NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG TÂM HỒN (2)
Trong mỗi người chúng ta có một nguồn lực vô song. Nếu tin và biết cách
thể hiện và phát huy nguồn lực này con người sẽ trở nên vĩ đại. Không phải vĩ
đại với người khác cho bằng vĩ đại với chính mình, không phải vĩ đại vì vượt
trên người khác nhưng là vì vượt lên chính mình. Đây không phải là điều con
người muốn cho bằng Thiên Chúa muốn. Và như vậy đuờng hướng đó cũng chính là ơn
gọi cao cả của đời sống làm người ( Hiến chế GS, 22). Đây cũng là điều mà biết
bao con người đã cảm nhận được (không phân biệt tôn giáo, chủng tộc….) và cũng
đã phát huy được tận lực nguồn sống vô song, đưa mình hoà nhập vào dòng suối
Chân, Thiện, Mỹ.
Nguồn lực vô song này không gì khác hơn là Chân tính của con người,
điều mà người Phật giáo gọi là Phật tính, và cũng là điều mà người Công giáo
gọi là Kitô tính. Tên gọi khác nhau nhưng nôi dung chân lý chỉ có một. Sự thể
hiện phương cách có khác nhau nhưng nguyên uỷ của nguồn lực vô song vẫn là một
Thánh Thần Tình Yêu duy nhất của Đức Kitô. Cái khó khăn mà chúng ta gặp phải là
sự khác biệt trong từ ngữ, trong ý niệm tạo nên những tạp niệm, đúng hơn là từ
trong lòng người, chứ không phải nơi đối tượng Chân lý.
Con người biết rằng mình rất yếu đuối và giới hạn nhưng cũng phải biết
rằng mình là vô song, đỉnh cao của sự sống mà Thiên Chúa đã đặt để Quyền Năng
và Tình Yêu vô biên của Ngài trong tận thâm tâm của mỗïi người. Nhưng con người
thì lại cảm thấy rất mỏng giòn và yếu đuối trước những trở lực của thế giới bên
ngoài. Đức Phật cũng đã từng có kinh nghiệm rất yếu đuối này, nhưng khi đã phát
hiện được nguồn lực trong chính mình, Ngài đã phát huy tận kỳ tính, và đạt đến
Chân Lý Sự sống sung mãn cho chính mình từ những trăn trở thao thức khôn nguôi.
Ngài đã đắt đạo, hay đạt Niết Bàn, hay Giác ngộ, có nghĩa là như thế. Và với
kinh nghiệm rất hiện thực này ngài đã tuyên bố: HỠI NGƯỜI, HÃY
TỰ CỨU MÌNH !
Trong sự sống thâm sâu của mỗi người dường như cũng vang vọng lên một
lời mời gọi rằng : HỠI NGƯỜI, HÃY
HOÀN THÀNH SỰ SỐNG MÌNH ! Đó chính là sự sống của
Đức Kitô đã nhập thể trong mỗi người chúng ta, và cũng đang lan tràn trên mọi
sự sống khác. Ngài đang cùng với mỗi người cải tạo cuộc sống cũ và tác tạo cuộc
sống mới của họï. Ngài chính là nguồn lực vô song mà con người đã đánh mất hoậc
quên lãng trong đời sống hằng ngày. Khi mất đi sự ý thức và xác quyết này, nhất là khi không còn niềm
tin nữa, thì con người chỉ còn lại trơ trọi bản thân mình, cũng giống như Adam
thấy mình trơ trẻn sau khi phạm tội, vì đã đánh mất Thiên Chúa. Và rồi từ đó
với sức riêng mình, con người chỉ còn lăng lộn với những phân rẻ và xung đột
trong chính mình và ngoại giới.
Thật vậy, tất cả đều tuỳ thuộc ở nơi con người: hạnh phúc hay đau khổ,
niềm vui hay nỗi buồn, cản trở hay thuận lợi….thi đều nằm trong thái độ nội tâm
của con người. Sự sống mới sẽ dâng tràn cho những ai ý thức và tích cực phát
huy tận kỳ tính trong sự chìm sâu hoà nhập làm một với quyền
năng tuyệt đối trong chính mình, điều mà một Giáo Phụ đã từng nói: “Thiên Chúa đã làm người để con
người được làm Thiên Chúa” ; “Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống của con
người” : (sự sống thâm sâu của Thiên Chúa được làm nên trong con người chứ
không đơn thuần là sự sống bản năng tự nhiên của con người). Đó là điều mà
Thiên Chúa muốn trao ban trực tiếp cho con người trong Đức Kitô. Ngài đã thực
hiện chương trình cứu độ là vì thế. Và Ngài đang tiếp tục thực hiện sự sống mới
sung mãn này cho những ai dấn
thân trọn vẹn với niềm tin sâu xa vào chính mình và vào Thiên Chúa.
Dĩ nhiên thời gian lâu mau, mức độ ít nhiều còn tuỳ thuộc cơ duyên của
mỗi người. Vì đây không phải là điều mà con người tham vọng nhưng là điều mà con
người trở nên.
XIN CHO CON ĐƯỢC HOÀ
NHẬP VÀO NGUỒN LỰC VÔ SONG LÀ CHÍNH CHÚA.
Lm.Thái Nguyên.