Tuần Thánh: Xét mình qua những nhân vật trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu

 

WHĐ (28.03.2010) – Hôm nay, Chúa nhật Lễ Lá, toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm những ngày cuối cùng trên trần thế và cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.

Trong Tuần Thánh, dân Chúa sẽ có hai dịp nghe đọc trình thuật về Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, tức bài Thương khó: một vào lễ Lá, một trong Phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.

Nhân Tuần Thánh năm nay, Đức ông William Shomali, chưởng ấn Toà Thượng phụ Latinh và nguyên giám đốc Chủng viện của Toà Thượng phụ Giêrusalem, đã viết bài suy niệm về Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bài viết đăng trên website của Tòa Thượng phụ.

Bản dịch của WHĐ có thay đổi nhan đề và một số tiểu đề.

* * *

Hằng năm chúng ta đều cử hành cuộc tưởng niệm tuần lễ cuối cùng sống trên trần thế của Chúa Giêsu và suy niệm về ý nghĩa của sự đau khổ và cái chết của Người.

Một trong nhiều cách tiếp cận mầu nhiệm Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu là hướng vào các nhân vật chính: Phêrô, Philatô, Giuđa, Caipha… Qua các nhân vật này, chúng ta thấy chính bản thân mình, nhìn ra vai trò của mình trong Cuộc Khổ nạn của Chúa. Họ như tấm gương phản ánh cái tôi nội tâm của chúng ta với tất cả sự diệu kỳ cũng như vẻ mặt đáng ghê sợ của nó.

Tôi muốn tập trung vào ba nhân vật lịch sử gây phản cảm nhất, trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu.

Tôi xin nêu ba câu hỏi:

– Tại sao Chúa lại phải chịu mọi đau khổ cay đắng như vậy?

– Ai chịu trách nhiệm cuối cùng về cái chết của Chúa Giêsu?

– Khi chứng kiến cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, tôi đã phản ứng như thế nào?

Philatô, con người hèn nhát và sợ mất ghế

Philatô là nhân vật lẽ ra có thể gây được thiện cảm.

Thoạt đầu, ông ta tỏ ra là người có tinh thần trách nhiệm cao. Ông biết Chúa Giêsu vô tội và cố gắng cứu Người. Lúc phải đương đầu với những kẻ thù ghét Chúa Giêsu, tâm trí ông bỗng lóe ra cách cứu Người. Ông chọn Barabbas, một tù nhân đại hình đang bị giam trong ngục dưới quyền ông, rồi đem đến trước mặt các đối thủ và hỏi họ: Nhân lễ Vượt qua, các ông muốn tôi tha người nào? Philatô quá đỗi kinh ngạc và thất vọng ê chề khi thấy họ chọn tha Barabbas. Đến đây, Philatô đã hành động theo lý trí và sự ngay thẳng. Nhưng khi dân chúng dọa sẽ tố giác đến César nếu ông phóng thích người được gọi là vua dân Do Thái, ông đã lùi bước và ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu rồi đem đi đóng đinh. Ông đã đặt lợi ích cá nhân lên trên nghĩa vụ làm đại diện tối cao của nền công lý đế quốc Rôma. Tội của Philatô là hèn nhát và ích kỷ: tại sao cuộc đấu đá nội bộ của người Do Thái lại có thể làm cho ông suy sụp, thay đổi lập trường, dù biết rõ nạn nhân là người vô tội?

Tôi nhớ lại một chuyện có thật, xảy ra vào thời vua Baudouin của vương quốc Bỉ (1951-1993). Năm 1990, Quốc hội Bỉ chấp thuận dự luật cho phép phá thai. Theo Hiến pháp, luật chỉ có hiệu lực khi được quốc vương tán thành. Như vậy nhà vua chịu một sức ép lớn phải ký thông qua đạo luật này. Ngài đã viết cho Thủ tướng: “Dự luật này đặt tôi đứng trước một vấn đề lớn thuộc lương tâm. Nếu ký, đương nhiên tôi cũng có phần trách nhiệm đối với đạo luật. Nhưng tôi không thể làm điều đó được”. Một đằng, đạo luật không thể có hiệu lực nếu chưa được nhà vua tán thành – trong khi nhà vua không hề ủng hộ đạo luật. Đằng khác, quốc vương lại không có thẩm quyền pháp lý chống lại một đạo luật đã được các dân biểu thông qua. Làm sao vượt qua bế tắc này? Người ta đã nghĩ ra một cách giải quyết rất đúng luật. Ngày 3-04-1990, theo đề nghị của chính quốc vương, chính phủ tuyên bố nhà vua không còn đủ khả năng trị vì. Cụ thể là, nhà vua đã ngưng trị vì vương quốc. Hôm sau đạo luật được ban hành. Ngay sau đó, vua phục chức. Mặc cho mọi việc vừa xảy ra, quốc vương vẫn được dân chúng yêu mến và trân trọng các nguyên tắc đạo đức của ngài.

Khi xảy ra xung đột giữa lương tâm và lợi ích riêng, mọi nhà lãnh đạo phải có can đảm theo đuổi những nguyên tắc đạo đức, dù phải chịu đau khổ.

Caipha, con người đầy thủ đoạn chính trị, chủ trương lấy mục đích biện minh cho phương tiện

Caipha là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu, người đã từng bị ông tìm cách bêu xấu và loại trừ. Ganh tị trước những thành công của Chúa Giêsu về những điều Người giảng dạy và những phép lạ Người làm, Caipha và thuộc hạ đã nhiều lần giăng bẫy cố ý hãm hại Chúa Giêsu. Trong vụ án này, Caipha tạo áp lực  đối với Philatô, buộc ông này phải đóng đinh Chúa Giêsu, dù có phải đơm điều đặt chuyện vu cáo. Ông ta cáo buộc Chúa Giêsu có tham vọng chiếm ngai vàng, và như thế, theo ông ta, Giêsu là mối hiểm họa cho Đế chế Rôma. Sự thật không phải thế. Chúa Giêsu đã từng kiên quyết bác bỏ ý định của dân chúng muốn tôn Người lên làm vua sau khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hơn nữa Người còn dạy các môn đệ: “Của César thì trả về cho César”, Chúa nhấn mạnh đến tính hợp pháp của việc đóng thuế cho đế quốc.

Đến đây, ta thấy rõ ràng chính Caipha là người chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này. Về phương diện luật pháp, tập thể người Do Thái không chịu trách nhiệm liên đới đối với tội ác của Caipha. Mặc dù cũng có một số người từng la ó khi vụ án diễn ra: “Máu hắn cứ đổ lên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25), nhưng những người Do Thái ở Giuđêa và ở những cộng đoàn tản mác, không hề có liên quan đến các hành động của người đứng đầu Thượng Hội đồng. Chỉ những người trong Thượng Hội đồng ra phán quyết kết án Chúa Giêsu mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm.

Caipha là con người vô liêm sỉ. chúng ta thấy ông ta là điển hình của giới hữu trách chính trị và tôn giáo mọi thời, chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Thủ đoạn chính trị không thể được coi là đồng nghĩa với sự linh hoạt chính trị được, mà phải gọi đúng tên là sự đồi bại và sự dữ.

Chính cái triết lý phi nguyên tắc này đã cướp đi sinh mạng của Chúa Giêsu.

Giuđa, kẻ ham tiền và phản trắc

Có phải Giuđa thật sự coi 30 đồng trọng hơn Chúa Giêsu không?

Nhân vật đen tối này cũng vẫn được một số người hiện nay bênh vực. Đối với họ, Giuđa là người chống đế quốc Rôma. Hắn theo Chúa Giêsu, coi Người là một lãnh tụ giải phóng. Nhưng khi nghe Người giảng về một vương quốc thiêng liêng và cánh chung, hắn liền quay lưng lại với Thầy. Tại sao? Những người bênh vực Giuđa cho rằng, khi đẩy nhanh các sự kiện, Giuđa ép Chúa Giêsu buộc phải tiết lộ sứ mệnh và vai trò cứu thế của người. Hắn tin rằng, dù bị khép tội chết, Chúa Giêsu cũng sẽ dùng quyền năng phi thường mà xoay chuyển tình thế.

Một cách giải thích khác cho rằng, Giuđa chỉ là công cụ trong tay Thiên Chúa. Chúa Giêsu trước hết phải chịu đau khổ rồi mới cứu nhân loại, nên cần phải có người nộp Chúa Giêsu cho kẻ thù, để kế hoạch của Chúa được thực hiện.

Hai kiểu giải thích này khác với điều Gioan viết trong sách Tin mừng: Giuđa là kẻ phản trắc và là đứa trộm cắp. Hắn đã đi gặp các thủ lĩnh tư tế và cò kè trả giá về cuộc phản bội.

Như vậy Giuđa tiêu biểu cho những kẻ sùng bái tiền bạc và dùng mọi cách để kiếm tiền. Thánh Phaolô viết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6, 10). Vì thế, nếu tiền bạc chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống con người, thì sẽ gây ra những hậu quả tai hại.

Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?

Về phương diện con người, những nhân vật chúng ta vừa phân tích hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về tội ác ghê tởm đã giáng xuống một nạn nhân vô tội. Đồng thời, cái chết của Người đã là một phúc lành cho nhân loại.

Chúng ta nên nhớ, cái chết của Chúa Giêsu hoàn toàn khác một cuộc ám hại thông thường. Bởi vì, Chúa Giêsu bước đến cái chết trong tâm thế của một con người tự do. Người có thể dùng quyền năng của Chúa để tự bảo vệ mình. Phải chăng Người đã không ra lệnh cho các đạo binh thiên thần đến giúp Người? Dù chính Người đã chữa lành mọi bệnh tật, nhưng phải chăng Người đã không nói một lời tiêu diệt những kẻ chống lại mình? Vâng, Người đã làm như thế. Người đã tự nguyện chấp nhận cái chết và đem lại cho nó một ý nghĩa mới. Chính trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, trao cho các môn đệ và nói: “Này là mình Thầy, bị nộp vì các con”. Sau bữa ăn, Người cầm chén rượu và nói: “Này là chén máu Thầy […] sẽ đổ ra cho các con và muôn người được tha tội”.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu không phải là âm mưu của Caipha, sự phản bội của Giuđa hay sự hèn nhát của Philatô, mà chính do Người vâng phục Chúa Cha và yêu thương chúng ta, những tội nhân khốn khổ. Tội lỗi đã đi vào thế gian vì Ađam đã không vâng phục Chúa. Trong tấn thảm kịch chúng ta cùng nhau tái hiện trong tuần này, chính Ađam thứ hai là Đức Kitô, Đấng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Chúa Giêsu, Đấng đáp ứng những đòi hỏi của Công lý và Lòng thương xót

Qua cái chết, Chúa Giêsu đã đáp ứng những đòi hỏi của công lý và lòng thương xót của Chúa. Đối với chúng ta, những con người đáng thương, hai từ này khá mâu thuẫn với nhau. Hoặc chúng ta là người công minh hoặc là người hay thương xót. Duy chỉ có Thiên Chúa là Đấng rất công minh mà lại rất giàu lòng thương xót.

Trong cái chết, Chúa Giêsu đáp ứng những đòi hỏi của công lý và lòng thương xót. Công lý đòi hỏi kẻ phạm tội phải trả giá cho tội đã phạm. Chúa Giêsu, trong bản tính nhân loại, đã đại diện cho cả loài người. Khi chịu đau khổ trong xác phàm, Người tự hiến làm hy lễ đền tội theo công lý của Chúa. Nhưng đồng thời, Người đã cho thấy Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Con người chịu đau khổ, dâng hy lễ chuộc tội chúng ta, chính là Con Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian. Là Con Thiên Chúa, hy lễ của Người được chấp nhận và con người được chuộc tội.   

Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một thất bại nhưng là một thành công lớn, tức khắc mang lại hiệu quả. Khi Chúa đang chịu khổ nạn, Phêrô đã khóc lóc đau đớn và được tha thứ, kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa đã được Chúa hứa ban Nước Trời, viên sĩ quan đại đội trưởng Rôma tuyên xưng đức tin.

Thánh Phaolô trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô đã giải thích rõ rệt: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). Nhờ cái chết của Người, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. Hơn nữa, Hội Thánh nhận được tác vụ hòa giải từ chính Chúa Giêsu (x. 2 Cr 5, 18).

Cái chết không có lời cuối cùng

Sau khi nghe đọc Bài Thương khó, chúng ta có thể cảm thấy buồn bã và thất vọng. Nhưng không phải như vậy đâu. Có hai lý do khiến chúng ta được an ủi:

– Chúa Giêsu chết vì yêu thương chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để mọi người tin vào Con của Ngài sẽ không bị hư mất, nhưng sẽ giữ được sự sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đức Giáo hoàng Gioan–Phaolô II viết: “Hãy nghe Đấng bị đóng đinh, hãy nghe Người nói với trái tim của bạn. Hãy nghe Người nói với bạn: Con thật có ý nghĩa với Ta”.  

– Chúa muốn bảo đảm hy lễ Con của Ngài đã được chấp nhận và loài người mãi mãi được giao hòa với Chúa. Chúng ta chỉ có thể đón nhận sự tha thứ của Chúa và phải bắt đầu cuộc sống mới. Làm thế nào chúng ta biết được Chúa đã nhận hy lễ này và ban cho chúng ta ơn giao hòa? Đây là dấu chỉ nhận biết: ngày thứ ba, ngôi mộ an táng Chúa Giêsu hoàn toàn trống rỗng. Chúa Giêsu đã từ kẻ chết sống lại và chúng ta sống lại với Người để sống cuộc đời mới.

Bây giờ chúng ta có thể đọc Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê trong cử hành phụng Lễ Lá: “Người đã tự hủy, nhận lấy thân phận nô lệ […]. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để […] mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 5-11).

Lời nguyện

“Lạy Linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con,

lạy Mình Chúa Kitô, xin cứu vớt con,

lạy Máu Chúa Kitô, xin cho con được say mến,

lạy Nước từ cạnh sườn Chúa Kitô, xin lau sạch con,

lạy Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, xin cho con nên mạnh mẽ.

Lạy Chúa Giêsu nhân từ, xin nhậm lời con,

xin giấu con nơi thương tích của Chúa,

xin đừng để con lìa xa Chúa,

xin bảo vệ con trước đối phương,

xin gọi con lúc lâm chung,

xin truyền cho con được đến với Chúa,

cùng với các thánh của Chúa, con chúc tụng Chúa muôn đời. Amen”.   

Đọc gì trong Tuần Thánh?

Nên đọc bài Thương khó trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, rồi xét mình qua các nhân vật trong bản văn.

Làm gì trong Tuần Thánh?

Khao khát được giao hòa với Chúa và làm hòa với mọi người qua Bí tích Hòa giải. Bằng không, việc Chúa chịu đau khổ cũng trở nên vô ích đối với chúng ta.

William Shomali

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu