Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2015
Chủ đề: Ðức Giêsu nói với bà ấy: “Cho tôi uống với” (Ga 4,7)
SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN DỰA TRÊN LỜI CHÚA
NGÀY THỨ NHẤT: CÔNG BỐ
Do đó, Người phải băng qua Samari (Ga 4,4)
St 24,10-33 Ông Ápraham
và bà Rêbêcca bên bờ giếng.
Tv 42 Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước
trong.
2 Cr 8,1-7 Lòng quảng
đại của các giáo đoàn tại Makêđônia.
Ga 4,1-4 Người phải băng qua Samari.
Gợi ý
Đức Giêsu và các môn đệ đi từ Giuđêa đến Galilê. Samari nằm
giữa hai vùng đất này. Luôn có một thành kiến chống lại vùng đất Samari và những
con người ở đây. Vùng đất Samari mang tiếng xấu vì sự lai tạp về chủng tộc và
tôn giáo của nó. Việc tìm một con đường thay thế để tránh đặt chân vào vùng đất
Samari cũng là điều không có gì bất thường.
Tin Mừng của thánh Gioan muốn diễn tả điều gì khi nói rằng:
“Do đó, Người phải băng qua Samari”? Vượt trên những vấn đề về mặt địa lý, đây
chính là sự chọn lựa của Đức Giêsu: “băng qua Samari” mang ý nghĩa Người phải gặp
người khác, một người mà thường bị xem là mối đe dọa.
Mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Samari đã là quá khứ.
Vương quyền của miền Nam đã đòi hỏi tập trung việc thờ phượng
Thiên Chúa tại Giêrusalem (1 V 12), và cha ông của người Samari đã phá vỡ điều đó.
Sau này, khi người Assyri xâm
chiếm vùng đất Samari và trục xuất rất nhiều dân cư tại đây, họ đã mang đến
vùng đất này vô số những dân tộc ngoại bang, mỗi dân tộc với những thần minh của
họ (2 V 17,24-34). Đối với người Do Thái, người Samari trở thành một thứ dân
“lai tạp và ô uế”. Sau này trong Tin Mừng Gioan, khi người Do Thái muốn hạ thấp
uy tín của Đức Giêsu, họ đã buộc tội Ngài rằng: “Chúng tôi bảo ông là người
Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Ga 8,48).
Đến lượt mình, người Samari cũng khó chấp nhận người Do
Thái (Ga 4,8). Nỗi đau của quá khứ đã trở nên sâu đậm hơn, khi vào khoảng năm
128 TCN, thủ lãnh của người Do Thái, là Gioan Hyrcanus, đã phá hủy ngôi đền thờ
được người Samari xây dựng, nơi
thờ phượng của họ tại đỉnh núi Gerizin. Ít nhất môt lần, Tin Mừng Luca đã tường
thuật lại việc Đức Giêsu không được tiếp đón tại một thành phố thuộc miền
Samari, chỉ đơn giản vì Người đang trên đường đi lên Giêrusalem (Lc 9,52). Vì
thế, sự đối kháng này xuất phát từ cả hai phía.
Gioan đã làm rõ việc Đức Giêsu “băng qua Samari” chính là
sự lựa chọn của Người; Người vươn ra khỏi dân tộc của Người. Với hành động này,
Người đang chỉ cho chúng ta thấy việc chúng ta tự tách bản thân khỏi những người
khác biệt với ta và chỉ giao tiếp với những người giống chúng ta là chúng ta
đang tự làm nghèo nàn chính bản thân mình. Việc đối thoại với những người khác
biệt sẽ giúp ta lớn lên.
Câu hỏi
– Việc “phải băng qua Samari” có ý
nghĩa gì cho tôi và cho cộng đoàn đức tin của tôi?
– Đâu là những bước mà giáo hội của
tôi đã thực hiện để gặp gỡ các
giáo hội khác, và các giáo hội đã học hỏi từ nhau được những gì?
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa muôn dân,
xin dạy chúng con biết băng qua Samari để đến gặp anh chị
em của chúng con ở những giáo hội khác.
Xin cho chúng con đến đó với một con tim rộng mở
để chúng con có thể học được nhiều điều từ mỗi giáo hội
và mỗi nền văn hóa.
Chúng con tuyên xưng Ngài là nguồn mạch của sự hiệp nhất
Xin ban cho chúng con sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã muốn
cho chúng con. Amen.
NGÀY THỨ HAI: TỐ GIÁC I
Người đi đường mệt mỏi, nên ngồi ngay xuống bờ giếng (Ga 4,6)
St 29,1-14 Ông Giacóp và bà Rakhen bên bờ giếng.
Tv 137 Bài ca kính Chúa Trời làm sao ta hát
nổi nơi đất khách quê người?
1 Cr 1,10-18 Tôi muốn
nói là trong anh em có luận điệu như:
“Tôi thuộc
về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô”.
Ga 4,5-6 Đức Giêsu mệt mỏi sau hành trình của
Người.
Gợi ý
Trước cuộc gặp gỡ của Ngài với người phụ nữ Samari, Đức
Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem. Trước đó, những người Pharisêu đã bắt đầu loan
tin rằng Đức Giêsu đã làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn cả Gioan Tẩy Giả. Và có
lẽ tin đồn này cũng gây ra những căng thẳng và khó chịu. Có lẽ đó cũng chính là
lý do mà Đức Giêsu quyết định rời khỏi nơi ấy.
Đến bên bờ giếng, Đức Giêsu quyết định dừng lại. Người cảm
thấy mệt sau chuyến hành trình. Sự mệt mỏi đó cũng có thể do những tin đồn về
Người. Khi Đức Giêsu đang nghỉ ngơi, một người phụ nữ Samari đến bên bờ giếng để
múc nước. Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại giếng Giacóp: nơi chốn mang tính biểu tượng
cả trong đời sống thường nhật và trong cả đời sống tâm linh của người dân trong
Kinh Thánh.
Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bắt
đầu với câu hỏi về nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người phụ nữ Samari hỏi rằng:
“Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo Giêrusalem mới chính là nơi phải
thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giêsu liền trả lời: “Không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… giờ đây những
người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật, vì
Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người
như thế” (Ga 4,21-24).
Điều này vẫn tiếp tục xảy ra, thay vì chung tay tìm kiếm
sự hiệp nhất, sự tranh đấu và mâu thuẫn lại in hằn lên mối tương quan giữa các
giáo hội. Đó cũng chính là kinh nghiệm của giáo hội tại Braxin trong những năm
gần đây. Các giáo hội quá đề cao những điểm mạnh của chính họ, cũng như nhấn mạnh
đến lợi ích dành cho những người gia nhậpđể thu hút thêm nhiều thành viên mới. Một vài người nghĩ
rằng giáo hội càng lớn, thì số lượng thành viên phải càng lớn, mà sức mạnh của
nó càng nhiều thì họ càng ở gần Chúa hơn, họ xem bản thân họ như những người thờ
phượng đích thực của Thiên Chúa. Và kết quả chính là sự bạo lực và thiếu tôn trọng
với các tôn giáo cũng như các truyền thống khác. Cách thức cạnh tranh theo kiểu
tiếp thị này vừa gây ra sự ngờ vực giữa các giáo hội vừa tạo ra sự thiếu tin tưởng
của xã hội đối với toàn thề cộng đồng Kitô giáo. Khi cuộc chiến nổi lên, giáo hội
“khác” đã trở thành kẻ thù.
Ai mới là những người thờ phượng đích thực? Người thờ phượng
đích thực không để cho cái luận lý “đâu là người tốt hơn và đâu là kẻ tệ hơn” của
cuộc chiến ảnh hưởng đến đức tin. Chúng ta cần “những bờ giếng” để tựa vào, để nghỉ ngơi và để xua đi những mâu thuẫn,
tranh chấp và bạo lực, ta cần những nơi mà chúng ta có thể học biết rằng người
thờ phượng đích thực thì thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật.”
Câu hỏi
– Đâu là nguyên nhân chính cho sự
tranh chấp giữa các giáo hội chúng ta?
– Liệu chúng ta có thể tìm thấy “giếng
nước chung” mà chúng ta có thể tựa vào mà nghỉ ngơi, tránh khỏi những mâu thuẫn
và tranh chấp?
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng tràn đầy ân sủng,
Các giáo hội của chúng con thường bị dẫn dắt lựa chọn luận
lý của sự tranh chấp
Xin tha thứ tội ngạo mạn của chúng con.
Chúng con đã quá mệt mỏi với nhu cầu trở nên thứ nhất
này.
Xin cho chúng con được nghỉ ngơi bên giếng nước.
Xin phục hồi chúng con bằng dòng nước hiệp nhất múc ra từ
những lời nguyện cầu của chúng con.
Nguyện xin Thần Khí là Đấng bay lượn trên mặt nước hỗn
mang,
đem đến sự hiệp nhất từ những khác biệt của chúng con.
Amen.
NGÀY THỨ BA: TỐ GIÁC II
Tôi không có chồng (Ga 4,17)
2 V 17,24-34 Samari bị
xâm lăng bởi Átsua.
Tv 139,1-12 Lạy Chúa,
Ngài dò xét con và Ngài biết rõ con.
Rm 7,1-4 Anh em đã chết đối với lề luật nhờ
thân thể của Đức Kitô.
Ga 4, 16-19 Tôi không
có chồng.
Gợi ý
Người phụ nữ Samari trả lời với Đức Giêsu rằng: “Tôi
không có chồng”. Lúc này, chủ đề của cuộc đối thoại này là về đời sống hôn nhân
của người phụ nữ. Có một sự thay đổi liên quan đến nội dung của cuộc nói chuyện
từ vấn đề nước uống đến vấn đề vợ chồng. “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại
đây” (Ga 4,16), nhưng Đức Giêsu biết rõ người phụ nữ đã có năm đời chồng, và
người đàn ông hiện tại không phải là chồng của cô ta.
Hoàn cảnh của người phụ nữ này là thế nào? Có phải những người chồng của
cô ta đã đòi ly hôn? Cô ta phải chăng là môt quả phụ? Cô ta đã có con hay chưa?
Những câu hỏi này tự
nhiên bật ra khi ta đọc trình thuật
này. Tuy nhiên, dường như Đức Giêsu quan tâm đến một chiều kích khác trong hoàn
cảnh của người phụ nữ, Ngài biết rõ cuộc sống của người phụ nữ nhưng vẫn cho cô
ta một lối mở, Ngài vẫn trò chuyện với cô ta. Đức Giêsu không nhấn mạnh lý giải
về mặt đạo đức câu trả lời của cô ta, nhưng dường như muốn đưa cô ta bước ra
ngoài. Và kết quả là thái độ của cô ta đối với Đức Giêsu dần thay đổi. Ở thời điểm này, những chướng ngại về
khác biệt văn hóa và tôn giáo đã lui dần về phía sau để nhường chỗ cho một điều
quan trọng hơn: một cuộc gặp gỡ trong niềm tin. Hành động của Đức Giêsu trong
lúc này cho phép chúng ta mở ra những cánh cửa mới và đẩy đến những câu hỏi xa
hơn nữa: những câu hỏi thách thức những thái độ đã khinh miệt và cô lập người
phụ nữ ấy; và những câu hỏi về những khác biệt mà chúng ta phải đối mặt trên
con đường đến sự hiệp nhất mà chúng ta đang tìm kiếm và vì thế mà chúng ta cầu
nguyện.
Câu hỏi
– Đâu là những cơ chế tội lỗi mà chúng
ta có thể nhận ra trong cộng đồng của mình?
– Vị trí và vai trò của người phụ nữ
trong các giáo hội của chúng ta là gì?
– Các giáo hội của chúng ta có thể làm gì để ngăn
chặn bạo lực và vượt qua bao lực trực tiếp nhắm đến phụ nữ
và các bé gái?
Lời nguyện
Lạy Đấng trổi vượt trên hết thảy
Có danh xưng nào khác mà chúng con có thể gọi Ngài đây?
Bài ca nào có thể được hát lên cho Ngài?
Chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả được Ngài
Tâm trí nào có thể nhận biết Ngài đây?
Không trí tuệ nào có thể hiểu thấu được Ngài
Duy mình Ngài là Đấng chẳng thể diễn tả được,
vì tất cả mọi điều được nói ra đều phát xuất từ Ngài
Duy mình Ngài là Đấng chẳng thể hiểu được,
bởi tất cả ý nghĩ đều từ Ngài mà đến.
Mọi loài thọ tạo đều cao rao Ngài, cả kẻ phát ngôn lẫn kẻ
lặng câm.
Muôn người khao khát Ngài, hết thảy thế nhân mong mỏi ước
ao Ngài.
Mọi loài hiện hữu cầu nguyện với Ngài
Và mọi hữu thể chiêm ngắm vũ trụ của Ngài đều dâng lên
Ngài khúc tịnh ca.
Xin thương xót chúng con, hỡi Đấng trổi vượt trên thảy
Có danh xưng nào khác mà chúng con có thể gọi Ngài đây?
(được cho là của Gregory of Nazianzus)
– còn tiếp –
Tài liệu chính thức của Hội đồng
Toà thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu,
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn chuyển ngữ.
Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu