ĐỨC TIN

 

(TTCG Cập nhật: 19/08/2010 08:41:34)

“Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).

1. Đức Tin là gì?

Đức tin là sự tuân phục trọn vẹn của mỗi người đối với Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình. Lý trí và ý chí vâng phục Mạc Khải mà Thiên Chúa đã thực hiện qua các hành động và lời nói của Ngài. Chính nhờ đức tin, chúng ta tin kính Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã chỉ dạy cho chúng ta và Hội Thánh phải tin. Chúng ta biết rằng đức tin là nhân đức đối thần, không do máu huyết hay sự khôn ngoan của con người mà có được. Đây hoàn toàn là ơn nhưng không của Chúa ban cho. Chúng ta cần cộng tác với ơn Chúa và học hỏi để đức tin được vững mạnh hơn mỗi ngày. Thánh Phaolô viết: “Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2,5).

Tổ phụ Abraham là cha của những người tin. Abraham đã đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ông hoàn toàn phó thác cuộc đời ngày mai cho Chúa. Ông từ bỏ quê hương xứ sở và đi đến miền đất mà Chúa hứa ban. Ông Abraham và bà Sara tuổi già không con, Chúa hứa ban cho con cái như sao trời, cát biển. Ông bà tổ phụ đã đặt tất cả cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Chúa đã thể hiện lời đã hứa. Tổ phụ Abraham đã trở thành cha của cả một dân tộc. Chúng ta biết rằng không phải những người khôn ngoan tài trí mà có đức tin lớn mạnh. Chúa Giêsu có lần cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21). Đối với chúng ta, vô tri bất mộ, không biết thì không mến. Chúng ta không thể mến yêu Chúa khi chúng ta không hiểu biết gì về Chúa. Muốn biết Chúa, chúng ta cần phải học hỏi, tìm tòi và cầu xin. Chúng ta cầu xin với khả năng, thời giờ và phương tiện Chúa ban, để tiếp tục học hỏi và thực hành đức tin trong đời sống. Vì khi chúng ta đã có, Chúa lại ban thêm cho.

2. Xin, tìm và gõ

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Trước hết chúng ta xin ơn đức tin như các Tông đồ đã “xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con”. Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Không chỉ xin ơn đức tin, chúng ta phải đi tìm. Tìm kiếm trong nguồn mạc khải, trong Kinh Thánh, trong đời sống Giáo Hội và tìm nơi thiên nhiên có dấu vết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta còn phải gõ cửa. Muốn có đức tin vững mạnh, chúng ta phải dấn thân, phải phấn đấu, phải làm nhân chứng và bước đến gõ cửa. Học hỏi nơi mọi nền văn hoá và sự khôn ngoan hiểu biết của con người. Khi suy gẫm về đức tin, có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề tài này quá cổ hủ và lỗi thời. Đức tin xem ra là một mớ những suy nghĩ trừu trượng và không còn ăn nhập gì với cuộc sống hiện đại này.

Chúng ta lãnh nhận đức tin khi chúng ta chịu phép Rửa Tội gia nhập đạo thánh Chúa. Niềm tin được cha mẹ và những người đỡ đầu tuyên xưng thay cho chúng ta. Khi lớn lên trong ơn nghĩa Chúa, chúng ta đã học biết về giáo lý và tín lý. Chúng ta được học về một số những điều chúng ta tin qua Kinh Tin Kính. Chúng ta tin vào Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúng ta tin những tín điều về Đức Trinh Nữ Maria và về Giáo Hội. Chúng ta tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta tin có sự sống lại và sự sống đời sau. Đây là kinh tin chúng ta đọc trong thánh lễ Chúa Nhật. Đây là những tín điều nền tảng trong đức tin của người tín hữu. Tín điều là những chân lý được Thiên Chúa mạc khải cho con người. Tuyên xưng niềm tin này, chúng ta sẽ được gắn bó với Thiên Chúa và Giáo Hội.

3. Nhân chứng

Sự học hiểu của chúng ta về Đạo rất ít. Hỏi rằng chúng ta đã đọc được bao nhiêu sách vở đạo đức, bao nhiêu gương các hạnh thánh và sách suy niệm về đạo thánh Chúa. Có mấy người đã đọc trọn bộ Kinh Thánh. Hoặc có mấy ai đã đọc hết cả 4 cuốn Phúc Âm và thơ gửi của các thánh Tông đồ. Chúng ta có dành bao nhiêu thời gian học hỏi về lịch sử và những giáo huấn của Giáo Hội. Kho tàng đức tin nằm ẩn giấu trong đời sống của Giáo Hội. Chúng ta tự khoe rằng chúng ta là đạo gốc. Hỏi về đạo thực tình mà nói, chúng ta đã đầu tư quá ít thời giờ để học hỏi và trau dồi đức tin. Thường chúng ta học thuộc một số kinh và cầu nguyện lặp đi lặp lại hằng ngày. Chúng ta có thực hành đức tin trong cuộc sống hay chỉ giữ đạo trong nhà thờ. Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2,14).

Câu chuyện kể trên chuyến xe lửa từ Léon về Paris, chàng thanh niên ngồi chung toa với ông già. Ông già mặc bộ quần áo lấm đất, đôi giày cũ mòn, có mái tóc ngắn và gương mặt phong trần. Điều làm chàng trai chú ý là cỗ tràng hạt trên tay ông và nhất là nét mặt lộ vẻ đạo hạnh. Chàng trai gợi chuyện: Tôi thấy ông còn tin tưởng những điều có từ thời Trung Cổ về chuỗi tràng hạt. Chắc ông cũng tin Đức Mẹ Đồng Trinh và mớ tín điều tôn giáo mà mấy cố sở dạy chứ gì? Ông già điềm tĩnh trả lời: Đúng thế, còn cậu thì sao? Chàng trai cười rộ: Tôi mà lại tin những điều vô lý và dị đoan ấy à! Tôi đã tìm được sự thật ở đại học và nếu ông muốn sống hợp thời, ông ném xâu chuỗi đi và ghi học một số khoa học tân tiến. Ông già nói: Khoa học tân tiến? Tôi sợ không hiểu nổi khoa học, chắc cậu có thể giúp tôi. Chàng thanh niên cao hứng: Được, nếu ông biết đọc, tôi rất sung sướng được gửi tặng ông một số sách. Ông nói: Tôi biết đọc. Tốt, chàng trai trả lời, vậy tôi phải gửi sách theo địa chỉ nào? Ông già lấy trong túi ra một tấm danh thiếp với địa chỉ: Louis Pasteur, Viện Nghiên cứu Khoa học Paris.

4. Tuyên xưng Đức Tin

Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, sau khi linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu. Linh mục công bố: Đây là Mầu Nhiệm đức tin. Chúng ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin vào việc Chúa Giêsu chịu chết, sống lại và lại đến trong vinh quang. Chúng ta hiểu mầu nhiệm đức tin như thế nào? Chúng ta tin sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể. Chúng ta không thể hiểu thấu mà chỉ biết lấy đức tin bù lại. Chúng ta tuyên xưng đức tin nơi Chúa cho dù giác quan không cảm thấy gì. Cũng như các Tông đồ xưa, chúng ta phải xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta. Các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Chúng ta cần tuyên xưng niềm tin mọi nơi và mọi lúc. Đức tin không chỉ biểu lộ trong nhà thờ đọc kinh cầu nguyện hay nơi cử hành các bí tích. Đức tin phải chiếu toả qua mọi cử hành trong phụng vụ cũng như trong cuộc sống đời thường.

Nhìn gương Cha Thánh Gioan Vianney tin tưởng tuyệt đối Chúa hiện diện trong bí tích. Cha đã quỳ cả giờ cầu nguyện trước Thánh Thể mỗi ngày. Cha tâm sự với Chúa như tâm sự với một người bạn. Niềm tin trong phó thác và dấn thân. Niềm tin hoà nhập trong đời sống và con người của ngài. Đức tin thể hiện qua cách sống đạo của mỗi người. Nhìn một người cầu nguyện, quan sát một người khi bước vào nhà thờ đi ngang qua Nhà Tạm, nhìn xem một người làm dấu thánh giá. Đức tin là điều kiện tiên quyết để đến với Chúa. Nhiều người đến xin ơn, Chúa thấu tỏ lòng của họ và Chúa đã ban ơn: Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10,52).

5. Thực hành Đức Tin

Chúng ta phải thực hành đức tin qua cuộc sống đạo. Chúng ta không thể tin rằng một người có đức tin sâu thẳm và vững vàng nhưng cuộc sống luân lý lại hời hợt. Nhiều người tự khoe rằng tôi là người Công giáo, nhưng rồi cả năm họ cũng chẳng đến nhà thờ hay tham dự vào đời sống của Giáo Hội. Vậy đức tin của họ ra sao? Họ nói rằng tôi tin vào Chúa, tôi cầu nguyện hằng ngày tại gia đình là đủ. Tôi không có thời giờ để đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay cầu nguyện. Thánh Giacôbê nói về một đức tin sống động. Một đức tin trong việc làm xây dựng tình bác ái yêu thương chứ không phải đức tin trên môi miệng: Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? (Gc 2,20).

Tổ tiên cha ông của chúng ta chứng tỏ niềm tin vững mạnh vào Chúa Kitô. Các ngài đã dám dùng mạng sống để chứng minh niềm tin đó. Các ngài không sợ đau khổ, gươm giáo, tù đày và ngay cả sự chết cũng không thay đổi được niềm tin của các ngài. Hạnh các Thánh đã minh chứng lòng tin sắt son của các vị tử vì đạo đã dám đổ máu đào cho niềm tin của mình. Hạnh thánh kể lại Thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng. Trong cuộc lùng xét Tây Đạo Trưởng, các ngài đã bị bắt cùng với 32 giáo dân khác. Trong tù hai đấng đã chịu nhiều cực hình với một niềm tin sắt đá vào Chúa Kitô. Ngày 30-7-1859, án tử hình của hai ngài được gửi từ Kinh về tới Châu Đốc. Hai ngài đã hiên ngang đổ máu đào để nên chứng nhân nước trời vào ngày 31-7-1859.

6. Sống Đức Tin

Tất cả những việc hành xử trong đời sống đạo của chúng ta có tỏ hiện niềm tin vào Chúa Kitô hay không? Tự vấn lương tâm xem chúng ta sống niềm tin vào Chúa ở mức độ nào. Chúng ta có thể chu toàn các đòi hỏi sống, giữ các giới răn, tham dự lễ Chúa Nhật và chu toàn bổn phận hằng ngày. Thánh Giacôbê nói đức tin luôn đi đôi với hành động: Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Trong đời sống đạo, nhiều khi chúng ta so đo tính toán đối với Chúa. Chúng ta nói rằng sống đức tin là việc trong nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ chúng ta phải chung đụng với con người và xã hội trần thế, chúng ta không thể ngu ngơ được. Trong việc thờ phương Thiên Chúa và cử hành phụng vụ, chúng ta tính toán giờ giấc rất khít khao, vừa đúng giờ để tham dự thánh lễ và lễ vừa xong là phải ra về ngay. Hơn nữa, chúng ta còn chọn lựa tham dự ở nơi nào linh mục dâng lễ ngắn hơn, nhà thờ mát mẻ hơn hay ấm áp hơn. Chúng ta dự các buổi phụng vụ như là bổn phận phải giữ và phải làm. Thế là lương tâm chúng ta cảm thấy an toàn và thoải mái.

Chúng ta không thể định nghĩa đức tin như công thức toán học. Đức tin là tình trạng tâm hồn chìm đắm trong Chúa. Chúng ta nói rằng tôi vững tin vào Chúa nhưng chúng ta chê trách Giáo Hội và những người đại diện Chúa ở trần gian. Có người nói rằng tôi tin Chúa, nhưng tôi không tin Giáo Hội. Kho tàng đức tin được trao ban cho Giáo Hội, chúng ta có đặt niềm tin vào Giáo Hội hay không? Giáo Hội luôn mở đường giúp mọi tín hữu bước trên con đường trọn lành. Giáo Hội không bao giờ cấm cản hay cắt đứt nguồn ơn thiêng dưỡng nuôi đoàn dân Chúa. Chúng ta hãy tin vào sự hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta không sợ bị lầm lạc.

7. Đức Tin chân thật

Trong khi đi rao giảng tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ. Mỗi khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh cho bất cứ người nào, điều kiện tiên quyết là họ phải có lòng tin. Với người phụ nữ bệnh họan, Chúa nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34). Chúa chữa cho người mù, tuy mù loà về con mắt thể xác nhưng anh đã nhận ra được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa đã chữa cho anh ta: Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10,52). Chúa Giêsu xác định chính lòng tin của họ đã cứu chữa họ. Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Niềm tin rất quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu. Niềm tin cần được trau dồi và hun đúc mỗi ngày. Niềm tin cần được thực hành qua cuộc sống cụ thể. Chúng ta không thể chỉ tin trong tâm trí mà phải sống chết với niềm tin đó.

Sống đức tin không phải chỉ là đi tìm những cảm giác lạ hay một sự lạ. Có một số người rất hoan hỉ về những ơn lạ này. Họ nghĩ rằng chỉ cần tập trung cầu nguyện một chút xíu là có ơn lạ Chúa ban cho ngay. Sống đức tin, không phải chúng ta xin được ơn, rồi mới tin. Như vậy, đức tin đòi có điều kiện, không còn là đức tin nữa. Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Chúng ta phải tỉnh thức trong vấn đề ơn lạ và sự lạ. Sống đức tin là một cuộc lữ hành trong sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.

Trong thời buổi tranh tối tranh sáng, Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Các ngôn sứ giả đến tìm cách lừa gạt nhiều người để tin theo họ. Chúa Giêsu nói rằng: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người” (Mt 24,11). Họ đến với chúng ta qua các dấu lạ và dấu chứng gần như linh thiêng để lường gạt nhiều người đi theo họ. Chúa đã báo trước rằng: “Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể” (Mt 24,24).

Nói tóm lại, niềm tin vào Thiên Chúa thì bao la như biển cả, chúng được ngụp lặn trong tình yêu thương của Chúa. Đức tin của chúng ta còn non yếu và dễ lung lạc. Chúng ta phải xin, phải tìm và phải gõ luôn để có được niềm tin vững mạnh. Chúa Giêsu đã hứa ban đức tin cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Chúa Giêsu phán: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con có được niềm tin phó thác như tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin.

Bronx, New York

Giuse Trần Việt Hùng

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu