự do khoáng đạt;
Nơi ấy
thế giới không bị thành trì cổ hủ, hẹp hòi phân chia thành mảnh nhỏ;
Nơi ấy
tiếng nói phát ra từ sự thật thẳm sâu;
Nơi ấy
nỗ lực không ngừng vươn tìm tuyệt đối;
Nơi ấy
suối lý trí trong veo lượn khúc không lạc lối vào bãi cát ủ dột, hoang vu của
tập quán khô cằn, cứng nhắc;
Nơi ấy,
Cha dẫn tâm trí con vào hành động, vào suy tư mở rộng luôn luôn.
Cđ: Trong vòm trời tự do
ấy, xin cho quê hương con bừng tỉnh, Cha
ơi.
(Rabindranath Tagore)
4. Bhajan
- Cầu nguyện qua lời hát.
- Chúng ta có thể hát một thánh vịnh cầu nguyện
trong tư thế ngồi hoặc quì gối. Chúng ta cũng có thể chọn một bài thánh ca hay
một bài hát nào khác phù hợp.
Người là nơi chúng con trú ẩn.
Lạy Thần linh ánh sáng,
chính Người là nơi
chúng con trú ẩn.
Lạy Đấng ban bình an,
chính Người là nơi
chúng con trú ẩn.
Lạy Thiên Chúa nhân hậu từ bi,
chính Người là nơi
chúng con trú ẩn.
II. Ngợi khen và tạ ơn
- Trong phần cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn này,
chủ sự mời gọi mọi người tham dự nắm tay nhau thành một khối hiệp nhất, vững
mạnh.
Cs: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúng con ca
ngợi Chúa đã tạo dựng nên chúng con cách vô cùng phong phú. Chúng con tạ ơn
Chúa đã ban cho chúng con nhiều nền văn hóa, nhiều ngôn ngữ, nhiều cách thức
biểu lộ đức tin, nhiều phong tục truyền thống và nhiều sắc tộc khác nhau. Chúng
con tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội nhiều truyền thống khác nhau và nhờ các
truyền thống này mà sức mạnh và sức sống nơi các cộng đoàn của chúng con, kể cả
nơi những cộng đoàn thiểu số, được duy trì. Xin dạy chúng con biết chấp nhận sự
khác biệt về căn tính và truyền thống để chúng con xây dựng lên mối liên hệ
thân tình và huynh đệ hầu dẫn chúng con đến sự hiệp nhất rộng lớn hơn.
Cđ: Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được
sống vui vầy bên nhau.
Cs: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chúng con ca ngợi Chúa
vì Chúa đã chịu chết và đã phục sinh để giao hòa chúng con với Thiên Chúa và
giao hòa chúng con với nhau và để dạy chúng con biết tôn trọng phẩm giá và giá
trị của tất cả mọi người. Chúng con tạ ơn Chúa đã luôn hiện diện với chúng con
trong cuộc sống hàng ngày và mời gọi chúng con liên đới với những người anh chị
em đang bị các cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế tước mất nhân phẩm. Xin dạy
chúng con biết luôn trông cậy vào Chúa để vượt lên tất cả sự dữ ở trần thế này.
Cđ: Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được
sống vui vầy bên nhau.
Cs: Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con ca ngợi Chúa vì
Chúa đã tặng ban cho chúng con hồng ân là được phụ thuộc vào nhau, liên đới với
nhau. Hồng ân này đã tạo nên một di sản chung của các dân tộc và của các Giáo
hội. Xin dạy chúng con khi cầu khẩn Ngài ở lại với chúng con, cũng biết duy trì
các mối liên hệ hiệp nhất mà chúng con đang có. Xin soi sáng cho chúng con con
đường hướng đến hiệp nhất trọn vẹn hữu hình giữa chúng con với nhau cũng như
giữa chúng con với tất cả các dân tộc và các phong trào đang đấu tranh để bảo
vệ sự sinh tồn.
Cđ: Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được
sống vui vầy bên nhau.
III. Thú nhận tội lỗi và hòa giải
Cs: Chúng ta biết rằng trong Đức Ki-tô tất cả
chúng ta đã được trở nên một. Nhưng vì con người yếu đuối, chúng ta đã không
sống và không làm chứng cho cho sự hiệp nhất ấy. Giờ đây chúng ta hãy xưng thú
các tội đã gây ra chia rẽ của chúng ta và xin Chúa chữa lành.
Thinh lặng
Cđ: Ôi lạy Chúa, Thiên Chúa của chúng con. Chúng con khiêm tốn phủ
phục trước nhan thánh Chúa và chúng con xin xưng thú những tội lỗi mà chúng con
đã phạm và những chia rẽ mà chúng con đã gây ra. Chúng con nhìn nhận rằng chúng
con vẫn còn tiếp tục gia cố bức tường ngăn cách giữa người với người mà sự phân
biệt về đẳng cấp, giai cấp, sắc tộc, quyền lực và tất cả những gì kìm hãm người
Ki-tô hữu trong sự chia rẽ, đã dựng lên. Chúng con xin Chúa thứ tha vì chúng
con vẫn thường cứ lấy lý do lịch sử của chúng con và quá khứ của các cộng đoàn
Giáo hội mà gây nên chia rẽ, bất hòa giữa chúng con và làm tổn thương đến sự
hiệp nhất mà Chúa Ki-tô mời gọi. Xin tha thứ cho những chia rẽ nơi chúng con và
xin giúp chúng con tiếp tục tranh đấu cho sự hiệp nhất nhân danh Đức Giê-su,
Con Một Chúa. Amen.
1. Cầu khẩn
Cđ: Xin ngự đến giữa chúng con, lạy Chúa Giê-su và
xin chữa lành những chia rẽ nơi chúng con. Xin dẫn chúng con đi trên những con
đường công chính để tất cả chúng con tìm được sự sống.
Xin ngự đến giữa chúng con, lạy Chúa Giê-su và
xin dạy chúng con biết lắng nghe những tiếng kêu than của tất cả những người bị
đẩy ra bên lề xã hội.
Xin ngự đến giữa chúng con, lạy Chúa Giê-su.
Xin soi sáng cho chúng con biết cộng tác với tất cả những người đang tranh đấu
cho tự do để chúng con cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất nơi thân thể đầy thương
tích của Ngài. Amen.
2. Hòa giải
Cs: Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là
Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng
ta sạch mọi điều bất chính.
- Chủ sự mời gọi tất cả các thành viên của cộng
đoàn tham gia nghi thức này và mọi người tiến tới chúc bình an cho nhau. Trong
khi đó, có thể dạo một bản nhạc.
IV. Phụng vụ Lời Chúa
Bài đọc I: Mk 6,6-8
Chứng nhân đức tin
Khi họ đến tìm bắt Sarah Digal thì chị không
còn ở nhà. Chị cùng mẹ chồng và năm đứa con đã chạy trốn vào rừng cách đó chừng
một cây số trong chiếc thùng xe. Do đó họ đã đốt tất cả những gì chị để lại
trong nhà: một khung ảnh Đức Giê-su, một cuốn Kinh thánh bằng tiếng oriya, các
dụng cụ làm bếp, vài bộ quần áo, vài cái chiếu và một số vải vóc. Khi chắc chắn
đã an toàn, chị rón rén trở về, căn nhà của chị khi ấy cũng đã bị phóng hỏa chỉ
còn lại một đống than hồng, tro bụi và khói tỏa. Hàng xóm đã đến chia sẻ cảm
thông với chị. Sarah lướt nhìn, đứng thẳng, kéo áo sari che đầu. Chị bắt đầu
cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi chúng con. Lạy Chúa Giê-su chỉ có
Chúa là Đấng thánh. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Xin giải thoát chúng con, lạy
Chúa”. Những lời này đầy thúc bách. Các con của chị cũng dần dần hiệp ý với
chị. Chị bật khóc mà cầu xin Thiên Chúa giải thoát chị. Những người hàng xóm và
những người khác chung quanh cũng đến bao quanh chị. Mối liên hệ cảm thông đơn
sơ đầy tình người này cũng đồng thời cho thấy một cách mạnh mẽ rằng không gì có
thể chia cắt người ta ra khỏi Thiên Chúa của họ. Sarah đã nói trong nước mắt: “Con
muốn thà chết hơn thà bỏ đạo”. Một người tín hữu nữ Dalit trung thành và
can đảm như vậy đó!
- Có thể nói thêm về các chứng nhân đức tin
khác.
Cs: Giờ đây chúng ta hãy thinh lặng suy niệm về
những chứng nhân đức tin và lòng kiên trung trên đây. Khi chiêm ngưỡng đức tin
của người chị em Sarah và của nhiều chứng nhân khác, chúng ta cũng hãy tự hỏi
về con đường đức tin của chính chúng ta.
Thinh lặng
Thánh vịnh 86, 11-16
Xin dạy con đường lối Ngài, lạy CHÚA,
con vững bước theo chân lý của Ngài.
Xin Chúa hướng lòng con,
để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh.
Đường công chính đem lại sự sống.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con
thờ, con hết lòng cảm tạ,
Thánh danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh,
vì tình Chúa thương con như trời như biển,
Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty.
Đường công chính đem lại sự sống.
Lạy Thiên Chúa, phường
kiêu ngạo nổi lên chống đối,
bè lũ hung tàn tìm hại mạng sống con :
chúng đâu có kể chi đến Ngài.
Đường công chính đem lại sự sống.
Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi,
Ngài chậm giận, lại giàu
tình thương và lòng thành tín.
Xin đoái nhìn và xót thương con,
ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ
cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài.
Đường công chính đem lại sự sống.
Bài đọc II: Galat 3, 26-28
- Có thể hát lời công bố Tin mừng.
Tin mừng: Luca 24, 13-35
- Có thể hát một bài thánh ca thích hợp.
Bài giảng
Lời cầu
Cs: Khi nào chúng ta đi bước đi trong đối thoại,
chúng ta sẽ nhận ra tất cả những cố gắng mà phong trào đại kết thực hiện đều
nhằm đưa đến sự hiệp nhất mà Chúa Ki-tô muốn cho Giáo hội của Ngài.
Cđ: Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Người củng cố
những cố gắng của chúng con, để Người soi dẫn những cuộc đối thoại của chúng
con và để lời Chúa Giê-su cầu xin cùng Chúa
Cha cho chúng con được trở thành hiện thực.
Cs: Khi chúng ta bước đi với thân thể đầy thương
tích của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ đau đớn ý thức rằng chúng ta vẫn bất lực
không thể qui tụ hiệp thông với nhau trong nghi lễ bẻ bánh. Ước mong chúng ta
sớm có ngày được hiệp thông trọn vẹn nơi bàn tiệc của Chúa.
Cđ: Xin đốt lên trong lòng chúng con ước nguyện
vượt lên tất cả những chia rẽ để qua chính những thương tích của chúng con,
chúng con có thể nhận ra Đức Ki-tô duy nhất.
Cs: Khi chúng ta bước đi hướng tới tự do, chúng ta
sẽ nhớ đến các cộng đoàn Dalit và tất cả những ai đang chịu những hình thức
phân biệt tương tự: ước chi sự hiệp nhất của Giáo hội trở thành dấu chỉ hy vọng
cho các tình trạng bất công này.
Cđ: Xin
củng cố những dấn thân của Giáo hội để Giáo hội dọn đường cho các cộng đoàn xã
hội và giáo hội và xin giúp các cộng đoàn biết sống đúng nhân phẩm và tự do của
mình. Xin hãy dùng chính những ơn mà Chúa ban cho họ và sự hiện diện của họ mà
biến đổi chúng con.
Cs: Khi chúng ta bước đi như những người con của
đất mẹ, chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta là những lữ khách đang bước đi trên trái
đất, một món quà tuyệt vời trong các tạo vật dựng mà Chúa đã nên cho chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng con biết tôn trọng trái đất mà Ngài đã dựng nên cho chúng
con và xin giúp chúng con biết nhạy cảm với những bổn phận mà chúng con phải có
đối với trái đất.
Cđ: Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Người đổi
mới tạo vật và giúp chúng con biết quan tâm đến những người khổ đau không có
đất đai nhưng luôn biết khôn ngoan tôn trọng trái đất và các tài nguyên của
đất.
Cs: Khi chúng ta bước đi như bạn hữu của
Đức Giêsu, chúng ta sẽ hiểu chúng ta cần đồng hành với những con người đang bị
hất ra bên lề thế giới, những con người mà Đức Giê-su đã chọn lựa đồng hóa, hầu
thoát khỏi những thế kỷ nhục nhã đấu tranh cho tự do và nhân phẩm.
Cđ: Xin giúp chúng con gia tăng và đi sâu vào
tình thân và tình bạn với Chúa và với nhau để chúng con luôn chân thực và trung
tín với lời mời gọi của Chúa.
Cs: Khi chúng ta bước đi vượt lên những trở ngại,
chúng ta sẽ xây dựng nên những cộng đoàn công bình và hiệp nhất.
Cđ: Xin ban cho chúng con lòng can đảm để vượt
lên những cản trở về văn hóa hay cơ chế xã
hội đang làm cho chúng con không nhận ra Chúa và không nhận ra nhau.
Cs: Khi nào chúng ta bước đi trong sự liên
đới với những người phụ nữ như chị Sarah
và những nạn nhân của phân biệt hay bất công khác, chúng ta sẽ vứt bỏ được tính
chây ỳ của chúng ta.
Cđ: Xin qui
tụ chúng con trong tình yêu Ngài vì chúng con xác tín rằng mỗi người mà chúng
con gặp gỡ đều là hình ảnh của Chúa. Xin giúp chúng con biết loại bỏ những cơ
cấu gây ra những bất công hầu xây dựng một xã hội công bình.
Cs: Khi chúng ta bước đi trong cử hành, chúng ta
sẽ khám phá ra rằng sự hiệp nhất trong cộng đoàn chúng ta sẽ làm cho những nhân
chứng Tin mừng của chúng ta về niềm tin và niềm hy vọng được trở nên sâu sắc.Vì
khi sống tinh thần hiệp nhất, chúng ta cũng sẽ vui mừng về những khác biệt
phong phú của chúng ta, những khác biệt phong phú được bày tỏ trong đời sống
của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cđ: Xin giúp chúng con biết sống sự đa dạng kỳ
diệu trong cuộc sống nhân loại, một sự đa dạng được trổ sinh từ những cuộc đấu
tranh chống lại những áp bức để bảo vệ nhân phẩm và để tồn tại. Xin giúp chúng
con nhận ra nơi các cuộc đấu tranh đó những dấu chỉ sự trung thành không lay
chuyển của dân Ngài.
Cs: Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa tất cả
những ước nguyện ấy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Cđ: Amen.
Kinh lạy Cha
Phép lành và sai đi
Cs: Lạy Chúa Ba Ngôi, Đấng tăng cường sức mạnh cho
chúng con, xin hãy đi trước chúng con và xin hướng dẫn chúng con trên
con đường tiến tới hiệp nhất.
Cđ: Amen
Cs: Lạy Chúa Ba Ngôi, Đấng phù hộ chúng con, xin
mời gọi chúng con đến với sự sống dồi dào của Chúa vì này chúng con đang qui tụ
nơi đây và chúng con đang khẩn cầu Chúa ban cho chúng con sự sống ấy.
Cđ: Amen
Cs: Anh em hãy ra đi khắp thế giới để chữa lành và
được chữa lành.
Cđ: Tạ ơn Chúa.
Bài hát kết thúc
( Phần sau cùng, chúng tôi gợi ý mọi người tham
dự chia sẻ với nhau bữa ăn nhẹ như là
dấu chỉ sự hiệp nhất trong Đức Ki-tô)
SUY NIỆM KINH THÁNH
VÀ LỜI
NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY
Ngày Thứ Nhất
Bước đi trong đối thoại.
Lời Chúa:
St 11, 1-9: Câu chuyện tháp
Tv 34, 11-18: “Các con ơi hãy đến mà nghe”.
Chúa mời gọi chúng ta đối thoại.
Cv 2, 1-12: Sự dồi dào của
Thần Khí, ơn thông hiểu.
Lc 24,13-25: Đức Giê-su đối thoại với hai môn đệ trên đường Emmaus.
Suy niệm
Một dân tộc khiêm tốn
bước đi với Thiên Chúa là một dân tộc trong đó các thành viên biết đối thoại
với nhau, biết đối thoại với Thiên Chúa và biết quan tâm đến những gì mình
nghe. Chúng ta bắt đầu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
năm nay bằng việc suy tư về các đoạn Kinh thánh nói đến tầm trò quan trọng của
việc đối thoại. Một yếu tố quyết định của phong trào đại kết là chúng ta dám
nói với người khác về suy nghĩ của mình vì khi làm như thế, chúng ta cởi mở để
học hỏi lẫn nhau, để chia sẻ cho nhau những điểm tương đồng và lắng nghe những
điều khác biệt và để quan tâm đến nhau. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng có khả
năng hiểu biết nhau hơn. Những hồng ân mà chúng ta có được nhờ biết kiếm tìm sự
hiệp nhất trên đây đòi hỏi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa: nếu
chúng ta sống sự thật, công lý sẽ được thực hiện và chúng ta sẽ thuộc về ân sủng.
Những cuộc giải phóng trên khắp thế giới mà chúng ta từng chứng kiến minh chứng
cho chúng ta thấy rõ ràng những người bị bó buộc trong nghèo khổ nhờ biết đối
thoại có thể thoát ra khỏi tình trạng bị tách biệt.
Bài đọc I trích trong
sách Sáng Thế và bài đọc II thuật lại câu chuyện Hiện Xuống mà chúng ta nghe
hôm nay, đều đề cập đến những khả năng đối thoại của con người và vai trò của
nó trong kế hoạch giải phóng nhân loại của Thiên Chúa. Trước hết, câu chuyện
tháp
Mặc dù trên con đường
tiến về Emmau, hai môn đệ cùng chung bước và cùng trò truyện với nhau nhưng họ
vẫn có cảm giác mất mát và thất vọng. Các Giáo hội chúng ta với những chia rẽ ở
các cấp độ khác nhau, các xã hội chúng ta bị chia rẽ vì thành kiến và vì lo sợ
người khác, cũng có thể có cảm giác đó. Tuy nhiên, đó chính là lúc Chúa Giê-su
quyết định đi vào cuộc trò chuyện một cách rõ ràng, không phải như một giáo sư
thông thái chỉ đường, nhưng là một người đồng hành chung bước với họ. Đức Giê-su
phục sinh mong muốn được trò chuyện với chúng ta và nếu chúng ta đáp lại lời
Ngài mà xin Ngài ở lại với chúng ta và tiếp tục trò chuyện với chúng ta, chúng
ta sẽ gặp được Ngài một cách sống động.
Tất các Ki-tô hữu đều
biết việc gặp gỡ Đức Giê-su có ý nghĩa thế nào và lời của Ngài có sức mạnh làm
cho “lòng chúng ta bừng cháy” ra sao. Kinh nghiệm phục sinh này mời gọi
chúng ta hiệp thông sâu hơn nữa với Đức Ki-tô. Tiếp tục trò chuyện với nhau và
trò chuyện với Đức Giê-su - cả khi chúng ta có bị lạc hướng- chúng ta cũng sẽ
đi đến hiệp nhất với nhau.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô,
chúng con hân hoan tuyên xưng rằng chúng con ở trong Chúa và chúng con tạ ơn
Chúa vì Chúa đã mời gọi chúng đi vào cuộc đối thoại yêu thương của Ngài. Xin
hãy mở tâm hồn chúng con để chúng con có thể tham dự ngày một thâm sâu hơn vào
lời cầu nguyện mà Ngài đã cầu xin cùng Chúa Cha cho chúng con được hiệp nhất,
để khi cùng nhau tiến bước, chúng con càng sát lại gần nhau. Xin ban cho chúng
con lòng can đảm để cùng nhau làm chứng cho chân lý và xin giúp chúng con biết
đối thoại với những anh chị em cứ mãi sống trong chia rẽ. Xin sai Thánh Thần
Chúa đến ban cho chúng con sức mạnh để chúng con dám chất vấn các tình trạng
thiếu tôn trọng nhân phẩm và tình người trong xã hội chúng con, trong quê hương
đất nước chúng con và trong khắp thế giới.
Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình.
Amen.
Gợi ý suy tư
1. Khi giữa chúng ta có
quá nhiều khác biệt, chúng ta phải trao đổi về chân lý với nhau thế nào?
2. Những cuộc đối thoại
của chúng ta có nhắm đến việc thực hiện những chương trình lớn vì lợi ích của
chính chúng ta hay nó có dẫn chúng ta đến sự sống mới là sự sống đem lại cho
chúng ta niềm hy vọng sống lại không ?
3. Chúng ta chấp nhận
đối thoại với những người nào và những người nào chúng ta loại khỏi các cuộc
tranh luận ? Tại sao ?
Ngày Thứ Hai
Bước đi với thân thể đầy thương tích của Chúa Ki-tô
Lời Chúa:
Ed 37, 1-14: “Liệu các xương này có hồi sinh
được không ?”
Tv 22, 1- 8: Bị chế giễu và lăng nhục, Người
Tôi Tớ kêu cầu Thiên Chúa.
Dt 2, 1-12: Lời mời gọi “ra khỏi trại”
mà đến gặp Đức Giê-su.
Lc 22,14-23: Trước cuộc thương khó, Đức Giê-su bẻ bánh trao ban
chính mình.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa nghĩa là biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài mà bước ra khỏi những
tiện nghi cá nhân và đồng hành với những người khác, đặc biệt là những người
đau khổ.
"Xương cốt
chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời !".
Chúng ta thấy trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người đang sống trong tình
trạng mà tiên tri E-de-ki-en đã từng nói đến ở đây. Họ là những “con người
mang đầy thương tích” ở cộng đoàn Dalit bên Ấn Độ. Chúng ta có thể dễ dàng
nhận ra những đau khổ xót xa này trong trong cuộc sống của họ, những đau khổ mà
Đức Ki-tô chịu đóng đinh đã thông phần. Cùng với những người mang thương tích ở
mọi nơi và mọi thời, Đức Giê-su vẫn hướng về Chúa Cha mà kêu van thống thiết: “Lạy
Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con ?”
Tất cả các Ki-tô hữu
đều được mời gọi đi con đường thập giá. Thư gửi tín hữu Do thái không chỉ nói
đến việc Đức Giê-su chịu đau khổ thay cho những người bị loại bỏ để cứu độ họ
mà còn nói đến việc các môn đề cần phải “ra ngoài thành” để gặp Ngài.
Khi chúng ta gặp gỡ những người bị loại bỏ, như người Dalit chẳng hạn, và khi
chúng ta nhận ra nơi khổ đau của họ có sự hiện diện của Đấng đã chịu đóng đinh,
chúng ta sẽ không do dự sống trong Đức Ki-tô, nghĩa là liên đới với những người
bị loại bỏ và những người mà Ngài thông phần đau khổ.
Trên thập giá, thân thể
Chúa Ki-tô mang đầy thương tích, Ngài mang “thương tích vì chúng ta”.
Cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Ki-tô đã được báo trước trong bữa Tiệc ly.
Và từ khi ấy, chúng ta tưởng niệm biến cố này trong mỗi Thánh lễ như là cuộc
chiến thắng của Đức Ki-tô trên sự chết. Trong cuộc cử hành tưởng niệm này, thân
thể đầy thương tích của Chúa Ki-tô cũng là thân thể vinh quang và phục sinh;
thân thể Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta nhờ đó chúng ta được thông
phần và sự sống của Người, và trong Người, chúng ta trở thành một thân thể duy nhất.
Thật đáng buồn cho
chúng ta, những người Ki-tô hữu đang bước trên con đường hướng tới hiệp nhất,
khi bí tích Thánh Thể lại là nơi người ta thấy rõ những chia rẽ gây gương mù
của chúng ta vì như chúng ta biết hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể cùng nhau
lãnh nhận bí tích này như bí tích này đòi hỏi. Điều này mời gọi chúng ta phải
cố gắng hơn nữa để hiệp thông ngày một chặt chẽ hơn.
Các bài đọc hôm nay
cũng cho chúng ta một hướng suy tư khác. Bước đi với thân thể đầy thương tích
của Chúa Ki-tô đó cũng là tìm ra cách thức để cùng sống tinh thần hiệp thông mà
bí tích Thánh Thể mời gọi: chia sẻ cơm bánh cho người đói, loại bỏ những bức
tường nghèo đói và bất công chính là những “hiệp thông Thánh Thể” mà các
Ki-tô hữu được mời gọi chung tay góp sức. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI quan
niệm rất rõ về khía cạnh này của bí tích Thánh Thể trong Giáo hội: chúng ta
không chỉ là tin hay cử hành nhưng còn phải sống bí tích này(Sacramentum
caritatis 71). Đồng quan điểm về “phụng vụ sau phụng vụ” của Chính Thống
Giáo, ngài đã nhìn nhận rằng: “không có gì thực sự nhân loại mà không tìm
thấy trong bí tích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để sống sung mãn”
(Sacramentum caritatis 71).
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa tình
thương, Con Một Chúa đã chịu chết trên cây thập giá để nơi thân thể đầy thương
tích của Ngài, những chia rẽ của chúng con được xóa bỏ. Tuy nhiên, chúng con đã
và vẫn tiếp tục đóng đinh Con Chúa vào thập giá khi chúng con còn chia rẽ nhau,
khi chúng con khởi xướng một hệ thống xã hội gây cản trở cho tình yêu của Chúa
và phá bỏ công lý mà Chúa muốn dành cho những người đã bị tước bỏ những ân ban
thụ tạo của Ngài. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Người ban cho chúng con thần
khí sự sống và chữa lành tất cả những thương tích nơi chúng con để chúng con có
thể cùng nhau làm chứng cho công lý và tình yêu của Chúa Ki-tô. Xin hãy đồng
hành với chúng con cho đến ngày chúng có thể chia sẻ cùng một tấm bánh và uống
cùng một chén trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin
dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Trong viễn tượng của
truyền thống ngôn sứ, Thiên Chúa muốn người ta thực thi công lý hơn là cử hành
những nghi lễ mà vẫn sống bất công, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta phải cử hành
bí tích Thánh Thể, bí tích của Chúa Ki-tô bị thương tích và sự sống mới, như
thế nào trong những nơi mà chúng ta vẫn thường tổ chức ?
2. Với tư cách là người
Ki-hữu, chúng ta nên cùng nhau làm gì để làm chứng hơn nữa về sự hiệp nhất của
chúng ta trong Chúa Ki-tô tại những nơi có những người đau khổ và bị bỏ rơi
sinh sống ?
Ngày Thứ Ba
Bước đi hướng tới tự do
Lời Chúa:
Xh 1, 15-22: Các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên
Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền.
Tv 17, 1- 6: Lời cầu nguyện đầy tin tưởng của
người hướng lòng lên Chúa.
2 Cr 3, 17-18: Sự tự do đầy vinh quang của
những con cái Chúa trong Đức Ki-tô.
Ga 4, 4-26: Cuộc đối thoại với Đức Ki-tô đã dẫn
người phụ nữ Samari tới một cuộc sống tự do hơn.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa có nghĩa là luôn hướng tới sự tự do mà Ngài ban tặng cho tất cả mọi
người và đón nhận nó. Chính trong tâm tình này mà chúng ta cử hành nghi thức
hôm nay. Chúng ta cử hành mầu nhiệm tranh đấu cho tự do kể cả ở những nơi mà
chúng ta gặp thấy con người đang bị đè nặng bởi áp bức, thành kiến và nghèo
đói. Sự dứt khoát từ chối những lệnh truyền hay những điều kiện sống phi nhân-
như những điều mà Pha-ra-ô đã truyền cho các bà đỡ người Do thái đang bị bắt
làm nô lệ bên Ai cập phải làm- có thể được biểu hiện bằng một hành vi rất nhỏ.
Thật may, chúng ta vẫn gặp thấy cách thức tranh đấu cho tự do này trong các xã
hội của chúng ta. Do vậy chúng ta hãy vui mừng về thiện chí tự do này- như đón
nhận mọi người như phẩm giá của họ và tham gia vào một cách đúng mực vào tất cả
những gì tốt đẹp - mà chúng ta sẽ thấy
trong các cộng đoàn Dalit. Sự tìm kiếm
một sự sống viên mãn rất quyết liệt này là hồng ân của đức cậy mà Tin Mừng trao
ban cho hết mọi người đang bị các thể chế bất công trên khắp thế giới giam hãm.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức
Giê-su và thiếu phụ Samari bên bờ giếng giúp chúng ta chuyển dần từ cái nhìn
phân biệt bất công và thành kiến đến cái nhìn tự do. Trước hết, người phụ nữ
này đặt vấn về những thành kiến mà chị phải gánh chịu và chị tìm cách giảm nhẹ
những gánh nặng ấy trong cuộc sống của chị. Cuộc trò chuyện giữa chị với Đức
Giê-su xuất phát từ những mối bận tâm này. Đức Giê-su bắt đầu trò chuyện với
chị vì Ngài đang cần sự giúp đỡ của chị (Ngài đang khát) nhưng còn vì cả
chị và Ngài đều đang đặt vấn đề về các thành kiến xã hội. Do đó, việc Đức
Giê-su xin giúp đỡ mới gây ra những thắc mắc. Những lời nói Đức Giê-su càng soi
sáng cuộc đời phức tạp của chị thì nó càng mở ra cho chị một con đường hướng
tới một cuộc sống tự do hơn. Sau cùng, những lời soi sáng của Đức Giê-su đã
giúp cuộc đối thoại vượt qua một điểm gây chia rẽ giữa hai nhóm người này- cầu
nguyện ở đâu? “Cầu nguyện trong thần khí và sự thật” đó là điều Chúa đòi
hỏi. Như vậy chỉ có chúng ta mới có thể cứu chúng ta khỏi tất cả những gì làm
cho chúng ta mất đi cuộc sống hiệp thông và viên mãn.
Chúng ta cần phải hiệp
thông với nhau sâu xa hơn nữa bởi vì tất cả chúng ta được kêu gọi đến một tự do
lớn hơn trong Đức Ki-tô. Những gì gây cho chúng ta chia rẽ- với tư cách người
Ki-tô hữu khi chúng ta kiếm tìm sự hiệp
nhất và với tư cách là con người khi chúng ta bị chia rẽ vì những truyền thống
bất công và những bất bình đẳng- nó cũng làm cho chúng ta giam hãm lẫn nhau và
không nhận ra nhau. Ngược lại, sự tự do trong Chúa Ki-tô ban cho chúng sự sống
mới trong Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta cùng nhau nhận ra vinh quang Thiên
Chúa với “khuôn mặt không che màn”. Trong ánh sáng vinh quang này, chúng
ta học biết nhìn nhau trong sự thật và càng ngày càng trở nên giống Đức Ki-tô
hầu cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo đạt tới viên mãn.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng
giải thoát chúng con, chúng con cảm tạ Chúa về những anh chị em, được nuôi
dưỡng bởi niềm hy vọng, đã trung kiên và vững vàng tranh đấu cho nhân phẩm và
sự sống viên mãn. Chúng con biết Chúa nâng dậy những người gục ngã và Chúa giải
thoát những người bị giam cầm. Con Một Chúa là Đức Giê-su vẫn đồng hành với
chúng con và chỉ cho chúng con thấy con đường tới tự do đích thực. Xin cho
chúng con biết phát huy những gì chúng con đã nhận được và xin tăng cường sức
mạnh cho chúng con để chúng con vượt lên tất cả những gì nô lệ hóa chúng con,
nơi bản thân chúng con. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để chúng con được tự do nhờ
chân lý và để chúng con có thể đồng thanh tuyên xưng tình yêu Chúa trong thế
giới hôm nay. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa
bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Có những thời điểm
nào trong các cộng đoàn của chúng ta, thậm chí ngay trong cộng đoàn Ki-tô hữu
mà chúng ta đang sống, bị những thành kiến và định kiến ngăn cản, làm cho chúng
ta, dù mặt không che mạng, mà không thể nhận ra nhau trong ánh sáng vinh quang
của Thiên Chúa ?
2. Là những người Ki-tô hữu, đâu là những sáng
kiến chúng ta có thể cùng nhau thực hiện hầu thúc đẩy các con cái Chúa trong
Giáo hội và rộng lớn hơn trong toàn bộ xã hội, hướng tới tự do (Rm 8,21).
Ngày Thứ Tư
Bước đi như những người con
cùng chung sống trong gia đình trái đất
Lời Chúa:
Lv 25, 8-17: Đất đai dành cho công ích chứ
không dành lợi ích cá nhân.
Tv 65, 5- 13: Hồng ân của Chúa tuôn đổ dồi dào
trên mặt đất.
Rm 8, 8-25: Muôn loài thọ tạo mong chờ được cứu
độ.
Ga 9, 1-11: Đức Giê-su dùng bùn đất và nước mà
chữa lành người mù.
Suy niệm
Nếu chúng ta được mời
gọi khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa thì chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng
chính chúng ta cũng là một phần của thụ tạo và được hưởng những ân huệ của
Thiên Chúa. Ngày nay thế giới ngày càng ý thức được rằng việc hiểu đúng vị trí
thực sự của mình trong thụ tạo phải là việc ưu tiên của mỗi người chúng ta. Đặc
biệt, các Ki-tô hữu ngày càng quan tâm đến vấn đề sinh thái và đến cách thức
tham dự của nó trong chương trình “khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa”,
Đấng Tạo Dựng chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có đều do Thiên Chúa thực hiện
và ban tặng. Và nếu nó không phải của chúng ta thì chúng ta không thể sử dụng
nó theo ý của mình. Vì lý do này mà hằng năm, các Ki-tô hữu được mời gọi cử
hành “Mùa sáng tạo”, diễn ra từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 04 tháng 10 và
càng ngày càng có nhiều Giáo hội tham gia cử hành. Năm 1989, Đức Thượng Phụ
Diminitros I đã công bố lấy ngày 01 tháng 9, ngày bắt đầu năm phụng vụ của Giáo
hội Chính Thống để tưởng nhớ việc Thiên Chúa tạo dựng, là thế giới cầu nguyện
cho môi trường. Nhiều Giáo hội theo truyền thống Tây phương mừng lễ thánh
Phan-xi-cô
Lịch sử Ki-tô giáo là
lịch sử cứu độ toàn thể thụ tạo, và cũng chính là lịch sử công trình sáng tạo.
Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã nhập thể ở một nơi chốn và một thời điểm cụ thể.
Đó là một tín điều căn bản liên kết mọi Ki-tô hữu. Niềm tin chung của chúng ta
về nhập thể tự nó đã bao hàm một sự nhận biết sâu xa về tầm quan trọng của thụ
tạo- thân xác, lương thực, đất đai, nước uống và tất cả làm cho con người, với
tư cách là dân cư của hành tinh này, được sống. Đức Giê-su đã hoàn toàn thuộc
về thế giới này. Người ta dường như hơi bị sốc khi thấy Chúa Giê-su nhổ nước
bọt xuống đất và trộn với bùn mà chữa bệnh; nhưng việc thế giới thụ tạo tham dự
vào ý định của Thiên Chúa, ý định dẫn chúng ta tới sự sống mới, là hoàn toàn
phù hợp với đức tin của chúng ta.
Trên khắp thế giới,
thông thường những người nghèo khổ nhất là những người canh tác đất đai nhưng
họ lại là những người không được hưởng hoa lợi mà đất đai mang lại. Rất đông
những người Dalit ở Ấn Độ phải chịu hoàn cảnh như vậy. Nhưng chính họ lại là những người cẩn thận
chăm sóc đất đai, sự khôn ngoan của họ được tỏ lộ cách cụ thể qua các công việc
trồng cấy.
Khi chăm sóc đất đai
chúng ta có cơ hội suy tư về những vấn đề nền tảng, chẳng hạn vấn đề con người
có thể sống nhân bản hơn đối với các thụ tạo khác như thế nào. Vấn đề việc làm
và sở hữu đất đai thường là nguyên nhân gây ra những bất bình đẳng về kinh tế
và những điều kiện làm việc bất nhân. Đó cũng là mối lo lắng sâu xa khiến các
Ki-tô hữu phải liên kết với nhau mà hành động. Cựu ước, đặc biệt là các chỉ thị
về Năm thánh của sách Lê-vi đã cảnh báo những mối nguy hiểm của việc bóc lột
đất đai: Chúa ban cho chúng ta đất đai và hoa lợi không phải để chúng ta dùng
mà bóc lột những người đồng bào của mình; ngược lại mọi người đều được quyền
canh tác đất. Đây không chỉ đơn giản là “ý tưởng tôn giáo”; nhưng ý
tưởng này còn phụ thuộc vào hoạt động kinh tế thương mại cụ thể, chính những
hoạt động này mới quyết định cách thức quản lý, mua bán đất đai.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa sự sống,
chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đất đai và những người đã canh tác và
làm cho đất đai trổ sinh hoa màu. Xin Thần khí sự sống của Chúa giúp chúng con
ý thức rằng ngay chính bản thân chúng con cũng là một thành phần trong các loài
thụ tạo. Xin giúp chúng con biết học cách yêu mến đất đai và biết lắng nghe khi
đất đai rên siết. Xin giúp chúng con cùng nhịp bước với Đức Ki-tô đến khắp nơi
để chữa lành những vùng đất bị tàn phá và làm cho tài nguyên mà đất đai đem lại
được chia sẻ công bằng. Chúa là Thiên
Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Các bài đọc lời Chúa
hôm nay mời gọi các Ki-tô hữu vững tin liên kết với nhau để cùng nhau hành động
vì lợi ích của trái đất. Là người Ki-tô hữu, chúng ta có thể thực hành tinh
thần toàn xá trong những lãnh vực nào của đời sống chúng ta ?
2. Trong các lãnh vực
nào các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta đã đồng lõa với tình trạng khai thác tàn
phá đất đai và làm cho sự toàn vẹn của đất đai trở nên nguy hiểm ? Trong những
trường hợp nào chúng ta có thể liên kết những cố gắng lại với nhau để học hỏi
và giáo dục con người biết tôn trọng đối với
công trình sáng tạo của Thiên Chúa ?
Ngày Thứ Năm
Bước đi như bạn hữu của Đức Giê-su
Lời Chúa:
Dc 25, 8-17: Tình yêu và người yêu.
Tv 139, 1- 6: Ngài dò xét con và Ngài biết con.
3 Ga 1, 8: Đón tiếp bạn bè trong Chúa Ki-tô
Ga 15, 12-17: Thầy gọi anh em là bạn.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa không có nghĩa là bước đi một mình mà là bước đi với những con người
là những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, với
những con người là chính bạn bè chúng ta. Chúa Giê-su đã nói trong Tin mừng
Gioan: “Thầy gọi anh em là bạn”. Trong sự tự do mà tình yêu ban tặng,
chúng ta có thể chọn bạn và được người khác chọn làm bạn hữu. Đức Giê-su nói
với mỗi người chúng ta: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã
chọn anh em”. Tình bạn mà Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta biến đổi
và siêu việt hóa những mối liên hệ của chúng ta với gia đình và xã hội. Nó cũng
bày tỏ chúng ta thấy tình yêu sâu xa và vô tận mà Thiên Chúa dành cho tất cả
chúng ta.
Bài ca của Salomon, bài
thơ tình trong Thánh Kinh, có nhiều lối chú giải phù hợp khác nhau; người ta có
thể chú giải đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho Israen nhưng người ta cũng có
thể chú giải đó là tình yêu Đức Giê-su dành cho Giáo hội. Chứng kiến tình yêu
mãnh liệt của đôi trai gái, bài thơ đã siêu việt hóa những điều bình thường mà
xã hội cho là những giới hạn. Khi cô gái nói với chàng trai người yêu của mình:
“Da em đen nhưng nhan sắc em mặn mà” thì cô cũng nói thêm ngay: “Xin
đừng để ý đến nước da rám nắng của em”. Nhưng, chàng trai là hình ảnh Thiên
Chúa nơi Đức Giê-su, vẫn ngắm nhìn người mình yêu và chọn lựa tình yêu. Người
Dalit biết rằng Thiên Chúa cũng ngắm nhìn họ bằng một tình yêu mãnh liệt ấy.
Lời Đức Giê-su nói với người Dalit: “Thầy gọi anh em là bạn” đã giải
thoát họ khỏi sự vô nhân đạo và sự bất công mà hệ thống đẳng cấp đè nặng lên
họ. Người Dalit ở Ấn Độ hiện nay có thể phải trả giá đắt khi quyết định trở
thành bạn của Đức Giê-su. Chúa đòi hỏi những người được mời gọi bước đi với Đức
Giê-su và là bạn của Ngài điều gì ? Ở Ấn Độ, Giáo hội được mời gọi tiếp đón và
đối xử với những anh chị em Dalit một cách công bằng như những người bạn trong
số những người bạn của mình. Lời mời gọi làm bạn với những người bạn của Đức
Giê-su đó chính là cách hiểu khác về sự hiệp nhất Ki-tô hữu mà chúng ta cầu
nguyện trong tuần này. Các Ki-tô hữu trên khắp thế giới được mời gọi trở thành bạn của tất cả những
người đang tranh đấu chống lại phân biệt và bất công. Bước đường hướng tới sự
hiệp nhất các Ki-tô hữu đòi chúng ta phải khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa như
những người bạn của Chúa Giê-su.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giê-su, ngay
những giây phút đầu tiên của cuộc đời, chúng con đã được Chúa cho làm bạn. Tình
yêu của Chúa ôm ấp tất cả mọi người đặc biệt là những người bị các rào cản về
đẳng cấp, chủng tộc hay màu da, do con người dựng nên, loại trừ và ruồng bỏ.
Ước gì chúng con cùng bước đi trong liên đới với nhau và trong Thần khí chúng
con biết đón nhận nhau như những người anh em con cùng một Cha trên trời. Chúa
là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Trong xã hội mà
chúng ta đang sống, Chúa Giê-su muốn mời gọi chúng ta kết bạn với những ai ?
2. Điều gì ngăn cản
những người bạn của Chúa Giê-su trở nên những người bạn của nhau ?
3. Giáo hội đang chia rẽ có bị thách đố khi trở
nên bạn với một người là Đức Giê-su ?
Ngày Thứ Sáu
Bước đi vượt lên những trở ngại
Lời Chúa:
Rut 4, 13-18: Con của Rút và Bo- át.
Tv 113: Chúa nâng đỡ những người túng nghèo.
Ep 2, 13- 18: Chúa Giê-su đã phá đổ bức tường
ngăn cách giữa chúng ta.
Mt 15, 21-28: Chúa Giê-su và người phụ nữ xứ
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa có nghĩa là vượt lên những rào cản gây chia rẽ và gây tổn hại đến
các con cái Chúa. Người Ki-tô hữu ở Ấn Độ ý thức được mình đang có những chia
rẽ. Cách đối xử của Giáo hội với những người Dalit là nguyên nhân gây ra chia
rẽ trong lòng Giáo hội và giữa các cộng đoàn Giáo hội. Nó đi ngược lại với quan
niệm của Kinh Thánh về sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin trong tuần này. Từ rất
sớm, thánh Phao-lô đã ghi nhận có sự chia rẽ nghiêm trọng giữa những người
ngoại giáo và những người Do thái trở lại trong các cộng đoàn Ki-tô hữu. Đối
diện với trở ngại chia rẽ và những người gây chia rẽ này, Phao-lô tuyên xưng
Đức Giê-su “là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái
và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn
cách là sự thù ghét”. Trong thư gửi tín hữu
Trong một thế giới mà
người ta khó có thể vượt lên được những rào cản về tôn giáo, thì các tín hữu
Công giáo Ấn Độ, chỉ chiếm thiểu số trong xã hội đa tôn giáo, nhắc nhớ chúng ta
về tầm quan trọng cần phải đối thoại và hợp tác với các tôn giáo khác. Tin mừng
thánh Mat-thêu thuật lại cho chúng ta con đường khó khăn mà Đức Giê-su và các
môn đệ của Ngài đã chọn lựa để vượt lên những rào cản về tôn giáo, về văn hóa
và giới tính khi Ngài phải đối diện với
người phụ nữ Canaan đến xin chữa bệnh cho con gái của bà. Sự khác biệt về tôn
giáo và tình trạng tuyệt vọng của người phụ nữ này là lý do sâu xa khiến các
môn đệ đuổi bà đi một cách hoàn toàn bộc trực và đó cũng là lý do làm cho chính
Đức Giê-su do dự chữa cho con bà. Nhưng cũng từ lúc ấy, Đức Giê-su và các môn
đệ đã vượt lên những giới hạn của thế giới cũ và những rào cản do con người đặt
ra. Trong Cựu ước có nói đến một đoạn tương tự như vậy. Đoạn kết của sách Rút,
một người phụ nữ Mô-áp xuất thân từ một nền văn hóa và tôn giáo khác biệt, liệt
kê danh sách dòng dõi con cháu của bà và ông Bô-át, người Israen. Con trai của
ông bà là O-vết sinh Gie-sê, cha của Đa-vít. Như thế, lịch sử tổ tiên vị Vua
anh hùng của Israen xưa cho ta thấy ý định của Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện
khi con người biết học cách vượt lên những rào cản về tôn giáo và văn hóa. Việc
chúng ta bước đi với Thiên Chúa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải vượt lên những
bức tường chia cắt chúng ta với các Ki-tô hữu khác và với các tín đồ của các
tôn giáo. Bước đường hướng tới sự hiệp nhất các Ki-tô hữu đòi chúng ta phải
khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa để vượt lên những rào cản gây cho chúng ta
chia rẽ nhau.
Lời nguyện
Lạy Cha, xin Cha tha
thứ cho chúng con vì chúng con vẫn không ngừng xây cao thêm những bức tường
tham lợi, thành kiến và coi thường người khác. Những bức tường này đã chia rẽ
chính trong lòng Giáo hội chúng con, chia rẽ chúng con với các Giáo hội khác,
chia rẽ chúng con với những tôn giáo khác và chia rẽ chúng con với những người
mà chúng con cho là yếu thế hơn chúng con. Xin Thánh Thần Chúa ban cho chúng
con lòng can đảm để vượt lên những giới hạn ấy và để phá đổ những bức tường
đang chia cắt chúng con. Cùng với Đức Ki-tô, xin cho chúng con tới được một
miền đất mới, miền đất chứa đựng Lời yêu thương của Ngài, và cùng với Lời yêu
thương ấy là sự hòa hợp và hiệp nhất cho toàn thế giới. Chúa là Thiên Chúa sự
sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Đâu là những bức
tường chia rẽ các Ki-tô hữu trong xã hội chúng ta ?
2. Đâu là những bức
tường chia rẽ các Ki-tô hữu với các truyền thống tôn giáo khác trong xã hội
chúng ta ?
3. Vượt lên những rào
cản chia rẽ giữa các Ki-tô hữu với nhau và vượt lên những rào cản giữa các
Ki-tô hữu và các tín đồ tôn giáo khác giống và khác nhau thế nào ?
Ngày Thứ Bảy
Bước đi trong tình liên đới
Lời Chúa:
Ds 27, 1-11: Quyền thừa kế của phụ nữ.
Tv 15: Ai được ngụ trong đền thánh Chúa ?
Cv 2, 43- 47: Các tín hữu
để mọi sự làm của chung.
Lc 10, 25-37: Người Samari nhân hậu.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa có nghĩa là bước đi trong liên đới với tất cả những người đang tranh
đấu cho công lý và hòa bình. Vậy thì tất cả những người tham dự tuần cầu nguyện
cho các Ki-tô hiệp nhất này phải tự đặt ra câu hỏi: chúng tôi tìm kiếm sự hiệp
nhất nào ? Đối với Ủy Ban Đức Tin và Hiến pháp bao gồm cả các thành viên của
Hội đồng đại kết các Giáo hội cũng như Giáo hội Công giáo, thì hiệp nhất nhắm
đến ở đây chính là sự “hiệp nhất hữu hình trong cùng một đức tin và cùng
hiệp thông trong bí tích Thánh Thể”. Phong trào đại kết tìm cách vượt lên
những trở ngại của quá khứ và những trở ngại của hiện tại đang gây chia rẽ các
Ki-tô hữu. Phong trào này cũng nhắm đến viễn tượng hiệp nhất hữu hình trong đó
bản chất và sứ mạng của Giáo hội được gắn với việc xây dựng sự hiệp nhất giữa
mọi người và việc xóa bỏ tất cả những gì gây tổn thương cho nhân phẩm con người
và gây chia rẽ cho nhau. Ủy Ban Đức Tin và Hiến pháp đã tuyên bố:
Giáo hội có ơn gọi và
sứ mạng chia sẻ những đau khổ của mọi người, bảo vệ người nghèo, người túng
thiếu, người bị bỏ rơi và chia sẻ những lo âu của họ. Sứ mạng ấy cũng bao hàm
việc phân tích một cách có phê bình những
cơ chế xã hội bất công, lên án chúng và
biến đổi chúng. Việc trung thành với sứ mạng nhân chứng này có thể khiến các
Ki-tô hữu phải đau khổ vì Tin mừng. Đối diện với đổ vỡ trong các mối tương quan
nhân loại, Giáo hội được mời gọi chữa lành, hòa giải và trở nên khí cụ của Chúa
để đem an hòa vào nơi chia rẽ và hận
thù.
(Bản chất và sứ mạng
của Giáo hội).
Giáo hội Ấn Độ trao cho
chúng ta nhiều sáng kiến áp dụng cụ thể để hòa giải và chữa lành. Kinh nghiệm
của anh chị em Ki-tô hữu Dalit có thể giúp chúng ta nhận ra những hình thức bất
công mới cũng như những cách thức để vượt qua. Cách đây không lâu, luật pháp
của Giáo hội Ấn Độ liên quan đến thừa kế vẫn gây bất lợi cho phụ nữ. Nhưng nay,
Giáo hội đã ủng hộ yêu cầu bãi bỏ luật cổ hủ này. Chúng ta nhắc đến câu chuyện
những người con gái ông Xơ-lóp-khát hôm nay với mong ước những người phụ nữ sẽ
được đối xử cách công bằng hơn. Câu chuyện này kể lại việc ông Mô-sê trình lên
Đức Chúa những kiến nghị của các con gái ông Xơ-lóp-khát xin được đối xử một
cách công bằng về quyền thừa kế. Chứng tá Kinh Thánh này đã khích lệ các Ki-tô
hữu Dalit tranh đấu cho công lý. Cùng với những người Dalit thuộc các tôn giáo
khác, cùng với sự giúp đỡ của hệ thống xã hội dân sự và một số phong trào xã
hội ở Ấn Độ và trên thế giới, họ đã đứng lên chống lại bất công. Những người
Dalit đã theo gương các phong trào dấn thân khác trong việc cải tạo xã hội để
tranh đấu cho công lý.
Dụ ngôn người Samari
nhân hậu là một trong những hình ảnh Kinh Thánh gợi cho chúng ta thấy rõ Giáo
hội hiệp nhất trong liên đới với những người bị áp bức. Cũng như người Dalit,
người Samari nhân hậu thuộc nhóm những người bị coi thường và bị ruồng bỏ nhưng
cũng là người đầu tiên lo lắng cho người bị bỏ rơi bên vệ đường như được nói
đến trong câu chuyện. Và qua cử chỉ liên đới ấy, người Samari nhân hậu loan báo
niềm hy vọng và sự trợ lực của Tin mừng. Bước đi hướng tới sự hiệp nhất các
Ki-tô hữu và bước đi khiêm tốn với Thiên Chúa, liên đới với tất cả những người
đang tìm kiếm công lý và lòng nhân hậu là hai bước đi không thể tách rời nhau.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi,
Chúa ban tặng cho chúng con sự sống của Chúa như một hình mẫu duy nhất về sự
tương quan phụ thuộc lẫn nhau, về những liên hệ cụ thể trong tình yêu và tình
liên đới. Xin dạy chúng con biết chia sẻ cho nhau niềm hy vọng mà những người
đang tranh đấu cho sự sống ở khắp nơi trên thế giới, thông truyền cho chúng
con. Ước gì lòng can đảm của họ thúc đẩy chúng con biết vượt lên những những
chia rẽ nơi chính các cộng đoàn chúng con, giúp chúng con biết sống giữa anh em
một cách hài hòa thánh thiện và cùng nhau bước đi. Chúa là Thiên Chúa sự sống,
xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Trong xã hội của
bạn, ai là những người cần được các cộng đoàn Ki-tô hữu liên đới ?
2. Những Giáo hội nào
đang hay đã bày tỏ tình liên đới với bạn ?
3. Trong môi trường bạn
sống, sự hiệp nhất hữu hình lớn mạnh tạo điều kiện cho Giáo hội liên đới với
những người đang khao khát công lý và sự thiện như thế nào ?
Ngày Thứ Tám
Bước đi với các cuộc cử hành
Lời Chúa:
Kb 27, 1-11: Mừng vui trong lúc khốn quẫn.
Tv 100: Ca tụng Chúa đi hỡi toàn thể địa cầu.
Pl 42, 4- 9: Anh em hãy
vui luôn trong Chúa.
Lc 1, 46-55: Bài ca ngợi khen của Đức Maria.
Suy niệm
Khiêm tốn bước đi với
Thiên Chúa có nghĩa là bước đi với các cuộc cử hành. Bất cứ ai trong chúng ta
đến Ấn Độ cũng thấy những hoàn cảnh khốn quẫn và đau khổ mà người Dalit phải
chịu đựng nhưng chúng ta cũng thấy họ luôn có niềm hy vọng và luôn sống ý nghĩa
của việc cử hành. Những người Dalit và những người thuộc các “tầng lớp bị
thua thiệt khác”, những người lao động từ bang Tamil Nadu đến xây dựng
tuyến đường sắt đầu tiên trước khi Ấn Độ độc lập, hầu hết sống trong những khu
ổ chuột được xây dựng trên khu đất của công ty đường sắt, gần Bangalore. Đầu
những năm 80 họ suýt bị công ty đường sắt trục xuất. Sau này, nhờ sáng kiến của
những người phụ nữ có chức trách của
công ty, họ đã tìm được một khu đất mới để xây dựng những căn nhà ổn định cho
hàng ngàn con người. Năm 2011 cộng đoàn Dalit và những nhóm người khác đã
chuyển đến nhà mới, những căn nhà mà họ bỏ tiền riêng ra mua. Đây chỉ là một
trong những trường hợp tranh đấu chống lại bất công ở Ấn Độ có nhiều hy vọng và
có kết quả vui mừng.
Các bài đọc Kinh Thánh
hôm nay mang đầy dấu ấn hy vọng và vui mừng. Trong Chúa, tiên tri Kha-ba-cúc
vẫn hân hoan dù trong thời kỳ hạn hán và mất mùa. Bởi vì Thiên Chúa vẫn đồng
hành với dân Ngài cả trong những lúc khó khăn: xác tín như vậy là chúng ta đang
sống niềm hy vọng. Được Thiên Chúa chúc phúc, Đức Trinh nữ Maria đã đến chia sẻ niềm vui
với bà Elisabeth vì bà đang mang thai. Bài Magnificat của Mẹ là bài ca hy vọng
Mẹ dâng lên Thiên Chúa trước khi sinh con. Trong tù, Phao-lô khích lệ cộng đoàn
tín hữu Phi-li-phê ca ngợi Thiên Chúa: Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Trong
Kinh Thánh, tôn vinh Thiên Chúa và trông cậy vào lòng thành tín của Ngài có
liên hệ mật thiết với nhau.
Những cử hành mang đặc
trưng văn hóa người Dalit cũng làm chứng cho Tin mừng về đức Tin và đức Cậy
theo cách thức đó. Những người Dalit đã hình thành nên Tin mừng này khi họ
tranh đấu để bảo vệ nhân phẩm và sự tồn tại của mình. Trong tuần cầu nguyện cho
các Ki-tô hữu hiệp nhất này, chúng ta đặc biệt hiệp thông với các cử hành sự
sống ở Ấn Độ và đặc biệt nơi người Dalit, những người luôn trung thành với bản
sắc Ki-tô giáo bất chấp những khó khăn để tồn tại. Chúng ta cũng hãy cử hành
với niềm hy vọng dù còn nhiều khó khăn nhưng sự hiệp nhất sẽ được thực hiện
giữa chúng ta. Chúng ta cử hành với niềm hy vọng chắc chắn rằng lời cầu nguyện
“Xin cho họ nên một” của Chúa Giê-su sẽ được thực hiện khi Chúa muốn và
bằng cách thức Chúa muốn. Chúng ta cử hành với niềm biết ơn sâu xa vì chỉ có
Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự hiệp nhất.
Chúng ta cử hành với ý thức rằng khi chúng ta sống tình bạn với Chúa
Giê-su là chúng ta có hiệp nhất và sự hiệp nhất ấy được bày tỏ trong chính bí
tích rửa tội. Chúng ta cũng cử hành với niềm xác tín sâu xa Thiên Chúa mời gọi
mỗi người chúng ta tìm kiếm sự hiệp nhất, Ngài không lãng quên bất cứ những cố
gắng nào của chúng ta và chúng ta hãy đặt trọn niềm cậy trông nơi Ngài như
thánh Phao-lô mời gọi chúng ta: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu
khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em
thỉnh nguyện”. Bước đi hướng tới hiệp nhất Ki-tô hữu đòi chúng ta khiêm
nhường bước đi với Thiên Chúa trong cử hành, cầu nguyện và hy vọng.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa là Đấng
ban đầy ân sủng, xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ nơi các cộng đoàn chúng con niềm vui và ước muốn tôn vinh Chúa để rồi
chúng con có thể yêu mến sự hiệp nhất mà chúng con đang cùng nhau chia sẻ, yêu
mến sự hiệp nhất hữu hình mà chúng con đang nhiệt tâm tìm kiếm. Chúng con
vui mừng vì dân tộc đã vững vàng, kiên
trì tranh đấu không để nhân phẩm của mình bị chà đạp và qua họ chúng con nhận
thấy ân sủng kỳ diệu và lời hứa ban tự do của Ngài. Xin dạy chúng con biết chia
sẻ niềm vui của họ và noi gương họ sống can đảm và trung tín. Xin hãy hồi sinh
niềm hy vọng nơi chúng con và xin nâng đỡ những cố gắng của chúng con để nhân
danh Đức Ki-tô, chúng con cùng bước đi trong tình yêu thương, cùng cất cao lời
ngợi ca và cùng hát vang lời cầu nguyện tôn thờ. Chúa là Thiên Chúa sự sống,
xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Trong xã hội bạn
đang sống, bạn gặp những khó khăn nào trong việc kiếm tìm công lý ? Và đâu là
những lý do để vui mừng trên con đường tìm kiếm công lý ?
2. Trong môi trường
sống của bạn, đâu là những khó khăn cản trở con đường hướng tới hiệp nhất ? Và
đâu là những lý do để vui mừng trên con đường tìm kiếm hiệp nhất ?
KINH CẦU CHO HIỆP
NHẤT
(Đức Giáo Hoàng Phaolô
VI biên soạn)
Lạy Chúa Giêsu,
trước ngày chịu chết vì chúng con,
Chúa đã nguyện cầu
cho các Tông đồ và tất cả mọi người
được liên kết với nhau nên một,
như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.
Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau
buồn
về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn
nhận,
và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,
lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.
Xin cho chúng con được gặp nhau trong
Chúa
hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con
luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như
lòng Chúa ước ao.
Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo,
xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa
con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức
Vâng Phục,
đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen.
Tài liệu dùng trong
Tuần cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất này được Văn Phòng Tòa Giám Mục Hải
Phòng chuyển dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Textes pour LA SEMAINE DE
PRIÈRE POUR L’UNITÉ DES CHRÉTIENS et pour toute l’année 2013”.