Mùa Chay Năm Thánh 2010 - Bài 4 : Trở về

Từ thời cha ông các ngươi, các ngươi đã trệch xa và không tuân hành các chỉ thị của Ta. Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi. - Chúa các đạo binh phán. Các ngươi nói: “Chúng tôi sẽ trở lại thế nào?”(Malaki 3:7).

Có một người giáo dân vẫn thường đi tham dự thánh lễ hằng tuần, bỗng dưng ông ngưng. Sau vài tuần, cha xứ quyết định đến thăm ông. Vào một chiều mùa Đông giá lạnh. Cha xứ gặp ông ở nhà cô đơn một mình đang ngồi trước lò sưởi. Đoán được lý do cha xứ tới thăm, ông đón chào cha và mời cha ngồi xuống ghế cạnh lò sưởi và chờ đợi. Cha xứ ngồi thoải mái nhưng không nói chi cả. Sự im lặng sâu lắng, cha ngồi ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng nơi các cục than cháy đỏ. Sau vài phút, cha lấy đồ gắp than và cẩn thận gắp một cục than đỏ hồng trong lò và đặt nó trơ trọi bên cạnh lò rồi ngài ngồi ngả lưng vào thành ghế, tiếp tục im lặng. Chủ nhà ngồi suy nghĩ nhìn ngắm ngạc nhiên. Cục than trơ trọi đã lịm tắt và tan biến thành bụi tro. Ngay sau đó, chủ nhà nói với cha xứ rằng: Thưa cha, con hiểu rồi. Con sẽ trở lại đi tham dự thánh lễ hằng tuần.

1. Khúc Quẹo Cuộc Đời

Chúng ta có thể bị đi lạc bởi những bảng chỉ đường hoặc những hướng dẫn sai lầm của người khác. Chúng ta cũng có thể đi lầm lạc do chính lỗi của chúng ta, cũng có khi do sự tự mãn của riêng ta. Kinh nghiệm trong đời, trong khi lái xe đi hành hương nơi tiểu bang khác, vì muốn tìm đường ngắn hơn và dễ hơn nên chúng tôi đã bị đi lạc đường. Chúng tôi đã mất hết nhiều giờ tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được lối ra. Rồi chúng tôi cứ tự an ủi, sẽ có xa lộ gần đây mà, lo gì chứ. Chúng tôi tự tin vào sự hiểu biết ngu ngơ của chúng tôi và không muốn dừng lại hỏi ai khác. Chúng tôi cũng không lắng nghe góp ý của ai nữa. Chúng tôi tự cao tự đại muốn tự mình tìm đường đi. Càng đi lâu, chúng tôi càng lạc xa và lại càng trễ giờ. Sau cùng chúng tôi đành phải dừng lại hỏi người qua đường, rồi cảnh sát và rồi ghé trạm xăng, biết rằng mình đã lạc xa. Chúng tôi đã phải làm một cú U turn trở về. Thật vui khi tìm được hướng đi. Cũng vậy, niềm vui lớn khi chúng ta tìm lại được cái gì đã mất. Phúc âm thánh Luca kể về người đàn bà đã vui mừng biết bao khi tìm thấy đồng bạc bị mất. Đồng bạc tuy nhỏ, không giá trị bao nhiêu nhưng niềm vui của sự tìm thấy lớn gấp trăm lần: Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất (Lc 15:9).

Truyện kể, ngày kia có một ông già nghiện rượu, ngày ngày thất thểu bên đường. Có khi ông say mềm và ngủ bên dọc đường. Gia đình vợ con của ông đau khổ vô ngần. Ông ta hết say, rồi xỉn, đánh đập vợ con và ươn lười trong công ăn việc làm. Gia tài dần lụn bại, hầu như gia đình không còn cơ hội xum vầy vui vẻ. Một hôm, sau khi tỉnh giấc say, ông thấy mình nằm lăn bên vệ đường. Rồi ông nhìn thấy một chiếc đinh cong queo han rỉ nằm ngay bên ống cống. Ông chợt nhớ đến gia đình và cuộc đời của ông. Ông nhặt chiếc đinh cong queo bỏ vào túi. Khi về đến nhà, ông lấy đe và búa ra. Ông đã uốn lại chiếc đinh rỉ sét và làm thành một chiếc đinh mới thẳng thắn. Ông cất nó trong túi áo, để nhắc nhở cho chính ông. Ông đã bỏ uống rượu và làm lại cuộc đời. Ông trở về nhà xin lỗi vợ con và bắt đầu chí thú làm ăn. Bắt đầu vợ chồng xây dựng lại một gia đình hạnh phúc. Chúng ta biết rằng không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu.

2. Tự Mãn

Trong mỗi Mùa Chay, chúng ta sẽ được nghe câu truyện về người con phung phá, nhưng tôi thích gọi là câu truyện của người cha nhân lành. Niềm vui vỡ òa khi người con trở về. Cha không còn nghĩ đến truyện người con đã bỏ ra đi hay phung phí tiền của. Cha chấp nhận con vì con là của cha. Con đáng được hưởng tình yêu và gia tài của cha. Người cha nhân hậu đã thốt lên trong vui mừng: Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng (Lc. 15:24). Cuộc đời chúng ta cũng như một chuyến đi. Nếu chúng ta biết mình đi lạc, chúng ta hãy dừng lại hỏi han, tìm lại bản đồ và hướng đi. Đừng khi nào tự mãn trong sự hiểu biết của mình dễ đưa chúng ta lạc xa hơn. Hãy biết dừng lại, đó chính là những khi chúng ta cầu nguyện, đi hành hương, dự những cuộc cấm phòng hay học hỏi lời Chúa dưới ánh sáng phúc âm. Khi biết mình đi lạc, lầm lỗi hay xa đàng tội lỗi, chúng ta hãy mau trở về càng sớm càng tốt.

Sự trở về là rất cần thiết. Chúng ta biết rằng đi lầm lạc cũng có nhiều nguyên do. Có thể chúng ta không khởi hành đúng chỗ. Có thể chúng ta đổi đường hoặc đi sai dấu chỉ đường. Đôi khi ở giữa ngã tư và không biết quẹo phải hay trái. Ngập ngừng giữa ngã ba đường rất là nguy hiểm. Tôi có người bạn sống ở Brooklyn, một hôm anh ta đưa người nhà ra phi trường Kennedy, vì khởi hành từ Bronx, nơi người đó không quen nên đã bị đi lạc đường. Anh ta đành phải trở về lại Brooklyn và rồi bắt đầu khởi hành lại, để ra phi trường. Suy tư về cuộc đời cũng thế. Nếu chúng không biết nơi bắt đầu, tốt hơn chúng ta bắt lại từ điểm khởi hành. Không khi nào trễ nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Bắt đầu làm một cái gì đó có thể hơi khó khăn và ngại ngùng. Người ta nói: Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta vui mừng biết bao khi có một thành viên trong gia đình xa lạc, nay trở về đoàn tụ. Giống như người tìm con chiên bị lạc mất trong Phúc âm, thánh Luca diễn tả nỗi vui của người tìm chiên: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (Lc 15:4-5)

3. Phấn Đấu

Cuộc đời giống như cuộc chạy đua. Mỗi người chọn cho mình một cách sống để đồng hành với người khác. Cách sống tùy theo sở thích và tính tình của mỗi cá nhân, không ai giống ai. Quan sát những người lái xe trên xa lộ, chúng ta thấy có những người chọn con đường ngoài cùng, không đua chen nhưng bình thản. Có người chọn con đường giữa vừa an toàn, vừa giữ sự trung bình, không lo lắng và chấp nhận hoàn cảnh một cách an toàn. Có những người mong vượt và chạy nhanh hơn, nguy hiểm hơn và căng thẳng hơn. Họ lo cảnh sát bắt dừng lại, lo tránh xe khác, lo tăng tốc độ để tránh né…nhưng chung cục tất cả mọi người cũng sẽ đạt đến đích điểm của mình. Cuộc đời của chúng ta cũng thế, mỗi người chọn cho mình một lối đi thích hợp và đừng qúa bon chen so sánh. Làm thế nào để chúng ta có được cuộc sống an bình, vui tươi và hạnh phúc. Đó chính là lẽ sống của cuộc đời. Trong niềm tin, chúng ta hãy cậy trông vào ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không sợ bị gánh nặng cuộc đời làm thất vọng. Thánh Phaolô đã khuyên dậy tín hữu thành Corintô: Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng (1Cor. 10:13).

Chúng ta biết mỗi ngày sống chúng ta để lại dấu vết trong không gian và thời gian và cả nơi lòng người. Khi chúng ta sờ vào vật gì như nắm cửa, cuốn sách, đồ dùng… chúng ta để lại dấu chỉ tay. Bất cứ nơi nào chúng ta đi qua, chúng ta nên để lại dấu ấn của tình yêu. Chúng ta biết rằng có những dấu ấn khắc ghi nơi lòng người không hề phai mờ. Như Đức Trinh nữ Maria là Mẹ nhân ái. Mẹ đã để lại trái tim yêu thương nơi mọi người. Mẹ đã yêu thương và ủi an các Tông đồ khi vắng Chúa. Mẹ ở bên thập tự để cùng chia sẻ những đớn đau với Chúa. Mẹ đã hiện ra để an ủi, chữa lành và hướng dẫn chúng con trong con đường hạnh phúc. Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã theo gót chân của Mẹ Maria, Têrêxa đã mang tình yêu của Chúa đến chia sẻ cho bao nhiêu trái tim được ủi an, bao nỗi đớn đau được xoa dịu và bao người nghèo khó đã đón nhận được tình thương. Khi mẹ đã qua đời, không biết đã có bao nhiêu giọt nước mắt khóc thương, bao nhiêu niềm mến yêu và cả triệu con tim ghi khắc.

4. Sự Khiêm Tốn

Sự trở về luôn là hành động cao qúy. Sự trở về cần có thái độ khiêm tốn và biết lỗi lầm. Biết lỗi mình là một khởi đầu tốt nhất của sự trở về. Có nhiều con đường để trở về: Trở về với gia đình, trở về với xóm làng, trở về với quê hương xứ sở, trở về với lòng mình và trở về với Chúa. Một con chiên mất, người chủ vui mừng đã tìm lại, phương chi một người con trong gia đình xa lạc trở về. Niềm vui sẽ tăng gắp trăm lần. Thánh Luca diễn tả niềm vui tìm lại: Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó (Lc 15:6).

Phúc âm kể truyện ông Giakêu. Ông Giakêu có nghe nói về Chúa Giêsu. Ông muốn được tận mắt nhìn thấy Chúa. Hình dạng của ông không được cao ráo, nên bị che khuất sau lưng người khác, ông đành chạy đi trước như một em trẻ, leo lên cây để có thể nhìn thấy Chúa. Ông đã bỏ lại uy tín, cốt cách của Trưởng Ty Thuế Vụ, ông không sợ dư luận cười chê. Ông chỉ muốn được nhìn xem thấy Chúa. Dưới con mắt người đời, ông là người tội lỗi đáng tránh xa. Họ nhìn ông một cách soi mói và kết tội. Trong khi Chúa nhìn ông bằng một cái nhìn trìu mến và yêu thương.Trên hành trình Chúa đi qua, một thay đổi bất ngờ ngoài sự mong chờ. Chúa dừng lại nhìn lên với cặp mắt nhân từ, cảm thông và Chúa nói với ông: Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi. Ông vui mừng nhảy xuống khỏi cây và về nhà tiếp đãi Chúa. Chúa chấp nhận ông và ông đã trở thành bạn hữu của Chúa. Ông đã thốt lên với cả tâm tư rằng ông sẽ đền bù thiệt hại và sẽ chia gia tài cho kẻ khó. Ông đã đổi đời và thay đổi hoàn toàn. Ông đã gặp Chúa và biết chia xẻ với tha nhân. Trái tim ông đã rộng mở. Chúa Giêsu đã gọi ông là con cái của Abraham, có nghĩa là ông sẽ được thừa hưởng niềm tin và sự sống đời đời.

5. Tình Yêu Cải Hóa

Chúa Giêsu luôn giảng về sự sám hối trở về. Chúa đã dùng nhiều dụ ngôn, hình ảnh và lời giảng để mở lòng con người. Chúa xâm mình gặp gỡ và ngồi chung ăn uống với những người bị xã hội ruồng bỏ và bị kết án là tội lỗi. Thánh Marcô diễn tả: Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”(Mc 2:17). Chúa Giêsu đã dùng tình yêu để cải hóa lòng người. Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi và chữa lành các thương tích của họ. Chúa đến với con người bằng trái tim nhân hậu, bằng ánh mắt trìu mến và bằng thái độ khoan dung. Chúa dành cho những người tội lỗi một tình yêu đặc biệt trong trái tim Chúa. Họ đáng thương hơn là đáng trách. Chúa đến kêu gọi những người tội lỗi và yếu đuối. Chúa muốn chính tâm tư của họ:” Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt. 9:13).

Câu truyện về một võ sĩ đã trở lại đạo. Ngày nọ, một người bạn của anh gặp và hỏi: Tôi nghe anh mới tòng giáo, thật là tức cười. Anh hỏi: Sao lại tức cười chứ! Đó là điều tốt mà. Người bạn tiếp lời: Nếu vậy liệu anh có thể xóa nổi chân tướng du côn và cao bồi trước chăng? Những vết sẹo trên mặt anh tố cáo tung tích của anh. Anh nhỏ nhẹ nói: Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo kia nay trở thành cửa sổ cho ơn Chúa chảy vào hồn tôi. Cũng vậy những tội vạ đã được tha, tuy còn dấu vết nhưng là dấu vết tình thương của Chúa.

6. Chúa Là Nguồn Tình Yêu

Trở về luôn luôn là trở về với tình yêu. Tình yêu giữa vợ chồng con cái, tình yêu giữa gia đình, tình yêu của cộng đoàn, tình yêu của giáo hội và sau cùng trở về với Thiên Chúa là chính nguồn tình yêu. Tại sao người cha nhân hậu đã mở tiệc ăn mừng khi đứa con phung phá trở về? Vì đứa con bị coi như đã chết, nay lại sống. Không vui mừng sao được khi cha gặp lại chính con ruột của mình. Bao ngày xa vắng là bấy nhiêu ngày mong đợi và buồn khổ. Cha mẹ nào mà không thương con chứ! Làm cha mẹ mới hiểu được tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Thánh Luca ghi lại tâm tình của cha già khi gặp lại con mình: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”(Lc 15:32)

Trở về với lòng mình. Tâm tư con người như được chia làm hai trong sự chọn lựa. Đây chính là tiếng nói của lương tâm mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Khi chúng ta chọn lựa làm điều xấu, sai trái và bất công, tâm tư cũng bị áy náy buồn phiền. Cái làm cho chúng ta áy náy chính là sự nhắc nhở của tiếng nói thầm trong lòng. Đôi khi chúng ta bị giằng co giữa sự chọn lựa tốt và xấu. Và chúng ta dễ bị sa ngã và sai phạm vì sự yếu đuối, lòng tham lam và tự ái. Khi chọn lựa làm điều bất công là chúng ta đã bị thua chính mình. Có những lý do khách quan và chủ quan chi phối trong sự chọn lựa, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình. Chúng ta đừng tập đổ thừa cho hoàn cảnh hay cho người khác. Hãy nhìn vào chính mình, xét mình trước mặt Chúa, chấp nhận lỗi lầm của mình, xin ơn tha thứ và trở về với chính mình: Nhân chi sơ tính bản thiện.

Trở về với nhau, vợ chồng. Những ngày đầu vợ chồng yêu thương lưu luyến đã dần nhạt phai theo năm tháng. Những hấp dẫn dịu ngọt của đời sống lứa đôi ban đầu, nay trở thành gánh nặng. Sự tôn trọng và tha thứ đã trở thành những sự coi thường và bắt bẻ nhau khi tình yêu bị rạn nứt. Khởi đầu vợ chồng khao khát đến với nhau một cách tự nguyện và yêu thương. Cái gì đã gây nên kẽ hở liên kết tình yêu giữa vợ chồng? Phải chăng tình yêu bị nhạt nhòa và san sẻ, thân xác không còn hấp dẫn hay tính tình không còn am hợp, gánh nặng gia đình ràng buộc không còn tự do… Dĩ nhiên trong đời sống gia đình, chúng ta sẽ có những tháng ngày Xuân, Thu, Đông và Hạ, nhưng mùa màng thay đổi theo nhịp thời tiết của thiên nhiên. Gia đình cũng không ra khỏi những vần xoay của cuộc sống. Mùa chay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình, tìm lại trách nhiệm và bổn phận của mình đối với vợ, với chồng. Bỏ qua và tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Hãy trở về bên nhau sưởi ấm tình yêu ban đầu.

Trở về với cha mẹ. Con cái vẫn luôn là con cái trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tuổi tác đã cao và công danh đã đạt, con cái vẫn còn bổn phận đối với đấng bậc sinh thành. Ai trong chúng ta cũng đã được cưu mang trong lòng mẹ. Hầu như ai cũng được sinh ra và dưỡng nuôi nơi mái ấm tình yêu trong gia đình. Mỗi người hãy tự nhìn về mình, có những người trẻ đã bỏ mái ấm gia đình mà đi hoang. Con cái đã có những tháng ngày theo chúng bạn rong chơi trong môi trường thế tục, hút sách, chơi bời và rong ruổi theo con đường trụy lạc. Hãy dừng lại! Hãy nghĩ về tình yêu của cha mẹ. Mẹ cha đang chờ ngày con trở về. Vui mừng biết bao khi con đã mất, nay lại còn sống. Hãy nhìn kìa có biết bao em trẻ mồ côi mong được một mái ấm, một sự vỗ về yêu thương của mẹ, của cha mà chẳng bao giờ có được.

Trở về với gia đình. Gia đình là tổ ấm của tình yêu. Gia đình là đơn vị xây dựng nên xã hội. Chúng ta được lớn lên trong mái ấm của gia đình. Chúng ta được chia sẻ tình yêu thương với mẹ cha và anh chị em ruột thịt. Trong gia đình, cha mẹ, anh chị đã dạy chúng ta biết đi, biết đứng, biết ăn, biết nói và lớn lên trong tình yêu. Gia đình là xã hội nhỏ và thân thương nhất. Gia đình là chiếc nôi đầu tiên dạy chúng ta làm người. Là con người, chúng ta cần có những sợi giây liên đới với cội nguồn và tạo nên một dòng tộc. Chúng ta không thể lữ hành đơn côi trong cuộc sống. Chúng ta cần nhiều sự nâng đỡ, đùm bọc và yêu thương từ những trái tim nồng cháy thân thương trong gia tộc. Mỗi người hãy nhận diện vai trò và trách nhiệm của mình trong đại gia đình. Trở về với nguồn cội. Con người sinh ra có tổ tiên, ông bà và cội nguồn. Trở về với gia đình là niềm vui xum họp được Chúa chúc phúc.

Trở về với xóm làng và cộng đoàn dân Chúa. Chúa Giêsu khi ra đi rao giảng, Ngài đã không quên trở về quê hương xứ sở để đem tin mừng cứu độ. Chúa đã trở lại làng xưa để gặp gỡ bà con, thân nhân họ hàng và bạn bè. Đây là một niềm vui chia sẻ. Cũng như chúng ta có nơi chôn nhau cắt rốn, có quê hương, có xứ nhà và nơi đó có nhiều kỷ niệm. Có những người đã thành công đỗ đạt, thăng quan tiến chức cũng trở về quê để vinh quy bái tổ. Đội ơn trời đất và bà con xóm làng. Chúng ta còn có các nhóm hội và cộng đoàn Giáo Xứ. Mỗi dịp vui buồn, chúng ta có bà con xóm làng, thành viên trong hội đoàn, trong cộng đoàn chia sẻ và nâng đỡ ủi an khi sầu muộn. Chúng ta cùng chung vui khi ai đó thành công trên đường đời. Cộng đoàn không phải là một tổ chức đòi hỏi hay gánh nặng để chúng ta phải xa tránh. Nhưng cộng đoàn là một môi trường giúp chúng ta nên người và nên thánh. Hãy trở về với Cộng Đòan, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự nâng đỡ. Thánh Phaolô viết thơ gởi cho giáo đòan Corintô khuyến khích rằng: Nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em (2 Cor 7:9).

Trở về với Giáo Hội. Chúng ta đựợc sinh lại làm con Chúa qua Giáo Hội. Trong Giáo Hội, chúng ta được lãnh nhận biết bao hồng ân. Giáo Hội là nơi giúp chúng ta trở nên con người hoàn hảo và thánh thiện. Chúng ta hiểu biết được ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta học biết đâu là lý tưởng và đâu là cùng đích của cuộc đời. Qua Giáo Hội chúng ta được lớn lên trong ân sủng qua các Bí Tích. Từ Bí Tích Rửa Tội sinh chúng ta lại làm con cái Chúa và Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Bí tích Hòa Giải dẫn dắt chúng ta trở về với tình yêu của Chúa và Giáo Hội. Giáo Hội luôn mở rộng cửa đón mời chúng ta và dẫn dắt chúng ta vào nguồn sống thực. Nếu có lần nào chúng ta lạc bước xa rời giáo hội, giờ đây hãy trở về. Với hơn một tỉ trái tim của các tín hữu đang mong chờ, chúng ta sẽ không bị đi trong cô đơn. Giáo Hội đang hân hoan chờ đón con cái trở về dưới bóng cờ chiến thắng của Vua Giêsu.

Trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là cội rễ và là nguồn của mọi thứ tình yêu. Xin Chúa thánh hóa chúng con trong sự thật của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đi vào cuộc đời là đi vào sự hiện hữu. Từ không, Thiên Chúa đã cho chúng ta hiện hữu làm người. Chúa đã chia sẻ tình yêu thương của chính Chúa cho chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta có ý chí và tự do để đáp lại lời yêu thương của Chúa. Nhiều lần chúng ta đã đi lạc đường, Chúa kêu mời chúng ta trở về. Chúng ta đã phạm tội, Chúa chịu chết để đền bù và tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chúng ta chối bỏ Chúa, Chúa vẫn cứ chờ đợi chúng ta về để được Chúa ấp ủ yêu thương. Chúa chính là TÌNH YÊU. Tình yêu của Chúa vượt trên hết các loại tình yêu. Tình yêu của Chúa là tình yêu tha thứ. Hãy nhìn lên thập giá, Chúa đang âu yếm nhìn bạn đó. Chúa đã đổ tới giọt máu cuối cùng và chết trần trụi trên thập giá, cũng chỉ vì chúng con mà thôi. Hãy trở về với chính nguồn tình yêu, chúng ta sẽ được ngụp lặn trong biển tình.

Quyết Tâm

Lạy Chúa, khi chúng con bước vào Năm Thánh 2010, chúng con nhận biết rằng từ đời đời Chúa đã yêu thương gọi và chọn chúng con vào đời. Chúa cho chúng con được sinh lại làm con cái Chúa. Chúa ban cho chúng con một Giáo Hội kiên cường trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Chúng con có những người cha nhân lành chăn dắt và dưỡng nuôi chúng con với của ăn Thánh. Đức Tin của chúng con được lớn lên trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Một Giáo Hội đã xây dựng trên niềm tin sắt đá và trên máu cùng nước mắt của các Vị Tiền Nhân. Các Ngài đã anh dũng giữ vững niềm tin qua mọi cơn thử thách. Xin cho chúng con được ơn trở về với tình yêu của Chúa và xin cho chúng con sống giữ đức tin và luôn gắn bó với Giáo Hội của Chúa Kitô.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu