Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói
với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước
trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so
với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết
làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước
thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.
Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển
thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…
(phần 3)
Những thử thách như thế được Kinh
thánh nhìn như sự sửa dạy (tức là giáo dục) của Thiên Chúa:
“5Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng
khi Người khiển trách. 6Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và
có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7Anh em hãy kiên
trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con.
Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? 8Nếu anh em
không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ
không phải là con chính thức. 9Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa
dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời
để được sống. 10Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn,
và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để
chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người. 11Ngay lúc bị
sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những
người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính”
(Thư gửi tín hữu Hípri 12,5-11).
Khi ghi lại lịch sử, Kinh thánh cho thấy không
riêng cụ Abraham, tất cả mọi người được Chúa gọi đều phải được uốn nắn: được lôi ra khỏi môi trường cũ, được rèn
luyện qua thử thách, đau thương và sỉ nhục. Nơi cuộc đời của Isaac, Giacóp và
Giuse chẳng hạn. Lắm trường hợp, thử thách dường như vượt sức chịu đựng của họ,
Thiên Chúa đã an ủi bằng cách báo mộng cho họ. Riêng đối với ông Môsê, Thiên
Chúa không báo mộng nhưng Ngài trực tiếp nói chuyện với ông.
Giữa những dân tộc
thờ đủ thứ thần, Chúa dạy dân Israel chỉ tin thờ một mình Ngài mà thôi. Ngài
cấm ngặt Dân Ngài không được gọi hồn như các dân ngoại. Vị vua đầu tiên của Dân
Chúa là vua Saul cũng cấm ngặt Dân Chúa không được làm điều ấy. Có điều gì cần
thỉnh ý Thiên Chúa, nhà vua tìm đến ngôn sứ Samuel. Thế nhưng rồi sau khi vị
ngôn sứ qua đời, gặp lúc quẫn bách, vua Saul đã lỗi phạm điều mà chính ông đã
cấm người khác. Ông đi ngược lại luật Chúa mà ông đã từng bảo vệ. Ông cầu cứu
với những thế lực bí ẩn bên ngoài Thiên Chúa. Ông tìm đến một bà đồng bóng, xin
bà gọi hồn ngôn sứ Samuel. Và “ngôn sứ Samuel” xuất hiện, với dáng dấp, cung
giọng đúng như ông mong chờ và cũng nói những lời đanh thép y hệt như vị ngôn
sứ ông từng gặp trong cuộc sống.
Trong chuyện ấy, “ngôn sứ Samuel”
hiện về; bà đồng bóng nhìn thấy “ông ta” và đối thoại với “ông ta”. Bên Việt
Nam mình, các “hồn” được gọi về “nhập” vào một người nào đó đang có mặt, khiến
người này biến đổi diện mạo, cách ứng xử và ngôn ngữ giống y hệt “người xưa”..
- Thưa cha, nhưng họ cho biết những
thông tin rất đáng tin cậy, mình kiểm chứng được mà!
- Tôi đã bảo bạn rằng đã là quỷ thì
nó rất quỷ quái!
“Gọi hồn” là một trò đùa của thần dữ.
Các linh hồn đã khuất do Thiên Chúa quản lý! Mấy ông thầy cúng có quyền phép gì
để triệu tập các linh hồn đã khuất về lại trần gian? Chính các thần dữ giả dạng
người đã khuất để đánh lừa chúng ta. “Lạ
gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2Cr 11,14).
Những loài thần thiêng, không thân
xác, muốn biết chuyện quá khứ của loài hữu hình là chuyện quá dễ. Ngay cả máy
tính do con người chế tạo đã có khả năng tìm giúp những điều ta bỏ quên, tìm
những hình ảnh tương tự, truyền tải hình ảnh nửa vòng trái đất, từ trái đất lên
những hành tinh xa xôi, cắt xén lắp ghép hình ảnh, tạo nên rô bốt… Việc ma quỷ
giả dạng người xưa và biết chuyện riêng, chuyện kín của người ta là chuyện dễ
ợt… Tương kế tựu kế, thần dữ cung cấp toàn những tin tức rất sát sự thật để cho
người ta tin nó và dấn sâu vào trò lừa đảo của nó. Rồi giữa chín điều rất thật,
nó sẽ chèn vào một điều thứ mười hoàn toàn dối trá chẳng ai ngờ. Đọc chuyện Tam Quốc Chí, ta đã thấy ông Khổng Minh
gài người vào phía đối phương để “hiến kế” và khiến đối phương bị lừa. Kẻ nội
thù đề nghị toàn những điều hết sức hay, mãi đến lúc đại bại người ta mới biết
rằng mình bị gài bẫy! Thần dữ cũng hành động y hệt như thế và còn siêu đẳng hơn
thế nhiều!
- Thưa cha? Làm sao kiểm chứng điều
cha nói?
- Bạn không tin rằng thần dữ đang lèo
lái những vụ lên đồng sao? Bạn hãy thử dẫn vào đó một em bé ngoan hiền, đã lãnh
bí tích Thánh tẩy của Giáo hội Công giáo, ngực đeo ảnh thánh giá nhỏ, rồi xem
thử vụ lên đồng có thực hiện nổi hay không? Tại sao vụ lên đồng thất bại? Bởi
vì chính Chúa Giêsu đang ở nơi em bé ngoan hiền ấy khiến thần dữ không dám bén
mảng tới.
Tôi nêu chi tiết em bé ngoan hiền
nhằm cho thấy việc trung thành với ơn bí tích Rửa tội rất quan trọng. Nếu một
tín hữu đã tự châm chước để nhượng bộ cho con người cũ cách này hay cách khác,
đức tin của họ không vững nữa. Khi chính họ đã chiều theo sự xui khiến của thần
dữ thì nó không còn sợ gì họ nữa.
Chúng ta cần luôn đứng vững trước
những thử thách lớn và nhỏ, cũng như trước mọi cám dỗ lớn và nhỏ. Những gì xảy
ra cho Chúa Giêsu trong hoang địa giúp ta hiểu rằng thần dữ rất kiên nhẫn. Đối
với những người ngay lành đầy thiện chí, nó không mong gì có thể xúi giục họ
làm điều xấu ngay nhưng nó nhất quyết không bỏ cuộc. Nó chấp nhận đi những
đường vòng thật dài.
1Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ
cám dỗ. 2Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy
đói. 3Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Ngài và nói: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4Nhưng Ngài đáp:
“Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời
miệng Thiên Chúa phán ra.”
5Sau đó, quỷ đem Ngài đến thành thánh, và đặt Ngài trên nóc đền
thờ, 6rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống
đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và
thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
7Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử
thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy
tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo
rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”
10Đức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi
phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài
mà thôi.”
11Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các thiên sứ tiến đến hầu hạ
Ngài.
Một tên quỷ mới ra nghề có lẽ đã đưa tới gà
quay, rượu bia, thuốc lá và đủ thứ mồi tham,
sân, si linh tinh… nhưng tên quỷ già có nhiệm vụ cám dỗ Đấng Cứu Thế thì
khác. Với một kinh nghiệm dài bằng lịch sử loài người, nó chỉ dùng một lá bài
hai mặt sấp ngửa rất đơn giản: Bên khó, bên dễ, ông chọn bên nào?
Đức Giêsu bắt
đầu công cuộc cứu chuộc nhân loại nhằm lúc quân đội Rôma đang đè bẹp dân tộc
Ngài, đâu đâu cũng âm ỉ sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa chống thực dân. Tên quỷ
dựa ngay vào đó để lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi công cuộc giải phóng về mặt tâm
linh mà nó vừa căm thù vừa khiếp sợ.
Nó khôn khéo hiến kế giúp Ngài “làm
tròn sứ mạng” theo cách của nó. Thông điệp của cám dỗ đầu tiên là: “Nếu Ngài
muốn cứu nhân độ thế, thì cứ cho họ ăn no mặc ấm, Ngài cứ làm cho kinh tế phồn
thịnh thì ai mà chẳng theo Ngài!” Thu phục dân chúng bằng cách ấy có vẻ dễ
thật, vừa mau vừa được nhiều người! Nhưng có phải như vậy là đưa người ta về
với Chúa hay chỉ làm người ta ươn lười, chạy theo thỏa mãn vật chất? Thay vì
giúp người ta tin yêu Thiên Chúa, cách hành động này dạy người ta “lấy cái bụng
làm Thiên Chúa” (Ph 3,19). Lúc đó chỉ có vật chất có quyền sai bảo họ, chứ
Thiên Chúa không có quyền gì trên họ, chỉ cần một lời không vừa ý họ cũng đủ để
họ làm reo thách đố (xem Ga 6,30 và 42). Tương tự như thế, cám dỗ thứ hai nhằm
gợi ý cho Đức Giêsu chinh phục thiên hạ bằng phép lạ. Đối với Ngài, can thiệp
vào các định luật thiên nhiên là chuyện dễ như trở bàn tay, nhưng thuyết phục
thiên hạ bằng cách ấy chỉ là trói buộc họ bằng sự hiếu kỳ. Trên đường rao
giảng, khi cứu chữa cho người câm được nói, người điếc được nghe, người mù được
thấy, người què và bại liệt được bước đi vững vàng, Ngài muốn ngụ ý rằng, cũng tương
tự như thế, Ngài sẽ làm cho mọi người được sáng mắt, thính tai, lợi khẩu và tự
chủ về mặt tâm linh. Trong lần chữa một người bại liệt tại Capharnaum, Ngài
chất vấn những kẻ đang dò xét Ngài:
- Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi”, hai là
bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? (Mt 9,5)
Cám dỗ thứ ba là cứu thế bằng con
đường chính trị và quân sự: Nắm được quyền lực chính trị sẽ khống chế mọi người
cách thật dễ dàng, tuy nhiên như thế có gì là giải thoát chăng hay chỉ thêm áp
bức trói buộc? Và đáng sợ nhất là trước hết chính bản thân người rêu rao giải
thoát phải nô lệ cho thần dữ: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy
tôi” (Mt 4,9).
Hẳn bạn thấy rõ tính chất đểu cáng
lừa gạt nơi những điều tốt do Satan đề nghị. Những thứ ấy sẽ biến công cuộc
Thiên Chúa thành công cuộc của trần gian, hay chính xác hơn, công cuộc của thần
dữ!
Ngay từ đầu lịch sử, thần dữ đã cám
dỗ loài người bằng con đường dễ dãi: chỉ cần đừng bận tâm tới lệnh truyền của
Thiên Chúa, cứ muốn gì làm nấy, là đương nhiên ngang hàng với Thiên Chúa, chứ
có gì phải rắc rối lắm chuyện? Hậu quả trước mắt của sự không vâng lời Thiên
Chúa là loài người rơi tòm xuống vực thẳm của tham, sân, si, vực thẳm của khổ đau, tội lỗi và chết chóc.
Để khắc phục những hậu quả ấy của tội
lỗi, Con Thiên Chúa làm người quyết hành động ngược hẳn lại: khước từ mọi dễ
dãi và tự hạ mình vâng phục, vâng phục đến chết trên thập giá (x. Pl 2,6-8).
Chính vì thế, khi khởi đầu sứ vụ, Ngài đã tìm vào sa mạc sống cô tịch bốn mươi
đêm ngày để lắng nghe và đón nhận ý Chúa Cha.
Trong Cựu ước,
ông Môsê rồi ông Giôsuê đã mời gọi Dân Chúa chọn đường lành, tránh đường dữ,
chọn đường sống, đừng chọn đường chết. Các vị sáng lập tôn giáo đều mời gọi như
thế cả. Chỉ riêng Đức Giêsu cũng nói thế nhưng bằng một cách diễn tả khác: hãy
chọn đường khó, đừng chọn đường dễ. “13Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa
rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.
14Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được
lối ấy (Mt 7,13-14). Phía dễ dãi của
cửa rộng và đường thênh thang là phía dẫn tới diệt vong, còn phía phải phấn đấu
của cửa hẹp và đường chật sẽ dẫn tới sự sống đời đời.
Sau đó mấy câu,
Chúa sẽ cho biết rõ con đường ấy chính là vâng theo ý của Chúa Cha: 21Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy
Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của
Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22Trong ngày ấy,
nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng
từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa
mà làm nhiều phép lạ đó sao?” 23Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ:
Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
(Mt 7,21-23).
Nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ,
toàn là những điều tốt. Thế nhưng cần phải lưu ý: Nếu đúng là ý Chúa bảo làm
như thế, người thực hiện sẽ được thưởng, còn nếu chỉ làm theo ý riêng, thì sẽ
bị luận tội. Chiều theo ý riêng bao giờ cũng dễ. Ý riêng là cửa rộng và đường
thênh thang cho ta mặc tình buông thả. Còn vâng theo ý Chúa bao giờ cũng khó,
đòi phải từ bỏ bản thân, đúng là bên của cửa hẹp và đường chật.
Sự đối kháng đang nói đây vừa đưa tới
những hy vọng rất bất ngờ vừa cảnh báo để ta khỏi rơi vào những nguy cơ khủng
khiếp. Người ta có thể đạt tới chỗ vâng phục Thiên Chúa cách sâu thẳm nơi một
điều hết sức nhỏ, chẳng hạn một tư tưởng vụt qua trong trí, mà ngược lại, người
ta cũng có thể đi tới chỗ cực kỳ phản loạn nơi một điều hết sức nhỏ như thế. Bất
cứ ai, tại bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, nơi bất cứ điều nhỏ nhặt nào
cũng đều có thể bay vút lên cực cao hoặc rơi xuống cực thấp. Đối diện với âm
mưu lừa gạt của thần dữ, đây là điều vô cùng đáng sợ, nhưng ngược lại, nhìn lên
lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha, đây lại là điều để ta có quyền hy vọng
đến vô biên. Lắm kẻ khôn ba năm dại một giờ mà cũng lắm người được ơn hoán cải
vào phút chót như người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa:
39Một trong hai tên
gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng
Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40Nhưng tên
kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng
không biết sợ! 41Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với
việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42Rồi anh ta thưa
với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
43Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với
tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,39-43).
Chỉ trong giây lát, kẻ bao nhiêu năm
làm điều phi pháp bỗng chốc được Chúa hứa ban phúc thiên đàng. Thần dữ sẽ dựa
vào đó để rỉ tai nhiều người: “Vậy thì lo gì, cứ ăn chơi thả cửa, tới phút chót
quay lại vẫn kịp, có sao đâu!” Cũng không ít người quên mất rằng phút chót của
mình có thể là đêm nay mà cũng có thể chỉ trong vòng 5 phút nữa!
Ngược với luận điệu của Satan, Chúa
Thánh Thần đã soi sáng cho chị thánh Têrêxa một cách nên thánh giản dị là vui
nhận mọi điều bất ngờ trái ý lớn nhỏ như quà tặng của Chúa với một lòng phó
thác lớn lao và yêu mến nồng nàn. Cách hành sử của Thiên Chúa đã mở ra cơ hội
đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt. Trước mắt người đời, có kẻ sang
người hèn, còn trước mắt Thiên Chúa, mỗi người đều được ban đủ ơn cần thiết để
phấn đấu trong hoàn cảnh của mình. Thiên Chúa gửi thử thách ngần nào, Ngài cũng
ban đủ ơn ngần ấy. Ngài không thử thách ai quá sức, cũng không đòi hỏi ai quá
sức. Dù là trí thức, nông dân, công nhân hay doanh gia, dù trẻ hay già, bé hay
lớn, có gia đình hay độc thân, người đời hoặc tu sĩ, mỗi người đều có cuộc
chiến đấu riêng. Từ việc học của người sinh viên, việc giáo dục gia đình của
bậc cha mẹ hay việc xây dựng hạnh phúc của các đôi vợ chồng, việc lớn cũng như
việc nhỏ, việc nào cũng có bên rộng, bên hẹp, mỗi trường hợp đều đặt người ta
trước cái chọn lựa giữa dễ dãi và nghiêm túc, giữa buông thả và cố gắng, giữa
phía kéo xuống thấp hay phía đưa lên cao…