Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa

(Từ chiều thứ Sáu ngày 25 đến chiều Bẩy ngày 26 tháng 3 năm 2022)

Cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha dâng Ucraina và Nga cho Trái Tim Đức M và xin ơn hòa bình

I. KHAI MẠC :

·         Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)

Kính thưa cộng đoàn, sáng kiến  “24 giờ cho Chúa” của Đức Thánh Cha Phanxicô khởi đi từ chiều ngày thứ Sáu đến chiều thứ Bảy trước Chúa Nhật IV Mùa Chay được cử hành trên toàn thế giới với mục đích giúp nhiều người đến bí tích Hòa Giải, trở về với Chúa, sống những giờ phút cầu nguyện và tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống. 24 giờ cho Chúa năm nay, ngoài những ý tưởng trên còn có một ý chính là cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cụ thể là chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ucraina theo ý Đức Thánh Cha.

Hòa bình là khát vọng của loài người. Sống hòa bình là sống trong bầu khí bình an, vui vẻ, hạnh phúc không xảy ra chiến tranh, đổ máu, khủng bố, cướp bóc, bóc lột. Điều không đáng có trên thế giới này lại đang xảy ra hàng ngày tại Ucraina.

Khi hòa bình của mọi người bị đe dọa ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt chiến tranh đang tàn phá Ucraina. Tự sức con người là không thể, cần có sự trợ giúp từ trời cao. Nhận biết chỉ có Chúa mới có thể thay lòng đổi dạ con người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi người, những người có đức tin và những người không tín ngưỡng, cùng nhau  cầu nguyện cho hòa bình.

Cuối buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 23 tháng 2 năm 2022, Đức Phanxicô bày tỏ nỗi đau đớn trước tin tức ngày càng xấu của Ukraina, ngài kêu gọi hòa bình cho Ukraina và xin mọi người dành ngày thứ tư lễ Tro ngày 2 tháng 3 để ăn chay cầu nguyện cho hòa bình. Ngài nói: “Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng sự vô nghĩa tàn ác của bạo lực được giải đáp bằng vũ khí của Thiên Chúa, bằng cầu nguyện và ăn chay. Tôi mời mọi người vào ngày 2 tháng 3 tới, Thứ Tư Lễ Tro, là ngày ăn chay vì hòa bình. Tôi đặc biệt khuyến khích các tín hữu tận tâm hết lòng cho việc cầu nguyện và ăn chay vào ngày đó. Xin Nữ Vương Hòa bình bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh”.

Kính thưa cộng đoàn, chiến tranh do lãnh đạo nước Nga khởi xướng đã xẩy ra, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi nhiều lần và can thiệp bằng nhiều cách với hai bên nhằm chấm dứt chiến tranh. Dịp này ngài kêu gọi con cái mình trên toàn thế giới gia tăng cầu nguyện trong 24 giờ dành cho Chúa và thêm cử chỉ đặc biệt là dâng nước Ucraina và nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Trong thư gửi các giám mục trên toàn thế giới đề ngày 21 tháng 3 năm 2022 ngài viết Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ucraina, cuộc chiến đang ngày càng gây ra nhiều đau khổ khủng khiếp cho dân tộc tử đạo đó, thậm chí đe dọa hòa bình thế giới… trong giờ phút đen tối này, Giáo hội được tha thiết khẩn cầu Hoàng tử Hòa bình và gần gũi với những người đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột”. Cùng với lá thư, Đức Thánh Cha cũng gửi cho các giám mục “Kinh Thánh hiến cho Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ”, để đọc vào ngày này. Ngài viết : “Tôi gửi cho các hiền huynh bản kinh nguyện thánh hiến, để tất cả chúng ta có thể đọc kinh này trong suốt ngày hôm đó, trong sự hiệp nhất huynh đệ”.

Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.

·         Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần

·         Đặt Mình Thánh Chúa

·         Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu

(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương)

1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.

ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.

2. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.

·         Lời Nguyện : (Cha chủ sự đọc lời Nguyện Thánh Hiến Ucraina Cho Trái Tim Đức Mẹ).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con họp nhau đây để cùng dâng lên Chúa lời tung hô chúc tụng, bầy tỏ niềm tri ân cảm mến vì những hồng ân Chúa đã ban cho chúng con, cho cộng đoàn giáo xứ cũng như cho từng cá nhân, những ơn cần thiết cho phần xác cũng như phần hồn. 

Lạy Chúa, hôm nay chúng con tha thiết xin Chúa ban cho thế giới được một nền hòa bình thực sự và dài lâu, ban cho mọi tâm hồn được sự bình an của Chúa. Hiện nay trên thế giới, hoà bình luôn bị đe dọa. Nhiều người sống trong lo sợ vì những cuộc khủng bố xẩy ra quá thường xuyên, còn chiến tranh thì chẳng khi nào vắng bóng trên địa cầu mà Chúa đã ban để cho chúng con chung sống với nhau. Lạy Chúa, Chúa là nguồn bình an, và chỉ có Chúa mới có thể đem hòa bình đích thực cho nhân loại. 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hướng về Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể vì chúng con, và chúng con giao phó dân tộc Ukraine cho Chúa, Đấng đã từng nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).

Lạy Chúa, xin lắng nghe tiếng kêu của dân Chúa đây. Xin Chúa hoán cải trái tim của những người đã gây ra đau khổ như vậy cho những người vô tội.

Xin Chúa tăng cường quyết tâm của những người đang làm việc để đưa xung đột đến kết thúc; gần gũi với những người đã bị đuổi khỏi nhà và khỏi quê hương của họ; xin chữa lành những vết thương trong tâm trí của các trẻ nhỏ; xin an ủi những người sợ hãi và những người hoang mang; xin củng cố niềm tin của những tang quyến; xin ban cho những người đã qua đời ơn an nghỉ và niềm vui trong ánh sáng ngàn thu.

Trong cơn hấp hối của chính mình trên thập giá, Chúa đã giao Đức Mẹ cho người môn đệ yêu dấu, và giao người môn đệ ấy và tất cả các môn đệ cho Đức Mẹ chăm sóc (Ga 19,26). Chính nhờ đức tin của Đức Mẹ mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, đã đến ở giữa chúng con. Cũng chính đức tin đó đã củng cố Đức Maria khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Chúng con cầu nguyện rằng những người đang đau khổ của Chúa ở Ukraine có thể biết và cảm nhận rằng Đức Maria cũng đang đứng bên họ, trong thời điểm họ gặp đại nạn kinh hoàng này.

Chúa đã ban Đức Maria cho chúng con với tư cách là Mẹ của Giáo hội và là Đấng phù hộ các tín hữu. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ, phù hợp với truyền thống của Giáo hội Chúa, và trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, các giám mục trên toàn thế giới, và tất cả Dân Thánh của Thiên Chúa, chúng con dâng hiến và giao phó người dân Ukraine cho Mẹ Maria và cầu mong những lời cầu nguyện có thể được kết hợp với lời cầu nguyện của Mẹ khi chúng con đến trước Mẹ bây giờ trong đức tin, đức cậy, và đức mến.

Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con và nâng đỡ những nhà vô địch của hòa bình, công lý và hàn gắn, để vũ khí chiến tranh có thể im lặng và người dân Ukraine có thể biết đến hòa bình mà chỉ có Ngài mới có thể ban tặng.

Lạy Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, Đấng Phù Hộ Các Tín Hữu, Mẹ của nhân dân Ukraine, Đức Mẹ Kiev và Thánh Olga, xin cầu cho chúng con. (x. Lời nguyện của SVIATOSLAV SHEVCHUK, TỔNG GIÁM MỤC Ukraine theo nghi lễ Đông Phương).

 (Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :

·         Hát : Xin cho con biết lắng nghe

·         Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14,27-31)

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.

Đó là Lời Chúa.

·         Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)

Sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Chúa Giêsu không những đem bình an đến cho nhân loại, hơn thế nữa Người là Hoàng Tử Bình An. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta chống lại Chúa là nguồn bình an và sẽ phải sống trong dằn vặt, lo âu. Kinh nghiệm của Cain đáng để chúng ta suy gẫm : Sau khi giết em là Abel, Cain mất hết bình an trong tâm hồn và lúc nào cũng cảm thấy như có đôi mắt Thiên Chúa dõi theo mình với câu hỏi trách móc : Cain, em ngươi đâu ? Tội lỗi đẩy con người xa Chúa, đồng thời cũng gây đổ vỡ trong chính mình.  Nỗi khắc khoải, hối hận vì tội lỗi, sự thất vọng vì yếu đuối của bản thân khiến con người nhiều lúc không thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình. Bao lâu còn sống xa Chúa, bấy lâu lòng chúng ta còn cảm thấy bất an. Bí quyết để được sống bình an không gì khác hơn là hãy trở về bên Chúa, sống trong ân tình của Người.

Bình an. Đó là khao khát của con người mọi nơi và mọi thời. Người có được sự bình an thì đáng quý hơn tất cả. Bình an vượt lên trên tất cả sự giàu sang, danh vọng, quyền lực…

Người có nhiều của cải ư? Lo lắng sợ bị mất… mất bình an

Người có quyền lực ư? Lo ngại kẻ thù… mất bình an

Không phải làm vua mà được bình an thư thái, vì sợ bị ám sát hay sợ bị lật đổ…

Cũng không phải nghèo khó mà được tự tại an vui, vì lo lắng cơm ăn áo mặc.

Nhưng có một điểm chung của bất kỳ ai là đều mất bình an vì lo sợ tương lai. Tương lai sẽ ra sao và sẽ đi về đâu…

Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng của các môn đệ về tương lai bất định, nhất là việc Thầy sắp ra đi, nên Người đã trấn an các ông : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Thứ bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, bão táp, cuồng phong hay bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu vẫn ban cho những ai bước theo Người được sự bình an đích thực, khi ho luôn đặt niềm tin vào Chúa.

Trước khi từ bở thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại ơn bình an là chính Chúa khi nói : “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Khi có Chúa, người Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hy vọng được về “Quê BÌNH AN” vĩnh cửu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng, Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Xin Chúa đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa. Đặc biệt cho dân Nga và dân Ucraina đang khao khát bình an và sự hiệp nhất. Xin ban bình an cho chúng con.

·         Hát : KINH HÒA lời dịch của ĐTGM. Philiphê Nguyễn Kim Điền, nhạc của Lm. Kim Long

KINH HÒA BÌNH của Thánh PHANXICO ASSISI

Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con:
Biết mến yêu và phụng sự Chúa- trong mọi người.
Lạy Chúa- xin hãy- dùng con, như khí cụ bình an- của Chúa

Ðể con đem yêu thương- vào nơi oán thù.
Ðem thứ tha- vào nơi lăng nhục.
Ðem an hoà- vào nơi tranh chấp.
Ðem chân lý- vào chốn lỗi lầm.

Ðể con- đem tin kính- vào nơi nghi nan.
Chiếu trông cậy- vào nơi thất vọng.
Ðể con- dọi ánh sáng- vào nơi tối tăm.
Ðem niềm vui- đến chốn u sầu.

Lạy Chúa- xin hãy- dạy con:
Tìm an ủi người- hơn được- người ủi an.
Tìm hiểu biết người- hơn được- người hiểu biết.
Tìm yêu mến người- hơn được- người mến yêu.

Vì chính- khi hiến thân- là khi được nhận lãnh.
Chính lúc quên mình- là lúc- gặp lại bản thân.
Vì chính- khi thứ tha- là khi- được tha thứ.
Chính lúc chết đi -là khi- vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái- xin mở rộng lòng con.
Xin thương ban- xuống những ai- lòng đầy thiện chí.
Ơn an bình.

 

·         Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Lc 2,41-51)

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! ” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

·         Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)

Chủ đề : Hãy tôn sùng Mẫu Tâm

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria là biểu tượng nói lên sự thương cảm và vô tội của mẹ Maria. Đó cũng là một biểu tượng để các kitô hữu tôn sùng.

Lòng sùng kính Trái Tim Vô nhiễm Đức Mẹ là một truyền thống cổ xưa, gắn liền với với đoạn văn trong Tin Mừng Thánh Luca nói đến trái tim của Đức Maria : “Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng ngày suy nghĩ trong lòng” (Lc 2,19) ; “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35). Dịp Chúa giáng sinh tại Bêlem và dịp Chúa bị lạc năm 12 tuổi (Lc 2,51) là hai dấu mốc Mẹ ghi nhớ trong tim để suy gẫm. Các Thánh Giáo Phụ cũng như nhiều vị thánh khác và các đức giáo hoàng đã coi những lời Kinh Thánh trên tuy ngắn gọn, nhưng là nền tảng chính yếu cho lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Bởi nó chứa đựng tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu với trái tim của một người mẹ đối các linh mục nói riêng và nhân loại nói chung.

Nhìn vào ảnh, tượng Trái Tim Đức Mẹ do các họa sĩ, nghệ nhân đắp, chúng ta thấy Trái Tim Đức Mẹ nằm bên ngoài cơ thể. Điều này muốn nói đến tình yêu vô tận của Mẹ dành cho loài người lớn lao như thế không thể giấu được bên trong được. Một bàn tay Mẹ nâng Trái Tim lên và bàn tay chỉ về Trái Tim ấy, nghĩa là Mẹ muốn trao Trái Tim của mình cho bất cứ ai đang chiêm ngắm ảnh tượng Trái Tim Mẹ. Phía trên Trái Tim Đức Mẹ có ngọn lửa bừng cháy, nhấn mạnh đến tình yêu Mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa và dành cho loài người.

Trái Tim Mẹ có bông hồng bao quanh, một số bức tranh còn xuất hiện hoa lily tượng trưng cho sự thanh khiết, trong sạch của Mẹ, ơn vô nhiễm nguyên tội, đã tạo ra nơi Mẹ một trái tim rất vẹn sạch. Trái Tim có thanh gươm đâm thâu qua ám chỉ (“một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”), và gợi lên những đau khổ mà Mẹ phải chịu trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong lúc Mẹ thấy con mình là Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Cuối cùng là chùm tia sáng bao quanh Trái Tim Mẹ, gợi nhớ đến đoạn văn trong sách Khải Huyền 12,1, trong đó mô tả Đức Mẹ như “một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời.”

Với biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 với ba trẻ mục đồng, Jacinta, Franciscô và Lucia và ban hành mệnh lệnh “Tôn sùng Trái tim Đức Mẹ”. Lòng sùng kính này lan rộng trên toàn thế giới.

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Đức Mẹ tuyên bố rằng nếu điều này không được thực hiện, nước Nga sẽ truyền bá “những sai lầm của nó khắp thế giới, cỗ võ chiến tranh và bách hại Giáo hội”. Đức Mẹ nói thêm rằng “người tốt sẽ phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ nhiều, nhiều đất nước sẽ bị tiêu diệt”.

Theo cuốn hồi ký thứ bốn của chị Lucia, viết theo lệnh của Đức Giám Mục giáo phận Leira năm 1941, thì trong lần hiện ra ngày 13 tháng 7 năm 1917, sau khi cho ba trẻ thị kiến hỏa ngục, Đức Mẹ nói với các em: “Các con đã xem thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội đáng thương sẽ tới. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Nếu điều Mẹ nói với con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc; nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tranh tàn khốc hơn sẽ bùng phát vào triều giáo hoàng của Đức Piô XI. Khi các con thấy một đêm được ánh sáng lạ chiếu sáng, thì các con hãy biết rằng đó là dấu hiệu lớn lao Thiên Chúa tỏ cho chúng con thấy Người sắp sửa trừng phạt thế gian vì tội ác của nó, bằng chiến tranh, đói kém, và bách hại Giáo Hội cũng như Đức Giáo Hoàng”.

Rồi Đức Mẹ chỉ cho các em phương thế “để ngăn ngừa việc trên, Mẹ sẽ đến yêu cầu dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, và việc rước lễ để đền tạ vào các ngày thứ Bẩy đầu tháng. Nếu lời yêu cầu của Mẹ được lưu ý, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình.

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều hành động thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria đã được thực hiện.

Ngày 13 tháng 6 năm 1929, Lucia được phép bề trên làm giờ thánh từ 11 giờ tới nửa đêm. Lúc còn lại một mình, chị thấy Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ hiện ra với chị. “Lúc ấy, Đức Mẹ nói với con: ‘Đã đến lúc Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha, hợp nhất với các giám mục thế giới, làm việc dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ”

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và vào ngày 7 tháng 7 năm 1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno ngài viết “Cũng như cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái Tim Vô nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên tội” .

Vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyện Tội Mẹ Maria trước sự hiện diện của các nghị phụ Công đồng Vatican II.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã soạn một kinh nguyện cho điều mà ngài gọi là “Hành động Tín thác” được cử hành tại đền thờ Đức Bà Cả vào ngày 7 tháng 6 năm 1981, dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Rồi, năm 1978, lịch sử sang trang, một nạn nhân trực tiếp của chủ nghĩa Cộng Sản được bầu làm giáo hoàng, đó là thánh Gioan Phaolô II, giữa lúc quê hương Ba Lan còn quằn quại dưới ách thống trị của con rắn đỏ. Điều có ý nghĩa là người nạn nhân này, trong tư cách giáo hoàng, bị mưu sát vào đúng ngày 13 tháng 5 năm 1981 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Chính ngài nhìn nhận Đức Mẹ Fatima đã cứu ngài. Nên một năm sau, ngày 13 tháng 5 năm 1982, ngài tới Fatima tạ ơn Đức Mẹ và gắn viên đạn lấy ra từ vết thương ám sát vào triều thiên ngài. 

Nhân dịp này, ngài đã dâng toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ:  Con ở đây, hợp nhất với mọi mục tử của Giáo Hội trong sợi dây nối kết đặc biệt nhờ đó chúng con cấu thành một cơ thể và một hợp đoàn, giống như Chúa Kitô muốn các tông đồ của Người kết hợp với Thánh PhêrôTrong sợi dây hợp nhất này, con xin đọc kinh dâng hiến hôm nay… Ôi Mẹ các cá nhân và dân tộc… Bằng tình yêu của Người Mẹ và Nữ Tỳ, xin Mẹ hãy ôm lấy thế giới loài người chúng con, thế giới mà chúng con phó thác và dâng hiến cho Mẹ… Chúng con xin đặc biệt phó thác và dâng hiến cho Mẹ các cá nhân và dân tộc đặc biệt cần được phó thác và dâng hiến…Xin Mẹ nhận lấy niềm tín thác khiêm cung và hành vi phó thác của chúng con…”

Ngày 16 tháng 10 năm 1983, trong Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thống Hối và Hòa Giải, được vây quanh bởi nhiều Hồng Y và giám mục khắp thế giới, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lặp lại hành vi dâng hiến trên một lần nữa cũng với công thức như tại Fatima năm 1982. 

Tiếp đến, ngày 25 tháng 3 năm 1984, sau khi cử hành Thánh Lễ dành cho các gia đình nhân Năm Thánh Cứu Chuộc, với Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima được Đức Giám Mục Leira-Fatima đem từ Fatima tới Rôma đặt ở bàn thờ chính, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, kết hợp với mọi giám mục của thế giới, đã lại dâng hiến mọi cá nhân và dân tộc trên thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ một lần nữa, cũng bằng công thức của năm 1982 tại Fatima.

Ngày 13 tháng 5 năm 2013, theo mong muốn riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức hồng y José da Cruz Policarpo, Thượng Phụ Lisboa, đã dâng hiến triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Đức Mẹ Fatima. 

Đặc biệt hôm nay ngày 25 tháng 3 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thư mời các giám mục tham gia thánh hiến Ucraina và Nga cho Đức Mẹ Fatima.

 (Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)

·         Mọi người cùng đọc Kinh Thánh Hiến Nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ mà Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc ngày 25/3/2022.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, trong thời khắc thử thách này, chúng con hướng về Mẹ. Lạy Mẹ là Mẹ chúng con, Mẹ yêu thương và Mẹ biết chúng con: không có mối ưu tư nào của tâm lòng chúng con mà Mẹ không hay biết. Lạy Mẹ của lòng xót thương, chúng con cảm nghiệm được sự săn sóc ân cần và sự hiện diện an bình của Mẹ. Mẹ không ngừng hướng dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Vị Hoàng tử của Hòa bình.

Vì chúng con đã rời xa con đường hòa bình, chúng con đã quên đi những bài học từ những thảm kịch của các thế kỷ trước, sự hy sinh của hàng triệu người đã ngã xuống trong hai cuộc thế chiến. Chúng con đã bỏ qua những cam kết mà chúng con đã cam kết với tư cách là cộng đồng quốc tế.

Chúng con đã phản bội lý tưởng hòa bình mà mọi người, đặc biệt những người trẻ tuổi mơ ước. Chúng con bị cuốn hút vào những tham vọng, lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân làm chúng con trở nên thờ ơ lạnh nhạt trước những nhu cầu và ưu tư ích kỷ của mình. Chúng con đã quên Chúa, hài lòng với ảo tưởng của mình, trở nên ngạo mạn và hung hãn, hà hiếp những người nghèo khổ và tích góp vũ khí.

Chúng con đã quên vai trò của mình là người trông coi và quản lý ngôi nhà chung trái đất này. Chúng con đã tàn phá trái đất này bằng chiến tranh và những tham vọng của chúng con, chúng con đã làm tan nát tấm lòng của Cha chúng con ở trên trời, Đấng mong muốn chúng con là anh chị em với nhau. Chúng con trở nên thờ ơ lãnh cảm với mọi người và mọi hoàn cảnh; ngoại trừ tập chú vào chính mình. Bây giờ với lòng ăn năn xám hối, chúng con kêu lên: Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con!

Lạy Mẹ rất Thánh, giữa trăm ngàn nỗi khốn cùng, vì tội lỗi chúng con, giữa những giao tranh và hạ hèn của chúng con, giữa mầu nhiệm tội ác là sự dữ và chiến tranh, Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, Ngài không ngừng thương nhìn chúng con bằng tình yêu, luôn sẵn sàng tha thứ, và nâng chúng con lên cuộc sống mới.

Chúa đã ban Mẹ cho chúng con và biến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trở thành nơi nương náu cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Theo ý muốn nhân từ của Thiên Chúa, Mẹ hằng ở bên chúng con; ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử, Mẹ vẫn ở đó để hướng dẫn chúng con bằng tình yêu thương dịu hiền trìu mến.

Giờ đây, chúng con hướng về Mẹ và nương tựa nơi trái tim Mẹ. Chúng con, những người con yêu của Mẹ. Trải qua mọi thời, Mẹ luôn dậy dỗ chúng con, kêu gọi chúng con hoán cải! Vào giờ phút đen tối này, xin hãy thương cứu giúp chúng con và giúp chúng con chạy đến nương náu dưới tà áo Mẹ. Xin Mẹ hãy giúp chúng con xác tín: "Mẹ hiện diện ở đây, là Mẹ của chúng con" Mẹ có thể tháo gỡ những nút thắt của trái tim chúng con, những nút bế tắc của thời đại chúng con. Nơi Mẹ, chúng con đặt trọn vẹn niềm tin. Chúng con xác tín rằng Mẹ sẽ nhận lời chúng con cầu xin và nâng đỡ chúng con đặc biệt trong những giờ phút thử thách lâm nguy này.

Đó cũng là những gì Mẹ đã thực hiện tại tiệc cưới Cana, Galilê xưa, khi Mẹ khẩn cầu Chúa Giêsu và Chúa đã thể hiện phép lạ đầu đời của Chúa cho niềm vui tiệc cưới được trọn vẹn, khi Mẹ thân thưa với Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2: 3).

Lạy Mẹ, xin hãy lặp lại những lời đó với Con yêu quí của Mẹ cho thời đại chúng con, vì chúng con đã cạn kiệt rượu của hy vọng, rượu của niềm vui, rượu của tình huynh đệ héo tàn. Chúng con đã quên nhân tính của chúng con và lãng phí món quà hòa bình của Chúa. Chúng con đã mở lòng cho bạo lực và cho sự tàn phá chết chóc! Chúng con rất cần đến sự giúp đỡ của Mẹ Chúa!

Lạy Mẹ, xin nghe lời chúng con cầu khẩn.

Lạy Nữ Vương Sao Biển, xin gìn giữ con tầu chúng con khỏi phong ba bão táp chiến tranh.

Lạy Nữ Vương, Hòm Bia Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết ngồi lại với nhau trong đàm phán và hòa giải.

Lạy Nữ Vương Thiên đàng, xin hãy ban hòa bình của Chúa cho thế giới chúng con.

Xin giúp chúng con biết loại bỏ hận thù và báo oán, xin hãy dậy chúng con biết tha thứ.

Xin giải thoát chúng con khỏi chiến tranh, bảo vệ thế giới chúng con thoát khỏi sự đe dọa của vũ khí hạt nhân.

Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin giúp chúng con nhận ra nhu cầu xiêng năng cầu nguyện và yêu mến.

Lạy Nữ hoàng Gia đình, xin hãy chỉ dậy mọi người chúng con, con đường của tình huynh đệ.

Lạy Nữ Vương Hòa bình, xin ban bình an cho thế giới chúng con đang sống.

Lạy Mẹ khoan dung, xin cho lời khẩn cầu tha thiết của trái tim sầu khổ của Mẹ làm thay đổi trái tim chai đá của chúng con. Cầu mong những giọt nước mắt mà Mẹ đã đổ ra vì chúng tôi sẽ làm cho thung lũng sầu khổ của thù hận này nở hoa yêu thương. Giữa những sấm sét gầm xé của bom đạn, lời cầu khẩn của Mẹ làm thay đổi những suy tính của chúng con thành hòa bình. Ước mong sự trìu mến của Mẹ sẽ xoa dịu những ai đang đau khổ vì trốn chạy những cơn mưa bom đạn... Xin Mẹ an ủi những người bị buộc phải rời xa gia đình và quê hương xứ sở vì chiến tranh. Cầu xin Trái tim tân khổ của Mẹ đánh động lòng thương cảm của chúng con và truyền cảm hứng để chúng con biết rộng mở tâm lòng, quan tâm đến những anh chị em chúng con đang bị thương tích và bị gạt ra ngoài xã hội…

Lạy Thánh Mẫu, Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ đứng dưới thập giá Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy người môn đệ đứng bên, Chúa đã phán: “Này là con của Mẹ” (Ga 19:26). Bằng cách này, Người đã giao phó mỗi người chúng con cho Mẹ. Người nói với môn đệ và với từng người chúng con: “Này là Mẹ con” (c. 27).

Lạy Mẹ Maria, giờ đây chúng con mong muốn được đón Mẹ vào cuộc sống và lịch sử của chúng con. Vào giờ phút này, một nhân loại đã mỏi mệt và quẫn trí đang cùng Mẹ đứng dưới chân thập tự giá, cần phó thác chính mình cho Mẹ và nhờ Mẹ, dâng lên Chúa Giêsu Kitô. Chúng con xin dâng lên Mẹ người dân Ukraine và Liên Xô, những người hằng tôn kính Mẹ với lòng sùng mộ kính tin, giờ đây đang hướng về Mẹ, với trái tim tan nát, xin Mẹ thương cứu giúp họ, những dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bất công và nghèo đói.

Vì vậy lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, lạy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, chúng con long trọng giao phó và thánh hiến chính mình chúng con, Giáo Hội chúng con và toàn thể nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine cho Mẹ. Xin Mẹ chấp nhận tấm lòng thành khẩn của chúng con mà Mẹ đã nài xin chúng con thể hiện. Xin Mẹ hãy làm cho chiến tranh được sớm kết thúc, cho hòa bình được hiển trị khắp nơi trên thế giới. Xin cho lời “Xin Vâng” mà Mẹ đã đáp lại tôn ý Chúa mở ra cánh cửa lịch sử cho Hoàng tử Hòa bình ngự đến. Chúng con tin tưởng qua trái tim từ mẫu của Mẹ, hòa bình sẽ hiển trị.

Lạy Mẹ, chúng con dâng hiến tương lai của toàn thể gia đình nhân loại, những nhu cầu và mọi kỳ vọng của chúng con, kèm theo những lo lắng và niềm hy vọng cho thế giới.

Qua lời cầu bầu của Mẹ, xin cho lòng thương xót của Chúa được tuôn tràn trên mặt đất và sự an hòa của hòa bình hiển trị cho thời đại chúng con đang sống. Xin vì lời “Xin Vâng” của Mẹ mà Chúa Thánh Thần ngự xuống, khôi phục giữa chúng con sự hòa hòa của Chúa. Xin giúp chúng con cùng nhau thúc xây dựng sự hiệp thông cùng nhau. Năm xưa Mẹ đã từng bước đi trên các đường phố của thế giới chúng con; giờ đây, xin Mẹ hãy dẫn dắt chúng con trên đường nẻo hòa bình. Amen.

·         Hát : THÁNH VỊNH 50 Lm. Kim Long

1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

2. Vâng con nay đã biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

(Mời cộng đoàn quì)

·         Chủ sự :

Anh chị em thân mến,

Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân hai nước Ngà và Ucraina trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, cùng với Mẹ Fatima chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.

·         Ý cầu nguyện

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con)

Vị chủ sự xướng :

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Chúng con ý thức về thân phận tội lỗi của chúng con. Chúng con đã gây là chiến tranh làm cho bao người vô tội phải khổ và phải chết. Xin Chúa thứ tha cho chúng con.

Đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con.

2. Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đem bình an cho nhân thế, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để giao hòa chúng con với Chúa Cha, để chúng con được sống bình an, thế mà chúng con vô ơn bội nghĩa với Chúa.

Đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con.

3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, điều đang hủy diệt lòng bác ái của chúng con là đầu óc đảng phái, chủng tộc, màu da khiến chúng con loại trừ nhau. Chúng con sống ghen ghét, giận hờn, kiêu căng, ích kỷ chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, gây hận thù, chia rẽ và chiến tranh. Xin tha thứ cho chúng con.

Đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con

4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24, 12). Xin Chúa tha thứ cho những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa và tha nhân, khi chúng con dửng dưng với lời kêu cứu của bao người.

Đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con

5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhân loại hôm nay luôn chìm đắm trong biển máu của hận thù, chia rẽ, chiến tranh. Bản thân chúng con cũng khó lòng tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Chúa muốn chúng con đến với nhau bằng bằng ánh mắt, con tim, bằng lời nói yêu thương và không được tự cho phép có bất cứ suy nghĩ, lời nói, cử chỉ nào thiếu bác ái bao dung.

Đáp : Xin Chúa thứ tha và ban bình an cho chúng con

·         Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, nhất là của dân Nga và dân Ucraina và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn tha thứ theo thánh ý Chúa. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

·         Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.

·         Hát : Ca Thánh Thể.

·         Lời nguyện.

·         Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC

·         Hát kết thúc : ĐỀN TẠ TRÁI TIM MẸ - Nguyễn Khắc Tuần


ĐK. Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần, tội gian trần để phiền cho trái tim Mẹ. Lòng Mẹ thương bao la, tình ái ân vô ngần, con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân.

1. Từ nay lòng con nhớ lời Mẹ tha thiết, sá gì dầu nguy biến thề chết có Mẹ, vui có Mẹ. Dù rằng bao sóng gió con lo gì, con lo gì, chết bên Mẹ con sợ chi, con sợ chi Mẹ ơi.

2. Trần gian lụy sa nhuốm màu tang đắm đuối, trên đường theo chân lý nào đâu mấy người, đâu mấy người. Đường trần gian say đắm không bến bờ, không bến bờ, phút gian nan trông vào ai, nương vào ai Mẹ ơi.

3. Mẹ ơi giờ đây con thực tình thống hối, con đường xưa tội lỗi nguyện xa cách rời, xa cách rời. Và quỳ đây con muốn không dâng gì, không dâng gì, mắt con trông lên Mẹ yêu, âm thầm nhìn Mẹ thôi.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


Trang Nghi Thức Áp Dụng Trong Nhiều Hoàn cảnh