Giầu và Nghèo

Vì của cải không bền lâu muôn thuở và danh vọng chẳng lưu truyền muôn kiếp (Cn. 27:24).

1. Sự Chúc Phúc

Sự giầu có được coi như là dấu chỉ sự chúc phúc của Thiên Chúa. Ngày xưa khi tổ phụ Abraham đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, ông đã rời quê cha đất tổ đi đến miền đất mà Chúa hứa ban. Abraham bỏ mọi sự sau lưng và tiến bước trong niềm tin tuyết đối. Chúa đã ban cho ông người con duy nhất là Isaác. Isaác đã trở nên cha của một dân tộc vĩ đại. Lời Chúa đã hứa với cha già Abraham được tỏ hiện nơi người con và dòng dõi. Ông Isaác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần. Chúa chúc phúc cho ông và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể (Stk. 26:12-13). Khi Chúa ban phát, Chúa rộng tay ban một cách dồi dào và tràn đầy chan chứa.

Ai có thể làm trọng tài để phân biệt giầu hay nghèo. Có bao nhiêu của cải tiền bạc mới được gọi là giầu có và thiếu bao nhiêu thì trờ thành nghèo khó? Trên đời có người giầu và có kẻ nghèo nhưng mức độ hay ranh giới giữa giầu và nghèo không thể xác định. Sự xác định giầu nghèo tùy thuộc nhiều yếu tố nội tâm. Vì chúng ta không thể chỉ định giá sự giầu nghèo qua con số của cải và tiền bạc. Con người gồm cả hồn và xác. Con người còn có nhiều những phẩm chất giá trị lớn lao hơn là của cải vật chất. Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này: cả hai đều được Chúa tạo dựng (Cn.22:2). Có nhiều sự giầu có khác như giầu lòng nhân hậu, giầu sự quảng đại, giầu nhân nghĩa, giầu tình cảm, giầu bác ái, giầu sự hiểu biết, giầu lòng thương xót và giầu tình người.

2. Niềm Vui

Vì không có ranh giới giữa người giầu và người nghèo, nên chúng ta cảm thấy được an ủi rằng nhìn lên chúng ta không bằng ai, nhưng nhìn xuống còn hơn nhiều người. Sự giầu nghèo không có làn ranh để xác định. Chúng ta có thể giầu hơn người này ở điểm này nhưng lại thua kém người khác ở điểm kia. Mỗi người tự vun xới cho mình một khía cạnh sống để làm giầu. Có người giầu về tiền bạc và của cải vật chất. Có người giầu vì có đông con nhiều cháu. Giầu có niềm vui và hạnh phúc mới là điều đáng qúy. Bởi thế người ta mới nói rằng có nhiều tiền, nhưng chưa chắc đã mua được hạnh phúc và sự bình an. Chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một khả năng, cũng như một khoảng trống cần được lấp đầy. Giống như những chiếc bình chứa, có bình to bình nhỏ, Chúa ban cho mọi bình đều đầy tràn. Niềm vui là được tràn đầy ân sủng.

Trong cuộc sống, nhiều người chỉ cần có công ăn việc làm với lương tối thiểu là thấy vui. Có người làm công một ngày đựợc 50 đô-la là cảm thấy đủ. Có người làm một giờ được 50 đô thấy là vui lắm rồi. Còn có những người làm một phút được 50 đô, nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn. Sự giầu có của cải tiền bạc tùy theo thái độ của mỗi người. Nếu chúng ta đặt tiền bạc lên làm ông chủ, thì ông chủ này sẽ đòi hỏi vô tận. Người xấu bụng chạy theo tiền của, đâu biết rằng cảnh nghèo sắp ập đến bên mình (Cn.28:22). Có rồi muốn có thêm, thêm rồi muốn có nữa và cứ thế tiền bạc sẽ có chỗ đứng vững vàng chi phối mọi sự trong đời sống. Thực sự người có nhiều tiền bạc thì họ sẽ có nhiều cơ hội để phục vụ và cống hiến mưu ích cho xã hội. Chúng ta biết rằng dùng tiền bạc chúng ta có thể mua được mọi thứ, trừ hạnh phúc và tiền bạc có thể mua mọi thứ vé đi mọi nơi, trừ thiên đàng.

3. Sự Quảng Đại

Hoa Kỳ được tiếng là quốc gia văn minh giầu có. Chúng ta biết rằng bất cứ khi có nước nào trên thế giới bị thiên tai tàn phá, thì không bao giờ vắng mặt sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Nhà nước có thể tiêu hàng triệu đô là để cứu trợ các nạn nhân gặp hoạn nạn ngay lập tức. Có nhiều người lầm nghĩ rằng, nước Hoa Kỳ giầu có thì mọi người dân cũng sống sung túc và dư giả. Thực tế, bộ mặt bên ngoài và nhìn chung kinh tế thị trường thì đúng, nhưng đi vào cuộc sống cụ thể của người dân Hoa Kỳ thì còn nhiều vấn đề ứ đọng và khó khăn. Không xa nơi chốn phù hoa đô thị tại Mahattan, Nữu Ước, ngày bên kia gầm cầu tại khu South Bronx và Harlem có biết bao người sống chui rúc trong những thùng giấy, tấm bạt che mưa nắng và xin ăn từng ngày. Trước đây, tôi có dịp đi phân phát thức ăn cho những người không nhà, không cửa ở nơi đó. Thường là sau 9 hay 10 giờ tối, chúng tôi đi vào những khu ổ chuột này mới thấy bề trái của xã hội. Cuộc sống con người còn nhiều bức xúc và lo lắng phải đối diện.

Nhà nước có nhiều công ty số vốn lên hàng tỷ đô la và cũng có nhiều đại gia số cổ phần cũng tính đến tiền tỷ. Chúng ta xếp họ vào những người giầu có nhất trong nước. Họ có thể tiêu vài chục ngàn cho một đêm trong khách sạn hoặc tổ chức một đám cưới vài triệu đô la. Thánh Vịnh lại nhắc nhở: Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác (Tv. 49:11). Nhưng rồi nhìn xuống, ôi kìa, có biết bao nhiêu người xếp hàng từ sáng đến chiều để xin tiền an sinh xã hội, xin tiền trợ cấp và xin tiền thực phẩm. Chúng ta thấy những cơ sở cho người không gia cư nhan nhản khắp nơi. Có biết bao nhiêu người không nhà không cửa sống dưới gầm cầu và lang thang ngoài đường để chờ một khúc bánh mì bố thí. Chiều chiều gần khu tôi ở, có rất nhiều người xếp hàng dọc theo đường chờ xe phát thức ăn của các nhóm từ thiện của nhà thờ phân phát thực phẩm.

4. Giầu Có

Tham quan thành phố Nữu Ước tráng lệ, đèn đêm không bao giờ tắt. Như khu phố Times Square, hai mươi bốn giờ đèn điện nhấp nháy sáng trưng, các ngôi nhà cao tầng trang hoàng lộng lẫy, màn hình lớn quảng cáo, người đi kẻ lại tấp nập, xe cộ dồn dập đưa khách, các du khách không ngừng nhấp nháy máy chụp hình. Bề ngoài thật giầu sang phú quý và sang trọng. Nữu Ước được mệnh danh là thành phố thương mại thế giới. Có trung tâm dịch vụ mua bán cổ phần (Wall Street). Có những đại lộ rộng mở cho khách du lịch tham quan và mua sắm. Những khách sạn đầy đủ tiện nghi và mắc tiền. Những nhà hàng ăn đáp ứng cho mọi khẩu vị của khách bốn phương. Những nhà hát, nhà kịch nghệ, các cửa hàng trưng bày các kiểu thời trang tân thời nhất đều xuất hiện tại khu đô thị này. Đâu ai tin rằng thành phố có đầy dẫy những người nghèo. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp (Tv. 49:12)

Ở đời nhiều khi người ta đối xử với nhau dựa vào giá trị đồng tiền sở hữu. Có tiền thì mọi cửa đều mở. Người ta nói: Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi. Chúng ta đã chứng kiến biết bao câu truyện thương tâm xảy ra hằng ngày xung quanh vấn đề tiền bạc. Thường những người tự tử là những người có của cải dư thừa, nhưng họ bị đói khát và tuyệt vọng vì những nhu cầu khác. Trong khi những người nghèo khổ, đói khát của ăn thể xác thì cố gắng bảo vệ sự sống mình. Như những anh chị em nghèo đói tại những nước nghèo, họ tranh thủ từng hạt cơm và từng hớp nước để sống còn. Sự giầu có không giải quyết được hết những vấn đề thuộc tâm linh của con người. Còn có những giá trị cao qúy hơn con người cần đáp ứng. Danh vọng, chức quyền hay bạc tiền không thể làm cho con người hạnh phúc thật. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết (Tv. 49:13).

5. Nghèo Đói

Chúng ta chưa nói đến những nước ở Phi Châu hay những nơi trại tạm cư ở Nam Phi. Chúng ta không thể tưởng tượng họ sống nghèo khổ tới mức nào. Những hình ảnh trên báo chí mới chỉ là một hình ảnh và một khoảnh khắc trong một hoàn cảnh mà thôi. Còn triệu triệu những cảnh đáng thương hơn nữa đứng sau bức màn, chẳng bao giờ chúng ta nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự đói khổ cùng kiệt là thế nào. Những thân xác gầy tong teo lang thang ngoài phố chợ. Những dáng đi thất thểu chỉ có da bọc xương lầm lũi trong cánh đồng hoang nơi sa mạc khô cằn nứt nẻ. Một nhóm người thân trần đói rách dành nhau những bình nước, gói gạo và thực phẩm. Bát cơm trên tay ruồi muỗi bám bậu như những hạt đỗ chen lẫn hạt cơm. Thật là đói khổ. Không chỉ nghèo mà còn đói nữa. Chúa an ủi: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em (Lc. 6:20).

Những người không có nhà để ở, không có nước để uống, nước để tắm giặt, không có đủ cơm và thực phẩm để hưởng dùng hằng ngày, họ được xếp vào hạng nghèo khổ và đói khát. Những người này không những đói cơm gạo mà còn đói khát tình yêu và đói khát sự công chính. Chúng ta biết có rất nhiều nguyên nhân đưa tới sự nghèo đói. Chẳng hạn tai họa xảy đến như thiên tai, nắng hạn, mất mùa và giặc giã. Người ta nói trời hại không bằng người hại. Vua Đavít xin hình phạt bởi tay Chúa hơn là rơi vào tay người đời: Vua Đavít nói với ông Gát: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm! (2Sam. 24:14). Lòng nham hiểm và tham lam của con người vô đáy. Lòng tham lam quyền lực của con người đã gây tranh dành ảnh hưởng, gây chiến tranh tàn phá, cướp của giết người và gây đói khát cho nhiều người dân. Những người dân thấp cổ bé miệng vừa đói, vừa khát và vừa rét vừa run.

6. Giầu Tình Chúa

Trong đời thường, chúng ta cũng thường cầu chúc cho nhau làm ăn phát tài phát đạt, của cải đầy dư và may mắn trong công ăn việc làm. Ai cũng mong có của ăn, của để và cuộc sống dư giả. Đây cũng chính là sự thành công trên đường đời. Nhiều người đánh giá sự thành bại của cuộc đời qua gia sản mà chúng ta sở hữu. Nhưng rồi vàng bạc, của cải, châu báu cũng sẽ tan biến theo mây khói. Khi chúng ta ra đi khỏi thế gian, tiền bạc của cải đâu có tiễn đưa chúng ta ra nấm mồ. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng (Lc. 1:53). Bởi vậy khi còn đang lữ hành trên dương gian, chúng ta phải biết cách làm giầu cho tâm hồn.Chúa Giêsu sinh xuống trần trong nghèo khó. Sống một cuộc đời đơn sơ đạm bạc. Ngài ra rao giảng cùng với các môn đệ thuộc giới lao động. Ngài không có trụ sở để quy tụ dân chúng. Cuối đời, Ngài đã bị chống đối, bị xỉ nhục, bị vác thánh giá, bị đóng đinh và chết trần trụi trên thánh giá. Người ta hạ xác Chúa xuống và được chôn trong ngôi mồ tạm mượn. Chúa Giêsu không sở hữu của cải vật chất nhưng Chúa lại là chủ của tất cả. Chúng ta muốn xin sự gì, Chúa cũng ban cho. Chúa ban cho chúng ta dồi dào hơn lòng chúng ta mong ước. Vì Chúa giầu lòng nhân hậu, đầy tình thương và giầu lòng thương xót. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (Tv. 145:8).

7. Giầu Có Tấm Lòng

Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến sự giầu có của cải sẽ cản bước con người tìm kiếm nước trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mt. 19:24). Chúa chúc phúc cho sự sung túc cuộc sống, nhưng Chúa luôn nhắc nhở chúng ta phải biết dùng tiền của thế gian để mua nước trời. Tiền bạc của cải là phương tiện tốt trợ giúp và phục vụ con người. Bởi thế con người không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Tiền bạc chỉ là một tên đầy tớ hữu hiệu. Người chủ nhân phải khôn ngoan để biết dùng của cải vật chất sinh lợi cho cuộc sống mai hậu. Chúng ta biết của cải tự nó không tốt và cũng không xấu. Nếu chúng ta biết sử dụng của cải đời này đúng nơi đúng lúc, nó sẽ giúp chúng ta tìm được nguồn vui và hạnh phúc thật.

Hãy nhìn gương các thánh như thánh Phanxicô thành Asissi, ngài đã rời bỏ mọi sự, bán gia tài phân phát cho kẻ nghèo đói. Rồi chính ngài lại đi khất thực và sống một cuộc đời đơn sơ phó thác. Ngài đã trở nên giầu có trước mặt Thiên Chúa. Và nhìn mẹ Têrêxa thành Calcutta, đến nước Ấn Độ chỉ có mấy chục xu trong túi. Cả đời mẹ đã dâng hiến phục vụ kẻ nghèo hèn, người cô thân cô thế, kẻ mồ côi gúa bụa và giúp đỡ người hấp hối bên vệ đường. Sau khi mãn phần dưới thế, mẹ đã để lại biết bao cơ sở từ thiện, nhà thương, nhà dòng, các cơ sở bác ái và lòng cảm kích yêu thương của mọi người. Chỉ với bàn tay trắng và vô sản nhưng mẹ đã trở thành người giầu có trước mặt người đời và trước nhan Thiên Chúa. Mẹ đã có đầy tình yêu Chúa, giầu lòng nhân nghĩa, giầu sự bác ái và giầu lòng thương xót.

8. Giầu Có Thật

Ai cũng có thể trở nên giầu có trước mặt Thiên Chúa và loài người. Đã có biết bao nhiêu những tâm hồn giầu có đã hiến thân phục vụ nhân loại. Chúng ta không thể đếm hết con số những người giầu có tấm lòng nhân hậu, giầu tình thương yêu bác ái và giầu nhân nghĩa. Nhiều vị đã dám hy sinh cả đời phục vụ người khác mà không cần thu góp cho bản thân mình. Có nhiều quý tu sĩ nam nữ, quý thiện nguyện viên và quý ân nhân đã dám xả thân cứu độ chúng nhân. Trong tay họ không có nhiều tiền bạc của cải, nhưng có một tâm hồn bao dung giầu có. Họ dám cho đi, cho đi thời giờ, khả năng và có khi cho đi cả cuộc đời. Họ là những người giầu có nhất trên thế giới. Sách Châm Ngôn nhắn nhủ: Người trung tín được đầy dư phúc lành, kẻ muốn mau giàu sẽ không thoát khỏi hình phạt (Cn. 28:20).

Chúng ta cũng có thể trở nên giầu có. Tuy dù tiền bạc hay của cải của chúng ta thì rất giới hạn nhưng trái tim yêu thương thì không có biên giới. Chúng ta có thể làm giầu bằng chính vốn liếng mà Chúa đã ban cho chúng ta. Hình ảnh bà góa nghèo làm việc bái ái với vài xu đã được Chúa khen. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết (Lc. 21:2-3). Lòng nhân nghĩa, sự cảm thương, tình yêu bác ái và tâm hồn rộng lượng quảng đại đã có sẵn trong lòng của chúng ta. Chúng ta chỉ việc mở khóa cửa tâm hồn đón nhận và trao ban, chúng ta sẽ trở nên giầu có. Sự giầu có này sẽ không bị ai tước đi mất. Như lời kết, niềm an vui và hạnh phúc thật sẽ không hoàn toàn tùy thuộc vào sự giầu có của cải trần gian. Có nhiều người giầu sang phú quý nhưng tâm hồn họ lại trống rỗng, cô đơn và đau khổ. Chìa khóa của sự bình an và niềm vui chính là sự giầu có trong tâm hồn. Giầu có của cải nhưng sống trong tinh thần nghèo khó. Ngày sau hết khi Chúa phán xét, Chúa không xem xét là chúng ta có bao nhiêu của cải ở trần gian, nhưng Chúa sẽ xét đoán chúng ta về lòng nhân nghĩa và bái ái đối với tha nhân. Chúng ta hãy cố gắng nên giầu có trước mặt Chúa, chúng ta sẽ được thưởng. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa (Mt. 25:34).

LM Giuse Trần Việt Hùng

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu