Thánh Giá
Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và
tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi
người đã phạm tội (Rm 5:12).
1. Mầm Sự Đau Khổ
Chúng ta biết có ông bà tổ tiên là ông Adong và bà Evà,
nhưng chúng ta không biết ông bà đã có mặt trên trái đất khi nào. Dựa vào sự
mặc khải của Kinh Thánh, chúng ta được biết Thiên Chúa đã tạo dựng nên con
người. Tổ tiên của chúng ta được sống sung sướng trong vườn địa đàng. Nhưng rồi
ông bà tổ tiên bị rơi vào cạm bẫy của ma qủi và đã mất đi sự an hưởng phước
lộc. Ngay những trang đầu của Sách Khởi Nguyên đã ghi chép: Với con người, Chúa
phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi
đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi
ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh
gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng (Stk 3:17-18) Thế là tội lỗi đã
nhập vào thế gian và con người bị sự đau khổ và sự chết thống trị. Thánh Phaolô
đã diễn tả trằng: Từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những
người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình
ảnh Đấng sẽ tới (Rm 5:14)
Mỗi khi chúng ta gặp những sự đau khổ như sự thất bại trong
đời sống, bệnh hoạn tật nguyền và chết chóc của những người thân yêu, chúng ta
thường nghe lời khuyên rằng hãy chấp nhận thánh giá Chúa gởi. Vậy phải chăng
thánh giá chính là sự đau khổ? Nhưng đâu ai muốn có sự đau khổ. Vì đau khổ là thiếu
đi sự an vui và hạnh phúc. Đau khổ trong tâm và đau đớn nơi thân xác. Cái đau
nào cũng khổ cả. Quan niệm của Phật Giáo nói rằng đời là bể khổ. Muốn diệt khổ
thì phải diệt dục. Quan niệm của Kitô Giáo chấp nhận có đau khổ như là thánh
giá trong cuộc sống. Thánh giá chính là nguồn ơn cứu độ. Vậy đau khổ ở đời
không còn là ý niệm tiêu cực, mà là sự tích cực góp phần đạt đến vinh quang và
hạnh phúc. Truyện kể một số nhà truyền giáo đến thăm ông Gandhi. Ông đề nghị
các ngài hát một bài thánh ca. Các nhà truyền giáo hỏi ông thích bài nào?
Gandhi trả lời rằng bài nào mà qúi vị thấy là diễn tả đức tin sâu sắc nhất. Tất
cả đồng thanh hát bài Suy Tôn Thánh Giá.
2. Bản Chất Của Khổ Đau
Con người sinh ra là có tiếng khóc chào đời. Cần có tiếng
khóc để đi vào cuộc sống. Tiếng khóc là một đặc tính được tiếp tục diễn tả
trong đời sống. Trẻ thơ muốn gì, chỉ cần oe oe tiếng khóc là được đáp ứng nhu
cầu. Buồn giận, đói khát, đau bệnh, cô đơn, trẻ em đều diễn tả qua tiếng khóc.
Trẻ em khóc là một phản ứng tâm lý rất quân bình. Khóc cũng còn là một tâm
trạng thiếu vắng một cái gì bình thường. Làm người ai mà chẳng khóc. Khóc
thương cho số phận ngặt nghèo của mình. Nhưng khóc lóc còn diễn tả sự liên đới
với người khác. Khóc vì đau. Khóc vì thương. Khóc vì buồn. Khóc vì mất. Khóc vì
khổ. Chẳng ai đau khổ một mình. Đau khổ khi sự ràng buộc bị tan vỡ, chia phôi
hay bị cắt đứt. Khóc đi cho vơi nỗi sầu. Sách Sáng Thế Ký kể rằng: Bà Sara nói
với ông Ápram: “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi
vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi. Xin Chúa
phân xử giữa ông (Stk. 16:5)
Ngôn ngữ diễn tả nhiều sự đau khổ khác nhau. Đau khổ phần
hồn và phần xác bao gồm có đau buồn, đau thương, đau đớn, đau lòng và sầu đau.
.. Chúng ta lần lượt suy gẫm về những sự đau này mong tìm ra nguồn gốc căn bệnh
để chữa trị hoặc thăng hoa nó để giúp ích cho cuộc sống. Truyện của John Newton
kể: Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và
rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo
giây bó củi đó ra, rồi chia nó ra, để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc
thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục…Cuối cùng ta cũng vác xong bó
củi. Nhiều người lại không làm như thế, chẳng những họ chất lên vai khúc củi
của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của ngày hôm qua và khúc củi của ngày
mai. Lạ gì họ không vác nổi.
3. Đau Buồn
Có những cảm giác ngồ ngộ nhẹ nhàng nhưng nó thấm thía buồn
rười rượt như câu thở diễn tả: Chiều chiều ra đúng ngõ sau, trông về quê mẹ mà
đau đớn lòng. Nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ mà đã phải từ biệt. Nó không là nỗi
đau nhưng là nỗi nhớ. Còn đau buồn là vừa đau đớn vừa buồn sầu. Đau buồn làm cho
thân xác con người bải hoải và mệt mỏi, ăn không ngon và ngủ không yên. Buồn
chán trong tâm hồn, rồi tinh thần bị xuống dốc. Đau buồn có thể dẫn tới sự thất
vọng và có khi đi đến cùng đường tuyệt vọng. Đau buồn vì gặp tai ương, hoạn nạn
hoặc bị mất đi người thân yêu trong gia đình. Đau buồn như Chúa Giêsu trước đêm
chịu nạn, Chúa nói: Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải
biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!(Lc 12:50).
Có những đớn đau như cắt da cắt thịt. Những khổ sầu chìm
lặng thẳm sâu trong tim. Sầu khổ không thể diễn tả cùng ai như khi bị bội phản.
Trò bội phản lại thầy. Môn sinh bội phản lại sư phụ. Môn đệ bội phản lại chủ
nhân. Con cái bội phản cha mẹ. Vợ chồng bội phản nhau. Sự bội phản làm đau lòng
của các bậc cha mẹ, thầy dậy và người phối ngẫu. Như ông Giuđa bội phản bằng
cái hôn bán Chúa cho kẻ dữ: Chúa Giêsu bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến (Mt.
26:37). Càng buồn hơn khi người mà mình tin tưởng và yêu mến lại phản bội. Khi
tình yêu bị phản bội thì trái tim tan nát và lòng hận bùng nổ. Càng yêu nhiều
càng cảm thấy đau đớn nhiều khi bị loại bỏ và chối từ.
4. Đau Thương
Lòng quặn đau khi nhìn thấy những cảnh tang thương chết
chóc. Ra đi hay qua đời làm cho tình thân thương trong gia đình ruột thịt bị
cắt đứt. Còn nỗi đau nao bằng cảnh biệt ly cạnh người qúa cố. Con cái khóc
thương ông bà cha mẹ. Chúng ta thương thấy những láng hoa đề ghi: Vô cùng
thương tiếc, thành kính phân ưu, cách biệt ngàn thu và thương yêu vô vàn…Không
có từ ngữ nào diễn tả được sự mất mát thương đau này. Những người trong cuộc
chỉ biết khóc thương và nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Cha mẹ nào mà không
đớn đau khi nhìn thấy con cái còn trẻ ra đi ngàn thu vĩnh biệt. Vợ chồng nào
chịu nổi những chia ly, cách biệt đời đời. Nỗi đau thấm nhập tận xương cốt.
Chẳng có lời ủi an nào làm vơi bớt đi nỗi sầu. Đây chính là những thánh giá mà
ai trong chúng ta cũng phải mang phải vác trong đời. Là những người có đức tin
vào Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết và sống lại. Chúng ta tìm đến bóng thánh
giá của Chúa trong đau khổ là chúng ta đang tìm được con đường giải thoát và
nguồn hy vọng.
Của cải vật chất là của ngoài thân. Chính của cải vật chất
đã chi phối không ít trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta biết: Của cải ở đâu,
lòng chúng ta ở đó. Đón nhận một thành viên mới trong gia đình hay kiếm được
tiền bạc và của cải thì chúng ta cảm thấy vui mừng. Nhưng khi người thân yêu
hay của cải bị thất thoát, mất mát lại làm chúng ta đau lòng. Mất người mất
của, sự đau xót dằn vặt đứng ngồi không yên. Ngày xưa ông Job bị thử thách qua
cơn hoạn nạn, ông bị cướp giật mất hết mọi sự, con cái chết không kịp nói lời
từ giã. Thân xác con người ông xần sùi ghẻ lở hôi thối. Ông mất tất cả. Vợ ông
nguyền rủa và bạn bè chê trách nhục mạ, Ông can đảm bước đi trong niềm tin
tưởng. Ông nói: Thì con lại khiếp sợ mọi nỗi đớn đau;con biết rằng: Ngài chẳng
kể con là vô tội (Job 9:28). Ông tìm nguồn cậy trông nơi Chúa thôi. Sự đau
thương đã giúp ông lấy lại niềm tin và tin vững mạnh
5. Đau Đớn
Có những đau khổ phần xác và phần hồn. Về thân xác, có những
đau đớn bệnh họan tật nguyền. Có những căn bệnh mòn mỏi giết người. Có những
loại bệnh mãn tính như lãnh bản án chung thân. Sự quặn đau lê thê trên giường
bệnh gắn liền với sự hiện hữu. Những người sinh ra không được may mắn bị tật
nguyền và quái dạng. Họ phải phấn đấu mang sự sầu khổ đau đớn đó suốt cuộc đời.
Tâm trạng bị thua kém, mặc cảm bị coi là gánh nặng hay ăn bám xã hội. Thật đáng
thương cho những số phân của một kiếp người. Những suy tư có vẻ hơi bi quan khi
chỉ nhìn ở những sự khổ đau trong đời. Tuy nhiên mỗi người đều có lẽ sống và lý
tưởng của riêng mình. Nhiều người chấp nhận những sự bất hạnh này qua sự phấn
đấu để sống còn, như vậy còn có cái gì vượt trên những giá trị đời thường mà họ
đang vươn tới. Chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Chúa. Quyền năng của Chúa có thể
chữa lành tất cả: Thánh Mathêô kể rằng: Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại
nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại
đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ
nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh (Mt. 6:8).
Mặt trái cuộc đời, những điểm tiêu cực làm mất đi bầu khí
an vui và hạnh phúc gia đinh. Các thành viên trong gia đình, xã hội có những
khốn khổ trong lòng như khi bị hiểu lầm, bị đổ vạ cáo gian, bị ức hiếp, ức chế
làm tâm hồn ngột ngạt khó chịu. Đời sống hôn nhân, vợ chồng cãi vã, nghi kỵ,
tranh dành hơn thua và gây ấm ức trong lòng. Vợ chồng biến gia đình thành tổ
kén ngột ngạt gần như hỏa ngục. Tâm hồn trở nên cay đắng buồn phiền, mất đi nụ
cười và niềm vui sống. Trong gia đình thì con cái hỗn hào, bất hiếu và đối xử
tệ bạc với cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn phiền sầu não. Anh chị em phân rẽ, đối
nghịch, huynh đệ tương tàn và lìa bỏ nhau, mất đi sự ràng buộc gắn bó gia đình.
Anh chị em sống với nhau chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Buồn đau chất chứa
trong cuộc sống. Nhìn đâu cũng thấy đau thương và thánh giá. Khi biết đau khổ
là gánh nặng cụộc đời, chúng ta lại chạy đến với Chúa Giêsu, Chúa phán: Tất cả
những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi
bồi dưỡng (Mt 11:28).
6. Đau Lòng
Trong cuộc sống, gia đình nào cũng có những niềm vui và
những nỗi buồn như là thánh giá phải mang. Cha mẹ luôn phải hy sinh cho con
cái. Chúng ta hãy học gương bà thánh Mônica, với nước mắt đau khổ cộng với lời
cầu nguyện thiết tha đã được ơn làm thay lòng đổi dạ cả chồng con. Chúng ta
biết rằng nước mắt chảy xuống, chứ chẳng bao giờ nước mắt chảy ngược lên. Chính
vì những ưu tư, quan tâm và yêu thương con cái đã làm cha mẹ thức đêm chong đèn.
Sự lo lắng cho con cái làm cho cha mẹ
phải héo mòn. Không lo buồn sao được khi con cái còn rong ruổi ngoài trường
đời. Không đau lòng sao được khi con cái kết băng nhập đảng. Không buồn phiền
sao được khi con cái chơi bời trác tráng, hút sách nghiện ngập và ăn chơi trụy
lạc. Không đau buồn sao được khi con mới nứt mắt trưởng thành đã bỏ nhà ra đi
chơi bời phục vụ thiên hạ. Người ta thường nói: Tiếc thay cây quế giữa rừng, để
cho thằng mán thằng mường nó leo. Con ơi, cha mẹ nuôi con: Nâng như nâng trứng,
hứng như hứng hoa, nhẹ nhàng yêu thương. Đau lòng lắm con ơi! Đây chính là
những thánh giá cha mẹ phải mang vác mỗi ngày.
Câu truyện tôi xin
được chia xẻ. Một bà 42 tuổi, không có chồng nhưng đã có ba đứa con. Chị lớn 25 tuổi, em trai 22 và bé gái vừa 18 tuổi. Bà buồn sầu tâm sự
rằng các cháu nó bỏ rơi bà. Không có đứa nào muốn sống chung. Tôi hỏi tại sao
con cái muốn lìa xa vậy? Bà từ từ kể ra, bà đã phải lòng với một người trai trẻ
đáng tuổi con của bà. Cậu ta mới có 21 tuổi. Bà ấy cảm phục người thanh niên
trẻ này vì sự đồng cảm và trưởng thành. Bà đã sống chung với cậu ta. Bà ta cũng
không muốn nghe lời con cái can ngăn. Một mặt bà buồn đau vì con cái khinh rẻ
và chia xa. Mặt khác thì bà sống chung với người trẻ bất hợp pháp, hồi hộp
nhưng bà cảm thấy vui và không muốn dứt tình. Cuộc sống cứ thế đeo đẳng. Rõ
khổ. Chúng ta tự hỏi những niềm đau này tự đâu mà ra và chúng ta giải quyết thế
nào. Đúng là đời là bể khổ vì chúng ta không diệt được dục.
7. Thánh Giá Đau Khổ
Cuộc sống của con người
dài vắn tùy theo số mệnh nhưng hầu hết mọi người đã được hưởng niềm vui và phúc
lộc cuộc đời. Những giây phút thanh thản, vui sướng và hạnh phúc sẽ nhiều hơn
những phút giây khổ đau. Chúa ban cho chúng ta sự sống. Chúa chia sẻ tình yêu
và niềm vui hạnh phúc cho mỗi người. Khi chúng ta bước theo Chúa vào con đường
hẹp nghĩa là khi chúng ta đối diện với những thất vọng, chán nản, yếu đau, bệnh
tật, rủi ro, khó khăn hay số phận hẩm hiu. Chúng ta đều có thể chấp nhận theo
thánh ý Chúa. Ai trong chúng ta cũng có những lúc đau buồn và chán nản. Chỉ còn
cách chạy đến với Chúa tìm nguồn ủi an. Chúa bị treo trên thánh giá, Chúa đã
gom những tất cả những khổ đau trên trần gian vào thân xác đẵm máu của Chúa.
Chúng ta hãy ngước nhìn lên thánh giá Chúa, đó chính là giá cứu chuộc chúng ta.
Truyện kể mỗi khi im
lặng quanh tôi, dù ban ngày hay ban đêm. Tôi thường giật mình vì một lời than.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy, tôi ra tìm kiếm và tôi thấy một người đang đau đớn
bị đóng đinh trên thập giá. Và tôi nói: Xin ngài để tôi đem ngài xuống. Rồi tôi
cố gỡ tháo đinh chân ngài. Nhưng ngài nói: Thôi hãy để vậy, vì ta không xuống
được cho đến khi nào mọi người cùng đến gỡ ta xuống. Tôi thưa ngài: Nhưng tôi
không thể chịu nổi tiếng kêu than của ngài. Vậy tôi phải làm gì đây? Hãy đi
khắp thế giới loan báo cho mọi người rằng: Ngươi đã gặp thấy một người chịu
đóng trên thập giá để cứu chuộc họ.
Như lời kết, đời người
là một cuộc lữ hành đi về sự sống vĩnh cửu. Sự sống con người không chỉ giới
hạn trong không gian và thời gian này. Định mệnh của con người vượt trên những
đòi hỏi và nhu cầu trần thế. Những đau khổ và thánh giá trong cuộc đời sẽ giúp
thăng hoa cho cuộc sống mai hậu. Nếu không có cuộc sống mai sau, tất cả những
khổ đau chúng ta phải chịu sẽ là gánh nặng muôn đời. Gia nhập vào cuộc đời là
chúng ta phải chấp nhận: Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến
khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ
trở về với bụi đất.” (Stk 3:19). Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta qua một ngõ khác,
đó chính là con đường thập giá. Thập giá là con đường của sự sống. Đau khổ
chính là thánh giá chúng ta phải mang vác mỗi ngày. Hãy vác thánh giá theo Chân
Chúa, thánh giá sẽ biến đổi những đau khổ thành niềm vui và vinh quang bất
diệt. Chúa Giêsu mời gọi: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không
xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống
mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10:38-39).
Giuse Trần Việt Hùng