Lòng Biết Ơn
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin tạ ơn Ngài,
tạ ơn Ngài và cầu khẩn Thánh Danh,
kỳ công Ngài, chúng con xin kể lại (Tv.75:2).
Truyện kể, ngày kia Chúa mở đại hội “Trăm Hoa Đua Nở”. Qui
tụ đại biểu của mọi loài hoa trên trái đất. Rừng hoa tươi thắm muôn mầu khoe
sắc trước nhan Thiên Chúa. Các đại biểu hoa gặp nhau tay bắt mặt mừng, dâng lời
chúc tụng ngợi khen danh Chúa và chào thăm nhau. Duy chỉ có hai loài hoa không
thèm giáp mặt, đó là Hoa Thi Ơn và Hoa Nhớ Ơn. Quả thực ở đời lắm kẻ thi ơn
nhưng ít kẻ nhớ ơn.
1. Tạ Ơn Thiên Chúa
Ca dao dậy rằng: Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây. Biết ơn là một
nhân đức. Đời của chúng ta là cả một chuỗi những ngày chịu ơn. Từ những ơn căn
bản của sự sống tới những ơn được bao dung nâng đỡ. Càng biết ơn, chúng ta càng
sống làm người hơn. Nhiều người làm ơn cho tha nhân nhưng không mong phải đền
đáp ân tình. Tuy nhiên những người nhận ơn và mang ơn cần có thái độ biết ơn.
Chúa Giêsu dùng thí dụ để dạy chúng ta về lòng biết ơn. Chúa đã chữa lành cho
10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại tạ ơn Chúa. Thánh
Luca viết: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn
tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta
lại là người
Dưới thời Quân Chủ, Vua được gọi là Thiên Tử, có nghĩa là
con của Trời. Hằng năm vua đại diện cho dân chúng lập đàn cúng tế Trời Đất cầu
độ cho đất nước thái bình an lạc. Mang thân phận con người, ai ai cũng hướng về
trời cao cầu xin khấn vái. Người ta nói trời cao có mắt. Trước sân nhà, người
ta lập bàn thờ đặt hoa trái cúng vái tứ phương. Cầu cho mưa thuận gió hòa.
Những người có niềm tin đơn sơ không được học biết về Thiên Chúa, họ cũng vẫn
hướng lên trời để cầu trời khấn phật. Mọi sự vạn vần trong vũ trụ đã bày tỏ uy
quyền của Trời cao, trời mưa, trời gió, trời bão, trời sấm và trời sét. Ông
Trời có quyền uy giáng phúc cũng như giáng họa cho tạo vật. Ngày rằm thì người
ta lập bàn thờ, nhang hương cúng vái tứ phương. Những người lương dân luôn tỏ
lòng thành kính với Thần Phật. Hằng tháng họ luôn luôn sửa soạn mâm hoa quả,
chén cơm, bát chè cúng vái để tỏ lòng biết ơn trời đất.
Chúng ta là loài thụ tạo, có nghĩa là chúng ta được lãnh
nhận và được trao ban sự sống. Trời ban cho chúng ta tất cả từ hơi thở sự sống,
từ khả năng đón nhận âm thanh, ánh sáng và từ nguồn lương thực dưỡng nuôi và
mọi nhu cầu của cuộc sống. Từng giây từng phút chúng ta thụ ơn của Đấng Tạo
Thành. Chúng ta đã làm gì để đền đáp những ơn mà Ngài đã ban tặng cho ta. Có
mấy khi chúng ta để tâm ngước nhìn lên trời cao mà cảm tạ hồng ân Chúa ban.
Chúa ban cho chúng ta một tuần 7 ngày, mỗi ngày có 24 giờ, vậy mà chúng ta vẫn
còn tiếc xót dâng lại cho Chúa một vài giờ mỗi tuần để cùng ca tụng, ngợi khen
và cảm tạ Chúa. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi cầu nguyện riêng cũng được rồi,
nhưng thực tế chỉ là một vài lời cầu xin ơn thiêng riêng cho mình. Chúng ta thử
nghĩ, nếu một ai đó cho chúng ta một món qùa dù rất nhỏ, chúng ta sẽ vui vẻ
nhận lãnh và cám ơn rối rít. Thiên Chúa quan phòng sự sống của chúng ta từng
giây từng phút, thì chúng ta làm như mình được quyền hưởng mà không cần mang
ơn. Mỗi người hãy dừng lại đôi phút dâng Chúa lời cảm tạ.
2. Tri Ân Giáo Hội
Giáo hội đã lãnh nhận kho tàng mặc khải để tuyền đạt lại
cho mọi thế hệ. Sự mặc khải giúp chúng ta học biết về Thiên Chúa. Chúng ta có
tín ngưỡng là tâm hồn của chúng ta đã đang được mở ra với một vũ trụ hữu thần.
Chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa hiện hữu, Đấng là đầu và là cùng đích của
mọi loài thọ tạo. Niềm tin này thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của cuộc sống con
người. Trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô và
thông phần ân sủng siêu nhiên. Qua Giáo Hội, chúng ta được sinh ra lại làm con
Chúa. Được lãnh nhận các Bí Tích như những ân lộc nuôi dưỡng tâm hồn. Là những
người Kitô hữu, chúng ta rất hạnh phúc, vì được nâng lên địa vị làm con Chúa và
được hứa ban thưởng phần phúc thiên đàng. Chúng ta được học biết về Chúa, về
Giáo Hội, về con người và về mọi loài thụ tạo. Giáo hội khai mở cho chúng ta
bước vào một thế giới sống động và trật tự được quan phòng. Mọi vật đã có quả
phải có nhân, gọi là nguyên lý nhân quả. Nhìn vũ trụ bao la nhưng vẫn bị giới
hạn trong không gian và thời gian, chúng ta biết có Đấng Hằng Hữu. Biết Ngài để
yêu mến và cảm tạ ân huệ mà Ngài đã đặt để trong tâm hồn mỗi người.
Giáo hội qua bao thời đã và đang mang tin mừng cứu độ đi
khắp thế gian cho mọi người. Niềm tin vào Thiên Chúa là một món qùa vô giá như
một kho tàng châu báu bị chôn vùi, người kia tìm được đem bán tất cả gia tài để
mua cho được. Chúa Giêsu phán: Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu
trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán
tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy (Mt. 13:44). Lãnh nhận hồng ân cứu
độ, chúng ta cám ơn tất cả những vị đã hy sinh đổ máu đào cũng như hy sinh cuộc
đời để xây dựng và truyền thụ niềm tin. Cha ông tổ tiên là những người đã lãnh
nhận đức tin, khai mở cho con cháu một nguồn sống đích thực. Trải qua thăng
trầm, cha ông đã sống vững vàng và tiếp tục truyền rao Tin Mừng Cứu Độ qua mọi
thời đại. Chúng ta luôn luôn có những tâm tình biết ơn các đấng bậc tiền nhân
và cùng xây dựng Giáo Hội trần thế với anh chị em mỗi ngày một thánh thiện và
yêu thương.
3. Biết Ơn Xã Hội
Chúng ta sinh ra có quê cha đất tổ, có nơi chôn nhau cắt
rốn và có truyền thống văn hóa. Chúng ta được nhào nắn nên người trong hoàn
cảnh xã hội với biết bao điều tốt lành. Chúng ta được hưởng phúc lợi của xã hội
về mọi mặt trong đó có tín ngưỡng, văn hóa, an ninh, công ăn việc làm, có đất
dụng võ, có trường để học và có nơi để tiến thân. Tiền nhân đã phải phấn đấu để
dựng nước, xây nhà dành độc lập cho quê hương xứ sở. Bao anh hùng đã ngã ngục
dưới làn bom, súng đạn để dành giữ mảnh đất thân yêu. Bao hy sinh của những bàn
tay lao động phát quang từ những đồi núi hay cánh đồng hoang sơ xình lầy trở
thành những mảnh đất mầu mỡ và phì nhiêu. Các vị đã khai sông, mở đường và xây
dựng những thành phố xinh đẹp và tiện nghi. Khi ra đời là chúng ta đã có sẵn
tất cả, nhưng chẳng mấy khi chúng ta nghĩ đến những công khó của các bậc tiền
nhân để biết ơn.
Người ta thường nói: Quan nhất thời, dân vạn đại. Đúng thế,
thời nào cũng cần có những người đứng ra lo việc nước và việc công. Không phải
lúc nào đất nước cũng có những anh hùng oanh liệt dám xả thân vì dân vì nước.
Chúng ta phải chấp nhận thói đời cũng như chấp nhận con người dù tốt hay xấu.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có tâm tình biết ơn tất cả mọi người đã
góp công góp sức xây dựng xã hội văn minh và giầu mạnh. Rất may mắn, chúng ta
đang được sống trong hoàn cảnh văn minh hiện đại. Chỉ khoảng ba hay bốn thập niên
trước, con người con hạn chế về vấn đề di chuyển, đi lại, thông tin và sử dụng
các kỹ thuật cao như máy điện toán các loại, GPS Navigation System, Cellphone,
Iphone. MP3, Ipad, Ipod, Texbook… Kỹ thuật văn minh đã đưa con người sát lại
gần nhau nhiều hơn. Chúng ta cần nhớ và biết ơn mọi thành viên đã góp phần vào
tất cả những phúc lộc mà chúng ta đang được hưởng.
4. Đền Ơn Cha Mẹ
Ơn sinh thành dưỡng dục. Công cha nghĩa mẹ như trời biển.
Con cái phải biết thảo hiếu và tôn kính ông bà cha mẹ. Qua cha mẹ, chúng ta
được hiện hữu vào đời. Con vật sinh ra chỉ cần ngọ ngoạy một chút là có thể
đứng lên đi theo mẹ kiếm mồi. Còn con người bé nhỏ cần sự chăm dẵm của mẹ cha
và những người khác. Từng ly từng tí, từng giây từng phút mới phát triển và lớn
lên. Học nằm, học ngồi, học lẫy, học bò, học đi học đứng, học ăn học nói và cái
gì cũng phải học. Đây là những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời bên lòng mẹ.
Rồi cho dù con có biết đi biết chạy, cha mẹ vẫn phải để mắt dõi trông. Cha mẹ
mong con khôn lớn từng ngày, từng đêm. Đếm từng năm tháng khi con bước đến
trường, mong ngày con ra trường. Có công ăn việc làm ổn định. Cha mẹ chờ mong
ngày con thành lập gia thất, sinh con đẻ cái. Chưa hết, cha mẹ vẫn còn muốn ấp
ủ con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Tình cha mẹ là thế đó! Cha mẹ không đòi con
phải trả nghĩa ân tình nhưng cha mẹ mong con giữ giây liên kết gia đình tình mẹ
tình cha.
Người mà chúng ta mang ơn nhiều nhất đó là những người ruột
thịt trong gia đình. Vợ chồng ân tình nghĩa nặng. Vợ chồng xây dựng hạnh phúc
gia đình và yêu thương cuốn cuộn bên nhau từng giây phút. Vợ chồng phải biết ơn
nhau vì đã đem lại hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời cho nhau. Cha mẹ hiền lành để
đức cho con. Phận làm con, chúng ta phải báo hiếu và tôn kính mẹ cha. Con cái
có thể quên cha mẹ nhưng cha mẹ luôn nhắc nhớ yêu thương con cái. Đôi khi cha
mẹ tỏ ra khó chịu, nói rằng lìa con nhưng đóng cửa phòng, cha mẹ nghẹn ngào
trong nước mắt tuôn rơi. Con cái đừng làm buồn lòng cha mẹ. Công cha như núi
thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chẳng bao giờ chúng ta có thể
đền đáp cân xứng công cha nghĩa mẹ. Đời của chúng ta qủa là một chuỗi những sự
chịu ơn. Chúng ta có thể đáp trả với lòng thành, với sự hiếu thảo và biết ơn
công đức sinh thành dưỡng dục. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải biết tri ân
và báo đền ân đức.
5. Biết Ơn Ân Sư
Thầy cô khai mở tri thức. Thầy cô dạy chúng ta biết đọc
biết viết. Câu ca dao thường nói: Không thầy đố mày làm nên. Trường học dạy
chúng ta hỉểu biết khoa học, văn học, toán học, đạo đức học và càng học tâm trí
chúng ta càng mở mang hiểu biết thế giới bên ngoài. Công trình nghiên cứu và
hiểu biết của biết bao nhiêu các bậc cha ông hay đàn anh đi trước ghi nhận và
lưu truyền lại. Họ đã truyền thụ lại cho chúng ta kho tàng cả mấy ngàn năm khám
phá, phát minh và suy tư. Tất cả những kiến thức đã được gom nhặt từ các nền
văn hóa trên thế giới. Đã có những vị tiền bối dành cả đời nghiên cứu, viết
lách, tìm tòi để làm thành những cuốn tự điển dịch nghĩa giúp chúng ta học hiểu
được những ngôn ngữ văn minh. Và qua sự giao lưu, chúng ta đã có một kho tàng
văn hóa riêng cho chính xứ sở mình. Chúng ta đừng bao giờ quên ân tình cha ông
để lại qua nền văn hóa.
Có lẽ chúng ta không nhớ hết được những người đã từng dậy
dỗ chúng ta. Quan niệm Á Đông: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Như thế ai cũng có
thể là thầy dậy của chúng ta. Không chỉ những các cha, các thầy, các dì, các cô
mà cả những em trẻ cũng có thể trở thành thầy dạy. Chúng ta có thể học trực
tiếp trong trường học nhưng phần lớn những kinh nghiệm chúng ta học trong trường
đời. Chúng ta có thể học từ sách vở, học từ truyền thanh, truyền hình, học từ
mạng lưới và từ mọi nguồn. Nếu chúng ta nối mạng, chúng ta sẽ đi vào một kho
tàng vô giá về tất cả mọi môn học ở đời. Có nhiều người thầy ẩn mặt, chúng ta
không hề biết nhưng chúng ta đã được hấp thụ biết bao kiến thức phổ thông từ
họ. Khi học biết được những kiến thức ở đời, chúng ta mới nhận ra rằng sự hiểu
biết của chúng ta thật khiêm tốn và chúng ta cần mang ơn tất cả mọi người.
6. Báo Ân Những Người Đồng Hành
Trên thế giới có trên sáu tỷ người. Chúng ta đã gặp gỡ và
quen biết được bao nhiêu người. Con số rất giới hạn vì mỗi người chúng ta chỉ
sống trong khoảng một thời gian và một không gian nào đó. Xã hội thay đổi,
người sinh, kẻ tử cứ tiếp nối nhau mà sống. Ai trong chúng ta cũng đã cùng đồng
hành với nhiều người khác trên các chuyến tàu, chuyến xe, chuyến máy bay hay
cùng tham dự những buổi đại hội, hành hương hay các cuộc họp mặt chung. Chúng
ta đã tìm thấy niềm vui, sự ủi an và nâng đỡ nhau khi an bình cũng như khi gặp
khó khăn. Chúng ta không biết nhiều về người khác nhưng chung ta cùng chung một
kiếp người, chung một hướng đi, chung một niềm tin hay cùng chung một mục đích.
Chúng ta luôn có lý do để biết ơn và cầu nguyện cho nhau.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có anh chị em ruột thịt ở
bên mình. Cần kết bạn và sống thân với láng giềng: Bán anh em xa, mua láng
giềng gần. Khi tắt lửa tối đèn hoặc khi hữu sự, chúng ta vẫn cần có nhau. Người
ta gọi là tình làng xóm. Chính những người này đồng hành thật sự với chúng ta trong
cảnh sống đời thường. Chúng ta nên hỏi han và quan tâm một chút về những người
láng giềng. Họ chính là tai mắt cho sự an toàn của khu xóm. Không ai có thể
lường trước được những gì sẽ xảy ra trong đời sống nên chúng ta cũng nên chọn
một vài người thân cận tin tưởng để gởi gắm. Mỗi chuyến đi hè về, một chút qùa
quê nội hay quê ngoại hay một chút qùa quê hương như những tâm tình biết ơn và
gây thiện cảm.
7. Cám Ơn Anh Chị Em
Anh chị em như thể tay chân nên đùm bọc thương yêu và giúp
đỡ nhau. Chị ngã em nâng. Những gia đình càng đông con càng hạnh phúc. Anh chị
em trong gia đình cùng chia sẻ vui buồn sướng khổ. Vì khi gặp gian nan, đau
khổ, có người bên cạnh chia xẻ và nâng đỡi ủi an. Khi có dịp vui mừng, anh chị
em đoàn tụ liên hoan. Tục ngữ dạy rằng: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Đây là
một sự nâng đỡ vô hình nhiều khi chúng ta không nhận ra hồng ân đó. Anh chị em
một nhà đã được cưu mang cùng chung một cung dạ, cùng chung nôi, hưởng một
nguồn sữa mẹ, cùng được ẵm bế và dưỡng nuôi trong một mái ấm gia đình. Anh chị
em cùng học chữ yêu thương ba ba, má má. Cùng được ấp ủ trong vòng tay hiền
mẫu. Anh chị em được lớn lên và trưởng thành bên nhau. Anh chị em đã học được
những kinh nghiệm đầu tiên của cuộc sống qua những nhu cầu chén nước, bát cơm,
ganh tị nhau từng cái kẹo và miếng bánh. Thân thương lắm! Chúng ta phải biết ơn
lẫn nhau.
Có biết bao nhiêu câu truyện anh chị em đã bị mất tình mất
nghĩa chỉ vì ham lợi. Có nhiều câu truyện xảy ra thường ngày, khi khó khăn anh
chị em đùm bọc, giúp đỡ nhau nhưng khi có tí vốn và có của ăn của để là bắt đầu
gây gỗ. Anh chị em chung nhau mở công ty, mở tiệm nhưng rồi chẳng bao lâu tiền
bạc và lòng tham đã che mất sự thiện ban đầu. Khi đã ổn đinh công ăn việc làm,
anh chị em bắt đầu tính cái lời, cái lợi cho riêng mình thế là gây xích mích
tình anh chị em. Dĩ nhiên trong anh chị em có những người nhanh nhẹn, khôn
ngoan và giỏi giang hơn nên dễ bị gây khó. Bởi vậy trong anh chị em hay với bất
cứ bạn bè, chúng ta hãy luôn nhớ câu: Tiền bạc sòng phảng, tình nghĩa bền lâu.
Đã là anh chị em ruột thịt thì nên yêu thương nhau. Chúng ta đừng lạm dụng nhau
để làm lợi cho riêng mình nhưng biết ơn nhau trong cách cư xử.
8. Đền Ơn Bạn Bè
Sống trên đời, ai cũng có những người bạn. Bạn học chung
trường, chung lớp, bạn chúng lý tưởng và chung hướng. Có những người bạn cùng
làm việc, cùng cộng tác, cùng tranh đấu và cùng sống chết với nhau. Bạn bè bổ
túc cho nhau: Học thầy không tày học bạn. Chúng ta học hỏi rất nhiều nơi các
người bạn. Có những người bạn chỉ quen trong một thời gian ngắn nhưng nên tình
nên nghĩa. Bạn chân thành giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Cha mẹ thầy cô
thường dạy hãy chọn bạn mà chơi. Đúng vậy: Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng.
Ra trường đời, chúng ta gặp không biết bao nhiêu người nhưng không phải ai cũng
có thể trở thành bạn. Những người bạn chân tình là những người bạn không lạm
dụng nhau để mưu lợi cho mình. Thành công ở đời do bạn hữu thật nhiều. Ngày nay
sự liên kết bạn bè còn rộng rãi hơn qua các hệ thống kỹ thuật tân tiến.
Người ta thường nói: Giầu vì bạn, sang vì vợ. Không ai là
một hòn đảo. Chúng ta sống là cùng sống và lữ hành với người khác. Trong tất cả
mọi thành công trên đời, chúng ta phải có sự trợ lực của bạn bè. Bạn bè giúp
nhau khi hưng thịnh cũng như khi gặp suy thoái hoạn nạn. Tình huynh đệ quý hóa
lắm, đừng khi nào để mất tình nghĩa bạn bè. Chúng ta phải mang ơn các bạn hữu
rất nhiều. Bạn hữu mang lại ý nghĩa cho nhau trong cuộc sống. Cùng chia sẻ khi
vui khi buồn trong mọi biến cố của cuộc đời. Họ có thể chia nhau chén trà chén
rượu hay tâm sự nỗi buồn phiền trong cuộc sống. Đừng bao giờ quên ơn bạn. Chúng
ta có nhiều cách để biết ơn như qua sự thăm viếng, hỏi han, gọi phôn, thơ từ và
liên lạc. Bạn bè thăm hỏi chúc mừng hay chia buồn với nhau trong mọi trạng
huống trong cuộc sống.
9. Cám Ơn Mọi Người
Uống nước nhớ nguồn. Chúng ta được hiện hữu giữa thế giới
là một ơn trọng đại. Chúng ta còn được mọi người chung quanh bao bọc chở che.
Được mọi người nâng đỡ dìu dắt và dạy bảo chúng ta nên người. Chúng ta phải học
cách làm người sao cho xứng danh nghĩa là dũng nhân. Một con người biết rung
cảm với sự bén nhạy của trái tim. Biết nhường, biết kính, biết cảm và biết ơn.
Sự biết ơn là một chiếc cầu nối thông thương giữa người với người. Làm người
nên biết ân nghĩa chí tình với mọi người, đặc biệt các ân nhân và thân nhân. Có
qua có lại mới toại lòng nhau. Sống ở đời cũng cần có: Hòn đất ném đi, hòn chì
ném lại. Chúng ta nên ân nghĩa báo đền cho xứng hợp danh phận con người.
Chúng ta nuôi chó, mèo, chim chóc và các loại súc vật. Nếu
chúng ta để ý quan sát, mỗi khi gặp gỡ hay cho những con vật ăn uống, nó vẫy
đuôi mừng chạy theo quấn quit hoặc ca hát líu lo. Đó chính là những biểu lộ cám
ơn theo cảm xúc bản năng. Con người chúng ta hơn con vật bội phần. Chúng ta
phải luôn sống trong tâm tình tri ân và biết ơn mọi người. Đặc biệt những người
đã góp phần làm giầu cho sự hiện hữu của chúng ta. Ví biết rằng càng có tâm
tình biết ơn, chúng ta càng trở nên người hơn.
Như một lời kết, cho đến khi nào chúng ta không còn nhận
ơn, khi đó chúng ta không phải trả ơn và biết ơn. Cuộc đời chúng ta được ôm ấp
trong tình yêu thương của Thiên Chúa và của mọi người. Hai chữ “cám ơn” sẽ được
ghi lòng tạc dạ. Biết dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn con người, chúng ta sẽ sống
xứng đáng với danh hiệu là con Thiên Chúa và dòng dõi của cha ông tổ tiên. Đến
muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, bây giờ và mãi mãi. Thánh vịnh 118 đã diễn tả: Hãy
tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 118:1)
Lm. Giuse Trần Việt Hùng