SỬA LỖI CHO NHAU
“Nhân vô thập toàn” : ở đời chẳng có ai hoàn hảo, ai cũng có lầm lỗi
, và ai cũng cần được sửa lỗi để trở nên người hơn trong tiến trình hoàn thiện.
Đó cũng chính là ơn kêu gọi của mỗi người chúng ta : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”(
Mt 5, 48). Sự hoàn thiện nào cũng đòi hỏi phải sửa đổi và điều chỉnh liên tục.
Tự nhận ra lỗi lầm và sửa đổi lầm lỗi của mình là điều tốt nhất, nhưng đó là
điều hết sức khó khăn, bởi vì tâm lý chung của mọi người là “thấy cái rác trong con mắt của người anh em,
mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7, 3). Do đó,
mình dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ
nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ. Chính vì vậy mà để trở nên hoàn thiện
thì chúng ta cần giúp nhau nhận ra lầm lỗi của mình. Đây là điều không dễ dàng
chút nào, vì nó tùy thuộc vào tính cách và phương cách của người sửa lỗi, cũng
như thái độ cùa người nhận lỗi.
Trước tiên, CG dạy
chúng ta rằng, sự sửa lỗi mang tính cách riêng tư (Mt 18, 15), tình thân, như
một người bạn tâm giao, như một lời tâm sự đầy yêu thương, nhưng thẳn thắn và
rõ ràng. Chính vì yêu thương mà Chúa đòi buộc chúng ta phải sửa đổi lẫn nhau,
không để cho nhau chết trong lầm lỗi của mình (Ez 33, 7-9). Sửa lỗi cho nhau là
vì sự tốt đẹp và ích lợi của nhau. Không có tấm lòng yêu thương chân thật thì mọi cách sửa lỗi đều vô hiệu, mà
trái lại còn gây nên phản kháng và chống báng. Càng yêu thương nhau
thì sự sửa lỗi cho nhau càng hữu hiệu.
Việc sửa lỗi trong yêu
thương đòi ta phải trân trọng người
anh chị em mình, một sự trân trọng như chính bản thân của mình để có thể hiểu
biết và đồng cảm với nhau khi đứng trước sự việc. Trân trọng vì biết rằng điều quan trọng không phải
là sai lỗi, mà là biết sửa lỗi. Trân trọng vì tin vào thiện chí và mầm mống
tốt đẹp mà Chúa đã gieo vào lương tâm mỗi người, để nhờ sửa lỗi mà họ được lớn
lên trong sự thiện. Không có sự trân trọng trong việc sửa lỗi anh em sẽ là một
sự xúc phạm nhân phẩm, chỉ gây thêm thương tổn và tai hại cho đôi bên mà thôi.
Trân trọng thôi vẫn
chưa đủ, còn phải biết tế nhị, dịu
dàng. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, vừa nhiều tự ái vừa đầy mặc cảm. Một
lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ, một thái độ vô tình sẽ khơi thêm hố ngăn
cách. Bởi vậy mới cần sự tế nhị để biểu hiệu tấm lòng yêu thương, tạo nên cảm
giác an toàn và kính trọng, mở ra một bầu khí tín nhiệm, thuận lợi cho việc cởi
mở tâm tình và khai thông bế tắc.
Yêu thương, trân trọng, tế nhị nhưng cũng phải
kiên trì. Việc sửa lỗi không đơn giản một lần là xong, nhưng có những trường hợp
phải nhiều lần, nhiềi lượt, nhiều phương án khác nhau để phù hợp cho từng
trường hợp riêng biệt. Cần nhớ rằng, sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của
Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác, nhưng cậy dựa vào ơn
Chúa để lay chuyển và biến đổi họ trong tình yêu thương và kiên trì. Mỗi tâm
hồn là một thế giới riêng biệt, thiếu kiên trì tìm hiểu thì chúng ta dễ lầm
lạc, không thể đi vào để nối kết tương giao, và lại càng không thể giúp đỡ để
sửa đổi người anh em mình.
Cuối cùng kinh nghiệm
cho tôi biết rằng, sửa
lỗi người khác đồng thời đi đôi với việc sửa mình : có nghĩa là duyệt xét lại tâm tình, ý
hướng và phương cách của mình cho chân chính và phù hợp, để tránh những chủ quan
và thiển cận. Nếu không như thế thì chính tôi lại lầm lỗi trong khi sửa lỗi
người khác, tạo nên mâu thuẫn và đối nghịch. Có những trường hợp người khác
không thể sửa đổi được nếu chính tôi đã không sửa đổi. Vì thế sự đổi mới trước
tiên nơi bản thân tôi mời gọi và thúc đẩy sự đổi mới nơi người khác. Với tấm
lòng yêu thương và quảng đại, với cái nhìn hiểu biết và cảm thông của một con
người đã từng lầm lỗi và sửa lỗi, tự tâm hồn
tôi có sức thuyết phục và chuyển biến người khác trong sự tương giao đối
với họ, giúp họ tự nhận thấy và cải đổi dần
dần những lầm lỗi của mình trong ơn thánh Chúa.
Không có sự đổi mới ngoài
tình yêu, Chính tình yêu tạo nên sự đổi mới, và người ta chỉ đổi mới vì tình
yêu. Tình yêu kêu gọi tình yêu. Hễ có tình yêu là có đổi mới. Tình yêu càng
chân thực thì sự đổi mới càng hữu hiệu. Tình yêu càng sâu rộng thì sự đổi mới
càng sâu xa. Vì thế điều quan trọng trên hết mọi sự là tình yêu phải chiếm cứ
và ngự trị trong tâm hồn ta. Chỉ có tình yêu đích thực mới có khả năng phát sinh mọi điều thiện hảo.
Lạy Chúa, con biết rằng, cây hoa chỉ tuyệt đẹp
khi nó được nghệ nhân cắt tỉa và chăm bón hằng ngày. Chúa là một nghệ nhân
tuyệt vời và muốn làm nên những công trình tuyệt tác là chính mỗi người chúng
con. Nếu con không chịu cắt tỉa thì mãi mãi con chỉ là cây hoa dại bên đường,
trở nên tầm thường và gây chán chường cho mọi người, sống mà rồi cũng như chết.
Làm người ai cũng muốn đẹp, nhất là nét đẹp tinh thần, nét đẹp của tâm hồn, cái
đẹp của sự sống vĩnh cửu. Đó cũng là khát vọng sâu xa của con ngừơi được dựng
nên giống hình ảnh Chúa. Dù biết rằng cắt tỉa làm con đau đớn, chịu nhận lỗi
làm con cay đắng, chấp nhận sửa lỗi làm con khổ tâm, nhưng con tin rằng tất cả
những điều đó đều tuyệt đối cần thiết để con có thể lớn lên trong tình yêu
Chúa, trở nên giống Chúa. Ngoài ra, niềm tin vào sự sống vĩnh cửu cho con biết
rằng sự cắt tỉa bản thân con hôm nay chuẩn bị cho con một sự thanh luyện gắt
gao và kinh khủng cuối cùng của ngày mai trước khi VƯỢT QUA để đi vào VÔ TẬN
cùng với Chúa. Con hiểu được điều này khi chiêm ngắm thập giá khổ hình của Chúa,
và con tha thiết mong mỏi rằng: đó cũng sẽ là chứng tích tình yêu và niềm hy
vọng cuối cùng của cuộc đời con nơi lòng thương xót Chúa.
Lm. Thái
Nguyên.