Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói
với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước
trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so
với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết
làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước
thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.
Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển
thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…
(phần 4)
Giáo huấn của Chúa Giêsu được Thánh
sử Matthêu trình bày tổng hợp nơi Bài Giảng Trên Núi, một bài diễn văn kéo dài
ba chương 5, 6 và 7 trong tác phẩm của ngài. Chúa mở đầu thông điệp của Ngài
bằng một câu trái ngược 180o so với cái nhìn của người đời: “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Giữa đám đông thính giả đang lắng
nghe, Chúa Giêsu muốn đặc biệt ngỏ lời với những người có tâm hồn nghèo khó. Đây
là những người không lấy tiền của vật chất làm mục đích cuộc sống, không tích
lũy chỉ để có thật nhiều tiền bạc, cũng không cây dựa vào tiền bạc hoặc thế lực
trần gian nào nhưng chỉ nương tựa vào Thiên Chúa.
Trên kia Chúa nêu rõ cái đối nghịch
giữa hai nẻo đường: rộng và hẹp.
Ở đây Chúa cho thấy sự đối kháng giữa
hai đích điểm (đúng hơn phải nói là hai cứu cánh, hay hai cùng đích, tức là hai
mục đích cuối cùng) trái ngược nhau: Thiên Chúa và Tiền của vật chất. Một bên
là tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác bản thân và cuộc đời cho Thiên Chúa định
đoạt, nhờ đó được bình an hạnh phúc trong Ngài. Một bên là tin vào mãnh lực của
đồng tiền, lúc nào cũng lo nghĩ về tiền bạc của cải, đến độ bị lệ thuộc vào nó,
để cho nó làm chủ và sai khiến, rồi vì thế mà mất bình an. Một bên là cái nhìn
theo hướng của Chúa, một bên là cái nhìn phàm tục, hai nẻo đường cách biệt. Ai
dại? Ai khôn?
19“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối
mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20Nhưng hãy tích trữ cho
mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không
khoét vách lấy đi. 21Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó… 24“Không
ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn
bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa
làm tôi Tiền của được. (Mt 6,19-21.24).
Đối trọng của Thiên Chúa là Tiền của
chứ không phải điều gì khác. Cùng một cái nhìn như thế, trong sách Linh thao, Thánh Inhaxiô cũng nhấn mạnh
rằng lòng ham mê của cải là đầu mối của mọi hư hỏng. Với bài suy niệm “Hai màu
cờ” (Sđd, số 136-148), thánh nhân đặt nổi sự trái ngược giữa hai đường lối: “Satan thúc giục mọi người ham muốn
tiền của, rồi từ tham lam dẫn đến ham danh vọng và dẫn đến kiêu ngạo, cuối cùng
từ kiêu ngạo dẫn đến các tội lỗi khác… Còn Chúa Giêsu thì lôi cuốn con người
theo tinh thần khó nghèo siêu nhiên và tự nhiên, rồi đưa họ đến chỗ ao ước nên
giống Ngài, khao khát được chịu sỉ nhục và khinh dể như Ngài, nhờ đó họ được
khiêm nhường thật trong lòng và tiến đến mọi nhân đức”.
Trong bài Các mối phúc, mối phúc về tinh thần
nghèo đi đầu, dẫn theo các mối phúc khác: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên
người công chính, thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị
bách hại vì sống công chính, bị sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vì
Chúa (Mt 5,1-12). Nơi những đoạn tiếp sau của Bài Giảng Trên Núi, ta còn gặp
những nhân đức khác: tha thứ cho kẻ làm hại ta, yêu thương kẻ thù ghét ta, trong
sạch trong tư tưởng, công bằng, tôn trọng danh dự người khác, hiểu tốt cho
người khác, không xét đoán…
Dẫn đầu sự lệch lạc là lòng ham mê
của cải. Tiến hay lùi, thành hay bại trên đường tâm linh tùy nơi thái độ của
mỗi người đối với tiền bạc, của cải. Muốn thoát khỏi những áp lực do tiền bạc
và của cải, chúng ta cần luôn sống phó thác trong tình thương an bài của Cha
trên trời (x. Mt 6,25-34).
Người đời không sao hiểu được, có thể
coi đó là một chọn lựa điên rồ. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh
Phaolô cho thấy ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, người đời đã coi đó là một sự
điên rồ nhưng các tín hữu lại coi là một vinh dự:
“18Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những
kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì
đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. 19Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ
diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người
thông thái. 21Thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết
Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên
Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22Trong
khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ
khôn ngoan, 23thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng
đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho
là điên rồ. 24Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là
Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. 25Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của
loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”
(1Cr 1,18-25).
Chúng ta cần tỉnh táo, như trong
chuyện mười cô trinh nữ:
1“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú
rể. 2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3Quả
vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4Còn những cô khôn
thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5Vì chú rể đến chậm, nên
các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia
rồi, ra đón đi!” 7Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và
sửa soạn đèn. 8Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho
chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” 9Các cô khôn
đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy
thì hơn.” 10Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã
sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.
11Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa
cho chúng tôi với!” 12Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi
không biết các cô là ai cả!” 13Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em
không biết ngày nào, giờ nào. (Mt 25,1-10)
Qua câu chuyện mười nén bạc, Chúa còn
dạy ta đừng tự hài lòng với cái tối thiểu, nhưng cần biết cố gắng ngay từ bây
giờ để về sau sẽ nhận được vinh quang lớn nhất Chúa đã muốn dành cho ta:
11Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn: 12“Có một người
quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13Ông
gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói
với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến…”
15”Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền
gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao
nhiêu. 16Người thứ nhất đến trình: 'Thưa ngài, nén bạc của ngài đã
sinh lợi được mười nén.' 17Ông bảo người ấy: 'Khá lắm, hỡi đầy tớ
tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị
mười thành.' 18Người thứ hai đến trình: 'Thưa ngài, nén bạc của ngài
đã làm lợi được năm nén.' 19Ông cũng bảo người ấy: 'Anh cũng vậy,
anh hãy cai trị năm thành.'
20Rồi người thứ ba đến trình: 'Thưa ngài, nén bạc của ngài đây,
tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt,
đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.' 22Ông nói: 'Hỡi đầy tớ tồi
tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi
cái không gửi, gặt cái không gieo. 23Thế sao anh không gửi bạc của
tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời
chứ!' 24Rồi ông bảo những người đứng đó: 'Lấy lại nén bạc nó giữ mà
đưa cho người đã có mười nén.' 25 Họ thưa ông: 'Thưa ngài, anh ấy có
mười nén rồi!' 26-'Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ
được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi. '
(Lc 19,12-3.15-26)
Nén bạc trong câu chuyện trên được
hiểu là những ơn và những tài năng Thiên Chúa ban. Người thứ ba không chịu phát
huy ơn Chúa thường là vì mải chạy theo những xu hướng xấu trong cuộc sống: Tiền của vật chất - hưởng thụ thỏa mãn xác thịt - và quyền lực
danh vọng. Các xu hướng xấu tập trung vào ba điều: ham lợi, ham
danh, ham thú vui. Cả ba điều này vừa dẫn tới: tham, sân, si vừa đưa đẩy lẫn nhau: Sự ham mê tiền của và chiếm hữu dẫn tới tham lam, ích kỷ, chiếm đoạt
rồi từ đó dẫn tới ham lời khen, danh vọng
và quyền lực (danh vọng dẫn tới gian manh, giả trá, kiêu ngạo), rồi sau nữa
là mọi thứ ham mê vui thú (xác thịt
dẫn tới ganh ghét, bạo hành). “Thật thế, cội rễ sinh ra
mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều
người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10)
16Chúa còn kể dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương
sinh nhiều hoa lợi, 17mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì
còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' 18Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm
thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả
thóc lúa và của cải mình vào đó. 19Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi,
mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui
chơi cho đã!' 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: 'Đồ ngốc! Nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?'
21Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt
Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,16-21)
Lắm người dù không như ông phú hộ,
chỉ biết có tiền, nhưng vẫn quá bận tâm đến tiền bạc cho nên không đạt được
điều mình ước mơ, như chuyện người thanh niên giàu có:
17Đức Giêsu vừa lên đường,
thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành,
tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18Đức Giêsu
đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình
Thiên Chúa. 19Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại
tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”
20Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở
nhỏ.” 21Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Ngài bảo
anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người
nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22Nghe
lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Khi đến với Chúa, lòng anh chứa chất
bao ước vọng sáng tươi, chân trời mở ra thật bao la rực rỡ. Thế nhưng rồi bỗng
chốc, trời đất âm u, chân trời mù mịt, mọi hy vọng tiêu tan, anh buồn bã bỏ đi
không lời giã biệt, chỉ vì một lý do giản dị: anh không đủ can đảm vất bỏ của
cải vật chất.
23Đức Giêsu rảo mắt nhìn
chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên
Chúa biết bao!” 24Nghe Ngài nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Ngài
lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
Người ngoại giáo Trung Hoa và Việt
Nam từ xưa đã truyền lại cho nhau một thông điệp khá lạ về tiền của, vừa thực
tế vừa đầy minh triết. Tiền của đáng trân trọng, ta cần đón nhận với lòng biết
ơn, nhưng đồng thời tiền của lại chỉ là đầy tớ trong nhà, ta cần biết coi thường,
xem nhẹ. Người ta diễn tả triết lý sống ấy bằng hình tượng thần tài ở xó nhà:
Người ta ưu ái đơm cúng chuối, nhang nhưng bao giờ cũng chỉ đặt ở xó nhà, sát
mặt đất, dưới chân những người đi qua đi lại. Thế mà dần dần quỷ dữ đã khiến
người ta quên mất thông điệp ấy và hành sử ngược lại, đi đến chỗ kính cẩn khấn
vái cầu ơn cầu phúc trước biểu tượng ấy.
Kiên nhẫn đi những đường vòng thật
xa, từ chỗ xúi giục người ta chạy đua cúng tế mâm cao cỗ đầy, dần dần thần dữ
dẫn người ta tới chỗ tự hào, tự phụ, khoe khoang và giả đạo đức. Nó lôi kéo
người ta rời xa lương tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sạch ban đầu để dần dần
hùa theo những điều trái ngược với lương tâm. Đáng sợ nhất là nó dẫn người ta
đến chỗ chỉ còn tin cậy vào tiền của vật chất. Để rồi, tiền của tha hồ làm cho
lòng người ly tán. Biết bao người đã xuống cấp chỉ vì tiền bạc, biết bao gia
đình tan vỡ, bao dòng họ bị phân hóa cũng vì tiền bạc, rồi nhìn xa hơn, tiền
bạc vật chất đang giật dây những tranh chấp quyền lực cho đến cả những cuộc
chiến giữa các quốc gia… Cả nơi các tổ chức tôn giáo cũng xảy ra những điều
đáng tiếc và ngay cả trong lòng Giáo hội Công giáo, cũng không hiếm những
trường hợp tiền bạc đã biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại!
Từng chút nhỏ một, thần dữ kiên trì
tập tành cho người ta mê tiền bạc, dành ưu tiên cho tiền bạc và tự hào vì tiền
bạc. Rồi buồn thay! nhiều người không vướng chân vì cái tượng thần tài ở lối đi
nhưng lại đặt bản thu nhỏ của nó trên ngai tòa lòng mình!
Mỗi người đều có quyền và bổn phận lo
cho sự sống của bản thân và gia đình, thêm vào đó còn phải làm tròn những trách
nhiệm khác do Chúa trao phó. Việc kiếm tiền để chu toàn những nghĩa vụ ấy là
điều chính đáng và đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa ban cho mỗi người đủ ơn để chu
toàn tất cả. Thế nhưng thần dữ tìm cách làm cho người ta không tin tưởng nơi
Thiên Chúa. Nó gieo vào lòng người nỗi âu lo, sợ thiếu hụt vật chất, từ đó dẫn
tới chỗ hối hả lo sao tìm kiếm và tích lũy cho được thật nhiều tiền của trong
thời gian ngắn nhất. Sự ham mê của cải dẫn tới chỗ luồn lách, xoay xở, dần dần
thiếu ngay thẳng, mất công bằng và mất cả phẩm giá.
Cả hàng ngũ các
tông đồ của Chúa vẫn có thể mắc phải cám dỗ ấy. Thoạt đầu họ chỉ tìm tiền bạc
như phương tiện để làm điều tốt, những công cuộc từ thiện, những cơ sở thờ tự.
Thần dữ hối thúc họ làm vượt quá mức cần thiết và làm thật nhanh, tự tạo nên áp
lực buộc mình phải phải kiếm tiền bằng mọi giá, thế là từng bước, tiền bạc dần
dần chiếm chỗ ưu tiên, trở thành mục tiêu số một của cuộc sống lúc nào không
hay. Thần dữ chiến thắng bằng một cuộc chinh phục mềm và thấm chậm. Cuối cùng,
khi đã có tiền của, người ta chỉ còn tin vào tiền của, không còn thật sự tin
vào Thiên Chúa nữa.
Nhìn kỹ, ta sẽ thấy nhân loại đang bị phân hóa theo hai
cùng đích trái ngược: Thiên Chúa Tình Yêu hay vật chất tiền của; con người đứng
trước hai chọn lựa: nhân nghĩa hay tiền tài.