THA THỨ

 “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,4).

1. Khoan Dung

Tha thứ là một món quà. Truyện kể có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia, một trong hai người gặp con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy nổi sùng bắt cô gái và lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả về. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: Trả được thù rồi. Ngày qua tháng lại, thấm thoát mười mấy năm, cô gái lập gia đình và có con cái. Một hôm có một tên ăn mày đến xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ đã chặt ngón tay của mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ đó ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt ra cho coi mà nói: Tôi cũng đã trả được thù rồi. Tên ăn mày cảm động khóc ngất.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về sự tha thứ. Có nhiều lần chúng ta muốn tha cho người đã xúc phạm nhưng rồi không thể quên. Sự đau nhói cứ nổi dậy mỗi khi chúng ta nhắc đến chuyện cũ. Sự hận thù như vết thương còn mưng mủ cứ âm ỉ đau hoài. Bề ngoài diện mạo xem ra đã lành lặn và ăn da non nhưng bên trong còn đau đớn, nhức nhối. Sự tha thứ như thế chưa hoàn toàn là tha thứ thực sự, vì nó còn làm chúng ta buồn phiền và lo âu. Đôi khi chúng ta đòi sự công bằng đáp trả hoặc phải có những hành động tương xứng như xin lỗi hay đền bù. Chúng ta gọi là tha thứ có điều kiện. Đây là kinh nghiệm thường tình của người đời. Khi tha, chúng ta nghĩ rằng tha thứ: quá tam, ba bận. Ba lần thôi nhá, đừng phạm lỗi nữa. Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Lc 6,37).

2. Tha vì yêu

Sự tha thứ mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cao rộng hơn nhiều. Tha thứ hoàn toàn. Tha thứ vô điều kiện không phải chỉ 7 lần nhưng là 70 lần 7. Có nghĩa là chúng ta cứ phải tha hoài. Tha vì tình yêu. Chúa tha thứ nhưng Chúa luôn mở một con đường mới cho hối nhân. Với người bất toại, Chúa nói rằng tội con được tha, hãy đứng dậy vác chõng mà về. Chúa Giêsu bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20). Đối với người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt mình mà lau chân Chúa, Chúa phán rằng tội bà ta nhiều nhưng được tha nhiều vì bà yêu mến nhiều. Với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta giao nộp bà cho Chúa và nhờ Chúa xét xử. Chúa dạy rằng ai không phạm tội thì ném đá người đàn bà này đi. Sau khi mọi người bỏ đi, Chúa nói với người phụ nữ rằng không ai kết án cô, thầy cũng không kết án. Con hãy về và đừng phạm tội nữa.

Kinh nghiệm sự tha thứ qua Bí tích Hoà Giải, chúng ta đã được Chúa tha thứ biết bao lần. Có những tội chúng ta phạm đi phạm lại cả ngàn lần, chúng ta chạy đến với toà cáo giải và được tha thứ. Có nhiều khi chúng ta lạm dụng lòng thương xót của Chúa để cứ phạm tội. Nghĩ rằng cứ phạm tội đi, rồi đi xưng tội. Chúa sẽ tha thứ những yếu đuối của mình mà. Có nhiều khi chúng ta dồn tội cả một năm hoặc vài năm mới xưng tội một lần. Chúng ta phạm đủ mọi thứ tội nặng, tội nhẹ trên đời và vào mỗi dịp lễ trọng, chúng ta chạy vào xưng liếng thoáng những tội lỗi đã phạm. Đôi khi chúng ta xưng thú tội lỗi nhưng thiếu lời hứa từ bỏ và sửa mình. Chúng ta muốn Chúa phải tha hết cho chúng ta. Nên nhớ rằng Chúa đã chết vì tội của chúng ta. Giá Máu hiến tế sẽ tha tội nhưng điều quan trọng là mỗi người hãy tự xét mình rằng chúng ta có yêu mến Chúa thật hay không. Tha thứ là một phát minh tuyệt đối của tình yêu.

3. Tha để được tha

Hãy tha để được tha. Làm sao chúng ta có thể tha thứ các lỗi lầm của người khác như phản bội, gian xảo, gian ngoa, lừa gạt, bịa đặt, bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, gây gỗ, hiểu lầm và xét đoán sai lạc? Xét trên sự công bằng và lý lẽ đời thường, tha thứ cho kẻ khác khó lắm. Có nghĩa là chúng ta phải chịu mọi thiệt thòi và bất công. Nhưng nếu cả hai bên đều có lỗi thì sự bỏ qua tha lỗi chỉ là giao hoà với nhau. Trong cuộc sống, ít ai mà không phạm lỗi. Nên tha lỗi cho nhau là điều hợp lẽ nên làm. Chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con: Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em (Mt 6,14).

Thiếu đi tinh thần yêu thương của Chúa Kitô, con người không dễ dàng tha thứ cho nhau. Không nhiều thì ít, không lớn thì nhỏ, ai mà chẳng phạm lỗi chứ! Người phạm lỗi thì cần sửa lỗi và xin lỗi. Chúa Giêsu dạy: Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6,15). Người bị xúc phạm có thể tha lỗi và bỏ qua. Khi chúng ta không tha thứ cho anh em được thì chúng ta đã tự ràng buộc mình. Cái gánh nặng của ghen ghét, thù hận nó sẽ bám chặt lấy đời sống của chúng ta. Sự thù hận sẽ tăng lên và biểu hiện qua cách sống và cử xử. Chúng ta sẽ đánh mất đi sự tự nhiên và chân thật. Mỗi người chúng ta đã có những kinh nghiệm bức xúc này trong cuộc sống.

4. Tha vô điều kiện

Tha thứ như những cơn sóng dạt bờ, trôi theo mọi rác rến dơ bẩn. Tha thứ sẽ làm cho chúng ta cao thượng hơn. Tha thứ vượt trên sự công bằng. Truyện kể Hakuin là một đạo sĩ nổi tiếng ở Nhật Bản, sống ẩn dật trên núi. Một ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo biết mình có thai. Cô nàng nói với mọi người rằng chính đạo sĩ Hakuin là cha của thai nhi. Vừa nghe tin này, cả cha mẹ của cô và dân làng giận dữ tìm đến căn chòi của đạo sĩ. Họ la hét, chế nhạo và chửi rủa ông là người hư thân mất nết. Đạo sĩ điềm nhiên nói: Thế hả! Rồi khi em bé chào đời, đạo sĩ đã tìm đến xin đứa bé, ẵm bế về căn chòi nuôi nấng và chăm sóc như con ruột của mình. Khoảng 18 tháng sau, cô gái chửa hoang hối hận, thú nhận rằng đạo sĩ Hakuin không phải là cha của đứa trẻ nhưng cha thật là một chàng ngư phủ trẻ trong làng. Nghe tin này, cả dân làng xấu hổ. Một lần nữa, cha mẹ của cô gái và dân làng kéo đến chòi của đạo sĩ, họ xin lỗi vì đã phạm đến thanh danh một vị đạo sĩ thánh thiện. Đạo sĩ chỉ đáp lại: Thế hả!

Người ta thường nói: Một sự bất tín, vạn sự không tin. Có những trường hợp chỉ phạm lỗi một lần nhưng hậu quả lớn. Chúng ta có thể mất đi những người bạn tốt. Vì sợ rằng chứng nào tật ấy. Nhiều khi chúng ta lý luận rằng không chừa sẽ không tha. Vì giỡn với chó, chó liếm mặt. Có nghĩa là cứ bỏ qua hoài, sẽ nhờn mặt. Vì thế, người ta không muốn tha. Trở lại thời xưa, người ta đối xử với nhau bằng cách mắt đền mắt, răng đền răng. Ăn miếng trả miếng. Có những phim truyện dài là một chuỗi những trả thù. Gây thù hận và trả thù nối tiếp đời này qua đời khác. Truyện chỉ chấm dứt khi thù đã trả. Vậy thử hỏi rằng chúng ta có thể tha thứ được không? Những nỗi oan ức của những kẻ thấp cổ bé miệng bị người có quyền có thế chèn ép và áp đặt. Những trường hợp như cố ý ám hại, cướp của giết người, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần. Làm sao chúng ta có thể tha thứ được? Rồi nữa, những sự liên hệ bất chính và lừa đảo gây nên sự đổ vỡ hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình của người khác và những lời ăn tiếng nói xúc phạm đến danh dự và uy tín của người khác. Gian xảo và gian ngoa như là vết đen khó mà xoá bỏ. Hỏi rằng tha thứ thế nào bây giờ? Hãy ngước nhìn lên Thập giá của Chúa Kitô, mọi sự tha thứ đều có thể. Chúng ta hãy cùng học bài học tha thứ của Chúa Giêsu trên Thập giá. Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

5. Tha bao nhiêu là đủ

Tha thứ cho nhau bao nhiêu lần mới là đủ. Ngày nào mà chúng ta không phạm lỗi và lúc nào mà chúng ta không cần được tha thứ. Phạm lỗi chẳng dứt và tha thứ chẳng cùng. Đây chính là hiện thực của cuộc sống con người. Trong một ngày, ai mà không phạm lỗi, người đó được kể là vị thánh. Bởi vậy Chúa Giêsu mới lên tiếng: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Tha đi tha mãi, bao lâu chúng ta còn sống, bấy lâu chúng ta cần tha thứ và được tha thứ. Tha thứ là nghĩa cử cao đẹp nhất mà con người có thể thủ đắc. Muốn tha thứ, con người phải có lòng nhân, nghị lực và ý chí thắng vượt chính mình.

Để giúp nhau nên hoàn thiện, chúng ta cần tha thứ cho nhau. Đôi khi chúng ta cũng cần học biết nguyên nhân của sự lỗi và lầm lạc để tránh những thiệt hại. Truyện kể rằng một đêm nọ, vợ chồng nghe tiếng động ở nhà bếp chỗ nồi niêu xoong chảo. Chồng bảo vợ: Lấy cây đập chết mấy con chuột đang núp ở đó. Vợ phản đối: Không thể được, đập chuột sẽ bể nồi. Chồng nói: Làm sao bây giờ? Vợ trả lời: Chỉ có tha cho chuột. Rồi họ bỏ qua. Họ hàng nhà chuột sống yên thân và mỗi ngày phát triển. Chúng lại giành ăn làm bể nồi niêu. Người chồng nói tiếp: Đập chết chuột thì bể nồi, mà tha thứ cho nó cũng bể nồi, vậy phải làm gì? Người vợ làm thinh. Họ chỉ đặt vấn đề đập chuột, tha thứ cho chuột và bể nồi mà không tìm hiểu lý do tại sao? Tại vì nồi niêu dơ bẩn và mỡ màng làm cớ cho chuột trú ngụ.

6. Những đối tượng tha thứ

Sự tha thứ không chỉ giới hạn trong gia đình hay những người thân thích. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy vươn ra xa hơn để tha thứ cho cả kẻ thù. Những mức độ tha thứ cho nhau không luôn dễ. Khó tha lắm, đặc biệt ngay cả những người thân yêu nhất. Sự tha thứ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, con cái đối với cha mẹ, anh chị em ruột thịt rồi đến những người bà con nội ngoại và thân bằng quyến thuộc. Tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Tha thứ cho kẻ thù là một bước vượt ngoài cách đối xử bình thường. Chúa Giêsu muốn chúng ta bước thêm một bước để tha thứ cho kẻ thù. Có nhiều loại kẻ thù trong đời. Có những kẻ thù bên trong và bên ngoài. Kẻ nội thù mới đáng sợ. Người ta nói: Nuôi ong tay áo. Kẻ thù của sự phản bội này, rất khó tha thứ. Còn những kẻ thù không phải là thù ghét mà là kẻ gian, kẻ gây tai hoạ, kẻ lừa đảo ở đời, trộm cướp giết người hoặc những kẻ thù không tên. Chúng ta không biết họ và không nhìn thấy mặt họ, nhóm kẻ thù này chúng ta có thể bỏ qua tha thứ như một cơn bão chợt đến rồi đi.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao có quá nhiều các cặp hôn nhân đã ly dị? Có nhiều đôi đã sống đời với nhau cả 30 hay 40 năm, vì sao họ đã ly thân và ly dị? Có phải họ không thể chịu đựng nhau được nữa và cũng không thể tha thứ những lỗi lầm của nhau nữa. Người ta thống kê có gần phân nửa những cặp hôn nhân trên thế giới đã ly dị. Con số những cặp đã ly dị rất cao. Ai có thể nói rằng vợ chồng không thương yêu nhau chứ. Khởi đầu họ yêu thương nhau lắm và muốn sống đời với nhau. Nhưng với thời gian, trái tim của họ đã thay đổi. Họ không còn đủ nghị lực và kiên nhẫn để vượt qua được những xung khắc và những lỗi lầm của nhau. Họ đành phải chia tay. Tôi tự hỏi tại sao họ yêu nhau nhiều thế mà lại cắn nhau đau vậy? Chúa Giêsu nói rằng yêu nhiều thì tha nhiều. Họ không thể tha được nữa như vậy tình yêu nơi họ đã chấm dứt.

7. Tha thứ cho nhau

Sự tha thứ của cha mẹ đối với con cái thì bao giờ cũng rộng lượng hơn. Con cái dù có ngỗ nghịch đến đâu và có làm điều chi lỗi phạm, cha mẹ vẫn có thể tha thứ. Cha mẹ dù có khó khăn đến đâu đi nữa, cha mẹ vẫn có thể chấp nhận sự hư thân, mất nết và những sự bất hiếu của con cái. Cha mẹ sẽ tha thứ nếu con cái biết ăn năn hối cải. Truyện kể ông Margulier, phó chủ tịch công ty Warner Brother, có tài sản kếch xù. Ông có cậu quý tử 20 tuổi, âm mưu với chị là Marilynn Malky 32 tuổi, giết cha mẹ để đoạt gia tài. John tính kế mua súng hãm thanh, mua không được nên cậu đi thuê những tên du đãng giết dùm. Chúng đòi 100.000 đô. Chỉ cần đưa trước 20.000 đô. Để có số tiền, chị em âm mưu ăn cắp bức tranh quý của Picasso giá 100.000 đô. Câu chuyện bại lộ, hai chị em bị bắt. Trước toà án, vì cha mẹ khóc lóc van xin, nên chúng chỉ bị 4 năm tù quản thúc. Chánh án Pearce Young hỏi người cha: Ông nhất định nhận chúng là con và tha thứ cho quân mất dạy chăng? Ông Margulier khóc lóc gật đầu nói: Từ nay tôi xin chịu trách nhiệm về các con tôi.

Về phía con cái đối với cha mẹ, con cái không luôn dễ dàng tha thứ cho cha mẹ đâu. Khi con cái bất bình với cha mẹ hoặc đã làm tổn thương nhau, con cái dễ lìa cha mẹ và khó tha thứ. Thói đời thì nước mắt chảy xuôi, chứ mấy khi chảy ngược. Anh em ruột thịt trong một nhà cũng không luôn dễ tha thứ cho nhau. Nếu anh chị em có sự bất bình hay cãi cọ, cần có những lời xin lỗi và giao hoà ngay. Tình anh chị em dễ sứt mẻ lắm. Anh chị em thường ganh đua, bắt bẻ và dòm ngó nhau. Tuy rằng chung dòng máu ruột thịt nhưng anh chị em cần sòng phẳng. Người ta nói rằng tiền bạc sòng phẳng, tình nghĩa bền lâu. Điều này áp dụng đúng cho các anh chị em ruột thịt trong nhà. Tuy là anh chị em nhưng cơm ai người đó ăn, nhà ai người đó ở. Tuy rằng yêu nhau như anh chị em nhưng tha thứ cho nhau lại cần có những điều kiện. Còn những người thân thiết trong gia đình thì sao? Chúa đã đối xử với chúng ta thế nào, chúng ta hãy đối xử với nhau như vậy. “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Có biết bao câu chuyện đời đã minh chứng sự hẹp hòi của lòng con người với chính những người thân trong gia đình hơn là đối với những người ngoài. Nhiều khi chỉ vì một vài lý do thù hành hay bất bình nào đó mà anh em không nhìn mặt nhau. Từ bỏ nhau thì thật là phí uổng tình nghĩa anh chị em ruột thịt và thân tín trong gia đình.

Nói tóm lại, tác giả thánh vịnh đã than van rằng: Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 51,3-4). Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn nhơ nhớp, chúng con không xứng đáng đứng trước nhan thánh Chúa. Chúng con hằng tha thiết nài van Chúa tha cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ mắc nợ chúng con. Chúa đã tha cho chúng con từ lâu rồi. Chúa tha và Chúa đã quên tội lỗi của chúng con rồi. Chúng con lại quên đi lòng thương xót của Chúa mà cứ nhớ lỗi phạm của anh chị em chúng con. Lạy Chúa, xin thương tha thứ cho chúng con. Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin Ngài thương phù trợ, để danh Ngài rạng rỡ. Xin giải thoát chúng con, và thứ tha tội lỗi, vì danh dự của Ngài (Tv 79,9).

Bronx, New York

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu