ĐỨC TIN, ĐẠO HIẾU VÀ ĐỒNG BÓNG

Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.

Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…

(phần 7)

13. TÔN KÍNH TỔ TIÊN THEO SÁCH “KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH VÀ GIA LỄ CÔNG GIÁO”

Trước khi đề cập huấn thị của Tòa thánh chấp thuận cho các Kitô hữu Á Đông bày tỏ lòng tôn kính Tổ tiên theo hình thức cổ truyền, xin được nói qua về truyền thống này trong văn hóa Việt Nam.

A. VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG TÔN KÍNH TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

* Bàn thờ gia tiên, gian thờ, từ đường

Tùy hoàn cảnh từng gia đình và gia tộc, nơi dành để tưởng nhớ gia tiên có thể là một bàn thờ, một gian thờ hay một từ đường. Từ đường diễn nôm ra là nhà thờ. Tuy nhiên, tại nhiều nơi có phân biệt, tiếng “từ đường” được dùng để chỉ nhà vị trưởng tộc có gian thờ, còn tiếng “nhà thờ” được dùng để chỉ một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ phụng tổ tiên, không có ai ở. Trên bàn thờ có thần chủ (bài vị), ghi tên, tuổi, chức danh các vị tổ đã khuất. Ngày nay, nhiều nơi thay các bài vị bằng di ảnh người đã khuất.

* Gia phả

Gia phả là quyển sách ghi nhớ các thành viên trong gia tộc. Ngày xưa, gia phả viết bằng chữ Nôm, chỉ ghi tên những người đã khuất, theo từng nhánh, qua từng thế hệ. Gia phả được coi như báu vật thiêng liêng, cất trong hộp sơn son thếp vàng, để trên bàn thờ gia tiên. Hàng năm vào buổi chiều trước ngày giỗ chung, người ta “thỉnh” gia phả xuống và ghi thêm tên tuổi những người mới chết trong năm qua với ngày kỵ giỗ theo âm lịch. Ngày nay, gia phả viết bằng chữ Quốc ngữ, có thể ghi tên cả những thế hệ con cháu còn sống, với đầy đủ hình ảnh, tiểu sử, cả các cháu nhỏ, và in sao thành nhiều bản phân phối đến các tiểu gia đình trong gia tộc.

* Giỗ bốn đời

Người xưa bảo: “Ngũ đại mai thần chủ”, nghĩa là hễ đến năm đời thì đem chôn bài vị của cao tổ đi mà nhấc lần các vị tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem vị tổ mới qua đời của thế hệ tiếp theo đặt vào vị trí thứ tư.

Như vậy là chỉ làm giỗ có 4 đời (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ. Từ bậc “Cao” trở lên được gọi chung là tiên tổ thì không làm giỗ riêng nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế (tế hiệp hay xuân thủ), hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thủy tổ.

* Ngày giỗ

Ngày giỗ là lễ kỷ niệm ngày qua đời của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ngày xưa người ta tính theo âm lịch, ngày nay nhiều gia đình tính theo dương lịch cho dễ nhớ. Ngày giỗ cũng còn gọi là ngày “kỵ”.

Ngày giỗ, ngoài việc thăm phần mộ, sẽ tùy gia cảnh và tùy vị trí người đã khuất mà làm giỗ. Đây là dịp gặp mặt người thân trong gia đình và dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống nhằm giữ gìn gia phong. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, trò chuyện tâm tình. Ngày nay, nếp sống khác xưa, việc giỗ nơi nào cũng chỉ cốt giữ lại những điều chính yếu, không theo sát từng chi tiết ngày xưa. Ở đây xin ghi lại những nét lớn để mỗi gia đình hay gia tộc tùy nghi chọn những chi tiết hợp với hoàn cảnh của mình.

* Việc cúng giỗ

Do thương nhớ người đã khuất, có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Khi đã nguôi thương nhớ thì chỉ làm như vậy trong những ngày kỷ niệm. Từ đó ta hiểu việc bày biện thức ăn trong ngày tưởng nhớ không phải vì nhu cầu của người chết nhưng là của người sống. Người sống muốn dùng những dấu hiệu cụ thể để bày tỏ tình thân thương như thể người đã khuất nay lại đang hiện diện trong gia đình.

Theo hướng ấy, ngay từ chiều hôm trước ngày giỗ, con cháu đã sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên bàn thờ gia tiên, gọi là “lễ tiên thường” (nghĩa là nếm trước), như thể gia tiên đã về với con cháu. Còn trong chính ngày giỗ, người ta cúng vào buổi sáng, lúc gần trưa.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải đông người hoặc phải có bữa ăn mới là làm giỗ. Sự tưởng nhớ là chính. Khi thiếu điều kiện thì dù chỉ có một mình, chỉ một bó hoa, một nải chuối hoặc thậm chí chỉ một cây nhang hay không có gì cả, chỉ yên lặng tưởng nhớ với cả tấm lòng thành cũng đã đầy ắp ý nghĩa rồi.

* Nghi thức cúng Gia tiên

Khi cúng thì chủ gia đình bày đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, sẽ đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyện, v.v… Riêng tên người quá cố ta phải khấn thật nhỏ. Sau khi khấn rồi, tùy theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy.

* Vài định nghĩa

Về nghi thức, truyền thống xưa được diễn tả qua bốn động từ: cúng, lạy, khấn và vái. Cả bốn động từ này đều có ý nghĩa trong sáng, ta cần biết rõ để khỏi lúng túng hoặc hiểu lầm. Trong bài viết đáng tin cậy tựa đề “Nguyên tắc cúng, khấn, vái và lạy” đăng ở dactrung.net và được một số trang khác lấy lại, tác giả Khải Chính Phạm Kim Thư giải thích bốn động từ này, có thể lược tóm như sau:

a. Cúng

Cúng là dâng lễ vật để tỏ lòng biết ơn và khẩn nguyện. Dịp giỗ, Tết, gia chủ bày hoa quả, nước, rượu, cỗ bàn, chén bát, đũa, muỗng lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến, khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu kính và cầu phước lành. Thường thì khi cúng gia tiên người ta dùng thức ăn của bữa cơm (cúng mặn) nhưng ngày nay nhiều nơi chuyển sang thức ăn khô gọn nhẹ với bánh trái (cúng chay). Hình thức cúng đơn giản nhất thắp nhang (hương), khấn, lạy và vái.

b. Khấn

Khấn là cầu khẩn lầm rầm trong miệng khi cúng, tức là khẽ nêu lên những chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.

Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là cách chào kính cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy.

c. Vái

Vái (hay bái) thường được thực hiện ở thế đứng, chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Vái dùng để tỏ lòng kính trọng hoặc lễ nghi lịch sự, dành cho bạn bè và người quen.

d. Lạy 

Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác trong nghi lễ dành cho Trời hoặc những người trực tiếp liên quan đến sự sống của ta như vua, cha mẹ hay thầy dạy. Người ta cũng có thể lạy ân nhân đã cứu mạng.

Có hai thế lạy: Thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà.... Thế lạy của đàn ông có điều bất tiện là khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có một số vị cao niên khăn đóng áo dài còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ, còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi. 

Những ghi nhận trên đây của tác giả Phạm Kim Thư cho thấy với người Việt ngày nay, cử chỉ sụp lạy không còn quan trọng như xưa.

* Lạy hay vái, và mấy lần

Người Tàu chỉ lạy ba lạy hay vái ba vái trong mọi trường hợp. Chỉ riêng người Việt mới phân biệt số lần lạy và vái với ý nghĩa như sau:

- Khi phúng điếu, nếu ta là vai dưới của người quá cố thì ta lạy, nếu là vai trên của người quá cố thì ta chỉ vái.

- Khi chưa chôn thì người quá cố được coi như còn sống, nên chỉ áp dụng hai lạy hoặc hai vái (tựa như khi cha mẹ còn sống, cô dâu hoặc chú rể lạy cha mẹ hai lạy). Khi người quá cố được chôn rồi, thì dùng bốn lạy hoặc bốn vái.

Trong lễ giỗ, cũng dùng bốn lạy và bốn vái. Những con số hai và bốn chỉ là theo thói quen, được một số người giải nghĩa theo nguyên lý âm dương.

Nếu vái thêm sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này là sự chào kính, không có ý nghĩa nào khác.

B. HUẤN THỊ CỦA TÒA THÁNH

Năm 1939, ngày 8-12, với huấn thị “Plane compertum est”, Tòa thánh chấp thuận cho các tín hữu Công giáo Trung Hoa được tôn kính Ông bà Tổ tiên theo tập tục văn hóa và đạo lý dân tộc.

Huấn thị này ngắn gọn, chỉ hơn hai trang. Lời mở đầu ghi nhận rằng theo thời gian, các phong tục và ý tưởng đã có những biến đổi, chỉ còn mang ý nghĩa dân sự, với ý nghĩa lịch sự trong các tương quan xã hội, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, yêu mến tổ quốc. Tiếp đó là 4 số ghi chỉ thị.

Số 1-3 nói về những nghi lễ công cộng đối với Đức Khổng Tử: Những tín hữu là nhân viên nhà trường và học sinh khi phải tham dự, sẽ thi hành cách thụ động với ý tưởng duy nhất là để tôn kính theo nghi lễ hoàn toàn dân sự; nếu thấy cần thì sẽ tuyên bố rõ ý hướng ấy để tránh hiểu lầm.

Số 4 liên quan đến việc tôn kính Tổ tiên: “Tất cả những cử chỉ cúi đầu và những biểu lộ tôn kính khác có tính cách xã hội trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ, đều phải coi là được phép và xứng hợp”.

Huấn thị không nhằm phục hồi nguyên trạng những chuyện đời xưa cũng không xác định các hình thức nhưng chỉ nêu lên những nguyên tắc về tinh thần.

Năm 1964, huấn thị này được áp dụng cho tín hữu Việt Nam.

C. NGƯỜI CÔNG GIÁO TƯỞNG NHỚ GIA TIÊN

Lễ gia tiên là một cách thể hiện tình hiệp thông với những người đã ra đi trước chúng ta. Hằng ngày người Công giáo tưởng nhớ gia tiên tại nhà mình khi thắp hương trên bàn thờ Ông Bà và tại nhà thờ khi dâng thánh lễ. Việc tưởng nhớ này được đặc biệt nhấn mạnh vào ngày thứ Hai hằng tuần, vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, ngày mùng 2 tháng Mười một dương lịch và suốt tháng Mười một này.

Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của các tổ phụ. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống (Mt 22,32). Bên kia cái chết, những bậc tiền nhân nào đã thực sự “sống khôn thác thiêng” đều đang sống trong Thiên Chúa. Các tín hữu ở trần gian kết hợp với họ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Do đó, khi nhớ đến gia tiên tổ phụ, người Công giáo không làm một sự thờ phượng ở ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Ep 3,14). Đàng khác, khi nhớ đến các tổ tiên theo huyết thống, người công giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.

Người Việt Nam có thói quen rất tốt: Mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ. Người tín hữu công giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô giáo.

Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Mà đã có bàn thờ thì nhớ thắp hương, đừng để hương tàn khói lạnh. Ngày tết ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Những thời khắc quan trọng, nên thắp nến sáng trọn buổi.

Về hình thức, chỉ cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp các cháu nhỏ học được lòng biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hóa.

D. TRƯỚC THỤ TẠO, TA CHỈ VÁI KÍNH CHỨ KHÔNG SỤP LẠY

Hầu hết các tài liệu trên mạng internet đều tán đồng ghi nhận của tác giả Phạm Kim Thư (dactrung.net): “Hiện nay chỉ có mấy vị cao niên còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.”

Ghi nhận ấy cho thấy trong cái nhìn của người Việt ngoài Kitô giáo, việc sụp lạy chỉ là một cách bày tỏ sự tôn kính dành cho thụ tạo (cha mẹ, ông bà, tổ tiên) chứ không có nghĩa là bày tỏ sự tùng phục của thụ tạo trước Thiên Chúa Tạo Hóa.

Tuy nhiên, thần học Kitô giáo dùng hai từ khác nhau để diễn tả hai thái độ nội tâm khác nhau: “Thờ lạy” là thái độ thần phục của thụ tạo đối với Tạo Hóa, còn “tôn kính” là thái độ khắc ghi niềm yêu kính tận đáy lòng đối với những người trên trước.

Cử chỉ sụp lạy diễn tả một sự tôn kính với cả tâm hồn, nó gợi nhớ đến lệnh truyền: yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12,30), và có thể phần nào diễn tả thái độ “thờ lạy” nói trên. Trong thực tế, việc sụp lạy này chỉ được thể hiện trong giờ nguyện ngắm riêng, còn trong việc cầu nguyện chung thì không dùng đến. Dù vậy người Kitô hữu chúng ta muốn dành riêng cử chỉ này cho Thiên Chúa Tạo Hóa và khoác cho nó ý nghĩa một sự phó thác tất cả và thuận phục hoàn toàn. Theo hướng ấy, trong nghi lễ gia tiên cũng như trước quan tài hay di ảnh người quá cố, các Kitô hữu thường chỉ vái kính chứ không sụp lạy.

Về số lần, người Công giáo có thể vái bốn vái theo tập tục dân gian, mà cũng có thể vái ba vái trong tâm tình hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi để cảm tạ hoặc cầu nguyện cho người đã khuất.

Đ. NGƯỜI KITÔ HỮU PHÂN BIỆT “THỜ” VÀ “KÍNH”

Trong các ngôn ngữ phương Tây, thần học Kitô giáo dùng một động từ diễn tả thái độ thần phục tuyệt đối trước Thiên Chúa Tối Cao, đem chuyển sang tiếng Việt có thể dịch là “thờ lạy”. Động từ “thờ” (λατρία, latria, worship, adorer) được dành riêng cho Thiên Chúa Ba Ngôi, còn “kính” (δόλια,, dulia, venerate, vénérer) được dành cho các thánh; tuy nhiên, “biệt kính” (ηυπερδύλια, hyperdulia, specially venerate, vénérer spécialement) được dành cho Mẹ Maria.

Trong tiếng Việt, chữ “thờ” vừa dùng để diễn tả thái độ đối với thần linh, vừa dùng để diễn tả tâm tình kính trọng chân thành và bền bỉ đối với người trên mà mình tôn quý: thờ vua, thờ chồng, thờ cha kính mẹ. Từ điển Đại Nam quốc âm tự vị định nghĩa “thờ là kính trọng, tôn trọng, hết lòng cung kính hoặc lập bàn riêng mà tôn kính”. Như thế, tự nó, chữ “thờ” trong tiếng Việt không tương đương với “(λατρία, latria” trong tiếng Hy Lạp, “adorare” trong tiếng Latin, “adorer” trong tiếng Pháp hoặc “worship” trong tiếng Anh. Thế nhưng vì chữ “thờ” lột tả được sự tôn kính “hết lòng” dành cho một vị mà mình coi là không thể thay thế được, ngay từ rất sớm, người Kitô hữu Việt Nam đã dành riêng chữ “thờ” (và những từ kép của nó: thờ phượng, thờ lạy, kính thờ, tôn thờ) để diễn tả sự thần phục tuyệt đối dành cho Thiên Chúa, còn đối với mọi thụ tạo khác thì các Kitô hữu dùng từ “tôn kính” hoặc “tôn sùng”. Nói cách khác, đang khi người ngoài vẫn dùng chữ “thờ” theo ý nghĩa cũ, các Kitô hữu mặc cho chữ ấy một ý nghĩa mới, dành riêng để diễn tả tâm tình hiếu thảo ta phải có đối với Thiên Chúa. Trong quyển này, chữ “thờ” và chữ “kính” được dùng với ý nghĩa phân biệt như thế.

E. NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH KHÁC

Lịch sử mỗi dân tộc, mỗi gia tộc, mỗi gia đình và mỗi người đều diễn tiến trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa, từ Thiên Chúa mà đến rồi lại về với Thiên Chúa. Khi chưa nhận biết Thiên Chúa, người ta không biết cuối cùng mọi sự đi về đâu, cho nên hễ có việc thì lo nhờ người tìm giờ tốt, tránh giờ xấu, tính đến tương quan gắn kết thì sợ không hợp tuổi... Người Kitô hữu không chút bận tâm tới những chuyện ấy vì vững tin rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, mọi sự đều là quà tặng được Cha ban để giúp ta đạt tới hạnh phúc đời đời. Khi tổ chức công việc gia đình, ta không coi ngày giờ, chỉ liệu sao thuận tiện cho những người trong cuộc là được. Các nghi thức cầu nguyện trước hết nhằm tạ ơn Thiên Chúa, bày tỏ niềm tín thác và xin Ngài ban phúc.

Tránh những chi tiết trái đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý.

F. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN

Một vài ý nghĩa thần học để giúp ta hiểu lý do ta tôn kính Ông Bà Tổ Tiên:

1. Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên chính là thực thi giới răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

2. Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên cũng chính là biểu lộ niềm tin “các thánh thông công”, tức là sự hiệp thông giữa các tín hữu còn sống và các tín hữu đã qua đời.

3. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho mọi người trong bổn phận làm con với lòng hiếu thảo và vâng phục với cha mẹ trần gian - Đức Maria và Thánh Giuse, cha nuôi (Lc 2,51) – và với Chúa Cha (Ga 4,34; 5,30; Mt 26,39; Pl 2,8; Hr 5,8).

4. Qua việc Tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, người tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng của mình (khác với chức tư tế thừa tác của các chức sắc trong Giáo hội). Gia trưởng, con cả, người mẹ hay bất cứ ai trong gia đình đều có thể thắp nhang sớm hôm tưởng nhớ và cầu nguyện cho tiền nhân. Đó chính là thực thi chức tư tế cộng đồng của mình.

5. Người Công giáo vẫn luôn tôn kính Ông Bà Tổ Tiên nhưng đã gián đoạn truyền thống văn hóa dân tộc trong việc tôn kính này suốt hơn hai thế kỷ, khiến nhiều người tưởng rằng theo Đạo là bỏ Ông bỏ Bà. Nay, việc đón nhận lại các truyền thống đã giải tỏa sự hiểu lầm ấy, người Công giáo cần thực hiện cách nghiêm túc và đúng với đức tin để giúp bà con ngoài Công giáo nhận biết tình Cha của Thiên Chúa Tạo Hóa và sống hiếu thảo với Ngài.

22. VỮNG TIN VÀO TÌNH THƯƠNG CHÚA VÀ LOẠI TRỪ MÊ TÍN

Trong các hoạt động cá nhân, gia đình và gia tộc, người tín hữu cần sáng suốt để tránh xa những mê tín tệ hại. Cứ sống đúng theo lương tâm và lý trí, mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp trong tình thương của Thiên Chúa. Luôn bình tĩnh cân nhắc để biết chọn lựa hợp tình, hợp lý, không nghe theo sự bày vẽ của thầy bùa, thầy cúng.

Hồi thập niên 1930, cuộc vận động cải cách văn hóa xã hội của các nhà văn nhà báo, đã gần như thanh toán được phần lớn nạn mê tín. Tiếc thay, hoàn cảnh chiến tranh nhiều năm rồi não trạng chạy theo vật chất lợi nhuận đã khiến tâm thức nhiều người quay lại với đủ thứ mê tín đáng thương.

Nguồn gốc của mê tín là do thiếu hiểu biết và do cầu lợi, sợ bị thua thiệt. Người Kitô hữu biết mình tin vào ai (x. 2Tm 1,12) và biết lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ... Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Cần xác tín điều ấy, mới có thể diệt sạch mọi mê tín khỏi lòng mình cũng như khỏi cuộc sống gia đình và xã hội.

Cần tập cho các cháu nhỏ biết tự mình cân nhắc nhận định, biết phân biệt điều chính với điều phụ, việc trước với việc sau để làm mọi việc đúng lúc, đúng thời, hợp tình, hợp cảnh. Nên tính ngày giỗ theo dương lịch để các cháu nhỏ dễ nhớ. Đó cũng là những cách giúp các cháu thoát khỏi chuyện coi phương hướng ngày giờ nhảm nhí.

23-25. LỄ GIA TIÊN

Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ.

Việc trưng bày hoa quả quà bánh lên bàn thờ để tưởng nhớ người đã khuất là điều nên làm, còn việc bày biện các thức ăn khác thì nên tránh để khỏi gây hiểu lầm đáng tiếc. Cần nhắc cho các cháu nhỏ nhớ: Đức tin Công giáo dạy rằng người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, các lễ vật chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn kính nhớ mà thôi.