KHÔNG AI
SINH RA LÀ CON CÁI CHÚA - CHÚNG TA TRỞ THÀNH CON CÁI CHÚA
Não trạng ỷ vào phép rửa nhận được lúc
mới sinh (hoặc trong cuộc sống) để cho mình đương nhiên hoặc tự động “sinh ra
là con cái Chúa”, đã khiến cho không ít (nếu không muốn nói đa số) tín hữu Công
giáo không mặn mà gì trong việc phấn đấu để sống làm chứng nhân cho đức tin vào
Chúa Kitô và sứ mệnh đem Tin Mừng cho tha nhân. Với họ, quyền làm con Thiên
Chúa, đặc tính con cái Chúa, là một di sản thừa kế,một điều họ được thừa hưởng
và hưởng một cách tự động và tự nhiên. Họ không tội gì phải phấn đấu mới trở
thành con cái Chúa. Giáo lý họ “theo” – chứ không phải “sống” – trở thành một
thứ “ao tù nước đọng” giam hãm chính họ và gây ô nhiễm cho và trong Giáo
Hội. Chúa Thánh Linh là Đấng luôn năng động, là Thần Khí Đổi Mới, buộc các Kitô
hữu luôn nằm trong giòng chảy canh tân bản thân và liên kết mọi nỗ lực để đem
Tin Mừng đến cho mọi người, nghĩa là luôn tự rèn luyện để sống Kitô hữu gương
mẫu và đủ tầm để chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô và Giáo Hội trao phó. Xin giới
thiệu bài viết của Ignace de la Potterie.
Mới
cách đây không lâu,cùng với lễ Noel, Giáo Hội đã mừng sự sinh ra
trong thời gian của Con Một Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Một thần học ngày càng lan
rộng muốn rằng từ sự việc nhập thể của Người Con nầy, mỗi người
tự động được gán ngay tức khắc đặc tính con cái Thiên Chúa, với ý nghĩa là mỗi
người, dù biết hay không biết, dù chấp nhận hay không, căn bản là đã sống trong
Chúa Kitô. Theo thần học nầy, Chúa Kitô ngay cả trước khi là thủ lãnh Hội
Thánh, đã là thủ lãnh của tất cả những gì được tạo dựng. Mỗi người thuộc về
Người ngay cả trước khi được đụng vào và được biến đổi nhờ Thần Linh Người.
Dựa vào quan niệm nầy, người ta viện dẫn tuyên
bố sau đây của Thánh Tôma Akinô: ”Như vậy nếu chúng ta xem
xét chung chung tất cả các thời đại của thế gian, thì Chúa Kitô là đầu của
tất cả mọi người,nhưng ở những mức độ khác nhau” (Tổng luận thần học III,8,3),
tuyên bố nầy vốn được hiến chế mục vụ Vui Mừng và hy Vọng của Công Đồng Vatican
II lấy lại trong những câu nầy :”Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa một
cách nào đó liên kết chính mình với mọi người” (số 22). Nhưng nếu người ta lấy
ra khỏi câu của Tổng Hợp Thần Học (Summa theologiae) và của hiến chế Gaudium et
Spes những câu ‘ở các mức độ khác nhau” và ‘một cách nào đó”, thì người ta sẽ
không tôn trọng tất cả những dữ liệu đức tin Công giáo. Và quả như thế,
Thánh công đồng chung Vatican II, trong hiến chế tín lý Lumen Gentium ( số 13),
trung thành với truyền thống, phân biệt rõ ràng giữa lời kêu gọi tất cả mọi
người đến với ơn cứu rỗi và sự thuộc về hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô của các
tín hữu bằng hành động, theo phương pháp riêng cho mọi mặc khải Kinh Thánh.
Nếu,nhờ mầu nhiệm nhập thể của Ngôi
Lời,đặc tính con cái Thiên Chúa được gán ngay tức khắc cho mỗi người, thì
mầu nhiệm sự lựa chọn hoặc tuyển chọn và do vậy, đức tin, phép rửa và Giáo Hội,
sẽ không còn một vai trò cấu thành nào nữa trong ơn cứu độ : sứ mệnh của Giáo
Hội trong thế giới sẽ chỉ còn lại là làm cho mọi người ý thức rằng ơn cứu độ
nầy đã hiện diện, được khắc ghi sâu xa trong mỗi một người trong họ mà thôi. Tóm
lại, nhờ sự nhập thể của Ngôi Lời, mỗi người sẽ tự động thủ đắc,- một cách độc
lập với ý thức mà người ấy có thể có về điều đó – “cuộc sống trong Chúa Kitô”
và vì thế được hưởng những tác động mang tính cứu rỗi của ơn cứu chuộc do Chúa
Giêsu Kitô thực hiện,do sự thăng hoa của nó với tư cách là con người . Người đó
chỉ là một “Kitô hữu vô danh”.
Erik Peterson, nhà chú giải Kinh
Thánh người Đức nổi tiếng, đã trở lại Công giáo từ đạo Tin Lành phái
Luther, giải thích trong tác phẩm viết năm 1933 của ông, Die Kirche aus Juden und haiden ( Bí ẩn
Người Do Thái và Dân Ngoại trong Giáo Hội), khi bình luận các chương từ 9 đến
11 thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, đã nói rằng Kitô giáo không thể bị biến
thành một trật tự đơn thuần tự nhiên, trong đó những tác động của ơn cứu chuộc
do Chúa Giêsu Kitô thực hiện sẽ được truyền lại cho mỗi người theo gien di truyền, qua con đường cha
truyền con nối,chỉ từ sự việc duy nhất là con người chia sẻ với Ngôi Lời nhập
thể bản tính con người. Là con cái Thiên Chúa không phải là kết quả tự động và
được bảo đảm của việc thuộc về giòng giống con người. Đặc tính con cái Thiên
Chúa luôn là một món quà nhưng không của ân sủng, nó không thể không kể đến ân
sủng được ban nhưng không trong bí tích rửa tội, được nhìn nhận và đón nhận
trong đức tin. Một đoạn của Thánh Lêông Cả trong phụng vụ Mùa Vọng, soi sáng
chính xác tương quan giữa mầu nhiệm nhập thể và phép rửa tội : ” Nếu người nào
duy nhất thoát khỏi mọi tội mà không hợp nhất với bản tính của chúng ta, thì
toàn nhân loại sẽ luôn bị giam hãm dưới ách nô lệ của ma qủy và chúng ta sẽ
chẳng thể nào lợi dụng chiến thắng mà Chúa Kitô đã đạt được, bởi vì chiến thắng
nầy bấy giờ sẽ có được bên ngoài bản tính của chúng ta. Bí tích tái sinh chúng
ta đã chiếu sáng cho chúng ta vì sự tham gia lạ lùng nầy vào bản tính của chúng
ta : nếu sự thụ thai và sinh hạ Chúa Kitô đã được thực hiện bởi Thánh Linh, thì
cũng nhờ chính Thánh Linh đó mà chúng ta, những người được sinh ra từ nhục dục,
có thể sinh ra”. Và Thánh Augustin viết trong cuốn De Civitate Dei :” Vì vậy bản chất hư đốn vì tội lỗi sinh
ra những công dân của trái đất, trong khi ân sủng vốn giải thoát bản tính nầy
khỏi tội lỗi và sinh ra những công dân cuả thiên đàng. Do đó những người thứ
nhất được gọi là những bình chứa cơn giận dữ và những người sau được gọi là
những bình chứa lòng xót thương. Người ta cũng có một ví dụ về điều nầy nơi hai
người con của Abraham. Một người – Ismael – sinh ra theo xác thịt từ tỳ nữ
Agar; người con kia, – Iasaac – sinh ra theo lời hứa từ Sarah,vốn là một phụ nữ
tự do. Cả hai đều từ gốc Abraham,nhưng người thứ nhất sinh ra từ một quan hệ
thuần tự nhiên,trong khi người thứ hai là một hồng ân của lời hứa,vốn là một dấu
chỉ ân phúc. Trong trường hợp thứ nhất cho thấy một cách ứng xử con người;
trong trường hợp thứ hai là ân sủng của Thiên Chúa”.
Chỉ cần quay lại Tân Ước
và cách thức mà Thánh Gioan, người môn đệ được yêu mến,
mô tả tính chất con cái Thiên Chúa, để cho thấy làm sao tính chất nầy
không phải là một sự thủ đắc ngay tức thì và tự nhiên, nhưng luôn là một hồng
ân nhưng không mà Đức Chúa ban dư giật cho kẻ nào Người chọn và người ta đón
nhận được nó trong đức tin (“không phải các con đã chọn Thầy, mà chính Thầy đã
chọn các con” Ga 15,16).
Ba đoạn văn của Thánh Gioan đề cập một cách
đặc biệt đến tính chất con cái Thiên Chúa nầy, được Chúa Giêsu hứa ban,
mà Kitô hữu trải nghiệm : một câu ở Lời tựa ( Ga 1,12) nói
về khả năng trở thành con cái Chúa của chúng ta; phần đầu
cuộc đối thoại với Nicôđêmô (Ga 3, 1-8) mô tả tất cả những gì Thánh
Linh hoàn tất trong chúng ta để làm cho thế hệ chúng ta được sinh ra như
là những con cái của Thiên Chúa; cuối cùng hai đoạn của thư thứ nhất (I Ga 3, 6
– 9; 18-19), trong đó được cho thấy làm sao Kitô hữu, khi nhìn thấy đặc tính
làm con cái Chúa của mình, nhận được những ơn ích thiêng liêng và đạo đức trong
cuộc sống cụ thể của nó và vì thế trở thành “hoàn hảo”. Với chủ đề mà chúng ta
đang bàn, chủ yếu hai đoạn đầu được kể ra trên đây là có ý nghĩa.
Trong lời mở đầu (Ga 1, 12 – 14), Thánh
Gioan viết : “ Nhưng với tất cả những ai tiếp nhận Người, thì người đã cho họ
quyền trở thành con cái Thiên Chúa, [nghĩa là] cho những ai tin vào Danh Người
: [Danh của Đấng] đã được Thiên Chúa sinh ra (egennete) , Đúng vậy, Ngôi Lời đã làm người và đã đến ở
giữa chúng ta và chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang Người, vinh quang của Con
Một đến từ Cha người, đầy tràn ân sủng chân lý”.
Cần phải lưu ý hơn hết trong đoạn
mở đầu nầy việc sử dụng từ trở thành (ginestai).Không thấy các bình luận giải
thích nói gì về nó. Việc lựa chọn ngôn từ nầy có ý nghĩa về điều mà Thánh Gioan
muốn nói về việc là con cái Thiên Chúa : người ta trở thành con cái Thiên Chúa,
chứ không phải là con cái Thiên Chúa ngay từ đầu (ab initio) chỉ nhờ vào duy nhất bản tính con người của
mình. Tính chất con cái Thiên Chúa không phải là một dữ liệu thủ đắc được theo
tiền nghiệm, một sự sở hữu tĩnh, mặc nhiên trong khi được sinh ra tự nhiên. Người
ta trở thành con cái Thiên Chúa – như Chúa Giêsu đã nói trong cuộc đối thoại
với Nicôđêmô – khi ‘người ta được sinh ra
từ trên cao”, khi ‘người ta
được sinh ra từ nước và Thánh Linh”. Và điều ấy xảy ra khi một biến
cố, phép rửa và đức tin, dẫn ta vào một động lực mới của hữu thể, đặt một tính năng động mới vào cuộc sống chúng ta. Kho báu nầy
làm cho toàn bộ cuộc sống trở thành một con đường,một sự tiến tới, luôn được đi
trước và được kèm theo bởi những ân sủng do Đức Chúa thực hiện, bất thần đến
thăm tâm hồn, và nuôi dưỡng đức tin. Tóm lại,đặc tính chất con cái Chúa không
phải là một dấu hiệu siêu hình được khắc ghi trong định mệnh của mỗi người, bất
kể người đó biết hay không, bất kể người đó muốn hay không. Đặc tính con cái
Chúa nầy đúng hơn là một hồng ân được nhìn nhận và được đón nhận trong đức tin;
một hồng ân chất vấn tự do của chúng ta,đến độ chính Thiên Chúa, theo như hình
ảnh tuyệt vời Thánh Bernard đưa ra, đã lo lắng chờ đợi tiếng xin vâng của Đức
Maria.
Một từ khoá khác trong đoạn
mở đầu nầy là từ quyền
năng (exousian),
cũng chỉ không phải một sự chiếm đoạt, mà là một động năng. Người ta không trở
thành con cái Thiên Chúa một cách tự động, qua luật bản chất, mà là theo đức
tin .Quyền năng được ban để trở thành con cái Thiên Chúa, đó là đức tin : không
phải một đức tin mơ hồ và vô danh, hơi thở tôn giáo chung, ít nhất trong một số
dịp cuộc đời,với hết mọi người, nhưng là đức tin “của người tin vào Danh
Người”. Một câu mà chúng ta gặp thấy nhiều lần trong phúc âm Thánh Gioan : đức
tin thật sự hệ ở “tin vào danh Con Một
Thiên Chúa” (Ga 3, 18). Kết quả là đặc tính con cái Chúa của chúng
ta chỉ có thể là một sự tham dự vào tính chất con cái Chúa của Đấng đã thể hiện
giữa chúng ta như là “Con Một đến từ Chúa Cha của Người”. Quyền năng trở thành
con cái Chúa nầy, đức tin nầy, nảy sinh và lớn lên, như nó đến với đức tin của
các môn đệ tiên khởi. Và những gì đã đến với các môn đệ tiên khởi nầy,vẫn là
kinh nghiệm kiểu mẫu cho cách mà người ta trở thành con cái Chúa. Bởi vì chính
sự hiện diện nầy vốn đã gợi lên đức tin trong những người đầu tiên mà nó đã
chọn lựa, tiếp tục hoạt động trong hiện tại, đến mức làm ngạc nhiên và thức
tỉnh đức tin cả hôm nay trong tâm hồn những người mà Chúa Cha ban cho Người”
(x. Ga 17,2).
Cuộc đối thoại với
Nicôđêmô là đoạn dài nhất và rõ ràng nhất
về chủ đề đặc tính con cái Chúa. Giữa những khía cạnh khác
nhau được đề cập ở đây, phải nhấn mạnh trên hết về việc Thánh Gioan nhắc đi
nhắc lại hành động của Thánh Linh trong kinh nghiệm,mà con người trải qua về
việc là con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích với Nicôđêmô :” Trừ phi sinh ra bởi nước và Thánh Linh, thì không
ai có thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5). Như vậy con đường cho phép
trở thành “những con cái trong Người Con” chỉ có thể được tiếp cận với kẻ nào
sinh ra từ Thần Khí trong đức tin và trong phép rửa (mà Chúa Giêsu chỉ cho thấy
trong đoạn nầy qua dấu chỉ của nước)
Những học thuyết nào,vốn muốn biến tính chất
con cái Chúa thành một hành động máy móc,như thể đó là dấu hiệu
một sự thống trị thủ đắc được Thiên Chúa khắc ghi nơi mỗi
người, thì cũng thường chỉ cho thấy Thánh Linh như người thợ của quá
trình hoạt động nầy. Theo các học thuyết nầy, con người tự bản tính hẳn có tước
hiệu con cái Chúa ngoài đức tin, ngoài phép rửa và ngoài sự ưng thuận tự do,
bởi vì Thánh Linh trong sự tự do vô biên của Người, gán cho mỗi người, dù biết
hay không,dù muốn hay không, những ơn lành ơn cứu chuộc. Thế nhưng phúc âm
Thánh Gioan cho thấy rằng Thánh Linh không phải là một thực thể tách rời và độc
lập hoạt động trong thâm tâm kín ẩn bằng một hành động song song với hành động
của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
Tất cả sứ mệnh Thánh Linh trong lịch
sử cứu độ có thể diễn tả bằng những lời của Thánh
Basiliô trong phụng vụ Mùa Giáng Sinh : “ Cũng như Chúa Cha trở nên
hữu hình nơi Người Con, Người Con cũng trở nên hiện diện trong Thánh Linh”. Và
Thánh Basiliô nói thêm rằng đó chính là bài học của những gì mà Chúa Giêsu đã
nói với người phụ nữ Samaria :” Phải thờ phượng trong Thánh Linh và trong chân
lý” (Ga 4,23),khi Chúa Giêsu tự định nghĩa người một cách rõ ràng là ‘chân lý’.
Chỉ cần đọc những lời hứa về Đấng An
Ủi mà chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ người trong Phúc âm Thánh Gioan. Thánh
Linh “sẽ giảng dạy ” bằng việc nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói (Ga 14,26) :
“Thánh Linh sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu” (Ga 15,26); “Người sẽ không nói về
mình,mà sẽ nói những gì Người nghe” (Ga 26,13). Thánh Linh do vậy không phải là
một thực thể ngẫu nhiên; Người được cấp cho một ý hướng tính rõ rệt,dù là mầu
nhiệm (“Thánh Thần thổi đi nơi nào Người muốn” Ga 3,8). Người hoàn tất một số
công trình luôn liên quan với sứ mệnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Vì Thánh
Linh là “Thần Chân Lý” (Ga 15,26; Ga 16,13), còn chân lý nào khác có thể
làm cho chúng ta biết Thánh Linh,nếu không phải là chân lý của Đấng đã nói : “
Ta là sự thật” (Ga 14,6)? Thánh Linh hướng dẫn người Kitô-hữu tiến về Chúa
Giêsu Kitô, hướng về toàn bộ chân lý (Ga 16,3); Người giúp họ ngày càng đi sâu
hơn vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô và được Người nhớ đến. Có một đoạn trong hiến
chế Tín Lý Lumen Gentium có thể tóm tắt tất cả những gì chúng ta đã nói : “
Chúa Kitô được nâng lên khỏi mặt đất đã lôi kéo lại với Người tất cả mọi người;
được phục sinh từ kẻ chết, Người đã sai Thánh Thần Sự Sống của Người xuống trên
các tông đồ của Người và nhờ Thánh Linh mà cấu thành thân thể Người,tức là Giáo
Hội, như bí tích phổ quát ơn cứu độ; ngự bên hữu Chúa Cha, Người liên lỉ hoạt
động trong thế gian,để dẫn con người về với Giáo Hội, hiệp nhất họ với nhau
chặt chẽ gắn bó hơn qua Giáo Hội, và làm cho họ tham gia vào đời sống vinh
quang của Người,với việc ban Mình và Máu Người cho họ làm lương thực” (số 48).
Nếu người ta không sinh ra là con cái
Thiên Chúa và nếu người ta trở thành con cái Chúa, thì việc
là con cái Chúa không bao giờ là một lý do để
tự phụ kiêu căng hoặc lên án kẻ khác. Như Đức
Gioan-Phaolô II đã nhắc lại trong tông thư Redemptoris
Missio, “đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận” là ‘một hồng ân từ Trời
Cao,chứ không phải do công trạng của chúng ta”
Kinh nghiệm sự việc là con Thiên
Chúa,ngược lại, chỉ có thể đầy lòng biết ơn về hồng
ân không xứng đáng có được và về hy vọng đối với tất cả mọi người. Do vậy không
phải xét đoán những người ngoại đạo, những kẻ xa xôi hoặc kể cả những kẻ có thể
tỏ ra thù nghịch, cho dù vì mỗi người trong họ có thể, khi ít ngờ nhất, gặp gỡ
sự việc Kitô giáo. Như Péguy đã viết khi bình luận một câu thơ của Corneille,
“Vị Thiên Chúa nầy đụng đến các tâm hồn khi người ta ít nghĩ đến nhất. Đó là
công thức của vết cắn mổ [của rắn]. Đó là công thức của tấn công, của sự đụng
đến, của sự thâm nhập ân phúc. Nhưng nếu người ta muốn,nó cũng bao hàm rằng
người nào nghĩ tới đó, người nào có thói quen nghĩ tới đó, người nào được phủ
bằng lớp phủ của thói quen nầy, cũng là người tạo điều kiện ít nhất ”.
Lòng biết ơn nầy không xét đoán
ai,nhưng hào hiệp cao thượng và đầy lòng nhân từ xót thương, kể cả
trước sai lầm và tội lỗi. Như Thánh Phanxicô Xaviê, người môn đệ yêu thích mà
Thánh Inhatiô Loyala đã sai đi rao giảng Tin Mừng Đông Phương xa xôi. Đối diện
với tội lỗi, cả với những tội lỗi ti tiện nhất của lương dân, Thánh Phanxicô
Xaviê lấy làm ngạc nhiên rằng, dù không có đức tin, bí tích và lời cầu nguyện
theo đạo, họ cũng không phạm những tội nặng hơn. Người viết như sau trong một
bức thư gửi các bạn dòng ở Cpchin năm 1552 : “Tôi không ngạc nhiên về tội lỗi
hiện có giữa các sư sãi và ni cô, dù nhiều đến đâu. Điều làm tôi ngạc nhiên,
ngược lại, đó là họ không phạm nhiều hơn những gì họ đang làm..”
Nguyên tác : On ne nait pas enfant de
Dieu. On le devient.
Thư khố tạp chí 30 JOURS -
Cf. I. de la Potterie, La
figliolanza divina del cristiano secondo Giovanni, in Atti del VI Simposio di Efeso su san Giovanni
apostolo, Université pontificale Antonianum, Rome 1996, p. 53-80.
Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ -
XBVN 10/3/10
Cha Ignace de la Potterie, Dòng Tên,sinh
24.07.1914, qua đời ngày 11.11.2003,là nhà chú giải Kinh Thánh,
đặc biệt về các Giáo Phụ. Là một tu sĩ gương mẫu, một người chuyên tâm cầu
nguyện,khiêm nhường,sốt sắng giúp người và là nhà nghiên cứu và bảo vệ chân lý
nhiệt thành. Tác giả của rất nhiều sách,trong đó những cuốn nổi tiếng như : Người Kitô hữu sống nhờ Thần Khí (The
Christian lives by the Spirit); Giờ của
Chúa Giêsu : Cuộc Khổ Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan (
The Hour of Jesus : The Passion and the Resurrection of Jesus according to
John); Đức Maria trong Mầu Nhiệm Giao Ước
(Mary in trhe Mystery of the Covenant).