CÔ ĐƠN

 

Cô đơn - cảm giác không thể gọi thành tên, cứ mênh mang như một cảnh vực trong lòng người. Có những cảnh vực lẻ loi, trống vắng, vô hồn, vô nghĩa, nhưng cũng có những cảnh vực trong sáng, yên lành, thi vị, đầy sáng tạo và hy vọng, và có cả cảnh vực thần linh. Do đó, tùy tâm trạng và cảnh huống mà cô đơn có nhiều ý nghĩa khác nhau, có những phủ nhận tiêu cực và có cả những giá trị cao vượt, nên cũng có nhiều loại cô đơn trong lòng mỗi người.

Cô đơn từ trong tâm khảm

Có tác giả diễn tả về cô đơn như sau: “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng”.

Cô đơn không phải là cách biệt bên ngoài, nhưng là cách biệt trong chính lòng người. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn nữa. Người ta có thể cô đơn vì không đến được với người khác, và vì người khác không muốn đến với mình. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả nên mới xót xa khôn tả và cay đắng khôn vơi.

Triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre, trong cuốn tiểu thuyết tựa đề  “Bức tường” đã mô tả một cách tài tình sự cô đơn không đối thoại được với nhau giữa người với người. Ông đã đặt vào miệng của Pierre, con người cô đơn bệnh hoạn cảm thấy ngăn cách không hiểu được thái độ sống của người tình mình là cô Agatha, với  những lời tâm sự đầy cay đắng như sau : “Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhìn thấy và nói chuyện hằng ngày với cô, nhưng xem ra cô đang sống bên kia bức tường” [1].

Sống bên nhau, nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau, nhưng không hiểu được điều chi, không cảm được điều gì, cô đơn vẫn cô đơn. Không những đường thông giao giữa hai trái tim bị đứt đoạn vì không ai hiểu ai, mà còn hơn nữa khi thái độ, cái nhìn và lời nói của tha nhân nhiều lúc như xé nát trái tim ta, khiến ta khi đối diện với tha nhân cảm thấy mình bị vây hãm và tổn thương. Bởi vậy, có lần Sartre kết luận : “L'enfer, c'est les autres” (Địa ngục, chính là tha nhân). 

Ở bên nhau mà vẫn xa nhau, vì người ở mà lòng không ở, mỗi người một thế giới. Thế giới riêng trong cõi lòng và thế giới ngoài xã hội. Thế giới tâm hồn sụp đổ thì thế giới bên ngoài thành trống vắng, hoang vu : “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nên người ta có thể cô đơn giữa đám đông. Cả vườn hoa chẳng có nghĩa gì nếu không có cánh hoa lòng. Chỉ một cánh hoa của lòng thôi khiến cả khu đồi thành dễ thương.

   Truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao cũng cho thấy thế thái nhân tình thật éo le, phủ phàng. Trong truyện đó, có một câu tả tâm trạng của Chí Phèo khi ốm lăn quay sau một trận rượu say khướt : “Cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”.

Cô đơn có thể đưa tới sợ hãi và tuyệt vọng. Kinh nghiệm đau thương này có thể xẩy ra cho con người trong mọi thời đại, nhất là thế giới hôm nay, một thế giới văn minh có đầy đủ mọi phương tiện để hưởng thụ, có thể lấp đầy mọi khoảng trống của không gian và thời gian, nhưng lại thiếu một điều cần nhất để có thể lấp đầy tâm hồn con người : đó là một trái tim biết cảm thương, một tấm lòng biết trắc ẩn, một tâm hồn biết mở rộng và dám ra khỏi mình để gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại và trao ban những gì mình có thể, để đem lại niềm vui và phấn khởi cho nhau trong cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu cũng đã gánh chịu nỗi cô đơn thống thiết vì sự vô tâm và lòng dạ hiểm ác của con người chúng ta. Xuyên suốt cuộc khổ nạn của Ngài là một nỗi cô đơn kinh hoàng. Nỗi cô đơn ấy đã dâng cao trong nhiều giờ phút cuối đời Ngài khi bị treo lơ lửng giữa trời và đất, làm trò cười cho những người xung quanh. Ngài lại còn cảm thấy như bị chính Chúa Cha bỏ rơi. Ngài đã đi đến tận cùng sự cô đơn của con người. Nhưng cũng chính trong những giờ phút ấy, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta chân lý tối hậu của Kitô giáo. Chân lý đó là Thiên Chúa là Tình Yêu. Qua thái độ tin phục và tín thác, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta thấy rằng : Chỉ trong Thiên Chúa Tình Yêu, con người mới tìm gặp được bản thân và thắng vượt được sự cô đơn.

 

Cần xét lại chính mình

Thực tế cho ta thấy, dù sống với những người thân yêu hay bạn bè chung quanh, nhưng giữa họ và ta luôn có những bức tường vô hình ngăn cách, khó lòng đạt tới sự thông giao. Bức tường ấy có thể là tính cách, sở thích, hiểu biết, quan điểm sống hay vị trí trong xã hội nơi mỗi người. Nhưng nhiều khi cũng do chính ta đã không mở lòng, không tin tưởng, không muốn đón nhận người khác, hoặc tự ban cho mình một vị trí đặc biệt nên tạo ra khoảng cách ngày càng xa với nhau. Những điều đó giống như những bức tường mà người khác khó lòng trèo qua được.

Ai cũng dễ tôn vinh cái tôi của mình, nên càng đặt mình trong tư thế phòng thủ, sợ bị coi thường, sợ bị lợi dụng. Do đó, không gian của ta càng ngày càng bị thu hẹp ; sự tự nhiên và cởi mở càng bị giới hạn ; tình tương thân tương trợ càng bị suy giảm. Càng cao danh vọng càng dễ tách biệt với mọi người, càng có được nhiều thứ lại càng xa lạ với mọi thứ. Nhiều khi ta tự tách biệt với mọi người rồi than vãn mình cô đơn, chẳng ai hiểu mình.

Làm sao người khác có thể hiểu mình khi mình chưa sẵn lòng để hiểu người khác? Làm sao ta có thể đòi người khác mở rộng tâm hồn đang khi bản thân mình vẫn đóng kín? Dù có yêu thương ai nữa mà mình vẫn còn mang nặng cái tôi : vẫn ích kỷ và kiêu kỳ, vẫn dễ tự ái và tổn thương... thì ai có thể vượt qua bức tường lửa đó được? Họa hiếm lắm thì may ra mới có người đủ bản lãnh và thiện chí để vượt qua. Nói chung, khi vướng vào mặc cảm tự tôn hay tự ti, ta đều cảm thấy mình không thể hòa nhập cách bình đẳng để sống dễ thương và hồn nhiên với mọi người. Cứ thế ta mang theo nỗi cô đơn trong đời, tự mình làm nên số phận của mình, rồi lại buồn cho chính mình.

Số phận sẽ khác đi nếu ta dám mở lòng ra, để cho mình thoải mái đến với mọi người với thái độ thân thương gần gũi và sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, không chấp nhất và câu nệ những hình thức bề ngoài. Cuộc đời vẫn giang tay chào đón những ai không khép lòng mình lại. Dù đời có những chua cay nhưng không thiếu những ngọt bùi dành cho ta. Cả những chua cay cũng là hương vị cần phải có để ta biết nếm cảm cuộc đời cách thú vị.

Cô đơn – một giá trị cho đời sống tinh thần

Có những nỗi cô đơn cách biệt, ngưng đọng, bế tắc, đớn đau, nghe như tâm hồn lịm chết giữa vực sâu cuộc đời, nhưng cũng có những nỗi cô đơn gần gũi, ngọt ngào, dù có “xa mặt nhưng không cách lòng”. Có những nỗi cô đơn thụ động, đành phải chịu vậy, nhưng cũng có những nỗi cô đơn chủ động vì ta muốn tạo một khoảng cách cần thiết cho đời mình. Có khi cô đơn như niềm đau tê tái cần phải loại trừ, nhưng có lúc cô đơn như chén đắng cần phải uống cạn, để có thể chữa lành một vết thương tâm hồn.

Một người bình thường sẽ chấp nhận những nỗi cô đơn như một thứ gia vị cho cuộc sống, chứ không phải một thứ thuốc độc cần lảng tránh. Nếu biết cách chuyển hóa và thăng hoa cuộc sống mình, thì cô đơn cũng là một thứ cảm xúc thú vị cần trải nghiệm, một khoảng lặng thinh cần thiết cho đời sống nội tâm. Đôi khi, cùng với nỗi buồn, cô đơn là một chất xúc tác tạo nên những điều tốt đẹp và vĩ đại cho cuộc sống.

  Người ta vẫn nói “Cô đơn là quê hương của thiên tài”. Đúng thế, tuy nhiên cần phải coi chừng, vì có thể không tìm được ai để cảm thông và sớt chia nên thiên tài đành rút vào vào cô đơn để mong thể hiện mình, để thấy mình lớn lao. Lúc đó, cô đơn trở thành cô độc, không còn là quê hương của thiên tài mà là ngục thất của những kẻ chưa định vị được mình trong cuộc sống, và luôn mong chờ vào sự nâng đỡ của cuộc sống, biến phương tiện thành mục đích.

Nhưng nếu là một đời sống quân bình thì rõ ràng là Không có cô đơn sẽ không có tác phẩm”. Marguerite Duras[2] đã tuyên bố như thế. Chính trong cô đơn mà người ta gom tụ được sức mạnh. Tác phẩm chính là thành quả của sức mạnh đó. Thiếu cô đơn, người ta không thể biểu hiện cái gì là riêng của mình, cũng không thể nhìn cái gì bằng con mắt riêng của mình, tức là chỉ thấy điều mà tất cả mọi người đều thấy, và sẽ bị nhấn chìm trong cái nhìn tập thể vô bản sắc. Chỉ với cô đơn mà người ta mới có thể tự xác lập mình như một cái gì cá biệt.

Tuy nhiên cần phân biệt điều này : sự tách biệt với những người xung quanh chưa hẳn đã dẫn tới sự cô đơn thực sự. Một người lui vào ở ẩn trong núi cũng chưa hẳn đã cô đơn nếu như người ấy vẫn chỉ sống bằng ý thức của người khác. Cô đơn thực sự chỉ diễn ra khi người ta có ý thức về chính mình. Vì thế mà con người có thể cô đơn ngay cả khi nó không chạy trốn các mối tương quan liên hệ. Và con người càng trưởng thành càng có khả năng đảm nhận nỗi cô đơn nội tâm của mình. Cô đơn đưa cá nhân trở về với chính bản thân mình. Theo nghĩa này cô đơn là một sức mạnh tích cực và sáng tạo.

Rousseau, trong tác phẩm “Những mơ mộng của người đi dạo cô độc” cũng nói về giá trị của cô đơn như sau : “ …một kẻ cô đơn đang suy nghĩ nhất định quan tâm rất nhiều đến bản thân mình”. Ông còn bộc lộ kinh nghiệm của chính mình rằng : “Những giờ cô độc và trầm tư này là những giờ duy nhất trong ngày, lúc tôi trọn vẹn là tôi và thuộc về tôi không hề bị phân tán, không có trở ngại, lúc tôi thực sự có thể như là những gì mà tự nhiên mong muốn” [3].

Như vậy, không có cô đơn sẽ không có mơ mộng, không có suy tư, con người không thể trọn vẹn là chính mình. Hơn thế nữa, “cô đơn là cái mà không có nó người ta chẳng làm gì cả. Cái mà không có nó người ta sẽ không nhìn gì nữa”. Hiểu như vậy, cô đơn không phải là một trạng thái tự nhiên, nó không có sẵn ở đâu đó để cho người ta tìm thấy nó. Người ta không tìm thấy nỗi cô đơn, người ta tạo ra nó.

Maurice Blancho phân tích điều này trong bài viết “Cô đơn thuộc về bản chất và cô đơn trong thế giới này”. Ông cho rằng khi con người quyết định tự loại mình ra ngoài thế giới, khi đó nó có thể có tự do. “Tôi tồn tại” chỉ thực sự có ý nghĩa khi cái tôi này tự tách ra khỏi tồn tại. “Điều khiến tôi trở thành tôi là cái quyết định tồn tại trong tư cách là tách biệt khỏi tồn tại, là cái quyết định tồn tại không cần đến tồn tại”. Quyết định này là một thứ quyền năng, một kiểu sức mạnh.

Thật vậy, “Tôi không là gì cả, điều đó hẳn nhiên muốn nói rằng ‘tôi nén chặt vào trong hư vô’, điều đó tăm tối và đáng sợ, nhưng điều kì diệu này cũng muốn nói rằng hư vô là quyền năng của tôi, rằng tôi có thể không tồn tại, từ đó xuất hiện tự do, sự tự chủ và tương lai dành cho con người” [4]. Chính với cái khả năng không cần tồn tại, không cần đến thế giới này mà con người tự khẳng định mình.

Duras không diễn đạt một cách trừu tượng như Blanchot, nhưng bằng cách tự tạo ra nỗi cô đơn, bà cũng khẳng định quyền năng và tự do của mình một cách đầy đủ, trọn vẹn. Và khi nỗi cô đơn của tác giả được chuyển hoá vào tác phẩm thì nó trở thành nỗi cô đơn của toàn nhân loại. Bởi nếu nó không mang tầm nhân loại, nếu cá nhân chỉ loay hoay trong nỗi cô đơn riêng của mình, thì lúc đó cô đơn đồng nghĩa với cái chết : “Ngay khi con người thấy cô đơn, anh ta sẽ mất lí trí. Tôi tin điều đó : tôi tin rằng người nào chỉ biết đến mỗi bản thân mình là người đã mắc bệnh điên bởi vì không gì ngăn nổi anh ta khi cơn hoang tưởng cá nhân trỗi dậy”[5].

Cô đơn ở đây có một chiều kích khác : người ta quay về với chính mình, nhưng không thể chỉ tự giam hãm trong một cái mình cá biệt, người ta không thể sống mãi trong nỗi cô đơn, người ta không thể không quan tâm đến người khác.

Tóm lại, cô đơn không phải là điều đáng sợ, mà còn là điều rất đáng chuộng : chỉ đáng sợ khi ta đánh mất mọi tương quan giao hảo với vạn vật và mọi người xung quanh, khi chỉ biết sống quanh quẩn và quay quắt với bản thân mình ; rất đáng chuộng khi coi cô đơn là môi trường cần thiết để ta biết trở về với lòng mình, nhìn lại mình, tìm lại chính mình trong sự thật và sự thiện, để từ đó phấn khởi sáng tạo đời mình.

Muốn trở thành một con người vững chãi thì ta hãy tập đối diện với sự sô đơn của mình với lòng thanh thản. Sự trốn chạy khỏi nỗi cô đơn có thể là một bệnh trạng tâm lý làm ta suy yếu, là một hình thức tránh né chính mình, không dám sống trọn vẹn là mình.

Cô đơn – một giá trị cho đời sống thuộc linh

Ở đây ta muốn đề cập đến cô đơn như một phương cách đi vào đời sống thanh tịnh, để có thể gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa, Đấng luôn hiện diện diện trong cõi thâm tâm. Cô đơn ở đây không còn là môi trường để thể hiện khả năng, cũng không còn là phương tiện để thực hiện điều mình muốn, nhưng là cô đơn ca tinh thn t b. Đó là cô đơn vẫn hoà hợp trong mối giây tương quan và liên đới nhân loại, vẫn luôn sáng tạo một phong thái mới mẻ và thiện hảo, nhưng điều quan trọng là cô đơn đó hiển thị một đời sống thuộc linh : mt s hin hu thâm sâu trong Chúa, và một hoạt động hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài (x. Gl 2, 20).

Sự cô đơn như vậy chỉ có thể là hoa quả của tinh thần nghèo khó và khiêm nhu. Nghèo khó trong từ bỏ, khiêm nhu trong thầm lặng. Cả hai liên kết thật nhẹ nhàng và sâu lắng để làm nên sự cô đơn huyền nhiệm.  Đó là sự cô đơn để biểu hiện lòng trung tín với Đấng mình tôn thờ, trung trinh với Người mình yêu mến, trung thành với lý tưởng mình đã lựa chọn, trung kiên với cuộc sống mình đã hiến dâng.

Trong một thế giới mà người ta rất sợ cô đơn, thì những người tha thiết đi tìm chân lý, những người say mê huyền nhiệm lại yêu lấy cô đơn như người bạn đồng hành cùng tiến bước trên lộ trình tâm linh. Con đường thiêng liêng này đòi hỏi một sức mạnh nội tâm như điều kiện thiết yếu để thanh tẩy bn thân thanh luyện tâm tình để hướng ti s thông giao mầu nhiệm. Do đó, thc cht ca cô đơn là tp trung năng lc, môi trường của cô đơn là thanh tịnh, và nội dung ca cô đơn là chiêm nim, kết hip, để hoà nhp vào s sng thâm sâu ca Thiên Chúa trong chính mình.

Sự cô đơn mà những ai yêu chuộng nằm trong chính những giây phút tĩnh lặng như một điều kiện để an dưỡng tinh thần ; để định tâm và tu tập ; để khám phá bản thân sâu rộng hơn qua những gì mình đang sống và đang cảm nhận ; để nối kết thực tế của cuộc đời với huyền nhiệm của cuộc sống tâm hồn mà Thánh Thần đang mở đường chỉ lối ; để chính Thánh Thần tác tạo nên những công trình từ tình yêu và quyền năng Thiên Chúa, chứ không do tham vọng của lòng người.

Cô đơn như một bầu khí linh thiêng, giúp ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và biết sống thân tình với Ngài. Sự cô đơn cao cả này nhất thiết đòi ta phải vượt qua những kỳ vọng về khả năng và những ảo tưởng về bản thân, bởi những kỳ vọng và ảo tưởng đó chỉ như một lối thoát tiêu cực chứ không phải một đón nhận tích cực. Con người vốn luôn bị thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn và cao vọng : một kinh nghiệm gãy đổ của Ađam- Eva.

Vì thế, nếu không đạt tới thực chấtđịnh hướng của cô đơn, thì người ta dễ sử dụng cô đơn như một khoảng cách không gian để sống với những điều mình vui thích, hoặc như một khoảng cách thời gian để làm nên những công trình mình mong muốn, và cho đó là những điều quá tốt đẹp cho mọi người.

Đúng là có những công trình quá tốt đẹp và ích lợi lớn lao cho nhân loại mà bao người đã hy sinh âm thầm trong cô đơn lặng lẽ để làm nên. Họ là những ân nhân vĩ đại của mọi thế hệ. Nhưng đừng quên rằng tất cả đều là ân ban và là kế hoạch của tình yêu Thiên Chúa trong đời sống nhân loại. Điều quan trọng không phải tài năng của con người muốn làm nên, mà là đức độ và sự thiện hảo của một nhân cách mà qua đó Chúa muốn làm nên. Bởi vậy trong cuộc sống nào đi nữa thì cũng phải là cuộc sống dâng hiến cho Thiên Chúa. Sự dâng hiến nào cũng đòi hỏi sự từ bỏ, nhất là từ bỏ cái tôi luôn muốn bành trướng và thống trị.

Bởi vậy, cô đơn không phải là một hiện vật để sử dụng, mà là một tính cách để hoàn thiện tình yêu, không phải là một tình yêu đơn thuần nhân tính mà là một tình yêu thông phần thiên tính. (x. 2Pr 1, 4), nghĩa là một tình yêu như Chúa đã yêu thương ta.

Với định hướng này, cuộc sống dâng hiến cho Thiên Chúa chính là cuộc hành trình trong cô đơn để giũ bỏ ngay cả chính mình, chứ không chỉ là những cao vọng và ảo tưởng về mình. Nhưng rồi sự mất đi chính mình trong hành trình cô đơn này lại khiến ta tìm lại được trọn vẹn chính mình trong Thiên Chúa, Đấng đã hiến dâng chính mình Ngài cho ta trước khi ta dám dâng hiến chính mình ta cho Ngài.

 

Lạy Chúa, con đang sống trong một xã hội đầy biến chuyển, náo động, quay cuồng đến chóng mặt, khiến con nhiều khi dễ mất phương hướng, dễ mất khả năng quân bình hóa cuộc sống, và dẫ lệch lạc trong tính cách của mình.

Những tiến bộ và biến động của môi trường xung quanh luôn đặt con người trước thách đố: phải tìm hiểu, phải khám phá, phải thỏa mãn tâm trí của mình, nhất là phải chinh phục và sở hữu cho bằng được.

Tất cả những thứ đó vây kín tâm tư, gây ngổn ngang tâm hồn, khiến con không thể bình lặng để sống cô đơn với chính mình, trong một tương quan hiện hữu thâm sâu hơn với Chúa và với mọi người.

Xin mặc cho con tâm tình cô đơn, nghĩa là biết ở lại một mình với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời con. Amen .

Lm. Thái Nguyên.



[1] Jean Paul Sartre, Le Mur, 1938, tr. 52.

[2] Marguerite Duras (1914-1996) : nữ văn sĩ và đạo diễn nổi tiếng của Pháp, tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch, phim… nổi bật là tiểu thuyết L’Amant – Người Tình (1994), dịch giả Lê Ngọc Mai, NXB Hội Nhà Văn , 2007.

[3] Jean-Jacques Rousseau, Les rêveries du promeneur solitaire, Bookking international, Paris, 1994, tr. 17.

[4] Maurice Blanchot, L’espace littéraire, Gallimard, 1995, tr. 337- 339.

[5] Marguerite Duras, Ecrire, Gallimard, 1993. Dịch giả Trần Văn Công,  Viêt, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành, 2010, tr 37.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu