Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói
với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước
trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so
với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết
làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước
thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.
Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển
thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…
(phần 6)
Khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo
đòi ta phải lo an táng tử tế, năng cầu nguyện cho các ngài, cách riêng là bằng
việc xin linh mục dâng lễ. Anh chị em cần biết tương nhượng, bỏ qua tất cả để
yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Ta cũng có thể cúng lễ gia tiên theo truyền thống
dân tộc. Đồng thời, vững tin vào lòng Chúa thương xót, ta cũng có thể xin cha
mẹ cầu nguyện cho trước mặt Chúa.
Không tránh khỏi
chuyện có những người tỏ ra hào phóng trong việc làng, việc họ và việc thờ cúng
Tổ tiên vì ham danh hoặc vụ lợi, chỉ nhằm cầu ơn cầu phúc, tức là với một ý
hướng không ngay lành trong sáng. Những điều chúng tôi nói đây không nhắm tới
những người ấy nhưng nhằm chia sẻ kinh nghiệm với những người làm điều tốt hoàn
toàn vì ý hướng ngay lành nhưng vô tình để cho mình bị thần dữ lừa gạt. Họ tôn
kính Tổ tiên chỉ vì một lòng hiếu thảo chân chính, không chút vụ lợi, đơn giản
là nhớ cha mẹ bao năm vất vả gây dựng cho mình, nay chỉ mong cúng tiến dâng lên
một chút gì để bày tỏ tấc lòng. Đối với những người tốt lành này, thần dữ không
mong đánh gục họ bằng những điều xấu nhưng nó không bỏ cuộc. Nó kiên nhẫn đi
vòng thật xa bằng cách dẫn dụ người ta lạc vào những điều tốt giả hiệu (ta có
thể gọi là những “cám dỗ làm điều tốt”). Nó tạo ra dư luận về những “ma đói”,
“ma khát” cần phải được đơm cúng. Nó cũng tạo ra hình ảnh về một cảnh “siêu
thoát”, “tiêu diêu miền cực lạc” chẳng khác gì mấy với khuôn khổ xã hội trần
gian. Nó khiến người ta quên mất mục đích thật của đời người.
Có rất nhiều người không biết mục
đích thật của đời người, không nắm chắc sẽ có gì ở đời sau, chỉ luôn theo lương
tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sạch mà chọn con đường khiêm nhường, đạo đức
và hy sinh vì họ thấy đó là điều tốt đẹp. Sự chọn lựa hồn nhiên ấy đủ khiến
cuộc sống của họ ở đời này được đơm bông kết trái và đời sau sẽ được ân thưởng
mà không ngờ (x. Mt 25,31-40). Nhiều người khác sống theo nguyên lý nhân quả:
“ở hiền sẽ gặp lành”.
Còn các Kitô hữu thì sống theo nguyên
lý mục đích, tức là nhằm đạt tới điều Thiên Chúa đã hứa là cho họ được mãi mãi
hạnh phúc trong Thiên Chúa: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những
ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con
và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21). Theo giáo lý mạc khải, mục đích thật
của đời người không phải là một cái gì nhưng chính là Đấng Cội nguồn và cũng là
Đích điểm của tất cả.
Dù ý thức mục đích đời người hay
chăng, một khi đến bến đến bờ, cả ba nhóm người ấy đều được đưa vào “hưởng Vương Quốc dọn sẵn
cho họ ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34). Vương quốc ấy không phải là một quốc gia trần thế nhưng chính
là cõi lòng của Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa yêu thương con người, tạo dựng
nên con người để họ được sống với Ngài trong yêu thương. Bao lâu còn ở trần
gian, người ta được gặp gỡ Thiên Chúa trong đức tin, đức trông cậy và đức yêu
mến. Khi hoàn tất cuộc đời trần gian và hoàn toàn được thanh tẩy khỏi lòng ham
mê trần tục, người ta được gặp gỡ Thiên Chúa mặt giáp mặt (1Cr 13,12) và được hiệp
nhất với Ngài trong hạnh phúc đời đời.
“Thiên đàng” và “đời sau” không phải
là được “cái gì” nhưng là được hiệp nhất với Đấng mình yêu mến. Chính sự hiệp
nhất yêu thương với Thiên Chúa trong cõi đời đời định hướng cho cuộc sống ở đời
này: Yêu Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự.
Thần dữ ghen tức với hạnh phúc ấy của
con người, cho nên nó tìm cách đảo lộn lòng người, xúi giục con người dành hết
tấm huyết cho Tiền của vật chất thay vì dành cho Thiên Chúa. Nó khiến nhiều bậc
cha mẹ thương con cách lệch lạc, chỉ biết lo chuẩn bị cho con cái được bảo đảm
về cuộc sống vật chất mà quên mất sự sống siêu nhiên, chỉ nhắm tới cái tương
lai ngắn ngủi trên đời mà quên mất cuộc sống đời đời. Ta cần nhớ lại gương ông
Abraham: Ông yêu thương Isaac và thực hiện cho con điều Thiên Chúa muốn chứ
không phải điều ông muốn.
Và như đã nói trên, thần dữ kiên trì
không biết mệt. Thoạt đầu nó tạo cho người ta nỗi băn khoăn lo lắng không biết
bố mẹ, gia tiên mọi người ra sao... nó thôi thúc người ta phải biết cho được
những bí ẩn về thân nhân đã khuất. Nó vẽ ra những cách “giao lưu” với cõi âm
thật nhanh gọn, chỉ cần mấy cây nhang là
đủ gọi “hồn người chết” về để hỏi xem mình có thể làm gì cho “các vị”. Một cách
“giải quyết” vấn đề rất cụ thể và có thể kiểm tra bằng tai nghe mắt thấy! Người
ta chấp nhận làm điều ấy dù không rõ nó đúng hay sai, không rõ mình đang tin
vào ai, quên rằng như thế là chấp nhận mê tín, tự đặt mình dưới quyền điều
khiển của thần dữ.
Nếu người làm như thế là một tín hữu
Công giáo, họ đã liều lĩnh đi ngược với luật Chúa. Theo giáo lý Công giáo, tấc
lòng tưởng nhớ gia tiên và quan tâm tới hạnh phúc đời đời của các vị là một đòi
hỏi của đạo hiếu. Thế nhưng ta cần biết thực hiện sự quan tâm ấy theo cách Chúa
chờ đợi chứ không phải theo cách người đời nghĩ ra. Ta cần biết giao phó mọi
người đã khuất cho Thiên Chúa, tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Có thể
các vị đã về đến bến bờ là sự hợp nhất toàn vẹn với Thiên Chúa (thiên đàng)
hoặc đang cần được thanh luyện (đang ở “luyện ngục”, đúng hơn, phải dịch là
“luyện trạm”, như thể trạm dừng chân “kiểm tra sức khỏe” của những di dân sắp
được nhập cư). Với các vị đang ở giai đoạn thanh luyện, điều chúng ta cần làm
là nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà cầu
nguyện cho họ. Những linh hồn đang cần thanh luyện khao khát nhận được sự
trợ giúp tinh thần ấy của chúng ta, chứ không phải đói hay khát thứ gì khác.
Lời nguyện tốt nhất là lòng yêu mến Chúa, chứng tỏ bằng những hy sinh và cố
gắng để sống tốt như Chúa muốn; những hành vi từ thiện, việc “xin lễ” cũng chỉ
có ý nghĩa và chỉ đẹp lòng Chúa khi chúng là diễn tả của lòng yêu mến Chúa.
Một Kitô hữu mà lại chạy theo mê tín
thì chỉ là do yếu đức tin hoặc đức tin còn lệch lạc. Thiên Chúa đã tỏ mình qua
lịch sử và trong Kinh thánh là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không có
Thiên Chúa nào khác. Nhiều khi, do học giáo lý sơ sài, người tín hữu mới chưa
gột sạch cách suy nghĩ đa thần phổ biến trong dân gian về “cõi trên”, với một
hệ thống thần linh gồm từ Ngọc Hoàng Thượng Đế cho tới Thiên lôi, Diêm vương,
Hà bá, rồi đủ thứ Mẫu, Cậu, Bà cô, Ông mãnh, Ông Ba mươi, Ông cọp, Cá ông vv…
Thiên Chúa được Giáo hội Công giáo
tuyên xưng trong kinh Tin kính hoàn toàn không có chút gì như thế nhưng là “Cha
toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Mọi loài mọi
vật ta nghe thấy được hoặc không nghe thấy
được đều do Thiên Chúa tạo dựng nên và ở dưới quyền Ngài. Những hữu thể mà ta
gọi là ma quỷ hay thần dữ cũng chỉ là những thiên thần do Thiên Chúa dựng nên
nhưng đã bất tuân, chống lại Thiên Chúa, cho nên bị trừng phạt phải xa cách
Thiên Chúa đời đời. Những thần dữ ấy luôn ghen tức với hạnh phúc của các con
cái Thiên Chúa, chúng tìm mọi cách lừa gạt để người ta rơi vào lầm lạc, đánh
mất hạnh phúc ấy.
Muốn hiểu âm mưu ấy của ma quỷ, ta
chỉ cần đọc lại sự phản phúc của vua Giêrôbôam. Ông này đã được Chúa chọn để
trao trách nhiệm cai quản mười chi tộc Dân Chúa. Thế nhưng lập tức ông đã biến
sứ mạng thành một công cuộc riêng. Ông tự tạo ra một tôn giáo để củng cố quyền
lực riêng của mình:
26Vua
Giêrôbôam nghĩ bụng rằng: “Rồi vương quốc lại trở về nhà Đa-vít mất thôi ! 27Nếu
dân này cứ lên tế lễ tại Đền Thờ Đức Chúa ở Giêrusalem, thì lòng họ lại quay về
với chủ mình là Rơ-kháp-am vua Giuđa, và họ sẽ giết ta để trở về với Rôbôam vua
Giuđa.” 28Sau khi quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi
nói với dân: “Các ngươi lên Giêrusalem như thế là đủ rồi ! Này, Israel, Thiên
Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” 29Vua đặt
một tượng ở Bêthel, còn tượng kia ở Đan. 30Đó là nguyên cớ gây ra tội,
vì dân đi tới mãi tận Đan để thờ một trong hai tượng đó. 31Vua thiết
lập những nơi cao và đặt các tư tế lấy từ đám thường dân, không thuộc hàng con
cháu Lêvi. 32Vua Giêrôbôam còn lập một lễ vào ngày mười lăm tháng
tám, giống như lễ vẫn mừng ở Giuđa, và vua tiến lên bàn thờ. Vua đã làm như thế
tại Bêthel mà dâng lễ tế cho các con bò mộng vua đã làm ra. Vua đặt ở Bết Ên
các tư tế để phục vụ tại các nơi cao mà vua đã thiết lập. 33Vua tiến
lên bàn thờ đã lập ở Bêthel, vào ngày mười lăm tháng tám, tháng vua chọn theo sở
thích; vua lập nên một ngày lễ cho con cái Israel và lên bàn thờ đốt hương (1V
12,26-33).
33Sau sự việc này, vua Giêrôbôam cũng không chịu bỏ đường lối xấu
xa của mình, nhưng vẫn cứ đặt những người dân thường làm tư tế tại các nơi cao.
Ưa ai thì ông phong làm tư tế tại các nơi cao. 34Sự việc này là
nguyên cớ cho nhà Giêrôbôam phạm tội, rồi bị sụp đổ và tiêu ma khỏi mặt đất (1V
13,33-34).
Thiên Chúa của Kinh thánh đã và đang
làm chủ lịch sử và làm chủ cuộc đời mỗi người. Một khi đã nhận biết Thiên Chúa
là Đấng duy nhất và tối cao, người tín hữu tuyệt đối đặt niềm tin tưởng vào
Ngài, phó thác tất cả nơi Ngài. Họ không còn lo âu sợ hãi bất cứ điều gì, bởi
đã biết rõ mình có Thiên Chúa là Cha đầy quyền năng và giàu lòng thương xót,
luôn quan tâm chăm sóc, chở che. Họ không còn khao khát điều gì ngoài Thiên
Chúa là nguồn hạnh phúc vô cùng vô tận.
Phải nhận rằng ngày nay tại Việt Nam,
lắm người mang danh là Công giáo nhưng chưa hiểu đúng về đức tin. Trên lý
thuyết, họ đã theo Chúa nhưng trong tâm thức, họ vẫn còn ôm theo cái não trạng
đa thần và vụ lợi, xem Thiên Chúa chẳng khác nào một thần linh giữa bao thần
linh khác, có trổi vượt hơn các thần khác phần nào nhưng nói chung thì cũng là
thần linh na ná như nhau… Thế rồi khi gặp chuyện gì khó khăn, ốm đau, bệnh tật
hoặc làm ăn thất bại thì họ cũng chạy tìm khấn vái khắp nơi. Họ quên rằng Thiên
Chúa là Đấng Tuyệt đối, mọi thụ tạo khác được phong thần đều chỉ là những ngẫu
tượng, hoàn toàn vô nghĩa trước nhan Ngài.
Thiên Chúa (A) đã tạo dựng nên thiên
thần (B) và con người (C) và muôn loài muôn vật (D), thế rồi những thiên thần
phản loạn (Đ) đã xúi giục con người dựa trên các thụ tạo (B, C và D) nghĩ ra
những tà thần (E) và dạy họ thờ tà thần thay cho Thiên Chúa, tức là đem sản
phẩm (E) của sản phẩm (C và Đ) thay thế cho Đấng Tạo Hóa (A).
Cả cái ý tưởng “vô thần” vĩ đại cũng
chỉ là một tà thần, là một sản phẩm hạng bét của con người, như có viết trong
sách Thánh vịnh: “Kẻ ngu si tự nhủ: “Làm chi
có Chúa Trời !” (Tv 13,1). Thế nhưng, như người ta
vẫn nói: “Văn mình thì hay”, hễ điều gì mình nghĩ ra được thì đều tự cho là hay
nhất, tốt nhất thiên hạ, cứ bảo vệ đến cùng, không chịu buông bỏ. Thách đố lớn
nhất của con người là làm sao ra khỏi được cái chủ quan của mình. Chỉ những ai
sẵn lòng chìm vào thinh lặng để nghe tiếng nói nội tâm, mới hiểu được điều Chúa
nói trong Kinh thánh: “8Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của
các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. 9Trời
cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và
tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9.
Khi cung cấp những câu trả lời được
cho là từ cõi âm, thần dữ lừa dối để đổi trắng thay đen, nhằm đẩy những kẻ tò
mò vào những quan niệm sai lạc liên quan tới Thiên Chúa. Thiên Chúa tự Ngài là
Mục Đích cuối cùng mọi loài phải nhắm đến. Thần dữ tìm cách thay vào đó một
“Thiên Chúa phương tiện” có chức năng phục vụ mọi nhu cầu của con người. Nó
củng cố nơi kẻ tò mò quan niệm về một Thiên Chúa nằm trong quyền sai khiến của
con người, một Thiên Chúa đáp ứng đúng những điều bản thân họ đang cần, để họ
mê mẩn vào đó và sao nhãng việc thờ phượng Thiên Chúa đích thật là cội nguồn và
đích điểm của mọi loài, là chủ lịch sử và chủ cuộc đời mỗi người.
Ngày xưa, đa số
người dân không có điều kiện đi học. Mỗi khi gặp việc hệ trọng, họ thường tìm
hỏi ý những người học nhiều hiểu rộng. Những người có điều kiện học hành, sẽ
vận dụng kiến thức của mình để vừa giúp đời vừa mưu sinh. Ai thành đạt thì làm
quan. Ai không đậu đạt làm quan thì về dạy học (nho) hoặc làm thầy thuốc (y),
những người ít tài giỏi hơn thì coi phong thủy, địa lý (lý) và kém hơn nữa thì bói toán, coi ngày
giờ, số mệnh (số).
Các thầy địa lý
và và bói toán ấy tạo thế giá cho ý kiến của mình bằng những lý luận dựa trên
kinh Dịch.
Bên cạnh luồng
tư vấn nhờ các thầy địa lý và và bói toán, dân gian tự đúc kết kinh nghiệm bằng
kho tàng ca dao tục ngữ phong phú, thâm thúy và ý nhị, dạy người ta tự cân nhắc
để “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Ngày nay, nghệ thuật ứng xử dân gian lại
được gói gọn trong kinh nghiệm ba bước “xem xét làm”. Người học sinh ngay từ
nhỏ được tập quen ứng xử trong những chuyện nhỏ theo ba bước xem xét làm thì về
sau trong việc lớn sẽ quan sát đúng, nhận định đúng và hành động đúng, thu xếp
công việc đúng hoàn cảnh khách quan, chẳng cần phải nhờ ai coi ngày, coi giờ.
Là những tín hữu
của Chúa, ngoài lý trí và lương tâm, chúng ta còn được ân sủng của Chúa Thánh
Thần soi dẫn. Nguồn ánh sáng chính xác này luôn gần gũi bên ta. Bắt đầu một
ngày mới, ta tạ ơn Chúa Thánh Thần và xin Ngài soi sáng hướng dẫn. Nhiều lần
trong ngày, trước mỗi khi học bài, trao đổi thảo luận hay làm bất cứ việc gì
khác, ta nên dừng lại vài giây phút, hướng lòng lên cầu nguyện xin ơn Chúa
Thánh Thần.
Bắt đầu bằng
việc xin ơn Chúa Thánh Thần như thế có nghĩa là “xin cho ý Cha được thể hiện”,
chúng ta muốn tìm ý Thiên Chúa thay vì ý riêng, vì tin rằng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta và đang muốn ban cho chúng ta điều tốt cao quý gấp bội điều tốt
ta có thể nghĩ ra cho mình: “Thiên Chúa có thể dùng
quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu
xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Nói khác đi, ta quyết làm theo ý Chúa, không
đòi Chúa làm theo ý ta. Từ nơi quyết chọn căn bản ấy, ba bước xem xét làm của
ta sẽ có nét riêng của người Kitô hữu:
- Xem
không chỉ là nắm bắt các thông tin và sự kiện nhưng còn là lắng nghe điều Chúa
nói với ta.
- Xét là
cân nhắc theo các tiêu chí của Tin mừng, không theo sự khôn ngoan thế gian
nhưng theo sự khôn ngoan thập giá: nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh, hướng
tới mục đích lâu dài của đời người.
- Làm
là hành động với tinh thần hy sinh hào hiệp, bỏ mình vì Chúa và vì ích chung
của mọi người, tức là với tinh thần của đức tin và lòng mến, dựa trên ơn Chúa.
- Nhìn
lại: Người đời, do dựa
trên ý riêng, sức riêng và thiện chí giới hạn, hoặc thành công hay thất bại,
đưa tới tự hào hoặc thất vọng.
è Chiêm ngắm: Với người Kitô hữu, cả ba bước xem, xét và làm đều dựa
trên ba nhân đức hướng thần tin, cậy và mến; đồng thời cũng có thể nói: xem
trong đức tin, xét theo đức cậy và làm với đức mến.
Một cách cụ thể,
mỗi tối trước khi ngủ, ta nên đọc đoạn Lời Chúa của thánh lễ hôm sau, đọc chậm,
suy nghĩ rồi đối thoại với Chúa. Những câu Kinh thánh ấy được ghi sẵn theo
lịch, từ nhiều chục năm qua, mỗi ngày không biết bao nhiêu triệu người đang đọc
cùng những câu ấy, có vẻ hoàn toàn tình cờ, không ăn nhập gì với cuộc sống thực
tế hiện tại của từng người. Thế nhưng, lạ thay, ở đó lại có sẵn ánh sáng chính
xác đang cần thiết cho mỗi một người. Bạn hãy thử và sẽ thấy rằng quả thật
Thiên Chúa đang ở với ta và đang nói với mỗi người chúng ta.
Bạn sẽ thấy
chẳng cần gì phải hỏi thầy tướng số, cũng chẳng cần gì phải hỏi ý gia tiên.
Khi người thân
vừa mất, do nhớ thương, ta dễ nằm mơ thấy họ và có thể gặp trường hợp quen gọi
là “báo mộng”. Khi những giấc mơ này thành hiếm hoi, lắm người ao ước tiếp tục
được “giao lưu” với người thân nên tìm cách gọi hồn. Có thể là họ không nhằm
cầu xin gì cả, chỉ gọi để hỏi xem tổ tiên dạy gì; đứng trước các quyết định
lớn, họ mong hỏi ý gia tiên. Ông bà cha mẹ đã hy sinh cuộc đời cho con cháu cho
nên, trước những điều hệ trọng, con cháu muốn lắng nghe tiền nhân thử xem mình
phải làm gì tốt cho gia tộc và cho các thế hệ sau.
Với những người chưa được giáo lý mạc
khải của Chúa soi sáng, suy nghĩ và hành động như thế lắm khi thật cần thiết,
vì không biết phải làm cách nào khác hơn. Nhiều người đã tin Chúa mà chưa hiểu
rõ giáo lý cũng làm như thế và khi được toại nguyện thì nghĩ đó là do ơn Chúa
và thấy lòng thêm phấn khởi thờ kính Chúa. Những trường hợp ấy chẳng những
không có gì đáng trách, ngược lại, còn đáng trân trọng vì người ta đã hành động
đúng theo lương tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sạch.
Điều đáng nói là người ta không ngờ
rằng thần dữ đang thổi phồng tầm quan trọng của một trạm nghỉ chân để người ta an
tâm dừng lại, nó thổi phồng một đời Tổ để người ta quên Đấng là nguồn cội của
mọi nguồn cội (x. Ep 3,14-15).
Thế nên một khi đã được đức tin soi
sáng, ta cần xác tín rằng Thiên Chúa muốn nói thẳng với ta chứ không qua trung
gian gia tiên hay nhà ngoại cảm nào cả. Chính Chúa Thánh Thần có cách soi đường
chỉ lối, tận trong cõi lòng, chỉ cần tin cậy Ngài thật lòng là ta sẽ nhận được
ánh sáng. Đừng để bị thần dữ đánh lừa, nó hối thúc ta khiến ta nôn nóng, muốn
có ngay đáp số đang mong ước và đẩy ta tin theo những cách mách bảo khác, tức
là tin vào thụ tạo, thay vì tin vào tình thương yêu chăm sóc của Thiên Chúa.
Tương tự như thế, lòng thành của
những gia đình bán nhà bán cửa để chỉ mong tìm được hài cốt thân nhân là thiêng
liêng lắm. Vì tấm lòng thành ấy mà họ đi nhờ các nhà ngoại cảm thì các linh mục
cảm thương và tôn trọng, không dám cản ngăn. Thế nhưng lòng thành ấy không thể
là lý do để Giáo hội phải bảo rằng việc gọi hồn hoặc nhờ tới các nhà ngoại cảm
là chuyện đúng với giáo lý đạo Chúa.
Tôi xin được nói rõ hơn đôi chút về
giáo lý này.
Từ xa xưa, người Việt đã từng nghĩ
tới thực tại sau cùng với bốn yếu tố khá trùng hợp với Kitô giáo là: chết, phán
xét, thiên đàng và hỏa ngục. Tuy nhiên, nơi cả bốn yếu tố ấy, mạc khải Kitô
giáo có cái nhìn hết sức khác biệt:
- Chết: không chỉ là về với Tổ tiên
nhưng trên hết là về với Thiên Chúa Tạo Hóa là Nguồn cội đời đời
- Phán xét: Việc này xảy đến cho từng
người liền sau khi chết, không không phải do một “viên quan” nào đó đứng ra lo
nhưng là chính Thiên Chúa Tối Cao Hằng Hữu đích thân phán xét.
- Thiên đàng: là tình trạng không chỉ
dành cho “những
người hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn được thấm nhuần bởi Thiên Chúa, và do đó,
hoàn toàn cởi mở cho tha nhân” (Thông điệp Spe salvi, số 45) mà còn dành cả cho
những người “sự dơ bẩn lấn át sự trong sạch, nhưng vẫn tiếp tục khát khao sự
thuần khiết” và được sự gặp gỡ Đấng Phán xét “cải biến và giải thoát, khiến cho
trở nên con người chính thật của mình” (Sđd, số 46). Thiên đàng không chỉ là “nhà Trời” nhưng là tinh trạng được hiệp
nhất với Thiên Chúa trong hạnh phúc đời đời.
- Hỏa ngục: là tình trạng dành cho “những con người mà mọi thứ trong đời
họ đều là dối trá,.. những con người đã sống cho thù hận và đè bẹp mọi thứ tình
yêu trong lòng họ… những con người mà
nơi họ mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tàn lụi điều thiện trong họ không thể nào
đảo ngược lại…” (Thông điệp Spe salvi, số 45). Hỏa ngục không chỉ là một sự trừng phạt (“ngục lửa”) mà trước hết là phải
xa cách Thiên Chúa hằng sống và đầy yêu thương.
- Luyện ngục: dành cho những trường
hợp cần đến một giai đoạn trung chuyển từ phán xét tới thiên đàng, một trạm dừng
chân để thanh luyện cho thật xứng đáng hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa.
Đó là tình trạng mà “cái nhìn của Chúa, sự va chạm của trái tim Ngài chữa lành chúng
ta qua một một biến cải chắc chắn là đau đớn “như đi qua lửa”. Tuy nhiên đó là
một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Ngài
xuyên thấu chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính
mình và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Chúa… Chúng ta không thể đo lường “thời gian”
của sự thiêu đốt biến cải này bằng những đơn vị đo lường thời gian của trần thế”
(Sđd, số 47).
Ngoài ra còn có những yếu tố hoàn
toàn mới so với cái nhìn của những người Việt thờ cúng Ông bà Tổ tiên:
- Ngày kết thúc lịch sử, thể xác mọi
người sẽ chỗi dậy để cùng chịu phán xét chung.
- Đây là cuộc xét xử công khai dành
cho tất cả, trước mặt hết thảy mọi người. Chính Chúa Giêsu phác họa viễn cảnh
ấy như sau:
31“Khi Con Người đến trong vinh quang của
Ngài, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển của
Ngài. 32Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Ngài, và Ngài sẽ
tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33Ngài sẽ
cho chiên đứng bên phải Ngài, còn dê ở bên trái. 34Bấy giờ Đức Vua sẽ
phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến
thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta
là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã
cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi
han.” 37Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có
bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có
bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?
39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han
đâu?” 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các
ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các
ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người
ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời
đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42Vì xưa Ta
đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43Ta
là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không
cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” 44Bấy
giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà
không phục vụ Chúa đâu?” 45Bấy giờ Ngài sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo
thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người
bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” 46Thế
là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng
sự sống muôn đời.”
(Mt 25,31-46)
Ngày ấy không phải chỉ mọi hóa đơn
đỏ, mọi công thức thực phẩm độc hại, mọi lời khai báo man trá đều bị phơi trần
trước mặt mọi người mà cả đến những ý nghĩ mưu mô thầm kín cũng chẳng còn giấu
được ai nữa. Cuối cùng tất cả tâm địa, tất cả đời sống của mỗi chúng ta đều
phơi bày trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Không còn gì để khiếu nại, để lấp
liếm; mọi sự đều rõ hơn giấy trắng mực đen.
Đó là ngày không ai thoát được, kể cả
những người theo thuyết duy vật và luân hồi. Đó là lúc biểu lộ thực trạng, lúc
mà trật tự thực sự sẽ được lập lại, mọi sự được đặt vào đúng thứ tự. Có những
người trước kia ai cũng khen là đạo đức, bây giờ bị vạch mặt. Có những người
từng hét ra lửa, bây giờ run lẩy bẩy. Có những người bị đời khinh chê phỉ nhổ,
bây giờ được ngưỡng mộ. Lắm kẻ vô danh bây giờ được đề cao, ca tụng. Đây là giờ
của sự thật. Trong cuộc sống, người ta bị che đi vì nhiều cái vỏ, bây giờ mọi
cái vỏ đều bị đập bể, tất cả lộ nguyên hình, người nào vào chỗ nấy (x. Mt 21,31-32).
Tuy nhiên Đấng Thẩm phán chẳng bận
tâm tới gì tới những tiểu tiết mà nhiều người đang tò mò muốn biết. Mọi thành
tích lớn lao trước mặt người đời đều vô nghĩa trước mặt Ngài. Chúa chỉ nêu cao
một tiêu chí mang tính quyết định: tình yêu thương. Cái tiêu chí bất ngờ ấy
khiến một nửa nhân loại khóc òa trong an ủi và một nửa thét lên kinh hoàng
tuyệt vọng.
Kết quả phán xét riêng của từng người
được giữ kín cho tới ngày cuối cùng, là quyền của Thiên Chúa, không ai biết
được tình trạng thưởng hay phạt của người đã khuất trước ngày Thiên Chúa bày
tỏ. Do đó ta cần tin tưởng phó thác mọi người đã khuất cho tình thương của
Thiên Chúa, không được phép và cũng không thể nào gọi hồn người xưa về lại trần
gian để thỏa mãn những tò mò hoặc những âu lo vô ích của ta.
“Việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa là để dâng lời cảm tạ Chúa
đã giải thoát các bậc Tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa là để cầu xin ơn
giải thoát cho những người đang cần được thanh luyện, quen gọi là cầu hồn. Đối
với những người mới qua đời, ta nên nhấn mạnh tới việc cầu hồn, còn đối với
những người đã qua đời lâu năm, ta có thể chú trọng hơn tới việc dâng lời cảm
tạ Chúa nhân từ đã thứ tha và giải thoát. Ngoại trừ những trường hợp được thẩm
quyền Hội thánh tuyên thánh (phong thánh), ta không thể chủ quan khẳng định
người này hay người nọ đã được hoàn tất thời kỳ thanh luyện rồi hay chưa. Bởi
lẽ chúng ta đang sống trong một thế giới lệ thuộc không gian và thời gian, còn
tiền nhân đã khuất đang thuộc về một thế giới vượt ngoài không gian và thời
gian, do đó lấy ý niệm “rồi” và “chưa” theo cách ta quen suy nghĩ ở đời này đem
áp dụng cho thế giới đời sau không khỏi có phần khập khiễng. Nói đến đời sau là
ta đang chạm đến những mầu nhiệm vượt khỏi mọi ý niệm cân đo đong đếm. Cũng nên
nhớ rằng ngay cả những người tốt lành đã chết mà chưa chịu phép thánh tẩy, ta
vẫn có thể tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ
trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, “vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1
Tm 2,4).
Cũng đừng quên rằng ta có thể cầu nguyện với những bậc Tổ tiên
đang được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Nói đúng hơn, ta có thể xin họ cầu
nguyện với Chúa cho ta. Khi còn sống, họ đã yêu thương cầu nguyện cho ta, thì
khi đã về với Chúa, họ còn yêu thương ta hơn và lời cầu nguyện của họ còn hữu
hiệu hơn.”
Đó là một đoạn trích từ quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo (trong
Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn, Nhà Xuất bản Hồng Đức 2018, mục nói về
ngày giỗ, trang 337).
Thưa bạn, khởi từ mấy câu hỏi đơn
giản, câu chuyện của chúng ta đã lan man vừa đi vừa tránh những ngộ nhận đáng
tiếc để khỏi bị thần dữ đánh lừa. Một số ngộ nhận ấy là do nhiều người hiểu
chưa đúng huấn thị của Giáo hội Công giáo chấp thuận cho các tín hữu Á Đông
được tôn kính Ông bà Tổ tiên theo tập tục văn hóa và đạo lý dân tộc. Do thiếu
một quyển chỉ nam hướng dẫn cụ thể, nhiều người tưởng rằng mọi tục lệ của cha
ông xưa giờ đây đều trở thành được phép, không có gì phân biệt. Bạn đọc nào
muốn nắm vững cách thực hành hiện nay của người Công giáo, xin mời trực tiếp
đọc quyển Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo.
Quyển sách này đã được Đức Cha Phaolô
Nguyễn Văn Hòa cho imprimatur và Tòa Giám mục Nha Trang ấn hành lần đầu vào năm
1997. Qua hai mươi năm, với sự giúp đỡ của Giáo quyền và các chuyên viên, chúng
tôi đã chỉnh sửa lại toàn bộ. Nay, được Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, trong tư
cách là Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
viết lời giới thiệu, và Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cho imprimatur
mới, chúng tôi vừa cho in lại.
Quyển sách có thể là một điểm gặp gỡ
lý thú cho người lương và người giáo. Những chỗ giống nhau và khác nhau trong
thực hành sẽ giúp ta dễ đối chiếu đức tin của người Kitô hữu với những tin
tưởng của nhiều giới đồng bào xung quanh, và có thể nhờ đó mà thấy thêm ánh
sáng cho những vấn đề chúng ta trao đổi.
Quyển sách sẽ cung cấp những chỉ dẫn
rõ ràng chính xác cho từng dịp cúng gia tiên, ngày tang, ngày giỗ. Ở mục 13 tức
phần 7 tiếp đây, chúng tôi xin trích nguyên văn phần hướng dẫn tổng quát trong
quyển này về việc tôn kính Tổ tiên để bạn đọc có một cái nhìn chung. Ai quan
tâm muốn biết rõ hơn, xin tìm đọc các phần khác trong quyển sách.