ĐỨC TIN, ĐẠO HIẾU VÀ ĐỒNG BÓNG

Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.

Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…

(phần 5)

10. CÂU HỎI DÀNH CHO CÁC PHỤ HUYNH VÀ MỤC TỬ

Con hư tại mẹ tại cha,

Cháu hư thì cũng tại bà, tại ông.

Khi thấy âu lo cho con cháu về mặt đạo lý, các phụ huynh thường nhớ lại lời ấy của người xưa và băn khoăn tự hỏi mình chịu trách nhiệm tới mức nào. Đối diện với thực trạng của tín hữu, các Giám mục và Linh mục cũng băn khoăn tự hỏi như thế.

Hơn cả điều đã nói ở những trang đầu, bài chia sẻ này dần dần vượt xa khỏi việc giải đáp thắc mắc của một tín hữu đang trăn trở và những vấn nạn tương tự, để trở thành lời chất vấn cho chính các linh mục mà trước hết là bản thân tôi, trong sứ vụ Chúa đã trao phó.

Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so với những kiểu bách hại cổ điển. Gần 20 năm đã trôi qua, tôi chưa biết làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.

Khó thay, nào ai có thể cho được điều mình không có? Để dạy được cho con em biết sống vị tha chính cha mẹ cần phải biết quên lợi riêng nhắm ích chung, biết tôn trọng quyền lợi người khác. Muốn truyền thụ đức tin cho con cái, chính cha mẹ cần có đức tin vững mạnh. Giữa một xã hội chạy theo lợi nhuận, muốn cho giáo dân thấm nhuần tinh thần Tin mừng, người mục tử phải hết sức xác tín vào mối phúc nghèo khó. Liệu chừng niềm xác tín này vẫn còn nguyên, không lay chuyển, hay đã bị cuộc sống xói mòn một góc tư, một nửa, hoặc cả đến hai phần ba? Các chủng sinh có được đào tạo để say sưa với từng lời của bài giảng trên núi, của mối phúc cho người nghèo? Nếu chính người rao giảng không còn xác tín vào những Lời đanh thép của Chúa, thì việc rủ rê người khác theo Đạo chỉ là chuyện thuyết phục họ dùng một pho tượng này thay cho một pho tượng khác. Mỗi người cần tự hỏi mình còn thực sự tin Chúa, tức là thực sự để cho Chúa dẫn dắt mọi chi tiết đời mình được mấy phần trăm? Mà nếu đã bị suy suyển, làm sao để khôi phục?

Sau những ngày Tết vừa qua, mạng xã hội lại sốt lên với cảnh hỗn độn dẵm đạp lên nhau để cướp lộc tại các trung tâm lễ hội. Đem đối chiếu hình ảnh dòng người trong các nhà thờ nơi thánh lễ mùng một Tết, nghiêm trang tuần tự lên nhận câu Lời Chúa làm “lộc thánh” đầu năm, ta vừa thấy cái khác biệt sâu xa giữa sự bình an của lòng tin vào tình thương của Thiên Chúa và sự bất an lo sợ của mê tín (Xem FB Nguyễn Thị Bích Ngà - Mê tín: Trạng thái tâm lý bất an, tuyệt vọng?), vừa thấy an ủi vì chất men Tin mừng nơi cộng đồng Dân Chúa khá đáng kể và thật đẹp.

Dù vậy, thế đối kháng giữa Tiền của và Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã nêu ra ở Mt 6,24 vẫn là điều cộng đồng Công giáo Việt Nam hiện nay cần tự kiểm điểm trong run sợ. Giữa Thiên Chúa và Tiền của, nhiều người đang lấp lửng bắt cá hai tay để sớm tự biến mình thành những kẻ hâm hẩm nửa vời đáng bị Chúa mửa ra (x. Kh 3,16). Như Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nói trong lời chúc Tết xuân Mậu Tuất 2018, “lối sống duy vật và hưởng thụ hiện nay đang tước đoạt, đe doạ hoặc xói mòn nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam”. Càng ngày, số phụ huynh trẻ chiều theo não trạng duy vật thực hành càng chiếm đa số. Họ dễ dàng cho con cái bỏ học giáo lý và bỏ cả lễ Chúa nhật để dành thời giờ ưu tiên cho việc học thêm. Các sinh hoạt đoàn thể Công giáo và việc phục vụ cộng đoàn ngày càng vắng bóng các bạn trẻ. Học là để có khả năng kiếm tiền. Tâm trí người ta hướng hết vào số tiền sẽ có được trong hiện tại hoặc trong tương lai. Người ta dành cho Tiền của vật chất điều lẽ ra phải được và chỉ được phép dành cho Thiên Chúa: “hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự”. Các linh mục chỉ còn quản lý một danh sách những người mà Chúa đã than trách: 8Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Mt 15,8).

Do việc dạy giáo lý sơ sài, thiếu nhấn mạnh các thực hành đức tin, đức cậy và đức mến, cho nên số lượng người Công giáo chiều theo mê tín, chạy theo phong thủy, xem ngày giờ, bói toán ngày càng gia tăng, một thực tế mà dường như lắm mục tử không dám đối diện. Có lẽ đây là một đề tài rất đáng cho sinh viên các học viện thần học tập trung nghiên cứu.

Mặc dù số người tham dự các lễ lớn vẫn còn đông đảo, phải chăng lời cảnh báo của Chúa vẫn cứ văng vẳng bên tai ta: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Phải chăng hiện tình Dân Chúa có phần giống như dân Giuđa trong giai đoạn trước khi nước mất nhà tan, mà ngôn sứ Giêrêmia lớn tiếng nhắc nhở: 4Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!”(Gr 7,4).

Chẳng phải riêng tại Việt Nam ta mà trên khắp thế giới. Để cải thiện tình trạng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đang hô hào, động viên chúng ta tiếp bước con đường nghèo khó của Đức Kitô. Mỗi người Công giáo cần nghe được lời than thở của ngôn sứ Êlia đang dội lại nơi tâm tư của vị Giáo hoàng hôm nay: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Chúa, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Chúa. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con” (1V 19,14). Mỗi chúng ta cần phải quyết tâm đứng vào hàng ngũ bảy nghìn người không chịu uốn gối trước thần Baal (x. 1V 19,18). Nếu thấy còn có điều gì ngại ngùng, ta hãy lắng nghe lời Chúa phán ở nơi khác: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27). Trong thực tế, hiện nay có một số tín hiệu khá hứa hẹn, nếu được quan tâm chăm sóc có thể sẽ kéo theo sự lan tỏa tinh thần nghèo khó trên mọi nẻo đường đất nước:

 - Rất nhiều dòng tu rất đa dạng đua nhau tìm ơn gọi và lập cơ sở tại Việt Nam.

- Các nhóm “cư sĩ” ngày càng đông: dòng ba Đa Minh, dòng ba Cát Minh, Phan Sinh tại thế, Mến Thánh Giá tại thế,… là những người quyết sống triệt để ba lời khuyên Tin mừng ngay giữa bậc sống giáo dân.

- Ba vị Giáo hoàng của 40 năm qua là ba khuôn mặt “tu hội đời” vĩ đại, tiêu biểu cho những linh mục giáo phận sống triệt để linh hạnh của một dòng tu: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không chỉ là tác giả luận văn Tiến sĩ thần học về Thánh Gioan Thánh Giá mà còn thực sự là một nhà truyền giáo đầy tinh thần chiêm niệm Cát Minh, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một ẩn sĩ Biển Đức ngay giữa lòng đời, Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay vừa là một tu sĩ Dòng Tên vừa thực sự là một khuôn mẫu của người Phan Sinh tại thế, cận vệ của bà chúa Nghèo …

- Trên cấp độ toàn cầu, thêm vào danh sách Thánh gia của Thánh Giuse và Đức Mẹ, đã có hai đôi vợ chồng hiển thánh nữa là ông bà Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) và Maria Corsini (1884-1965) với ông bà Louis (1823-1894) và Zélie Martin (1831-1877), song thân Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tại Việt Nam, Thánh Anrê Kim Thông (với hai người con sống đồi thánh hiến: một linh mục và một nữ tu) có thể là gợi hứng về một linh hạnh cho các “ông bà cố”, Thánh Án Khảm và các vị hiển thánh khác trong gia tộc Phạm Trọng là gợi hứng về một con đường nên thánh cho các dòng họ và gia tộc…

Cần có những thành viên thánh hiến tại thế thuộc các tu hội đời cũng như các “dòng ba” đào sâu nghiên cứu, sống và viết về con đường mình đang đi để kinh nghiệm sống này có thể chuyển dần từ số lượng sang chiều sâu… mở đường cho nhiều tầng lớp những người độc thân, những người lập gia đình và cả các linh mục triều đem tinh thần Tin mừng đảm nhận các giá trị trần thế của các hoàn cảnh khác nhau, các ngành nghề và những môi trường phục vụ khác nhau, để biến tất cả thành những nẻo đường nên thánh và nên những vị thánh lớn.

 Cuối cùng, Thiên Chúa vẫn chiến thắng, nhưng bản thân ta và gia đình ta có để mình bị lôi cuốn theo vật chất, bị uốn nắn theo đó để rồi bị trào lưu ấy giết chết không thương xót chăng? Nỗi lo về tiền của có khiến năng lực bị cạn kiệt, không còn tấm lòng, sức lực và thời giờ để làm những việc phải làm? Hay ngược lại, ta đang can đảm chọn Thiên Chúa Tình Yêu làm cùng đích, can đảm đứng vững trong quyết chọn sống tinh thần nghèo để được Thiên Chúa giáo dục đào tạo qua gian nan thử thách và rồi cuối cùng sẽ tồn tại mãi với Ngài trong hạnh phúc vô biên?

Có những gia đình đã nhiều đời tin Chúa nhưng, do thiếu sự dứt khoát, đã dần dần để mình bị cuốn theo cơn lốc vật chất, rơi từ cảnh êm đềm hòa hợp xuống nguy cơ ghét ghen ly tán. May thay, đức tin vào Thiên Chúa, dù đã bị xói mòn mỏi mệt, vẫn còn âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn, vẫn còn một số ít thành viên quyết không nản lòng bỏ cuộc, nhỏ nhẹ an ủi động viên nhau, dần dần bình an đã trở lại.

Kinh nghiệm của họ nhắc nhở cả bạn và tôi, dù khó khăn tới đâu, cần quyết luôn quả cảm từ trong điều nhỏ, từ những ý nghĩ và lời nói khoan dung đến chỗ dành sự quan tâm và chút thời giờ cho những người mình thương mến.

Đừng để nặng bên tiền, nhẹ bên hiếu.

11. BÊN TIỀN - BÊN HIẾU

9Đức Giêsu còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi, 12và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7,9-13).

Trong bản Mười điều răn được ấn định hơn mười hai thế kỷ trước Chúa giáng sinh, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ được đặt lên hàng đầu trong số các quan hệ giữa người với người (x. Xh 20,12; Đnl 5,16; Ep 6,1-2). Lương tâm nhân loại suốt bao thời đại đâu đâu cũng coi trọng tình hiếu thảo, không chỉ với Cha mẹ mà cả với Ông bà, Tổ tiên. Trong cảnh sống nông nghiệp, ai cũng dễ hài lòng với cái ít mình đang có, người ta dễ cảm thấy an vui và hạnh phúc khi ông bà và cha mẹ đã cao niên cùng sống trong một mái nhà. Thế nhưng khi xã hội chuyển sang cảnh sống công nghiệp, bon chen vội vã, người ta trở nên âu lo, ngày càng khép lại với những nhu cầu bị khuếch đại của cá nhân và của gia đình nhỏ, việc chăm sóc cha mẹ già dần dần bị xem là gánh nặng, phiền toái. Tại phương Tây, rất nhiều bậc cha mẹ bị bỏ rơi và quên lãng trong những nhà dưỡng lão. Tại Việt Nam, nói chung tuổi già vẫn còn được kính trọng, nhưng con số những bậc cha mẹ già phải ngậm đắng nuốt cay cũng đang ngày một gia tăng thấy rõ. Đây là lúc mỗi người trong chúng ta cần nhìn lại vấn đề.

Trong sách giáo khoa lớp Giáo lý Căn bản tại Giáo phận Qui Nhơn, về điều răn hiếu thảo ta đọc thấy những câu hỏi đáp:

- Điều răn thứ tư dạy ta những gì?

- Điều răn thứ tư dạy ta phải thảo kính cha mẹ, sống đúng bổn phận mình trong gia đình, trong Hội Thánh và ngoài xã hội.

- Vì sao ta phải thảo kính cha mẹ?

- Ta phải thảo kính cha mẹ, vì cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục ta, và thay quyền Chúa để săn sóc phần hồn phần xác cho ta.

- Để tỏ lòng thảo kính cha mẹ, ta phải làm những gì?

- Ta phải làm những việc này:

+ Một là phải tôn kính, biết ơn/ và vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng;

+ Hai là khi cha mẹ còn sống, phải lo cho các ngài về phần xác cũng như phần hồn;

+ Ba là khi cha mẹ qua đời, phải lo việc an táng, cầu nguyện và xin lễ cho các ngài.

 

Thật lòng yêu mến cha mẹ, ta muốn cho cha mẹ được điều tốt nhất, “khi cha mẹ còn sống, phải lo cho các ngài về phần xác cũng như phần hồn”. Về phần xác, khi cha mẹ gặp khó khăn, thiếu thốn…, ta có bổn phận phải giúp đỡ. Đặc biệt khi cha mẹ về già, đau yếu không làm được việc gì, ta phải tận tình chăm sóc cơm nước, thuốc thang,... Về phần hồn, ta cần giúp cha mẹ hoàn tất cuộc đời cách tốt lành theo ý Thiên Chúa Tạo Hóa để được về sum họp với Ngài là Nguồn cội đời đời.

Cụ thể, ta nên mời linh mục cho cha mẹ gặp lúc còn tỉnh táo để các ngài giãi bày những gì còn uẩn khúc trong lòng, lãnh bí tích Giải tội, được trợ lực nhờ bí tích Xức dầu và rước Thánh thể Chúa hầu ra đi trong bình an.

Ở đây tôi cũng xin chia sẻ một điều thiết thực khá bất ngờ với nhiều bạn ngoài Kitô giáo. Các bạn có thể thấy lúng túng khi vào cuối đời, cha mẹ tỏ ra tha thiết muốn  tin nhận Chúa và gia nhập Hội thánh. Các bạn thấy khó xử: một bên là nguyện vọng cuối cùng của cha mẹ, một bên là hoàn cảnh cụ thể của con cháu còn ở lại sau khi các cụ ra đi. Để thỏa mãn cả hai, các bạn có thể gặp linh mục xin giúp cho cha mẹ được lãnh bí tích Rửa tội trong âm thầm. Đây là hành vi báo hiếu hết sức thiết thực, qua đó, các bạn có thể đền đáp vượt cả công ơn trời bể của cha mẹ, bởi vì các bạn đang tạo điều kiện để cha mẹ được sinh ra trong cuộc sống mới của người làm con cái Thiên Chúa để được sống với Chúa trong hạnh phúc đời đời. Đó mới là hạnh phúc đích thật, hạnh phúc lớn nhất và tồn tại muôn đời. Thử hỏi còn có cách báo hiếu nào hơn là lo cho cha mẹ được hưởng ơn cứu rỗi đời đời? Cha mẹ các bạn sẽ đi trước để mở đường cho các bạn tiến theo. Nếu chỉ vì sự nghiệp hay lợi lộc trần gian mà ngăn cản cha mẹ về với Chúa thì sẽ là sự bất hiếu lớn nhất trên đời, bởi vì như Kinh thánh có nói: “Được lợi cả thế gian mà mất phần hạnh phúc đời đời thì nào được ích gì? (x. Mt 16,17). Do đó, nếu chính bạn đã thấy tầm quan trọng của vấn đề, bạn cần mạnh dạn trao đổi với cha mẹ để các vị tự quyết chọn lấy định mệnh đời đời của mình lúc các vị còn minh mẫn sáng suốt. Đó chính là lòng hiếu thảo đích thật nhất và ý nghĩa nhất.

Sống hiếu thảo thiết thực nhất cũng còn là sống tốt như cha mẹ mong chờ, làm vui lòng cha mẹ, thực tình giúp đỡ các ngài khi các ngài còn sống. Đừng vô tình họa lại câu ca dao chua chát:

Sống thì cơm chẳng cho ăn,

Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi!